Đặc điểm kinh tế - xã hội

Một phần của tài liệu Quá trình thực hiện chính sách an sinh xã hội tại thành phố hải phòng từ năm 2001 đến năm 2015 (Trang 51 - 56)

Chương 2. NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI Ở THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG TỪ NĂM 2001 ĐẾN NĂM 2015

2.2. Điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội tác động đến quá trình thực hiện chính sách an sinh xã hội tại thành phố Hải Phòng

2.2.2. Đặc điểm kinh tế - xã hội

* Đặc điểm kinh tế

Hải Phòng có những đặc điểm về kinh tế khá thuận lợi, tạo những tiền đề tốt cho thực hiện chính sách ASXH trên địa bàn.

Hải Phòng là thành phố cảng biển, có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội cả miền Bắc. Cảng Hải Phòng được xếp vào nhóm cảng biển quan trọng nhất trong khu vực Đông Nam Á với quy mô lớn và công nghệ xếp dỡ hiện đại. Hệ thống cảng biển Hải Phòng không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và đất nước.

Hải Phòng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế đa dạng, năng động và chuyển dịch hợp lý. Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng trung bình của cả nước. Kinh tế Hải Phòng đứng thứ hai ở vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, sau thủ đô Hà Nội. Cùng với sự tăng lên về quy mô nền kinh tế, cơ cấu kinh tế Hải Phòng có sự dịch chuyển tích cực theo hướng CNH, HĐH. [phụ lục 2.2]

Sự đa dạng trong cơ cấu kinh tế, sự dịch chuyển hợp lý giữa các ngành nghề đã đóng góp tích cực trong việc giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập, giảm bớt số lao động nhàn rỗi trong nông nghiệp, tạo việc làm thêm cho những lao động ở nông thôn, góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo ASXH của Hải Phòng.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, ngày càng được đầu tư phát triển hiện đại. Hải Phòng hội đủ 5 loại hình giao thông là đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không và hệ thống cảng biển. Ngoài hệ thống cảng biển, Hải Phòng có các tuyến đường bộ huyết mạch nối với các tỉnh thành khác như: Quốc lộ 5, quốc lộ 10, quốc lộ 37... các tuyến đường cao tốc:

Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Hạ Long, cao tốc ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình. Có tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng kết nối với Lào Cai - Vân Nam (Trung Quốc) và Lạng Sơn - Quảng Tây (Trung Quốc). Có Cảng hàng không quốc tế Cát Bi nằm trong quy hoạch tổng thể về giao thông đường hàng không của cả nước nói chung và thành phố

Hải Phòng nói riêng. Cùng với đó là hạ tầng điện, nước, viễn thông không ngừng được mở rộng về quy mô, chất lượng tăng cường sức cạnh tranh của nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân.

Bên cạnh những đặc điểm thuận lợi đó, kinh tế Hải Phòng cũng còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu của chính sách ASXH.

Kinh tế Hải Phòng phát triển chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế vốn có. Quy mô của nền kinh tế vẫn còn nhỏ, tỷ trọng đóng góp vào ngân sách nhà nước còn khiêm tốn. Trong một khoảng thời gian dài, nền kinh tế Hải Phòng không có bước đột phá, không tạo ra được động lực phát triển. Bởi vậy, Hải Phòng từng được xem là “thành phố ngủ quên”.

Nền kinh tế Hải Phòng thiếu sự ổn định, ảnh hưởng trực tiếp từ sự tác động bất lợi của bên ngoài. Kinh tế Hải Phòng được phát triển trên nền tảng là cảng biển, thiên về hướng ngoại, bởi vậy sự biến động của nền kinh tế thế giới sẽ tác động trực tiếp đến kinh tế thành phố. Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của khủng kinh tế thế giới, nền kinh tế Hải Phòng có sự tăng trưởng không ổn định. Điều này, tạo ra nhiều áp lực đối với vấn đề việc làm cho người lao động.

Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu của phát triển. Cơ sở hạ tầng, nhất là mạng lưới giao thông vận tải đường bộ và đường sắt vẫn còn những bất cập nhất định. Hệ thống giao thông nội đô, cấp thoát nước được xây dựng từ lâu đã trở nên chật chội, xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

* Đặc điểm xã hội

- Dân số: Trong các yếu tố tác động đến quá trình thực hiện ASXH, dân số và nguồn lao động là yếu tố có tác động lớn và trực tiếp nhất.

Bảng 2.2: Quy mô và gia tăng dân số Hải Phòng (1999 - 2015)

1999 2005 2009 2015

Quy mô (nghìn người) 1.677,5 1.791,7 1.837,2 1.963,3

Tỷ lệ gia tăng dân số (%) 1,03 1,22 1,23 0,96

-Tr.đó: + Gia tăng tự nhiên (‰) 10,23 10,9 10,5 8,1

+ Gia tăng cơ học (‰) -9,2 1,3 1,8 1,5

Tỷ suất di cư thuần (‰) -9,2 1,3 1,8 1,5

- Tr.đó: + Tỷ suất xuất cư (‰) 19,1 2,9 3,8 1,4

+ Tỷ suất nhập cư (‰) 9,9 4,1 5,6 2,9

(Nguồn: Niên giám thống kê thành phố Hải Phòng, 2000, 2005, 2010, 2015) Năm 1999 dân số Hải Phòng là 1,67 triệu người [17, tr.40], đến năm 2015 tăng lên hơn 1,9 triệu người [20, tr.35]. Với quy mô này, dân số Hải Phòng chiếm 9,4% dân số Đồng bằng Sông Hồng (đứng thứ hai sau Hà Nội);

trên 2,1% dân số cả nước, xếp thứ 7 trong tổng số 63 tỉnh/thành phố.

Về sự gia tăng dân số Hải Phòng, bên cạnh tỷ lệ gia tăng tự nhiên còn có sự thay đổi trong tỷ lệ gia tăng cơ học. Trước năm 2000, Hải Phòng là thành phố xuất cư, tuy nhiên, từ sau năm 2000, dòng người xuất cư giảm xuống và dòng người nhập cư tăng lên. Năm 2015, tỷ suất nhập cư là 2,9‰ so với 1,4‰ tỷ xuất suất cư [20, tr.35]. Đa số những người nhập cư vào thành phố Hải Phòng là người trong độ tuổi lao động với mong muốn tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống. Điều này, góp phần bổ sung nguồn lao động nhưng cũng kéo theo nhiều vấn đề phải quan tâm như việc làm, nhà ở, giáo dục, an ninh trật tự.

Về cơ cấu dân số theo nhóm tuổi, Hải Phòng đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Năm 2015, nhóm dân số trong độ tuổi 15 - 60 chiếm tỷ lệ 63,7%; nhóm dân số trong độ tuổi 0 - 14 là 22,8% (có xu hướng giảm cả về số lượng và tỷ trọng); nhóm dân số trên 60 tuổi là 13,5% (có xu hướng tăng lên về cả quy mô và tỷ trọng) [20, tr.36].

Bảng 2.3: Cơ cấu dân số Hải Phòng phân chia theo độ tuổi (1999 - 2015)

1999 2009 2015

Nhóm tuổi (%)

0-14t 15-60t 60+ 0-14t 15-60t 60+ 0-14t 15-60t 60+

29,4 60,8 9,8 21,0 68,7 10,3 22,8 63,7 13,5 (Nguồn: Niên giám thống thành phố Hải Phòng 2001,2010, 2015) Cơ cấu dân số vàng đồng nghĩa nguồn lao động dồi dào là điều kiện

“nhân hòa” một động lực quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, xu thế già hóa dân số xuất hiện cũng đặt ra nhiều áp lực về kinh tế, trong đó có vấn đề về bảo hiểm xã hội.

Về phân bổ dân cư. Dân cư phân bổ không đồng đều, có sự chênh lệch giữa phần đất liền với khu vực hải đảo [phụ lục 2.3]. Hai huyện đảo Cát Hải và Bạch Long Vĩ có mật độ dân cư thấp so với các quận, huyện trên đất liền, mật độ bình quân năm 2017 của các huyện đảo này là lần lượt là 101 và 360 người/km2 trong khi các quận huyện trên đất liền trung bình là 1.500 người/km2, đặc biệt, quận Ngô Quyền là 15.401 người/km2, quận Lê Chân là 18.805 người/km2. Khu vực thành thị có mật độ đông đúc hơn hẳn so với khu vực nông thôn: 3.479 người/km2 so với 806 người/km2 [21, tr.12]. Sự phân bổ dân cư này đặt ra yêu cầu, một mặt phải có những chính sách kinh tế, ASXH đặc thù cho các huyện đảo, đồng thời có những giải pháp để giải quyết những áp lực về giáo dục, y tế, nước sạch, nhà ở trong các quận nội thành.

Tính cách con người Hải Phòng. Trong Chuyên đề Nghiên cứu đề xuất chủ trương, giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa đến năm 2010 và 2020 để văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần xã hội do Sở Văn hóa - Thông tin thực hiện, trên cơ sở phân tích những yếu tố về lịch sử, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đã chỉ ra những đặc trưng tính cách của người Hải Phòng, đó là: 1) Cương trực, dũng cảm, có nghĩa khí và dám đương đầu với cái khó; 2) Năng động, sáng tạo, nhạy bén với cái mới; 3) Lao động cần cù, thông minh và tài hoa; 4) Thẳng thắn, cởi mở, hòa đồng, bao dung và độ lượng [110,

tr.232]. Đây chính là những điều kiện thuận lợi để phát huy và nâng cao năng lực tự an sinh cho người dân Hải Phòng.

Bên cạnh những phẩm chất đáng quý nêu trên, tính cách người Hải Phòng có bộ lộ nhiều hạn chế đó là: “Sự bảo thủ, ương ngạnh, thậm chí có phần liều lĩnh và thiếu tính kỷ luật; không kiên trì, ưa làm việc lớn nhưng thiếu tính kiên nhẫn, không đi đến cùng của mọi việc; tính cầu thị và học hỏi không cao” [110, tr.232]. Những tính cách này cũng chính là trở ngại cần được lưu ý và khắc phục trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung, đảm bảo ASXH nói riêng.

Một phần của tài liệu Quá trình thực hiện chính sách an sinh xã hội tại thành phố hải phòng từ năm 2001 đến năm 2015 (Trang 51 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(222 trang)