Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.1. Những công trình nghiên cứu có liên quan đề đề tài
1.1.3. Những công trình nghiên cứu ở Hải Phòng
Một số công trình nghiên cứu ở Hải Phòng có liên quan đến ASXH như:
Cuốn “Lịch sử Đảng bộ thành phố Hải Phòng” do Thành ủy Hải Phòng chỉ đạo biên soạn, gồm 3 tập, được xuất bản bởi Nxb Hải Phòng [95,96, 97].
Công trình đã phân tích cụ thể lịch sử ra đời, đặc điểm về điều kiện tự nhiên và con người Hải Phòng. Đồng thời, công trình đã làm rõ sự ra đời và quá trình lãnh đạo của Đảng bộ thành phố Hải Phòng từ năm 1930 đến năm 2000.
Trong đó, tập 3 đã tái hiện quá trình Đảng bộ thành phố lãnh đạo thực hiện sự nghiệp đổi mới tại địa phương từ 1986 đến năm 2000. Trong quá trình đó, các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, vận động quần chúng của thành phố đều có những bước tiến bộ, một số mặt đứng ở vị trí hàng đầu đất nước. Tuy nhiên, những yếu kém, khuyết điểm như: kinh tế-xã hội thiếu tính ổn định, chưa phát huy cao nguồn nội lực, phát triển chưa ngang tầm với vị thế của một thành phố lớn của đất nước và những điều này vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Tác giả Lưu Văn Hân, Trần Minh Quốc, Bùi Đức Tuyến với cuốn
“Thành phố Hải Phòng: Tiềm năng và triển vọng những năm đầu thế kỷ 21”, (Nxb Hải Phòng, năm 2000) [54]. Công trình đã cho thấy, Hải Phòng có những tiềm năng và lợi thế lớn, đó là: sự ưu đãi về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên; vị trí chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam (điều mà không phải địa phương nào trong cả nước cũng có được). Bên cạnh những lợi thế, công trình cũng đề cập đến những thách thức trong giai đoạn phát triển mới của thành phố, đó là sự phức tạp của tình hình chính trị kinh tế trên thế giới, các vấn đề mang tính toàn cầu như dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường…với vị trí là thành phố cảng biển quốc tế, Hải Phòng chịu sự tác động trực tiếp đó. Những khó khăn, thử thách còn xuất phát từ bên trong như: kinh tế thành phố phát triển thiếu ổn định; cơ sở hạ tầng xuống cấp; nguồn lao động còn thiếu về số lượng và chất lượng.
Luận án “Nhân tố dân số và lao động trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng của nghiên cứu sinh Hoàng Văn Kế, năm 1995 [66].
Trong đề tài, tác giả đã phân tích rõ những đặc điểm về tự nhiên, xã hội và đánh giá những tiềm năng của thành phố Hải Phòng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, nội dung của luận án trình bày mối quan hệ giữa dân số, lao động với phát triển kinh tế - xã hội; thực trạng dân số, lao động và tác động của chúng tới kinh tế - xã hội ở thành phố Hải Phòng. Có thể nói, dân số và lao động là những vấn đề liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chính sách ASXH, đó được xem vừa là mục tiêu vừa là động lực của chính sách. Do đó, với bức tranh dân số (số lượng, cơ cấu, phân bổ) và nguồn lao động (số lượng, cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề) được trình bày trọng luận án đã cung cấp cho nghiên cứu sinh có cách nhìn đầy đủ về yếu tố này đối với việc thực hiện chính sách ASXH.
Cuốn “Hải Phòng 50 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành 1955- 2005” của Thành ủy Hải Phòng [103] và cuốn “Đảng bộ Hải Phòng - những thành tựu 5 năm đầu thế kỷ XXI” của tác giả Nguyễn Văn Thuận (Nxb Hải Phòng, năm 2005) [117]. Các công trình đã cho thấy những kết quả tích cực về kinh tế, văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo của Hải Phòng trong 5 năm đầu thế kỷ XXI và trong suốt 50 năm xây dựng và phát triển.
Công trình giúp cho nghiên cứu sinh nhận thức rõ hơn tiến trình phát triển, sự thay đổi toàn diện của thành phố.
Cuốn “Hải Phòng 40 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh của” nhóm tác giả Hoàng Văn Kể, Nguyễn Đình Then, Nguyễn Khắc Phòng, (Nxb Hải Phòng, năm 2010) [67]. Công trình tập hợp 36 bài viết về những thành tựu của các đơn vị, cá nhân tiêu biểu đại diện cho đảng bộ và nhân dân thành phố Hải Phòng trong suốt 40 năm thực hiện và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong số những bài viết đó, có những cơ quan, đơn vị đã thực hiện tốt các vấn đề về ASXH. Thông qua công trình, nghiên cứu sinh
có được những thông tin về những đơn vị, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ được giao và đóng góp vào quá trình giải quyết các vấn đề xã hội. Đó là cơ sở để khẳng định, giải quyết tốt chính sách ASXH cần có sự vào cuộc, sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân trong xã hội.
Bên cạnh những công trình nêu trên, một số công trình có đề cập đến vấn đề cụ thể của ASXH. Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội với cuốn
“Việc làm cho thanh niên ở khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp và nhu cầu tìm việc làm của thanh niên nông thôn ở khu công nghiệp tại Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Hải Phòng” (Nxb Lao động - Xã hội, Hà Nội, năm 2008) [12]. Công trình đã làm rõ sự chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sang đất công nghiệp với diện tích lớn và trong thời gian ngắn gắn với quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH ở thành phố Hải Phòng. Việc chuyển đổi đó đã tác động đến vấn đề việc làm của thanh niên. Số lượng thanh niên thiếu việc làm và nhu cầu tìm việc tăng lên tuy nhiên những hạn chế về mặt trình độ, kỹ năng đang gây ra những trở ngại trong tìm kiếm việc làm. Trên cơ sở đó, một số phương hướng và giải pháp được nêu ra như chuyển đổi nghề, đào tạo nghề phù hợp (ngắn hạn, dài hạn, đào tạo chỗ, đào tạo lại) cho đối tượng này được đề ra.
Kỷ yếu “Chương trình nghiên cứu khoa học phục vụ triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ thành phố”, do Thành ủy Hải Phòng chủ trì, năm 2009, gồm 2 tập. Tập 1, các chuyên đề về phát triển kinh tế [109]; Tập 2, các chuyên đề về văn hóa, xã hội [110]. Nội dung các chuyên đề góp phần tổng kết thực tiễn các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa từ năm 2001 đến năm 2007 và cung cấp cho nghiên cứu sinh những tư liệu, số liệu về các vấn đề liên quan đến ASXH ở Hải Phòng.
Đề tài khoa học cấp thành phố “Môi trường sống, điều kiện lao động của công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố Hải Phòng của Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng, năm 2011 [70].
Công trình làm rõ những thay đổi về môi trường sống và điều kiện lao động của công nhân ở Hải Phòng, tuy đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Trước thực trạng đó, nhóm tác giả đã đề xuất nhiều giải pháp để nâng cao môi trường sống và điều kiện lao động cho công nhân, góp phần quan trọng vào việc ổn định cuộc sống, đảm bảo ASXH trên địa bàn thành phố.
Đề tài khoa học cấp thành phố “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp đảm bảo dân chủ và ASXH phục vụ xây dựng nông thôn mới ở Hải Phòng” của Trường Đại học Hải Phòng, năm 2015 [126]. Công trình một mặt đã nêu lên thực trạng của vấn đề đảm bảo dân chủ và ASXH trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Hải Phòng. Bên cạnh đó, làm rõ mối quan hệ giữa ASXH với quá trình xây dựng nông thôn mới. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới việc đầu tư xây dựng các công trình về giáo dục, y tế, nhà văn hóa, công trình nước sạch; các giải pháp để nâng cao thu nhập cho người dân, chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở nông thôn vừa làm thay đổi diện mạo ở nông thôn vừa thực hiện tốt ASXH.
Luận án “Nguồn lao động và sử dụng lao động ở thành phố Hải Phòng”, của nghiên cứu sinh Tô Thị Hồng Nhung, năm 2017 [82]. Luận án đã chỉ rõ những vấn đề nổi bật liên quan đến lao động và sử dụng lao động ở Hải Phòng đang gặp phải như hạn chế về chất lượng, chưa đáp ứng được cho yêu cầu phát triển, tập trung đông ở khu vực nông thôn, thu nhập và năng suất thấp và Hải Phòng không phải điểm đến hấp dẫn thu hút lao động chất lượng cao như một số thành phố lớn khác. Hơn thế nữa, Hải Phòng phải đối mặt với việc xuất cư của một bộ phận lao động có trình độ cao. Đây thực sự là những trăn trở đối với thành phố.