Bối cảnh lịch sử và chủ trương của thành phố Hải Phòng về thực hiện chính sách an sinh xã hội

Một phần của tài liệu Quá trình thực hiện chính sách an sinh xã hội tại thành phố hải phòng từ năm 2001 đến năm 2015 (Trang 60 - 64)

Chương 2. NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI Ở THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG TỪ NĂM 2001 ĐẾN NĂM 2015

3.1. Bối cảnh lịch sử và chủ trương của thành phố Hải Phòng về thực hiện chính sách an sinh xã hội

3.1.1. Bối cảnh lịch sử

Bước vào thời kỳ mới, tình hình thế giới có nhiều biến động, cơ hội và thách thức tồn tại đan xen, tác động sâu sắc đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung, Hải Phòng nói riêng.

Cách mạng khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Xu thế toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế trở thành xu thế khách quan vừa thúc đẩy hợp tác vừa tăng sức ép cạnh tranh và tính tùy thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia. Bên cạnh đó, những vấn đề như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, tình trạng nghèo đói trở thành vấn đề toàn cầu, giải quyết những vấn đề này trở nên cấp bách và cần phải có sự chung tay, chia sẻ hợp tác giữa các quốc gia với nhau.

Sau 15 thực hiện đường lối đổi mới và 10 năm thực hiện Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 1991 - 2000, thế và lực của Việt Nam được nâng cao. Cơ sở vật chất - kỹ thuật của nền kinh tế được tăng cường. Tình hình chính trị - xã hội cơ bản ổn định. Môi trường hoà bình, sự hợp tác, liên kết quốc tế và những xu thế tích cực trên thế giới tạo điều kiện để Việt Nam tiếp tục phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa và phát triển đất nước. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Việt Nam vẫn còn là một nước kinh tế kém phát triển, mức sống còn thấp, khoảng cách phát triển kinh tế so với một số nước trong khu vực và trên thế giới còn lớn. Trong khi đó,

“tình trạng tham nhũng và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối

sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang cản trở việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng” [41, tr.67]. Bối cảnh lịch sử đó, đặt Việt Nam - một nước đi sau vừa có cơ hội thu hẹp khoảng cách phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới, đồng thời sẽ tụt hậu xa hơn nếu không tranh thủ được cơ hội, khắc phục yếu kém để vươn lên.

Đối Hải Phòng, kinh tế thành phố có sự phát triển và khẳng định vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thế mạnh công nghiệp, cảng biển, thương mại được phát huy. Cơ sở hạ tầng đô thị, nông thôn, hải đảo được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Quan hệ kinh tế đối ngoại được mở rộng. Đó là những yếu tố thuận lợi, tạo ra những tiền đề cần thiết để thành phố thực hiện chính sách ASXH.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thành phố còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Tốc độ tăng trưởng thiếu ổn định, cơ sở hạ tầng không theo kịp với sự phát triển, sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các địa phương khác dẫn đến sự giảm sút trong đầu tư nước ngoài, một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn thua lỗ, phá sản. Bên cạnh đó, thiên tai và dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng kinh tế thành phố mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề đảm bảo ASXH.

Trước những điều kiện lịch sử đó và với kỳ vọng Hải Phòng sẽ là một động lực tăng trưởng quan trọng cho quá trình phát triển ở miền Bắc cũng như cả nước, ngày 05/8/2003, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 32-NQ/TW về Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết đề ra mục tiêu: “Hải Phòng là thành phố cảng, công nghiệp hiện đại; là đô thị trung tâm cấp quốc gia; đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, một trong những trung tâm công nghiệp, thương mại lớn của cả nước và trung tâm dịch vụ, du lịch, thuỷ sản, giáo dục và y tế của vùng duyên hải Bắc Bộ; một pháo đài bất khả xâm phạm về quốc phòng -

an ninh; đời sống người dân ngày một nâng cao”[45]. Nghị quyết 32 đã thể hiện sự quan tâm của Bộ Chính trị đối với quá trình phát triển của thành phố Hải Phòng, đồng thời mở ra một giai đoạn phát triển mới cho thành phố.

3.1.2. Chủ trương của thành phố Hải Phòng

Từ bối cảnh lịch sử nêu trên, quá trình thực hiện chính sách ASXH ở thành phố, một mặt theo quan điểm chỉ đạo của trung ương đề ra trong Nghị quyết số 32, mặt khác dựa trên đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội cụ thể, thành phố đã đề ra những chủ trương cụ thể để thực hiện cho giai đoạn 2001 - 2010.

Trong giai đoạn này, chủ trương chung được Đảng bộ thành phố đề ra là: Tiếp tục đẩy mạnh nhanh quá trình công nghiệp hóa xây dựng Hải Phòng thành thành phố cảng văn minh, hiện đại, cửa chính ra biển, trung tâm công nghiệp, dịch vụ, thủy sản ở miền Bắc, có kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng phát triển, quốc phòng - an ninh vững chắc” [98, tr.19]...“đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên một bước, tạo nền tảng vững chắc để Hải Phòng cơ bản trở thành thành phố công nghiệp văn minh, hiện đại trước năm 2020 từ 3 đến 5 năm [98, tr.148].

“Từng bước thực hiện công bằng xã hội thông qua việc xây dựng và triển khai hệ thống cơ chế, chính sách ASXH đa dạng và phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố” [99, tr.176].

Để thực hiện mục tiêu trên, Đại hội XII (2001), Đại hội XIII (2006) Đảng bộ thành phố đã đề ra một số giải pháp và chỉ tiêu cho từng lĩnh vực cụ thể:

Về vấn đề giải quyết việc làm, Thành phố chủ trương đẩy mạnh giải quyết việc làm gắn với đổi mới cơ chế chính sách thu hút đầu tư, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Trong đó, tập trung hướng vào các ngành kinh tế biển, đầu tư nước ngoài và khu vực nông thôn. Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình giải quyết việc làm quốc gia;

tăng cường đào tạo và xuất khẩu lao động, tích cực tìm kiếm thị trường mới.

Đầu tư nâng cao cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy của các trường nghề.

Tạo việc làm mới cho 17,7 vạn lao động, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 3,5 vạn lao động cho giai đoạn 2001 - 2005 [98, tr.38]; giải quyết việc làm cho 22,5 vạn lao động, bình quân mỗi năm đạt 4,5 vạn lao động cho giai đoạn 2006 - 2020 [99, tr.47]. Đồng thời, “giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 5%, phấn đấu nâng tỷ lệ thời gian lao động ở khu vực nông thôn đạt 85 - 90%/năm (vào năm 2010)” [99, tr.47 ].

Về BHXH, BHYT, tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác bảo hiểm, trước hết là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Về XĐGN, đẩy mạnh cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo đi đôi với chống tái nghèo có hiệu quả. Xây dựng chương trình xóa đói giảm nghèo sát với điều kiện cụ thể của địa phương, thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ thoát nghèo và tạo động lực làm giàu trong đông đảo các tầng lớp dân cư. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5-6% vào năm 2010 (theo chuẩn nghèo mới) [99, tr.46].

Về TGXH, tăng cường thực hiện các chính sách đối với người tàn tật, hoàn cảnh khó khăn, dễ tổn thương; tăng cường mạng lưới ASXH, bảo trợ xã hội, cứu trợ xã hội; tạo điều kiện và khuyến khích, vận động các tầng lớp dân cư, các tổ chức trong và ngoài nước tham gia vào các hoạt động phát triển mạng lưới ASXH.

Về DVXHCB

Về giáo dục, tạo bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện về giáo dục đào tạo.

Phát triển quy mô giáo dục - đào tạo theo cơ cấu các loại hình phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội và theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển các trung tâm học tập cộng đồng. Phấn đấu hoàn thành phổ cập bậc phổ thông trung học và nghề trên địa bàn thành phố vào năm 2008.

Về y tế, phấn đấu để mọi người dân được cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, có điều kiện tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao... Tập trung phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở, y tế kỹ thuật cao và

chuyên sâu. Thực hiện công bằng xã hội trong khám, chữa bệnh. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động y tế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ y tế.

Về nhà ở, đẩy mạnh phát triển chương trình nhà ở, xây dựng các khu ký túc xá tại khu vực ngoại thành để giảm mật độ dân cư trong nội thành; quan tâm đúng mức việc nâng cấp chỉnh trang đô thị cũ.

Về nước sạch, “đảm bảo 100% số hộ gia đình ở thành thị và trên 90%

số hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% số hộ có điện sử dụng” [99, tr.43].

Về thông tin, duy trì và củng cố nâng cao chất lượng hệ thống truyền thanh các xã, phường, thị trấn. Nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình. Đầu tư ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong truyền dẫn phát sóng, công nghệ sản xuất chương trình phát thanh - truyền hình. Phấn đấu 100% số hộ được nghe đài phát thanh và xem truyền hình [99, tr.46].

Như vậy, trong chủ trương của thành phố đã đề cập đến các lĩnh vực quan trọng của ASXH, chỉ ra những vấn đề cơ bản, trọng tâm cần tập trung giải quyết trong giai đoạn 2001 - 2010.

Một phần của tài liệu Quá trình thực hiện chính sách an sinh xã hội tại thành phố hải phòng từ năm 2001 đến năm 2015 (Trang 60 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(222 trang)