Chương 5. MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI TẠI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG TỪ NĂM 2001 ĐẾN NĂM 2015
5.3. Những vấn đề đặt ra
5.3.1. Những hạn chế và tồn tại
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong quá trình thực hiện chính sách ASXH ở thành phố Hải Phòng vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. .
Thứ nhất, kết quả thực hiện trên một số lĩnh vực còn hạn chế, chậm được giải quyết.
Chất lượng nguồn nhân lực nhìn chung còn thấp so với yêu cầu của quá trình CNH, HĐH thành phố, vẫn được coi là một điểm nghẽn của trình phát triển. Giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho nông dân, người lao động ở những khu vực bị thu hồi đất chưa thực sự hiệu quả, ảnh hưởng đến đời sống người dân, tình trạng người dân khiếu kiện về đất đai còn phổ biến. Đời sống người dân ở hải đảo còn nhiều khó khăn, những điều kiện thiết yếu như giáo dục, y tế, thông tin, nước sách chưa đáp ứng được yêu cầu. Vấn đề xã hội hóa bị lợi dụng nên tình trạng lạm thu phổ biến với các hình thức quyên góp, tài trợ..., bậc học mầm non khu vực ngoại thành, khu công nghiệp chất lượng thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của người lao động. Chất lượng khám chữa bệnh chưa cao, thiếu thầy thuốc giỏi và chuyên gia y tế đầu ngành dẫn đến người
dân cho xu hướng vượt tuyến lên Hà Nội, một số bệnh viện cơ sở vật chất xuống cấp; Tỷ lệ người dân sử dụng nước theo tiêu chuẩn chất lượng còn thấp, nhiều công trình nước sạch quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu dẫn đến việc xử lý ô nhiễm chưa triệt để. Vấn đề nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhu cầu về nhà ở xã hội cao nhưng thành phố chưa có giải pháp hữu hiệu, trong khi đó nhà ở thương mại phát triển...
Những hạn chế trên, chưa được giải quyết điều đó tác động xấu đến tâm lý, tình cảm, thái độ của người dân đối với chính quyền, làm giảm đi sự hiệu quả và ý nghĩa của chính sách ASXH.
Thứ hai, nhiều đối tượng còn bị bỏ sót. ASXH ở Việt Nam là toàn dân, hướng đến toàn dân, tuy nhiên trong thực tiễn ở Hải Phòng cho thấy vẫn còn nhiều đối tượng bị bỏ sót. Những đối tượng cụ thể rõ ràng, dễ xác định như người nghèo, người yếu thế được nhiều ưu đãi, nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía Nhà nước cũng như chính quyền. Trong khi đó những nhóm đối tượng như công nhân, những người lao động có thu nhập thấp trong các đô thị chưa nhận được hay rất khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Tỷ lệ người lao động được đóng BHXH còn thấp (25% số lao động có tham gia BHXH, 22% tham gia bảo hiểm thất nghiệp [9]). Ngoài ra, những khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở xã hội (do không có nhiều dự án được triển khai hay thủ tục quá phức tạp và không có được thông tin...) làm cho cuộc sống của họ trở nên khó khăn và bấp bênh hơn. Đây là vấn đề không chỉ của thành phố Hải Phòng mà còn là tình trạng chung của cả nước.
Thứ ba, mức hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn còn thấp. Từ 120 nghìn đồng (năm 2007) nâng lên 240 nghìn đồng ( năm 2013) là mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội cho những đối tượng gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 136-NĐ/CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã. Thành phố Hải Phòng, là đô thị lớn, trung tâm kinh tế của khu vực miền Bắc nhưng vẫn thực hiện theo quy định của Nhà nước mà chưa có khoản tăng thêm cho các đối tượng. Điều đó đồng nghĩa, mức trợ cấp mà các đối tượng đặc biệt khó khăn nhận được chỉ hỗ trợ một phần nhỏ chi phí
trong cuộc sống chứ chưa thể giúp họ ổn định hay đảm bảo những điều kiện sống ở mức tối thiểu. Trong chương trình xóa đói giảm nghèo với số tiền 18 triệu động đối với hộ nghèo, 22 triệu đồng đối với hộ cận nghèo mức trung bình mà mỗi hộ được vay trong giai đoạn 2011 - 2015. So với yêu cầu vốn để sản xuất, kinh doanh thì với những mức hỗ trợ như vậy còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tương tự như vậy, mức cho vay cho học sinh, sinh viên thuộc hộ chính sách tuy có điều chỉnh tăng lên từ 900.000 đồng/tháng lên hơn 1.000.000 đồng/tháng, với mức vay đó, theo đánh giá của cả cán bộ Ngân hàng và người dân là thấp, không đáp ứng nhu cầu của người dân. Bởi vậy, xu hướng vay đối với chương trình này có giảm xuống.
Thứ tư, sự chồng chéo giữa các chương trình, chính sách với nhau và giữa các cơ quan thực hiện.
Chính sách ASXH ở Việt là tập hợp của nhiều chính sách và có sự tham gia của nhiều cơ quan ban ngành (đã được quy định, phân công trách nhiệm trong từng chính sách). Nhưng trong quá trình thực hiện vẫn có sự chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý khi có vấn đề xảy ra. Điển hình như vấn đề bội chi quỹ BHYT, ngành bảo hiểm cho rằng đó là do tình trạng chỉ định dịch vụ kỹ thuật vượt mức cần thiết, chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú khi chưa cần thiết hoặc kéo dài ngày điều trị, kê đơn thuốc vượt định mức. Trong khi đó, ngành y tế cho rằng, do yếu kém, thiếu sót trong công tác quản lý của BHXH. Ngoài ra còn có sự chồng chéo trong từng chính sách, nội dung của chính sách này có trong nội dung của chính sách khác như giữa xóa đói giảm nghèo với trợ giúp xã hội; giữa giảm nghèo với chính sách giải quyết việc làm. Điều này dẫn đến sự thiếu tập trung, phân tán nguồn lực và khó khăn trong việc đánh giá hiệu quả của chính sách.
Thứ năm, còn hiện tượng tiêu cực, lợi dụng chính sách để trục lợi.
Nguồn chi cho các chương trình, chính sách ASXH tăng lên cùng với sự phát triển kinh tế, số lượng các chương trình ngày càng nhiều, đối tượng được mở rộng. Điều này dẫn đến nguy cơ dễ xảy ra tiêu cực và trên thực tế tình trạng vi phạm pháp luật, lợi dụng chính sách ASXH để trục lợi vẫn còn
tồn tại. Những hiện tượng tiêu cực như cố tình thống kê sai số lượng, xác định sai đối tượng hưởng chính sách hay gây khó khăn phiền hà khi người dân đến giải quyết chế độ đã ảnh hưởng đến tính hiệu quả và giá trị của chính sách.
Đối với một số chính sách cụ thể như BHXH, BHYT vẫn còn tình trạng lợi dụng để trục lợi quỹ BHXH, BHYT, một số đơn vị sử dụng lao động, người lao động vẫn chưa ý thức hết trách nhiệm, quyền lợi về việc tham gia BHXH, BHYT, dẫn đến trình trạng vi phạm pháp luật về Luật BHXH, Luật BHYT còn phổ biến. Một số cơ sở y tế, đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi các cá nhân và tổ chức đầu tư góp vốn để mở các khoa khám và chữa bệnh theo yêu cầu. Điều này dẫn đến xu hướng chú trọng phát triển khám và chữa bệnh theo yêu cầu. Từ đó, tạo ra gánh nặng về chi phí khám và chữa bệnh cho người dân và về lâu dài sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng đối với dịch vụ đặc biệt này. Trong lĩnh vực giáo dục, “xã hội hóa” đã dẫn đến những hiện tượng lạm thu, phát sinh nhiều khoản đóng góp tạo không ít khó khăn, áp lực cho người dân đặc biệt đối với người lao động có thu nhập thấp.
Những vấn đề tiêu cực trên không chỉ đi ngược lại với mục đích và bản chất tốt đẹp của chính sách mà còn gây tâm lý bức xúc, bất bình của người dân.