Bối cảnh lịch sử mới và chủ trương của thành phố Hải Phòng trong chỉ đạo thực hiện chính sách an sinh xã hội

Một phần của tài liệu Quá trình thực hiện chính sách an sinh xã hội tại thành phố hải phòng từ năm 2001 đến năm 2015 (Trang 96 - 101)

Chương 4. ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI TẠI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

4.1. Bối cảnh lịch sử mới và chủ trương của thành phố Hải Phòng trong chỉ đạo thực hiện chính sách an sinh xã hội

4.1.1. Bối cảnh lịch sử mới

Giai đoạn 2011 - 2015, tình hình thế giới được đánh giá là diễn biến phức tạp, cơ hội và thách thức tồn tại đan xen nhau do sự tác động của các yếu tố cách mạng khoa học công nghệ, xu thế toàn cầu hóa hội nhập quốc tế và những vấn đề toàn cầu (xung đột, khủng bố, tội phạm quốc tế, đói nghèo, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, các thảm họa thiên nhiên).

Đối với Việt Nam, năm 2010 là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển: “Đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình” [43, tr.91], diện mạo và vị thế của Việt Nam có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, “Những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Kinh tế phát triển chưa bền vững, có một số mặt yếu kém chậm được khắc phục, nhất là về giáo dục, đào tạo và y tế; đạo đức, lối sống trong một bộ phận xã hội xuống cấp”[43, tr.92-93]. Trên cơ sở đó, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Đảng đã đề ra quan điểm phát triển: “Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững.

Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hoà với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân” [43, tr.93]. “Phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển… không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của mọi người dân, thực hiện công bằng xã hội” [43, tr.94]. Có thể thấy, bao trùm trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là vì con người, lấy con người là trung tâm của sự phát triển với mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Để làm rõ thêm những vấn đề về xã hội, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành trung ương Khóa XI ra Nghị quyết số 15-NQ/TW về Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020. Nghị quyết khẳng định đảm bảo ASXH là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ. Việt Nam được Liên hợp quốc công nhận là một trong các quốc gia đi đầu trong việc thực hiện một số mục tiêu Thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế. Đồng thời, phương hướng thực hiện ASXH cho giai đoạn 2012 - 2020 được đưa ra là cần sớm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thông qua các nghị quyết chuyên đề, các nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và các chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng tinh thần Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.

Đối với thành phố Hải Phòng, sau 25 năm đổi mới và 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 “Đã khẳng định rõ tính chất, vai trò là cửa chính ra biển của các tính phía Bắc và là một cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ; đang từng bước trở thành một trọng những trung tâm công nghiệp, thương mại lớn của cả nước và trung tâm dịch vụ của vùng Duyên hải Bắc bộ” [101, tr.4]; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định và giữ vững; hoạt động của chính quyền được nâng cao về hiệu lực, hiệu quả; dân chủ xã hội được mở rộng. Đồng thời, sau 10 năm thực hiện chính sách ASXH, sự phổ biến và tác động của chính sách ASXH đã đến được đa số người dân. Đây chính là một yếu tố thuận lợi để thành phố đẩy mạnh, đi vào chiều sâu cho giai đoạn tới.

Bên cạnh những điều kiện thuận là những thách thức tác động đến quá trình phát triển - xã hội với quy mô và tích chất ngày càng lớn.

Thứ nhất về kinh tế: Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh, các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh tự động hóa ở mức độ cao... sẽ dẫn đến nhu cầu lao động giản đơn giảm xuống, lao động trình độ cao tăng lên. Sự cạnh tranh

mạnh mẽ trong việc thu hút đầu tư và lao động trình độ cao ở các địa phương lân cận như Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương... Nguy cơ rơi vào Bẫy thu nhập trung bình, thu nhập bình quân đầu người của Hải Phòng năm 2010 là: 1.742USD [101, tr.4] cao hơn mức thu nhập trung bình của cả nước.

Điều này dễ dẫn đến tâm lý hài lòng, thỏa mãn với những kết quả đạt được, thiếu động lực phấn đấu cả từ phía chính quyền và người dân.

Thứ hai, về tự nhiên. Hải Phòng là thành phố ven biển, là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng nước biển dâng, cùng với đó là sự diễn biến bất thường của thời tiết tác động lớn sản xuất và đời sống của người dân. Vấn đề dịch bệnh diễn ra ngày càng phức tạp, đặc biệt là dịch bệnh truyền nhiễm có xu hướng ngày càng tăng về quy mô, tốc độ lây lan. Hải Phòng là đầu mối giao thông lớn, do đó, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Thứ ba, về xã hội: Tình trạng già hóa dân số đã và đang xuất hiện, khi nhóm dân số trên 60 tuổi tăng lên cả về quy mô và tỷ trọng. “Chưa giàu nhưng đã già” sẽ gây sức ép rất lớn đối với chính sách ASXH nhất là vấn đề về BHXH. Tự chủ, bình đẳng, tôn trọng sự riêng tư của lối sống mới với cơ chế thị trường đòi hỏi phải đổi mới cách thức thực hiện ASXH cho phù hợp.

Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh quá trình CNH, HĐH và đô thị hóa, lao động trong nông nghiệp dôi dư, lao động di cư đến sẽ gia tăng. Do đó, giải quyết vấn đề việc làm, đảm bảo về giáo dục, y tế, nhà ở đặt ra áp lực ngày càng lớn.

Bởi vậy, yêu cầu đặt ra cho quá trình thực hiện chính sách ASXH tại Hải Phòng giai đoạn này cần được chú trọng hơn, đi sâu vào chất lượng đảm bảo hiệu quả cao.

4.1.2. Chủ trương của thành phố Hải Phòng

Xuất phát từ những điều kiện lịch sử mới cũng như những thay đổi, điều chỉnh trong đường lối, chính sách từ trung ương, Đại hội XIV nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra những chủ trương và giải pháp cụ thể để phát triển kinh

tế cũng như thực hiện chính sách ASXH. Thành phố xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2015 vẫn là thực hiện theo Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị năm 2003 đề ra: “Phát huy toàn diện, đồng bộ, tiềm năng, lợi thế của thành phố cảng, tập trung cao mọi nguồn lực đẩy mạnh quá trình CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, tạo bước phát triển đột phá, để trở thành thành phố công nghiệp và dịch vụ cảng theo hướng văn minh, hiện đại, đảm bảo tiến bộ, công bằng, ASXH; tiếp tục cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân” [101, tr.27].

Đối với vấn đề ASXH, Đại hội đề ra quan điểm: “Giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc, thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ASXH trong từng bước và từng chính sách phát triển”; “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội bằng cơ chế, chính sách đảm bảo ASXH” [101, tr.26,30].

Để thực hiện chủ trương trên, những giải pháp cụ thể cho từng nội dung của ASXH đã được nêu ra.

Tập trung giải quyết tốt các vấn đề về lao động, việc làm và thu nhập;

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ một cách phù hợp. Rà soát quy hoạch phát triển các trung tâm giới thiệu việc làm, các trường dạy nghề, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đào tạo nghề; nâng cao chất lượng hoạt động sản giao dịch lao động, thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động, tạo điều kiện cho người lao động, nhất là nông dân vùng đô thị hóa được học nghề và dễ dàng tiếp cận, tìm kiếm việc làm. Hoàn thành các chỉ tiêu: “Giải quyết việc làm cho 225 nghìn lao động, bình quân 51 nghìn lao động/năm; Cơ cấu lao động đến năm 2015 trong các ngành kinh tế dịch vụ; công nghiệp, xây dựng; nông, lâm thủy sản là 34,2%; 35,6%; 30,2%; Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị duy trì mức 4%, phấn đấu nâng sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn đạt 85%;

Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở các trình độ trên 75% (trong đó đào tạo nghề đạt 60%) trong tổng số lao động” [101, tr.28].

Có cơ chế, chính sách thúc đẩy hình thành hệ thống BHXH, trợ giúp và cứu trợ xã hội đa dạng, linh hoạt, có khả năng bảo vệ mọi thành viên trong xã hội để vượt qua khó khăn hoặc rủi ro trong đời sống. Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ bảo hiểm xã hội, nâng cao tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm tự nguyện, chuyển mạnh các loại hình trợ giúp, cứu trợ xã hội sang cung cấp dịch vụ bảo trợ xã hội dựa vào cộng đồng.

Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tập trung cho các địa phương còn tỷ lệ hộ nghèo cao, đảm bảo vững chắc việc chống tái nghèo. Đa dạng hóa việc huy động nguồn lực cho giảm nghèo; gắn chặt công tác giảm nghèo với đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn. “Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm bình quân mỗi năm trên 1%” [101, tr.28].

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tăng cường công tác y tế dự phòng, đảm bảo khống chế và dập tắt dịch bệnh. Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, giữ vững kết quả đạt chuẩn quốc gia của mạng lưới y tế cơ sở. Quan tâm đầu tư nâng cao năng lực và chất lượng khám, chữa bệnh của y tế tuyến huyện, quận. Thực hiện chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, đào tạo cán bộ để đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động y tế; khuyến khích thành lập bệnh viện quốc tế; tạo sự chuyển biến rõ nét về nâng cao y đức, kiên quyết đẩy lùi các tiêu cực trong hoạt động khám chữa bệnh.

Tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi ra lớp mẫu giáo đạt 100%; tỷ lệ học sinh vào lớp 1, lớp 6 đứng độ tuổi đạt 100% [101, tr.28].

Hệ thống các quan điểm, chủ trương và các chỉ tiêu cụ thể nêu trên vừa là cơ sở để các cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố tổ chức thực hiện đồng thời đó là căn cứ để đánh giá sự hiệu quả, mức độ thành công trong thực hiện chính sách ASXH giai đoạn 2011 - 2015.

Một phần của tài liệu Quá trình thực hiện chính sách an sinh xã hội tại thành phố hải phòng từ năm 2001 đến năm 2015 (Trang 96 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(222 trang)