Văn nghệ dân gian

Một phần của tài liệu văn hóa tinh thần của người sán dìu ở huyện đồng hỷ tỉnh thái nguyên (1945 - 2010) (Trang 95 - 97)

Người Sán Dìu có vốn văn nghệ dân gian lâu đời và khá phong phú về nội dung cũng như thể loại, mang sắc thái riêng của tộc người.

Về dân ca: Có một số làn điệu giao duyên đối đáp giữa nam và nữ, trong cúng bái, hội hè, cưới xin…

Nhạc khí có Tù và “ngói cóc” (bằng sừng trâu, vỏ ốc) sáo, thanh la, não bạt, trống da.

Về dân vũ có một số điệu nhảy mà chủ yếu dành cho tang ma, cúng bái như: múa gậy (lại thẹt sóng), múa dâng đèn (bỉm tanh), múa hành quang tiếp thánh (hang coong chép sệnh), múa chạy đàn (kết lạy than)…

Về hội họa: Có một số ít hành nghề vẽ, mà cũng chỉ là sao chép các bức tranh thờ hoặc khắc họa vân mã bản, con dấu, ấn tín của thầy cúng, với những đường nét đẹp.

Về thơ ca: Ở người Sán Dìu ở người Sán Dìu thơ và ca vẫn chỉ là một, người ta làm thơ để ca hát, và vì yêu thích ca hát mà làm thơ, chủ yếu là sáng tác ứng khẩu và truyền miệng. Người ta hát để ca ngợi tình yêu, quê hương đất nước, sức sáng tạo của người lao động; lên án, căm ghét sự gian ác và áp bức bóc lột…

Hát dân ca (Soọng cô): Hát đối đáp nam nữ với những lời thơ trữ tình, theo bài bản có sẵn truyền lại giầu tính dân tộc, đây là phần chủ yếu, nếu không nói là quan trọng nhất trong thơ ca dân gian của người Sán Dìu. Soọng cô, về hình thức diễn xướng cũng tương tự như sli, slượn của người Tày, Nùng; Quan họ, hát ghẹo, hát xoan của người Kinh. Thanh niên nam nữ từ 16 tuổi đều biết hát khá thành thạo các làn điệu và bài bản Soọng cô. Từ 12 -13 tuổi, họ đã theo anh chị tập dượt cho quen. Một số bài bản được ghi lại rồi nhân thành nhiều bản trao tay nhau học thuộc lòng.

Lời Soọng cô là thể thơ 7 chữ, ví von trang nhã tình tứ, thường mượn cảnh đẹp quê hương, làng xóm, cảnh sinh hoạt hàng ngày để nói lên nỗi lòng mình.

Những dịp hội đầu xuân năm mới, ngày tết, ngày cưới trai gái Sán Dìu thường tổ chức hát Soọng cô. Trai làng này đến hát với gái làng kia và ngược lại: mỗi tốp 5 - 7 người, có khi tới 10 người. Nhà nào được trai gái hát tại nhà mình thì coi đây là một vinh hạnh, họ đón tiếp đoàn rất niềm nở và hào phóng.

Trai gái hát thâu đêm, suốt sáng, ngày nghỉ đêm lại hát, càng hát càng say có khi kéo dài hàng tuần (như ở xóm Thanh Chử- Linh Sơn- Đồng Hỷ ngày 06/7 âm lịch 2012 có buổi giao lưu Sọong cô giữa đội Sọong cô của xóm với đội Sọong cô của huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc).

Vào những ngày hội, ngày tết, chợ phiên. Các chàng trai, cô gái túm 5 tụm 3 tổ chức Soọng cô, trước là để làm quen, sau thổ lộ tình yêu. Họ hát bất cứ ở chỗ nào, trên đường đi, đầu chợ, cuối chợ. Hết đường, hết chợ họ hẹn phiên sau hát tiếp, nhất là vào dịp đón Xuân.

Ngoài kho tàng dân ca người Sán Dìu còn có khá nhiều truyện kể, chủ yếu là truyện cổ tích, truyện thơ khuyết danh, được lưu truyền qua nhiều thế hệ như truyện: Vua cóc, Slún nghi, Món lống…họ ghi lại thành sách truyền cho con cháu.

Truyện cổ Sán Dìu về nội dung và hình thức cũng có những mô tít chung thường thấy ở nhiều truyện dân gian của các dân tộc nước ta: ca ngợi tình yêu chung thủy, ca ngợi khí phách anh hùng, ca ngợi tài năng trí tuệ của người dân lao động ở hiền gặp lành, đả kích những kẻ lười biếng, tham lam, hèn nhác, độc ác, ác giả ác báo.

Một phần của tài liệu văn hóa tinh thần của người sán dìu ở huyện đồng hỷ tỉnh thái nguyên (1945 - 2010) (Trang 95 - 97)