Tập quán sinh đẻ, nuôi dạy con cái

Một phần của tài liệu văn hóa tinh thần của người sán dìu ở huyện đồng hỷ tỉnh thái nguyên (1945 - 2010) (Trang 37 - 43)

Những phong tục và nghi lễ liên quan đến bảo vệ thai nhi và sinh đẻ.

Người Sán Dìu cũng như các dân tộc anh em khác đều rất coi trọng việc sinh con đẻ cái. Con cái là thước đo hạnh phúc của một gia đình. Sinh

con bao giờ cũng là mục đích đầu tiên, quan trọng nhất của một cuộc hôn nhân. Các cách xem tuổi, xem tướng của người Sán Dìu đều nhằm tránh những người tướng dữ, cô quả không con cái. Họ đã đúc kết được kinh nghiệm chọn vợ chọn chồng sao cho gia đình êm ấm, con cháu đầy đàn: Lấy được vợ tốt, sinh được con ngoan là tiêu chí hàng đầu của đời người, các tiêu chí tiếp theo là nền nhà, mồ mả (thay ết ọi háo hu nhóng, thay nghi ọi hảo suy thóng, thay sam ọi hảo húng thóng). Kinh nghiệm đó là:

“Chồng kim vợ thổ thật như cầu Hai người hòa hợp đủ phong lưu Năm trai hai gái cùng vui vẻ Một đời phú quý chẳng lo gì” Hoặc:

“Chồng mộc vợ hỏa thật đẹp đôi Tiền của muôn vàn phúc lộc dài Lại sinh năm nam và hai nữ

Trong nhà gia súc nuôi thành đàn”. (13, Tr.45)

Như vậy một cặp vợ chồng hạnh phúc bên cạnh những tài sản nhà cửa, trâu bò… là hình ảnh những đứa con khỏe mạnh, đầy đủ cả trai lẫn gái (dịu nám dịu nhúy). Người Sán Dìu kỵ nhất những cặp vợ chồng không con cái họ cho rằng đó là không có hậu về sau (mạo nám mạo nhúy ết sóng sói), hoặc là

“Chồng thổ vợ mộc chẳng đáng bàn Vô nam vô nữ lệ chảy chàn

Hai người ở nhà cùng ngồi khóc Một người cô độc thật đáng buồn” Hoặc như:

“Chồng thổ vợ thủy chẳng đáng cầu Chồng mất vợ còn ngồi thui thủi

Như vậy mới thấy việc sinh con có vị trí quan trọng đến nhường nào. Đây ra là hình thức trao truyền nòi giống, tái sản xuất sức lao động duy nhất là tạo hóa ban tặng cho con người. Bởi vậy không có con là điều bất hạnh lớn nhất và bị mọi người chê cười.

Người Sán Dìu sinh sống trong môi trường thiên nhiên không mấy thuận lợi. Việc sinh dưỡng một đứa trẻ gặp nhiều khó khăn nguy hiểm không chỉ với tính mạng đứa trẻ mà cả với tính mạng của người mẹ. Đồng bào có câu: Sang ết lấn chấy thọi ết ha hóc (mỗi lần sinh đẻ là lột một lần da) hay người đẻ giống như sơ mướp (hông thông cao bụi) bởi vậy họ có những kinh nghiệm dân gian về chăm sóc người phụ nữ có thai, bà mẹ và trẻ sơ sinh đến khi 15 tuổi. Đồng thời có những bài thuốc dân gian quý được đúc kết qua nhiều thế hệ, trao truyền từ đời này qua đời khác, chăm sóc sản phụ và thai nhi như:

Đồ uống của phụ nữ mang thai chỉ được uống nước lá vối (súi nhống sá), nước cháo loãng.

Buồng người chửa không được di chuyển đồ đạc không được đặt bất kỳ đồ nặng nào vào. Khi muốn sửa lại nhà cửa hoặc làm nhà mới phải mời thầy cúng đến để làm lễ an thai.

Người mang thai kiêng sát sinh vì họ quan niệm sát sinh sẽ làm thai nhi hoảng sợ dễ bị xảy thai. Sắp đến ngày đẻ người chửa kiêng về bên nhà bố mẹ đẻ vì sợ trở dạ đẻ tại nhà bố mẹ đẻ, đồng bào cho rằng như vậy là điềm xấu làm ô uế nhà, phải mất lợn gà để tẩy uế, vì con gái xuất giá đã trở thành ma nhà khác.

Khi mang thai thì người phụ nữ Sán Dìu vẫn phải tham gia mọi công việc bình thường như hàng ngày chỉ trừ những công việc nặng nhọc quá sức vì đồng bào cho rằng khi bà mẹ mang thai cần lao động nhiều để thai nhi được khỏe mạnh và phát triển bình thường; rằng người mẹ siêng năng chăm chỉ thì sau này đứa trẻ mới nhanh nhẹn giỏi giang.

Trong thời gian chửa nếu có tai biến như đau bụng, sốt thì họ dùng các bài thuốc nam để điều trị như là vò lá ngải, lá bứa non để uống, còn bị cảm cúm thì vò lá bông mã đề, rau riếp cá uống hoặc cạo gió… họ kiêng không lấy lá sông hay đốt bằng ngải cứu sợ bị xảy thai.

Trong thời gian có chửa nếu trong người mệt mỏi không rõ nguyên nhân, đêm nằm hay chiêm bao thấy điều quái lạ thì chồng và gia đình mời thầy cúng đến cúng và tấu sớ lên vườn hoa mẫu - bà mụ (fa công mủ) để an hồn cho trẻ, giải điềm xấu cho mẹ gọi là lễ giải hạn người mang thai (Thu lôc cáp sén).

Lễ cúng này chỉ áp dụng cho những phụ nữ mang thai từ tháng thứ 6 trở đi tức là đứa trẻ đã thành hình người.

Trong thời gian người vợ mang thai sắp đến ngày sinh, người chồng ở bên vợ nhiều hơn, không đi xa nhà lâu ngày, không được khiêng người chết vì sợ vợ xảy thai, nếu đến lượt thì phải thuê người khác đi thay.

Sắp đến ngày sinh, để cho dễ đẻ, theo kinh nghiệm dân gian truyền lại người ta cho người phụ nữ mang thai ăn rau lang, mồng tơi, rau đay… theo tập quán của người Sán Dìu họ cho sản phụ đẻ ngồi, vì đồng bào quan niệm nếu đẻ nằm thì máu chạy nên đầu khó chữa gây tử vong và khó đẻ. Trong trường hợp khó đẻ, bà đỡ hay mẹ chồng có nhiều kinh nghiệm dùng những bài thuốc nam cho sản phụ, đồng thời gia chủ thắp hương khấn tổ tiên cầu cho mẹ tròn con vuông.

Sau khi sinh, sản phụ được nằm trên gối cao đầu dốc hẳn lên, tránh trường hợp máu dồn lên đầu gây nguy hiểm cho sản phụ. Tắm cho bé xong, bé được bọc bằng một cái váy hoặc áo cũ của mẹ. Đồng bào quan niệm làm như vậy để đứa trẻ gần gũi với hơi của mẹ và tránh ma quỷ dòm ngó, sau này sẽ là đứa con hiếu thảo.

Ở người Sán Dìu, nhau thai nhi chủ trong gia đình cho vào một chiếc nồi đất có đậy nắp (náy mố) đem thả xuống sông hồ vì đồng bào cho rằng thả xuống nước sẽ mát mẻ và tốt cho trẻ.

Khi dốn bé rụng, cuống dốn được để vào một chiếc hộp nhỏ cất nơi khô ráo, tránh ẩm ướt và giữ gìn cẩn thận trong hòm cho đến khi bé trưởng thành.

Trong thời gian ba buổi sáng sau khi sinh, gia đình có người ở cữ kiêng không cho người lạ đến thăm, vì sợ vía độc sẽ làm tổn hại đến đứa trẻ. Đặc biệt là người hành nghề thầy cúng thường kiêng không bước chân vào nhà có người mới đẻ, vì họ cho rằng nhà có người mới đẻ ám khí, uế tạp nhiễm vào người làm mất đi đạo hạnh của thầy, có thể bị trẩm lộc.

Trong thời kỳ ở cữ (từ khi sinh đến ngày thứ 30 - cáp vóng nhít) sinh xong sản phụ được ăn ngay 1 bát canh thịt gà nấu với gừng và rượu. Sau đó sản phụ khỏe thì ăn cơm nếu yếu thì ăn cháo hầm với thịt gà.

Thời gian ở cữ sản phụ phải chú ý kiêng rất nhiều thứ: Về ăn uống kiêng: lạc, cà nén đẹn đá, cá chép, cá mè, kiêng thiệt lợn sề, thịt trâu, ngan, các đồ có chất men, ôi thiu.

Đối với bà mụ sau khi đỡ đẻ mẹ tròn con vuông xong bà mụ là người cắt rốn (cót tú sí tại) được coi là người bảo trợ cho bé khi còn nhỏ lúc ốm đau, cũng như khi lớn lấy vợ lấy chồng, ngày tết người mẹ mang quà biếu bà mụ.

Lễ cúng ba sáng (nam sam cheo): Sau khi trẻ sinh tính theo ngày vào sáng thứ 3, gia chủ sắp một mâm cơm cúng báo cho tổ tiên biết trong nhà có thêm người thêm khẩu (phố hói). Và mời tổ tiên về nhận mặt để phù hộ cho đứa trẻ được khỏe mạnh chóng lớn.

Lễ đầy tháng (sếch nhot cheo): Khi trẻ được 30 ngày tuổi, gia đình tổ chức lễ ăn đầy tháng cho trẻ. Trong lễ đầy tháng, bố mẹ trẻ tổ chức Giả Lễ Cửa Mụ (trị fa, ván fa trại).

Nghi lễ trả nợ cho trẻ ở vườn hoa luân hồi (ván pha trại)

Theo quan niệm của người Sán Dìu, con người sinh ra gồm có 2 yếu tố Thần xác và Thần hồn (linh hồn). Người mẹ mang thai tức là đã được hai vị tiền phụ mẫu (hoa công, hoa mẫu) cầm tinh linh hồn ứng thai. Khi người mẹ mang thai 9 tháng 10 ngày thì sinh ra một con người có phần thể xác và phần hồn hoàn chỉnh, đó là kết quả của cha mẹ thực và cha mẹ lúc tiền sinh.

Đồng bào Sán Dìu tin rằng con người khi chết linh hồn trở về vườn hoa luân hồi ở dưới âm phủ. Vườn hoa nhân sinh này do cha mẹ tiền sinh cai quản. Khi có yếu tố, giờ, ngày, tháng, năm sinh thì cha mẹ tiền sinh ấy ứng một linh hồn cho con người sinh ra trên phàm thế. Do vậy con người có khoản nợ tiền sinh phải trả như sau:

Khoản nợ của trẻ phải trả tính theo giờ sinh. Khoản nợ của trẻ phải trả tính theo năm sinh.

Khoản nợ của trẻ tính theo tháng thụ thai và tháng sinh.

Nghi lễ đặt tên và người bảo dưỡng theo ngày sinh của trẻ

Nghi lễ bán tên trẻ cho bố mẹ nuôi theo ngày sinh ứng với giờ sinh Nghi lễ hoàn hoa trái (ván va trại).

Lễ cúng hạn (nam han).

Lễ giải hạn cho trẻ em từ 1 - 12 tuổi gọi là “thu fa dón thống sén” theo quan niệm của người Sán Dìu, con người từ lúc 1 tháng tuổi đến dưới 13 tuổi là tuổi hoa viên (fa dón) từ 13 tuổi trở lên được xếp vào người lớn (sút thống han). Do vậy đồng bào căn cứ năm sinh để biết trẻ bị hung ác (sát) vào những năm nào để làm lễ giải hạn.

Các trò chơi, hát đồng dao, học hành của trẻ

Các trò chơi: Trẻ con thường tụ tập 5 - 6 đứa để chơi các trò chơi dân gian như đánh khăng (ta khảng), đánh cù (tá kim loc), đánh đáo (tá đáo)…

Từ nhỏ trẻ em đã theo bố mẹ ra đồng, bắt cua, bắt ốc và tập làm những việc nhỏ nhẹ, ngoài ra các em gái còn học may vá, thổi cơm, quét nhà; con

trai tập làm quen với công việc đi rừng, săn bắt…. Cứ thế các em lớn lên dần trong tình thương yêu của cha mẹ, dòng họ, làng xóm và khi trưởng thành các em trở thành những người lao động thực thụ có ích cho gia đình, xã hội.

Học hành của trẻ: Trước đây trẻ em trai Sán Dìu được đến học các lớp chữ Hán - Sán Dìu do các thày nho người Sán Dìu dạy, các em gái trước đây không được đi học. Các lớp học thường được tổ chức vào tháng 1 - 2 âm lịch. Đây là loại lớp học tư phụ huynh tự đóng góp gạo, tiền để trả công cho thày và chủ nhà đăng cai mở lớp. Chương trình học gồm 3 bậc: Sơ học thì học các sách: “Khai thiên lập địa” (hoi then), Bậc trung: có sách “đăng quang” (tranh cong), “hiện thế môn” (hẹn sảy món), “thành nhữ khảo” (sếch dịu khảo); Bậc cao học các loại sách: “xít fô”, sách bấm độn, sách tính toán âm dương, sách kỳ yên trấn trạch, sách dâng sao giải hạn…. Mục đích học chữ Hán - Sán Dìu chủ yếu để đọc, ghi chép gia phả dòng họ, đọc sách cúng gia tiên, xem lịch vạn niên (vóng lec) đoán định thời tiết phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các em trai người Sán Dìu đi học ở những lớp học này ngoài học chữ còn được giáo dục rất cẩn thẩn về lời ăn tiếng nói, kiêng cữ, luật tục, nên các em thường ngoan ngoãn phát triển nhân cách tốt.

Ngày nay tất cả các em trai em gái Sán Dìu đến tuổi đi học đã được đến trường học văn hóa phổ thông như các em dân tộc khác. Có những em đã đỗ đạt cao.

Một phần của tài liệu văn hóa tinh thần của người sán dìu ở huyện đồng hỷ tỉnh thái nguyên (1945 - 2010) (Trang 37 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)