ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên.
Quan niệm về hồn: Người Sán Dìu quan niệm người sống có hồn, người chết hồn lìa khỏi xác. Khi lìa khỏi xác: có hồn theo thân xác ra ngoài
nghĩa địa (mộ);có hồn lên trời; có hồn quanh quẩn ở nhà, nơi thờ cúng khi chết, chờ để lên bàn thờ tổ tiên; có hồn bị đầy ở nơi địa ngục, chốn âm phủ , cần được phá ngục cho hồn được siêu thoát (nhất là đối với những người có nhiều tội lỗi). Hồn người chết được quan niệm là ma (không kể các vong linh khác cũng gọi là ma hay quỷ).
Người chết từ bỏ thế giới này, nhưng sẽ tiếp tục sống ở thế giới bên kia cũng cần có cuộc sống đầy đủ như khi con sống ở dương gian. Nên tang ma ngươi Sán Dìu chuẩn bị khá đầy đủ các “phương tiện” “sinh hoạt” cho người chết như làm nhà táng ( nhà ở ) cho người chết “quần áo” và cả một số “đồ dùng” trong “sinh hoạt”, lương thực…
Người Sán Dìu quan niệm, con người và vạn vật xung quanh đều có linh hồn (vún), hồn người gọi là (nhín vún). Hồn và thể xác là thực thể gắn kết với nhau, tồn tại bên nhau, hai thực thể là một, nhưng lại là hai. Phần xác là một thực thể vật chất tồn tại khách quan, nhìn thấy được, còn phần hồn chi phối thể xác mà con người không nhìn thấy.
Dân tộc Sán Dìu cho rằng người đàn ông có 3 hồn 7 vía (san vún sếch phác), đàn bà có 3 hồn 9 vía, hồn trú ngụ trên cơ thể đang sống. Hồn nằm ở đỉnh đầu, mình, tứ chi (thói, nhín, síu, cóc) tương ứng với việc sau khi chết phần hồn ở trên trời, phần ở bãi tha ma, phần về với con cháu ở bát hương. Hồn rời khỏi xác là người đi ngủ để đi chơi lang thang lạc đường không biết đường về hoặc bị ma bắt mất hồn thì người ấy sẽ ốm đau, nếu không gọi được hồn về người ấy sẽ chết (léo vún mênh). Những người đi xa về bị ốm thuốc uống không khỏi. Muốn khỏi họ phải mời thầy cúng về làm lễ gọi hồn (sôc vún), nếu không khỏi thì phải triệu Thiên lôi tìm hồn (seo lói mun cạ) để xem hồn trú ngụ ở đâu hoặc bị ma bắt nhốt. Trường hợp chuộc được về thì người đó sống, còn không thì sẽ chết. Người chết hồn lìa khỏi xác, đi lang thang vô định, chỉ khi làm chay hồn người chết được siêu thoát đi về Tây thiên Phật
quốc theo Phật kiếm sống, còn hồn thầy cúng thì lên với Ngọc Hoàng ở Thiên đình, ngày tư ngày tết về với con cháu kiếm ăn bằng cách báo mộng, hoặc làm cho con cháu sốt nóng và tạ lễ tổ tiên là khỏi.
Theo quan niệm của người Sán Dìu, tất cả các siêu linh đều được gọi là ma (cúi). Ma ở trên trời (then cúi) là thần thánh (sín sệch), Phật (hụt), và tổ tiên (chú công), nơi trú ngụ là đình chùa, miếu mạo… và bàn thờ trong nhà. Các loại ma này thường phù hộ con người, trừ khi bị thiếu đói hoặc làm trái lệnh thì bị quở trách gây cho con người ốm đau, dịch bệnh, lũ lụt… Loại ma ở âm phủ (im hú) Diêm vương cai quản (Dem vóng coi cón), loại ma này thường gây hại cho con người.
Người Sán Dìu coi vạn vật đều có linh hồn, ma hay thần như ma núi rừng, sông suối, đồng ruộng, cây cối, tảng đá lớn, hang động… những loại ma này bình thường không làm hại ai, nhưng chẳng may hồn người sa vào đó bị bắt, hoặc chặt phá cây, làm việc bậy sẽ bị phạt, do vậy phải cầu cúng. Nếu không khỏi mà bị chết đó là những cái chết bất đắc kỳ tử: ngã cây, chết đuối, sét đánh… Có loại hồn người chết trong trường hợp bất thường như chết trận cụt đầu (khut thói cúi), người tự vẫn, chết đường, chết chợ… loại ma này thường làm hại cho người.
Như vậy có hai loại ma, ma lành phù hộ cho con người nếu như được chăm sóc chu đáo; và các loại ma dữ trú ngụ ở xung quanh con người. Muốn biết nguyên nhân gì gây cho con người ốm đau bệnh tật, người Sán Dìu thường tin vào các thầy cúng (say hu), thầy bói (chẹm cạ), thầy lên đồng (mun cạ). Người Sán Dìu cũng có câu: thuốc tra ma cầu (vứa doc phong vứa cúi) nếu con bệnh khỏi thì gia chủ phải sắm lễ tạ thần thánh ma quỷ và trả lễ cho thầy.
2.2.3.2. Nghi lễ tang ma.
Con người sinh ra, lớn lên, trưởng thành, già rồi qua đời (sinh, lão, bệnh, tử - sang, láo, sý, mênh) là những điều tất phải có trong một đời người.
Trong quan niệm của người Sán Dìu tang ma là hai khái niệm khác nhau. Tang ma là một quy trình từ khi một con người qua đời, đưa ra chôn cất tại nghĩa địa, tiếp đó làm ma phá ngục giải oan để linh hồn siêu thoát về trời. Cho nên đưa phần xác đi chôn cất mà người Sán Dìu gọi là (sọng san) hay ra đồng
(sút thông) là công đoạn đầu của một quy trình gọi là người trong làng chết
người làng chôn (son nhín sý son nhín mái). Còn linh hồn chưa siêu thoát chưa siêu thoát được nên con cháu phải tiếp tục hoàn tất công việc quan trọng hơn đó là làm ma (chụi củi). Việc làm ma có thể tổ chức ngay mới đưa phần xác ra đồng (chụi củi chạng chang sọng sang) hay sau khi chôn cất xong mới làm hoặc vài ba năm mới làm ma, nó còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, dòng tộc. Do vậy có trường hợp một đám ma có tới 3 - 4 cái vong hồn được làm ma phá ngục để linh hồn được siêu thoát.
Nghi lễ tang ma: Gia đình có người già, con cháu có điều kiện mời thợ
mộc đóng cỗ áo quan, người Sán Dìu gọi là nhón san, cỗ áo này được sử dụng
đựng thóc lúa để chờ khi dùng đến. Cũng có người khi thấy sức khỏe yếu, có những dấu hiệu không bình thường thì thường lo toan cho cái chết như người học thầy cúng thường tự đan các đồ hàng mã như voi, ngựa… vải đỏ, chỉ đỏ. Có nhiều người kỹ tính còn đi chọn đất để chôn cất sau này, linh hồn được thư thái con cháu hơn người. Có trường hợp gia đình khá giả, gia chủ đón thầy cúng đến viết sớ sẵn, để lúc chết làm ma ngay, nếu khỏi bệnh sớ làm ma được gói cất kỹ để sau này dùng.
Người thân chết, thân nhân thường vuốt mắt cho người chết để cặp mắt nhắm hẳn lại và xếp chân tay ngay ngắn. Sau khi người chết tắt thở thân nhân trải chiếu xuống đất để đặt người chết xuống chiếu (háo lống sang nhín mạo háo lống sý nhín) ngay lúc tắc thở đưa thi thể người chết xuống nằm dưới đất có nghĩa là đưa họ trở về cõi âm.
Lễ tắm rửa cho người chết (sáy sin bí sý láo nhín): Nghi lễ này để người quá cố sạch sẽ ra đi nhẹ nhàng, trên đường đi không bị ma quỷ ngăn đường. Đồng bào quan niệm nếu người chết không làm lễ tắm rửa, người bẩn các quan cai quản âm phủ không đưa linh hồn người chết đi làm lởn vởn đau đớn ở trần gian. Chỉ có con gái, được phép tắm rửa cho người chết bằng nước sạch đun với các loại lá thơm. Sau khi tắm xong thau nước này được dấu kín, khi đưa đám xong mới đem đổ, đồng bào quan niệm có như vậy thì trong thời gian đưa tang trời không mưa, con cháu đỡ vất vả. Khi tắm xong dùng khăn thấm khô toàn thân thay quần áo cho người chết. Những người thọ 70, 80 tuổi dùng khăn đỏ quấn đầu. Người chết được phủ mặt bằng vải trắng, quần áo đã sử dụng qua một lần, không mặc quần áo mới cho người chết vì mặc quần áo mới xong khi xuống âm phủ bọn quỷ thu hết. Khi thay quần áo xong phải để người chết nằm ngay ngắn, hai tay để buông xuôi xuống, tai, mũi, kẽ chân, tay được kẹp tiền giấy. Con cháu lạy thi hài người chết và nói: Con cháu đã phục vụ hết lòng, ông hay bà không ở lại được với con cháu mà ra đi thì những cái xấu mang đi để lại những cái tốt cho con cháu (síu khại hỵ, háo líu chọn bí chấy nhúy). Tang chủ thắp hương báo cho tổ tiên biết trong nhà có người chết.
Lễ cho tiền vào mồm người chết (hám hói sén): Người ta cho vào mồm người chết 1 hào bạc trắng, theo quan niệm để người chết có tiền đi đò và uống nước dọc đường về nơi ở mới. Lúc này con cháu mới được khóc to.
Người nhà chuẩn bị lập bàn thờ vong, bàn thờ này đặt ngay trên đầu người chết. Trên bàn người ta đặt một bát cơm đầy, trên có một quả trứng luộc bóc vỏ và một đôi đũa tre phía cuối được vót quăn lại thành hình cái hoa (ngac suy) và một bát hương mới.
Lễ báo tang, phát tang (bạo hạo, phát hạo): Sau khi lập xong bàn thờ vong, chủ tang cử một người là anh em trong nhà đội khăn tang đi báo khắp
các hộ trong làng, đến nhà nào cũng chỉ ở ngoài sân hướng vào trong nhà, quỳ xuống lạy hai lạy, đứng dạy ra về, gia chủ có biết hay không thì cũng không quan tâm. Anh em họ hàng được gọi về đông đủ chịu tang, họ mặc quần áo tang và đi báo tang cho anh em làng trên xóm dưới. Việc chịu tang diễn ra như sau: Các anh em trai quấn khăn trắng trên đầu buộc lại sau gáy, nếu trường hợp chết bố còn mẹ hay chết mẹ còn bố thì đầu khăn thắt so le, nếu mất cả bố mẹ thì hai đầu khăn thắt bằng nhau, mặc áo chui đầu, không ống tay, sổ gấu bằng vải trắng, đi chân đất. Các chị em gái đầu chít khăn tang vuông, áo chui đầu có tay, sổ gấu, buộc lưng bằng dây đay (má sếnh). Các chị em dâu cũng để tang như các chị em gái. Con rể và bà con họ hàng thân thuộc đều đội khăn trắng (nam khăn dài nữ khăn vuông). Hàng xóm láng giềng đến góp hội, giúp việc đều được phát khăn tang (hạnh hạo).
Trong nhà có người chết, tang chủ cử người báo ngay cho trưởng thôn, sau khi được báo trưởng thôn có nhiệm vụ đến liên hệ trực tiếp với tang chủ và thày cúng xem thời gian nào động làng (thộng son) để báo cho dân làng đến giúp. Dân làng khi nghe thấy tiếng trống, tiếng kẻng (đánh theo quy định của từng làng) mỗi hộ cử 1 người đến ủng hộ đám ma, trưởng thôn là người ghi sổ theo dõi sự đóng góp của dân làng. Trưởng thôn là người được tang chủ giao đứng ra điều hành toàn bộ đám ma này, ông ta có quyền cử trai làng chặt tre làm đòn khiêng, đào huyệt, khiêng người chết ra đồng (thai lêch láo)…ông trưởng thôn có sổ theo dõi tất cả các công việc của đám hiếu, đặc biệt là lực lượng đào huyệt, khiêng người chết ra đồng. Công việc này theo quy định của thôn, mỗi hộ đóng góp một nhân lực, hết vòng lại quay lại, đến lượt hộ nào mà không đi được thì phải thuê người khác đi thay, không được từ chối. Trưởng thôn là người đứng ra cử hành đưa linh cữu ra đồng.
Lễ đón thầy cúng (tánh say hu): Tang lễ của người Sán Dìu không thể thiếu vai trò của người thầy cúng (say hu), đây là người thay mặt con cháu
những người đang sống giao tiếp với thế giới thần linh ma quỷ. Không có thầy cúng linh hồn người chết không thể trở về cõi âm phủ được. Do vậy việc quan trọng của gia chủ là cử người thân đem lễ đón thầy cúng về làm tang ma cho người chết. Lễ vật mang biếu thầy gồm: một con gà, một chai rượu, một khăn ấn (ít gạo, tiền bọc bằng vuông vải trắng). khăn ấn, rượu được đặt lên bàn thờ thầy cúng. Những việc khác thầy cúng có thể từ chối còn việc tang ma thầy cúng không từ chối. Người đón thầy quay về ngay không biết thầy có đến hay không. Thầy cúng đi mời sư phụ và báo những người học thầy cúng cùng ngành đến hộ giám. Các ông thầy đi giúp tập trung tại nhà thầy cả, ông thầy thắp hương làm lễ thỉnh thánh thần cho phép được đi khâm niệm người chết (hý mạ hỵ siu hôc lẹm). Thầy thỉnh 3 lần rồi xin âm dương. Dụng cụ xin âm dương là hai vật gần giống vỏ hến đúc bằng đồng, có lỗ sỏ dây. Khi cúng thầy cầm dây thả xuống mặt bàn nếu thấy một đồng sấp một đồng ngửa là được (cạo chí ben dong ben im). Sau khi xin được âm dương thầy cúng phát âm bình đi theo tới nhà có tang đoàn thầy cúng mang theo sách cúng, kiếm, lệnh pài, ấn tín đi thẳng tới nhà tang chủ. Khi nhìn thầy nóc nhà người có tang đoàn dừng lại, làm bùa phép thiên la địa võng vây toàn bộ không gian và khu vực xung quanh nhà tang. Đồng thời ra lệnh cho âm binh án ngữ cửa ra vào không cho cô hồn, quả tú lọt vào làm hại tang chủ. Gia chủ mang một bát gạo và hương ra cổng để thầy thắp hương chỉnh binh mã vào nhà. Vào đến sân thầy bắt quyết gọi hổ, sư tử đi theo mình. Đến cửa thầy thả hổ, sư tử (láo hú, khí lín thay chí) bắt hết các loại trùng gây dịch bệnh cho người chết và không lây dịch bệnh ấy sang người khác trong gia đình. Khi thầy vào nhà, gia chủ lấy nước mời thầy rửa chân, lấy một bát to gạo để lên bàn thờ cho thầy đặt ấn tín, lệnh pài và bắt đầu mở gia phả tang chủ ra xem giờ, ngày, tháng, năm sinh và ghi vào gia phả giờ, ngày, tháng, năm chết, tiếp đó thầy mở sách ra xem người chết có mấy phần hồn nhập mộ và chọn ngày, giờ tốt đưa thi hài người
chết ra đồng. Sau khi thầy và tang chủ bàn bạc thống nhất ngày giờ đưa thi hài người chết ra đồng tang chủ cử người đi báo tang cho anh em họ hàng nội, ngoại xa gần và nói rõ ngày, giờ đưa người chết ra đồng (sút thông) đồng thời tang chủ cũng cử người mời một ông ở trong làng biết làm nhà táng (fa ốc) đến làm nhà táng.
Khi trong nhà có người chết con cháu khiêng cỗ áo quan ra giữa nhà, lau chùi sạch sẽ bên trong và bên ngoài, thầy cúng đến bên quan tài, dùng vôi viết ở đáy quan tài một mô hình có 9 khúc từ trên xuống. Người ta dùng bỏng ngô giã nhỏ trộn với bột nếp gắn vào các mép áo quan, tiếp đó người ta đổ bỏng lúa hoặc chè búp xuống giải đều trên áo quan. Tiếp theo tang chủ nhờ một người trong làng đan một tấm phên rộng vừa lòng áo quan, người Sán Dìu gọi là long sàng 9 khúc (lống sóng kíu khốc). Tấm phên này có 5 nan dọc dài bằng áo quan, nan ngang đan vào sao cho có 9 hoặc 7 chỗ gấp khúc (nam 7, nữ 9) đan xong người ta đặt vào áo quan, cứ mỗi chỗ gấp khúc người ta đặt một đồng tiền kim loại (thống sén) nay thay bằng tiền giấy. Sau đó lại lót một miếng vải trắng dài 2m lên trên. Lóng sóng kíu khốc là dấu hiệu tượng trưng cho long sàng (giường rồng), ý là người chết được nằm trên giường rồng.
Lễ cúng áo quan (nam con sói): Trước khi đưa thi hài nhập vào quan, người ta làm lễ cúng chiếc áo quan, lễ vật cúng có một con gà luộc, đĩa sôi, rượu, chè, ai thuộc bài cúng thì khấn chứ không nhất thiết phải là thầy cúng, nhân vật được thỉnh là Lỗ Ban (lú ban) là ông tổ nghề mộc.
Lỗ Ban là người đóng được quan tài. Đồng thời cũng để trừ khử các loại ma quái đang lẩn khuất trong áo quan ám hại người chết và gieo tai họa cho tang chủ.
Lễ nhập quan: Khi con cháu tề tựu đông đủ, con cháu lạy từ biệt người chết để chuẩn bị đưa thi hài vào áo quan. Ở phía dưới áo quan, ngoài tấm phên có lót thêm nhiều vải trắng. Sau đó tang chủ lấy 7 chiếc bát (một bát to,
6 bát con) thứ tự đặt vào quan tài như sau: Một bát to để gối đầu, hai bên vai đặt hai bát con, hai bên hông đặt hai bát con, hai gót chân đặt hai bát con, tất cả các bát đều được úp, tiếp theo con trai đứng bên trái, con gái đứng bên phải người chết. Nâng người chết lên và đặt nhẹ nhàng vào quan. Chỗ chống trong áo quan được dồn đầy bằng quần áo cũ, một đôi dép, mũ… đây là những đồ dùng hàng ngày của người đã khuất. Đồng bào quan niệm trần sao âm vậy nên chuẩn bị kỹ càng cho người chết về cõi âm phủ thì người chết sẽ ít về