Đại phàn hiểu theo nghĩa thông thường đại là to, lớn, số nhiều; phàn là cơm (được chế biến từ thóc, gạo). Lễ Đại phàn tức là lễ lớn (to) (được no) cơm, thực chất là lễ cầu mùa của đồng bào, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng phong đăng; cầu cho làng bản hết thiên tai, dịch bệnh, ngăn các loài hoang thú phá hoại mùa màng, hoa mầu, gia súc, gia cầm sinh sôi nảy nở, con người có cuộc sống yên lành.
Lễ Đại phàn, lúc sơ khai là lễ cầu mùa sau đó cùng với sự tiến triển xã hội, người ta đã lồng vào đó (nhân đó) để cấp những sớ điệp cần thiết và cấp các loại sắc phong cho thầy cúng. Thực chất của lễ Đại phàn mà hiện nay ta vẫn thấy là lễ cầu mùa.
Thời gian tổ chức lễ không nhất thiết theo một chu kỳ hay định kỳ mà thường tổ chức vào ngày nông nhàn, sau vụ cấy, vụ thu hoạch hoặc vào mùa xuân. Nhưng nơi nào thiên tai xảy ra liên tiếp thì tổ chức nhiều hơn.
Địa điểm tổ chức lễ ở ngay những nơi bị thiên tai, dịch bệnh, mùa màng thất bát… chủ lễ “phan chúy” phải là một ông thầy cúng cao tay do dân làng chọn gọi là phan chủ. Phan chủ đứng ra thành lập ban tổ chức. Ban tổ chức thường 15 đến 20 người gồm những thầy cúng có tên tuổi ở các làng quanh vùng. Ban tổ chức cử ra các tiểu ban.
Suốt thời gian chuẩn bị ban tổ chức thông báo cho bà con cùng các làng lân cận chuẩn bị rước Thành Hoàng đến địa điểm lễ (Thành Hoàng là biểu tượng sức mạnh, tình đoàn kết của cộng đồng làng xóm), rước các giống cây trồng trong đó đặc biệt là thóc giống; những gia đình nào có người quá cố do nghèo chưa làm tang lễ được, nhân dịp này dẫn hồn người quá cố về nhập vào lễ làm ma chay.
Địa điểm mở hội, người ta chọn một khu ruộng hoặc bãi rộng ở gần vùng trung tâm của nhiều làng bản. Trên khu đất ấy được gọi là phan slóng, được dựng lên hai dãy nhà 3 gian, tường quây bằng lau sậy, mái lợp tranh hoặc nứa, khung nhà bằng tre tươi. Bên trong nhà trang hoàng lộng lẫy gồm những bức tranh vẽ Phật, Đạo giáo… các câu đối phong đăng hòa cốc, quỷ nhập không lối thoát và lập các ban thờ tổ, hương án. Thành Hoàng (thai vóng) của các làng được đặt ở gian chính giữa ngôi nhà âm, thóc giống của các làng đựng trong làn (mạ tỏi) đặt trên các bàn thờ để cắm hương, hồn người chưa làm ma được đặt vị trí thấp hơn.
Thời gian hành lễ được chia ra các bước sau:
Ngày thứ nhất: Triệu Thành Hoàng các làng xung quanh về dự lễ bắt giam các cô hồn ma tà, quỷ quái.
- Dip slon khi thai vóng (vào làng tôn trọng Thành Hoàng). Ngày khai mạc lễ Đại phàn, Phan chủ triệu tất cả Thành Hoàng ở các bản làng nằm trong khu vực về đứng chủ lễ (thai vóng chọc chệch) và hô âm binh phù phép bắt tất cả các âm hồn, cô hồn, các loại ma tà, quỷ quái… đưa về quản thúc “tạm giam”. Trong cả quá trình lễ, các loại ma làm hại mùa màng gây ốm đau bệnh tật bị nhốt vào một chiếc bát úp trên tờ giấy bản, trên trôn bát đặt một chiếc lưỡi rìu, theo quan niệm của họ lưỡi rìu thay cho lưỡi tầm sét (rìu đá) để trừ ma.
Ngày thứ hai: Dựng cây Phan chốc, những người già chủ làng chứng kiến lễ dựng Phan chốc (phàn trúc), Phan chốc giống với cây nêu của hội cướp bông và giống với cột và cây nêu của các dân tộc khác, nhưng nó khác với các cây nêu ở chỗ làm bằng tre tươi to và dài suốt ngọn, khi dựng xong nhiều làng cùng nhìn thấy. Trên cây tre người ta làm 12 nấc thang, mỗi nấc thang tượng trưng cho một tầng trời. Người Sán Dìu còn lưu truyền câu truyện vua cóc (khám sluy vóng) phải bò quan 12 nấc thang (tầng trời) để cầu ông trời đổ mưa. Trên nấc thang cuối cùng của Phan chốc được lập đàn nhỏ đặt bài bị thờ Thiên vương (then vóng). Ban tổ chức chọn 12 thanh niên khỏe mạnh dựng cây Phan chốc ở nơi trung tâm của cuộc lễ. Khi dựng sao cho Phan chốc thẳng đứng không được (nghiêng ngả vào làng bản nào) để tránh cho làng ấy làm ăn trật vật. Trên đỉnh chóp của Phan chốc được treo một tấm vải mầu đỏ dài theo cây Phan chốc. Tấm vải này tượng trưng cho chiếc cầu nối giữa âm dương, mặt đất và các tầng trời. Khi dựng Phan chốc mọi người đến xem reo hò, cổ vũ mạnh mẽ, Phan chủ cầm cây linh đơn chạy hai vòng xuôi chiều và ngược chiều (âm dương lưỡng hợp), tiếp theo đó ông ta phù phép truyền sức mạnh và linh hồn cuộc lễ vào Phan chốc, đoàn tùy tùng đi theo ông ta vừa khua trống chiêng, não bạt, rúc tù và, sau khi dựng xong mọi người ngắm nhìn hài lòng vì Phan chốc là biểu hiện cho sức mạnh của cộng đồng như là sự trường tồn vĩnh cửu, sức sống vươn lên của con người, của
muôn loài động, thực vật. Khách xa kẻ gần, người làng trên xóm dưới kéo đến xem như chẩy hội. Màn đêm buông xuống, người già ngồi quanh các khu vực nhảy múa của thầy cúng, nam nữ thanh niên giữa làng này với làng kia hát đối đáp ca ngợi cảnh giầu đẹp của quê hương.
Ngày thứ ba: Bà con kéo về lấy nước, nhận thóc giống (slú sa, slú slủi). Pháp sư mặc bộ đồ cúng mầu đỏ, đội mũ hóa trang, đại diện người hạ giới lên trời gõ cửa Thiên đình. Ông ta leo theo các nấc thang như đi từ hạ giới leo lên tầng trời. Tầng thứ nhất là khó khăn gay go nhất, có khi kéo dài đến hàng giờ mà xin âm dương, nổi 1 hồi tù và kéo dài, Pháp sư bắt đầu lên nấc thang 1, lên nấc thang 2… đến nấc thang thứ 12. Ở nấc thang thứ 12 có đặt một án thờ thiên vương. Sau khi đặt chân lên nấc thang thứ 12 Pháp sư làm lễ mở cửa trời (hoi then mon) bằng hiệu lệnh trống đồng (thống lô kủ) tiếp đó Pháp sư vẩy nước khắp 4 phương, liền đó tung thóc gạo khắp mọi nơi, ở phía dưới mọi người dùng nón, mũ, vạt áo hứng nước, thóc đem về làm giống, gạo cho người và gia súc…. Tất cả những thứ đó coi như là lộc của trời đã ban cho.
Mọi người đến dự lễ thi nhau ôm hay sờ vào cây cột Phan chốc để được may mắn, no ấm quanh năm. Có nhà nghiên cứu còn cho rằng cây cột tre ấy tượng trưng cho cây vũ trụ và đối với người Sán Dìu đó là con người lên vũ trụ. Tín ngưỡng thờ cây là một tín ngưỡng rất phổ biến. Rất nhiều dân tộc cho rừng cây là linh hồn của mình, cây là Mẹ. Nếu cây bị chặt gẫy thì cả thị tộc bị hủy diệt.
Ngày thứ tư: Giết mổ gia súc, gia cầm làm đồ cúng (chém lợn). Con lợn phải đen tuyền, nặng từ 40kg trở lên được tuyển chọn từ các bản làng trong vùng. Trước khi hiến tế lợn được trang điểm thành kim chuy, hống chuy (lợn vàng, vàng đỏ). Các bô lão và chủ làng được mời đến dự lễ chém lợn. Thiên vương, thiên công, Thành hoàng của các làng được triệu tới. Pháp sư mặc bộ đồ đen, mặt hóa trang tay phải cầm đao tay trái cầm lệnh, ông ta đi
đầu tiên và đoàn tùy tùng theo sau, nhảy múa xung quanh lợn. Pháp sư bất thình lình hét lên, dùng dao chém thẳng vào cổ lợn, ông ta lấy đấu (slủi chông) hứng tiết lợn vẩy vào các cờ đuôi nheo rồi đem cắm ở cánh đồng lớn ở các làng. Đầu lợn được đặt ở chính giữa bàn thờ Thiên vương để làm lễ cúng. Bà con đến dự sẻ lấy mỗi người một ít tiết lợn về treo ở cửa chuồng lợn nhà mình.
Hiện tượng chém lợn, giết lợn, chém gà, quật bò… có tính chất hiến tế, thuộc loại hành động nghi lễ có ở nhiều tộc người Việt Nam.
Ngày thứ năm: Chém trâu. Chém trâu có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau: mừng chiến thắng, cầu mong khỏi bệnh tật ốm đau… ở đây chúng tôi lưu ý đến khía cạnh liên quan đến sản xuất (cầu mùa). Vật hiến sinh được chọn loại trâu 3 tuổi.Ý nghĩa của lễ chém trâu là để tế thần.
Ngày thứ sáu: Rước Thành Hoàng và hồn lúa trở về làng mình (sau thời gian được mời về khu hành lễ chung) và mang cả cờ đuôi nheo của làng nào về làng ấy, cắm ở đồng làng mình. Đoàn người vừa đi vừa đọc kinh, nhảy múa vòng quanh làng, ra đồng nơi cắm cờ, với ý cầu cho dân làng mạnh khỏe, yên vui.
Sau cùng pháp sư cử hành lễ tiễn Thiên vương về trời người ta đan một thuyền rồng bằng nan tre dán giấy đỏ trang trí sặc sỡ, vẽ rồng chim lên thân thuyền, xung quanh thành thuyền cắm cờ đuôi nheo ngũ sắc.
Pháp sư cầu Thiên vương bắt tất cả các loại ma gây bệnh, phá hoại mùa màng, cùng các oan hồn, nhốt tất cả vào chiếc bát úp đưa xuống thuyền. Bốn thanh niên kiệu thuyền đi đầu, Pháp sư cùng đoàn tùy tùng theo sau. Vừa đi ông vừa tụng kinh vừa nhảy múa. Dân làng theo sau nói to “muốn ăn lợn to ra đường cái, muốn ăn trâu lớn thì đi ra biển” (ọi sệch hai chuy sút lu thói, ọi sệch thai ngói sút thai hói).
Thuyền nan được thả xuống suối, trôi ra sông, ra biển.
Mọi người vui sướng, bởi sau lễ này ai cũng tin rằng mọi loài ma ác cũng như mọi rủi ro đều đã bị xua đuổi ra khỏi khu vực mình ở.
Mùa tới ngô lúa sẽ xanh tươi, con cháu năm nay sẽ khỏe mạnh.
Lễ Đại phàn cầu mùa của người Sán Dìu là một nghi lễ nông nghiệp quan trọng. Nghi lễ bộc lộ sự lo lắng không dứt của đồng bào Sán Dìu trải nhiều đời đó là mất mùa, dịch bệnh ở người, gia súc và thiên tai.