Trước cách mạng Tháng Tám, gia đình người Sán Dìu không còn tồn tại kiểu tứ đại, ngũ đại đồng đường (4, 5 đời) cùng sinh sống, cùng sản xuất, cùng hưởng thụ mà phần đông đã chuyển sang chế độ gia đình nhỏ hai thế hệ hoặc ba thế hệ. Tuy nhiên tinh thần gia tộc ở đồng bào vẫn tồn tại rất mạnh mẽ do đó ở nhiều xóm, nhiều làng toàn bộ cư dân ở đó đều là anh em, họ hàng với nhau, hoặc ít nhất cũng là người có quan hệ về thân tộc hoặc hôn nhân. Đồng bào rất quý trọng những người cùng dòng họ, cho nên những người ở xa nhau đã cách nhiều đời, nếu có dịp gặp lại (nhận nhau bằng cách xem gia phả và căn cứ vào hệ thống tên đệm) là đồng bào rất vui mừng và thiết đãi người anh em với tất cả tấm lòng chân thành của mình. Đồng bào thường nói “Slan Déo loỏng si” nghĩa là người Sán Dìu ít ỏi phải đùm bọc quý mến nhau.
Trong gia đình, người cha hoặc người chồng có quyền định đoạt mọi việc. Người con trai trưởng được tôn trọng gần ngang với người bố. Chỉ có những người con trai mới có quyền thừa hưởng tài sản của cha mẹ. Giữa bố
chồng và con dâu, anh chồng và em dâu có sự cấm kỵ (tabou) rất nghiêm ngặt con dâu không được ngồi ăn cùng với bố chồng và anh chồng, thậm chí không được dùng chung một ấm nước. Con dâu muốn đưa con cho bố chồng hoặc anh chồng bế hộ cũng không được đưa trực tiếp, mà đặt bé xuống đâu đó rồi bố hoặc anh chồng mới bế. Bố chồng và anh chồng cũng không bao giờ được vào buồng con dâu, kể cả khi con dâu không có mặt trong buồng.
Địa vị người con gái trong gia đình thấp kém. Họ không có quyền thừa kế tài sản của cha mẹ, trừ trường hợp những gia đình không có con trai, người con gái lấy chồng ở rể mới được hưởng tài sản của cha mẹ, khi đó người con rể được coi như con trai có nghĩa vụ và trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ, ở người Sán Dìu “Quyền ông cậu” cũng bị phai nhạt, mà chỉ có quyền của những ông chú, ông bác, những người nào có quyền đồng thời phải có nghĩa vụ chăm sóc, đỡ đần các cháu nội chưa thành niên nếu cha mẹ chúng mất sớm.
Trong gia đình nam hay nữ đến tuổi lao động đều phải tham gia công việc đồng áng, nam làm việc nặng như cầy bừa, nữ làm việc nhẹ hơn như cấy gặt, ở nhiều nơi phụ nữ cũng biết cầy bừa như nam giới. Nói chung phụ nữ phải lao động nhiều hơn nam, vì ngoài công việc đồng áng, họ còn phải đảm đương công việc bếp núc, nuôi dạy con cái. Nam giới lúc nhàn dỗi thường săn bắn, đánh cạm bẫy, đánh cá trên sông suối hoặc làm một số nghề phụ như: Làm gạch ngói, đồ mộc… ngoài lao động đồng áng, người phụ nữ còn phải may vá, nhuộm vải, kéo sợi… ít có người phụ nữ Sán Dìu nào được thoát ly lao động sản xuất, ngay cả những người gia đình có mức sống kinh tế khá. Phụ nữ không thể thiếu trong sản xuất đồng thời còn có vai trò quan trọng trong việc quản lý kinh tế gia đình. Mặc dù theo tập quán xã hội xưa, địa vị của người phụ bị xem là thấp kém hơn nam giới; nhưng trong phạm vi gia đình, họ vẫn giữ vai trò nhất định. Ý kiến của họ trong việc lo tang ma cưới xin, cũng như công việc đồng áng thường được tôn trọng.
Trước năm 1945 hôn nhân mang nặng tính chất mua bán, biểu hiện trong lượng phí tổn mà nhà trai phải trả cho nhà gái. Trong hôn lễ của người Sán Dìu có nhiều lễ tiết, nhưng đặc biệt đáng chú ý là lễ khai hoa tửu. Hành lễ gồm có hai quả trứng luộc chín, hai sợi chỉ đỏ xuyên qua hai quả trứng và buộc mỗi bên quả trứng hai đồng xu, đặt trên hai miếng giấy cắt hình hoa (hoa trắng để dưới, hoa đỏ để trên) để trong chiếc đĩa, bên cạnh có một lọ rượu đem cúng dâng tổ tiên. Sau đó bóc hai quả trứng lấy lòng đỏ hòa vào rượu đem mời mọi người uống (các cụ già bên họ nội, bên họ ngoại được mời uống trước). Đồng bào cho rằng, ngày lễ thành hôn là ngày vui nhất của con cháu ai cũng có trách nhiệm lo toan cho chu đáo.
Xưa kia quan hệ hôn nhân của người Sán Dìu hầu như chỉ đóng khung trong nội bộ dân tộc mình. Nhưng ngày nay, do tình đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giữa các dân tộc được mở rộng cho nên thành viên của các gia đình người Sán Dìu có gốc Hoa, Kinh, Tày, Nùng… ngày thêm nhiều.
Hôn nhân của người Sán Dìu là chế độ một vợ một chồng. Nhưng vì trọng nam khinh nữ và nếu không có con trai hoặc không có con người chồng thường lấy thêm vợ lẽ.
Trong quan hệ hôn nhân nguyên tắc là cùng họ không lấy nhau, nhất là trong cùng một hệ thống tên đệm. Ở người Sán Dìu không có hình thức “hôn nhân chị em vợ” (sororát) (vợ chết người đàn ông có thể lấy chị hoặc em vợ làm vợ kế) và “hôn nhân anh em chồng” (livi rát) (chồng chết người đàn bà có thể lấy anh hoặc em của chồng làm chồng kế) vì coi đó là vi phạm tục lệ.