Khái niệm và đặc điểm tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan

Một phần của tài liệu Hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam (Trang 22 - 28)

Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN TẬP THỂ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

1.1. Khái niệm và đặc điểm về hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan

1.1.2. Khái niệm và đặc điểm tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan

Việc quản lý QTG, QLQ có thể được thực hiện riêng lẻ bởi chính tác giả, chủ sở hữu QTG, chủ sở hữu QLQ hoặc được thực hiện tập thể thông qua một tổ chức đại diện cho các tác giả, chủ sở hữu QTG, chủ sở hữu QLQ. Về nguyên tắc, chủ sở hữu quyền có thể tự do lựa chọn giữa quản lý cá nhân hay quản lý tập thể các quyền của mình. Tuy nhiên, không phải trong bất kỳ trường hợp nào thì các tác giả, chủ sở hữu QTG, chủ sở hữu QLQ đều có thể tự quản lý các quyền của mình. Nhu cầu nhanh chóng tiếp cận tác phẩm để sử dụng, nhu cầu sử dụng tác phẩm ở nhiều hình thức khác nhau là đòi hỏi thực tế, trong khi việc tiếp cận với tác giả không phải là dễ dàng vào bất kỳ thời gian và địa điểm nào. Theo C.Mác thì:

Tất cả mọi lao động xã hội trực tiếp hay lao động chung tiến hành trên quy mô tương đối lớn, thì ít nhiều cũng đều cần đến một sự chỉ đạo để điều hòa những hoạt động cá nhân và thực hiện những chức năng chung phát sinh từ sự vận động của toàn bộ cơ thể sản xuất khác với sự vận động của những khí quan độc lập của nó. Một người độc tấu vĩ cầm tự mình điều khiển lấy mình, còn một dàn nhạc thì cần phải có nhạc trưởng [43, tr.480].

Mặt khác, với tư cách là người sáng tạo, tác giả cần ưu tiên đầu tư thời gian, vật chất, kể cả địa điểm thuận lợi cho lao động tư duy của mình. Vì vậy, sự khai thông và thay thế cho việc tự cá nhân đại diện quyền của mình bằng việc ủy quyền cho một tập thể để đại diện mình thực hiện các quyền là cách thức thoả đáng. Đây là giải pháp có lợi cho cả người sáng tạo và người sử dụng, cũng như đáp ứng nhu cầu của công chúng về việc được hưởng thụ các tác phẩm.

Theo Từ điển tiếng Việt, đại diện (động từ) được hiểu là “thay mặt cho cá nhân hoặc tập thể làm việc gì”, thuật ngữ này cũng có thể hiểu theo danh từ là

“người được cử thay mặt cho cá nhân hoặc tập thể đi làm việc gì” [64, tr.446]. Còn theo Từ điển Luật học, đại diện được hiểu là “việc một người, một cơ quan, tổ chức

14

nhân danh người, cơ quan, tổ chức khác xác lập, thực hiện hành vi pháp lý trong phạm vi thẩm quyền đại diện” [63, tr.225]. Theo Từ điển Luật học, thì đại diện có đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền. Đại diện theo pháp luật do pháp luật quy định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định. Đại diện theo ủy quyền là đại diện được xác lập theo sự ủy quyền giữa người đại diện theo pháp luật và người đại diện thông qua hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản. Như vậy, ta có thể hiểu đại diện là việc thay mặt hoặc nhân danh cho một cá nhân hoặc một tập thể để xác lập, thực hiện một công việc nhằm mục đích bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân hoặc tập thể đó.

Khác với đại diện trong luật dân sự được chia ra với hai hình thức là đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền, còn đối với đại diện QTG, QLQ chỉ có một hình thức duy nhất là chủ sở hữu quyền sẽ ủy quyền cho người đại diện (tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ). Nếu phạm vi đại diện trong luật dân sự rất rộng, bao gồm: tất cả các giao dịch dân sự trong đời sống, kinh tế - xã hội với mục đích vì lợi ích của người được đại diện, còn phạm vi đại diện QTG, QLQ cũng chỉ trong giới hạn từ việc cho phép khai thác các ủy được ủy quyền mà thôi.

Cũng theo Từ điển tiếng Việt: tập thể (danh từ) là “tập hợp những người có quan hệ gắn bó, cùng sinh hoạt hoặc cùng làm việc chung với nhau”; thuật ngữ này cũng có thể được sử dụng làm tính từ, là “thuộc về tập thể, có tính chất tập thể” [64, tr.901].

Như vậy, đại diện tập thể QTG, QLQ là việc thay mặt hoặc nhân danh cho những tác giả, chủ sở hữu QTG, QLQ theo uỷ quyền nhằm quản lý một, hoặc một số quyền của chủ sở hữu QTG, chủ sở hữu QLQ thông qua một tổ chức đại diện tập thể được thành lập hợp pháp.

Trong cơ cấu của một tổ chức đại diện tập thể, chủ sở hữu quyền ủy quyền cho các tổ chức đại diện tập thể giám sát việc sử dụng tác phẩm của họ, thương lượng với những người sử dụng tiềm năng, cấp phép cho họ với mức thù lao hợp lý dựa trên một hệ thống biểu giá và theo những điều kiện thích hợp, thu tiền thù lao và phân bổ khoản tiền ấy cho các chủ sở hữu quyền [31, tr.18].

15

Chúng ta cần phân biệt giữa hai khái niệm “đại diện tập thể quyền” và “cấp phép quyền kiểu trung gian”. Có nhiều người nhầm tưởng “đại diện tập thể quyền”

chính là “cấp phép quyền kiểu trung gian” hoặc tương tự là thế. “Cấp phép quyền kiểu trung gian là một hệ thống liên đới trong đó nghĩa vụ duy nhất là thu và chuyển giao tiền bản quyền nhanh nhất và chính xác nhất với mức chi phí thấp nhất có thể, càng cân xứng với giá trị và công dụng thực tế của sản phẩm càng tốt” [31, tr.11].

Như vậy, có thể hình dung hoạt động của “cấp phép quyền kiểu trung gian” giống với mô hình đại diện tập thể. Tuy nhiên, trong “cấp phép quyền kiểu trung gian”, đây là nghĩa vụ duy nhất, còn trong “đại diện tập thể”, việc thu tiền bản quyền, phân phối lại chỉ là một phần trong các nghĩa vụ phải thực hiện. “Cấp phép quyền kiểu trung gian” quan tâm đến quyền hưởng thù lao của chủ sở hữu. “Đại diện tập thể”

quan tâm đến quyền của chủ sở hữu. Một tổ chức đại diện tập thể thực sự không chỉ là một bộ máy thu - chi mà còn tích cực thúc đẩy quyền lợi tinh thần của chủ sở hữu quyền. Nó có mục tiêu chung rõ ràng, nhằm đến một sự thừa nhận về mặt xã hội và pháp lý tốt hơn đối với các quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên, thúc đẩy sự sáng tạo của thành viên.

Điểm khác biệt lớn nhất của đại diện tập thể so với cấp phép kiểu trung gian chính là yếu tố “tập thể”, sau lưng nó là một tập thể thật sự chứ không chỉ là một cơ quan được ủy quyền quản lý. Hệ thống liên đới cấp phép kiểu trung gian chỉ là một thực thể đứng ra với tư cách đại diện, thực hiện công việc được xác định của những chủ thể trao quyền. Trong khi đó, đại diện tập thể được hình thành với một tập thể thực sự, cử ra một số cơ quan thường trực chuyên làm các nhiệm vụ chính được tập thể đó phân cấp. Có thể hình dung: “cấp phép quyền kiểu trung gian” như một tổ chức để thực hiện “dịch vụ” thu và cấp tiền bản quyền cho các chủ sở hữu quyền;

còn “đại diện tập thể” là một tổ chức như một “ban giám đốc” thực hiện các công việc được “đại hội đồng cổ đông” là tập thể các chủ sở hữu quyền ủy thác trong công ty cổ phần.

Hai mô hình này có thể cùng tồn tại và hoạt động bên nhau theo kiểu “chung sống hòa bình”, thậm chí họ có thể thành lập liên minh hoặc hợp tác thực hiện

16

những quyền nhất định. Tuy nhiên, do sự khác biệt về chiến lược và mục tiêu, hai hệ thống này có thể xảy ra mâu thuẫn, cạnh tranh. Tại các quốc gia có truyền thống luật thành văn, nơi hệ thống QTG coi người sáng tạo là trung tâm, việc liên đới quản lý quyền thường được phát triển toàn diện cả về mặt vật chất và tinh thần, nên những tổ chức đại diện tập thể chiếm ưu thế hơn cấp phép quyền kiểu trung gian.

Theo tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thì “đại diện tập thể” được khái niệm là “việc thực thi QTG, QLQ của các tổ chức thay mặt chủ sở hữu QTG và các tổ chức này hành động vì lợi ích của các chủ sở hữu quyền đó” [72 ]. Các tổ chức phi chính phủ được thành lập để thực hiện công việc đại diện sẽ được gọi là tổ chức đại diện tập thể. Như vậy, hiểu đơn giản thì đại diện tập thể là việc đại diện cho một hoặc một số tác giả, chủ sở hữu QTG, QLQ thông qua một tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ được thành lập hợp pháp [72].

Hiện nay, chúng ta sẽ bắt gặp các thuật ngữ khác ngoài thuật ngữ “đại diện tập thể” là “quản lý tập thể” và “quản trị tập thể”. Người ta sẽ dùng nhiều thuật ngữ quản lý tập thể hơn quản trị tập thể. Có ba lý do biện hộ cho việc thay thế từ “quản trị” bằng từ “quản lý”: thứ nhất, nó mang một hàm ý “chính thức” về nguy cơ bị lẫn lộn với “các thiết chế quản trị QTG” của nhà nước (một cách diễn đạt thường xuyên được sử dụng để chỉ các cơ quan chức năng trong bộ máy chính quyền chuyên thực hiện các chức năng nhà nước trong lĩnh vực QTG); thứ hai, từ “quản trị” không diễn đạt được đầy đủ bản chất tích cực cần thiết trong quá trình hoạt động của các tổ chức cùng nhau thực hiện quyền. Và thứ ba, trong tiếng Anh, cách nói “collective management” phù hợp hơn với cách nói trong tiếng Pháp được sử dụng khá thống nhất “gestion collective” (cũng như tương đương với cụm từ tiếng Tây Ban Nha là

“gestión colectiva” - vốn dễ chấp nhận hơn và được sử dụng phổ biến hơn cụm

“admin istración colectiva”) [31, Tr.10].

Pháp luật SHTT nước ta thì lại không định nghĩa thế nào là quản lý tập thể mà chỉ nêu khái niệm của tổ chức đại diện tập thể tại Khoản 1 Điều 56 Luật SHTT như sau: “Tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ là tổ chức phi lợi nhuận do các tác

17

giả, chủ sở hữu QTG, chủ sở hữu QLQ thỏa thuận thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật để bảo vệ QTG, QLQ”.

Tuy thuật ngữ đại diện tập thể và quản lý tập thể có đôi chút khác biệt nhau nhưng nội dung của các từ ngữ này đều để chỉ về các tổ chức có chức năng thực thi QTG, QLQ. Do đó tổ chức đại diện tập thể và tổ chức quản lý tập thể có thể sử dụng thay thế nhau. Điều này được khẳng định thêm tại Chỉ thị số 36/2008/CT-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính Phủ về việc tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ QTG, QLQ (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 36/2008/CT-TTg) khi sử dụng tổ chức quản lý tập thể thay vì tổ chức đại diện tập thể. Tuy nhiên, trong các văn bản quy phạm pháp luật về QTG, QLQ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan sử dụng thuật ngữ “tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ”. Mặt khác, một trong những hoạt động chính của các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ là thực hiện việc quản lý QTG, QLQ. Và trong luận văn này, thuật ngữ “tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ” được sử dụng.

1.1.2.2. Đặc điểm của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan Thứ nhất, tính phi lợi nhuận của các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ.

Tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ là tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ.

Đồng thời, tổ chức là một pháp nhân đăng ký hoạt động theo pháp luật, có trụ sở và con dấu riêng. Điều này cho ta thấy được đặc điểm đầu tiên là tổ chức hoạt động với tính chất là không vì mục đích lợi nhuận, tự trang trải kinh phí cho hoạt động của tổ chức. Bởi việc xác định tính chất lợi nhuận hay phi lợi nhuận ảnh hưởng trực tiếp đến mục đích, cách thức và cơ cấu hoạt động của tổ chức. Cần phân biệt giữa “phi lợi nhuận” (non-profit) và “không vì mục đích kinh doanh” (not for profit) để có cái nhìn chính xác hơn về vấn đề này. Một tổ chức “phi lợi nhuận” là tổ chức hoạt động không nhằm vào lợi nhuận và thực tế hoàn toàn không có lợi nhuận, không tạo nguồn thu. Còn tổ chức “không vì mục đích kinh doanh” vẫn có thể tạo ra những nguồn thu nhất định từ hoạt động của mình, dù mục tiêu cuối cùng của tổ chức này không hề nhằm vào lợi nhuận. Như vậy, điểm giống nhau của hai mô hình này là đều không được xác lập vì lợi nhuận, nhưng do đặc trưng riêng của hoạt động, mô

18

hình “không vì mục đích kinh doanh” vẫn có lợi nhuận trên thực tế. Vậy, nói tổ chức đại diện tập thể là tổ chức “không vì mục đích kinh doanh” mới là chính xác.

Thứ hai, tính chất vừa công vừa tư của các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ.

Trên thế giới, hiện tồn tại hai mô hình cơ bản của tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ là tổ chức đại diện tập thể công và tổ chức đại diện tập thể tư. Tổ chức đại diện tập thể công là tổ chức do Nhà nước thành lập, quản lý. Ngược lại, tổ chức đại diện tập thể tư do cá nhân, pháp nhân (mà chủ yếu là chính thành viên của tổ chức đó) lập nên và duy trì hoạt động. Tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như quan điểm pháp lý của riêng từng nước mà việc thành lập tổ chức đại diện tập thể công hay tổ chức đại diện tập thể tư. Tại những quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển, các tổ chức đại diện tập thể tư nhân chiếm ưu thế hơn, như ở các nước châu Âu. Ngược lại, ở những nước có nền kinh tế kế hoạch, thiết chế xã hội thì tổ chức đại diện tập thể công chiếm đa số, đặc biệt ở các nước châu Phi.

Liên hệ tính chất phi lợi nhuận với tính chất vừa công vừa tư của tổ chức đại diện tập thể, cần lưu ý rằng tính phi lợi nhuận và tính vừa công vừa tư là không chi phối nhau. Dù tổ chức đại diện tập thể là tổ chức công hay tư, nó vẫn hoạt động phi lợi nhuận, không vì mục đích kinh doanh. Tránh một số thói quen cho rằng các tổ chức tư nhân thì thường hướng đến mục tiêu lợi nhuận.

Thứ ba, tính chất độc quyền của các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ.

Như đã trình bày ở trên, thì yếu tố đặc trưng và cơ bản của QTG, QLQ là sự độc quyền. Chủ sở hữu QTG, QLQ đối với các tác phẩm có độc quyền trong việc khai thác và ủy quyền cho người khác khai thác tác phẩm của mình. Điều này có nghĩa là chỉ duy nhất chủ sở hữu QTG, QLQ có vị thế cho phép một người sử dụng tác phẩm của mình và ngăn cấm một người khác sử dụng. Song song với sự độc quyền của QTG, QLQ, các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ cũng có một số độc quyền nhất định.

Việc đại diện tập thể được ứng dụng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, riêng trong việc đại diện quyền đối với các tác phẩm âm nhạc đã có thể nêu ra nhiều ví dụ như “quyền biểu diễn” (bao gồm cả quyền biểu diễn công cộng, quyền

19

phát sóng, quyền truyền đạt tới công chúng bằng các phương tiện khác) hay là quyền sao chép dùng riêng... Xu hướng được thừa nhận hiện nay trên thế giới là mỗi nhóm quyền tức mỗi lĩnh vực, chỉ được quản lý bởi một tổ chức liên đới quản lý duy nhất. Ví dụ: như quyền đối với bản ghi tác phẩm âm nhạc tại Việt Nam thì chỉ riêng Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) liên đới quản lý hay là QTG âm nhạc ở Việt Nam thì do Trung tâm Bảo vệ QTG âm nhạc Việt Nam (VCPMC) phụ trách không có thêm bất kỳ một tổ chức nào đứng ra cùng quản lý. Chính vì vậy, sẽ tạo nên vị thế độc quyền của các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ. Tuy nhiên, cần phân biệt là một nhóm quyền chỉ do một chức quản lý, nhưng một tổ chức nếu có khả năng vẫn có thể liên đới quản lý nhiều nhóm quyền khác nhau.

Tóm lại, để nhận biết được tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ phải thỏa mãn các điều kiện là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, vừa mang tính chất công vừa mang tính chất tư; do các chủ thể có liên quan như: tác giả, chủ sở hữu QTG, chủ sở hữu QLQ cùng thỏa thuận thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật;

bảo vệ QTG, QLQ đối với tác giả, chủ sở hữu QTG, chủ sở hữu QLQ.

Một phần của tài liệu Hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam (Trang 22 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(126 trang)