Chương 3: GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN TẬP THỂ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN TẠI VIỆT NAM
3.1. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam
3.1.2. Sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật hiện hành về đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan
Cùng với công tác hệ thống hoá pháp luật về đại diện tập thể QTG, QLQ, cần chú trọng công tác tổng kết thực tiễn xây dựng pháp luật về đại diện tập thể QTG, QLQ, gắn với thực tiễn kinh tế - xã hội, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm nước ngoài về đại diện tập thể QTG, QLQ để vận dụng phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta.
3.1.2.1. Sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật hiện hành về thành lập tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan
Một là, quy định rõ địa vị pháp lý của các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ ở Việt Nam là các hội hoặc pháp nhân thuộc hội.
Theo quy định tại Điều 56 Luật SHTT mới chỉ quy định các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ là các tổ chức phi lợi nhuận, nhưng lại chưa quy định rõ mô hình của các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ. Vì vậy, cần quy định rõ mô hình của các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ là các hội hoặc pháp nhân thuộc hội để phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Tuy nhiên, cần làm rõ đặc thù của các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ so với các hội khác, thể hiện ở chức năng, nhiệm vụ cấp phép, thu và phân phối tiền nhuận bút, thù lao để phân phối lại cho các tác giả theo uỷ quyền.
92
Cũng cần lưu ý đến một thức tế là ở Việt Nam đã có các Hội văn học nghệ thuật tồn tại trước khi các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ ra đời. Trong những năm qua, việc thành lập các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ ở Việt Nam được thực hiện theo hai hướng chính: hướng thứ nhất, ra đời một số Trung tâm thuộc một số Hội văn học nghệ thuật ở Trung ương để đại diện tập thể QTG, QLQ (như VCPMC, VLCC); hướng thứ hai, tổ chức ra đời Hiệp hội để đại diện tập thể đối với lĩnh vực có đặc trưng hoạt động vừa là nghệ thuật, vừa là kỹ thuật và công nghệ (như RIAV, VIETRRO). Vì vậy, có thể nghiên cứu để quy định ở lĩnh vực nào đã có Hội văn học, nghệ thuật, khoa học thì sẽ thành lập tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ dưới dạng pháp nhân thuộc hội; đối với các lĩnh vực khác thì thành lập tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ dưới dạng Hiệp hội.
Hai là, sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện thành lập đại diện tập thể QTG, QLQ.
Đối với việc thành lập tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ, ngoài các điều kiện chung về thành lập hội như phải có Dự thảo điều lệ; phải có số lượng thành viên tối thiểu, phạm vi hoạt động không được trùng lắp với các tổ chức khác, đại diện cho các chủ sở hữu quyền trên toàn quốc thì còn phải thoả mãn các điều kiện về chuyên môn như phải có Dự thảo biểu giá, phương thức phân phối tiền nhuận bút, thù lao cho các thành viên.
Cần nghiên cứu để có thể quy định về hồ sơ xin phép thành lập tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ phải có chứng chỉ hành nghề do Bộ VH,TT&DL cấp để chứng tỏ tổ chức đó đã thỏa mãn các điều kiện về chuyên môn trong lĩnh vực này.
Mặt khác, cũng cần quy định về điều kiện để trở thành thành viên chính thức của tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ, đó là họ phải có tác phẩm được bảo hộ, và tác phẩm đó được khai thác, sử dụng ở những lĩnh vực mà tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ hoạt động. Đối với các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ, thì cần quy định điều kiện về số lượng thành viên tối thiểu có thể thấp hơn so với các hội khác, ví dụ như chỉ cần tối thiểu 50 thành viên đồng ý tham gia là có thể tiến hành các thủ tục xin phép thành lập tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ.
93
Phạm vi hoạt động của tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ cần được hiểu và hướng dẫn thống nhất, đó là phạm vi quyền hoặc nhóm quyền mà tổ chức đó quản lý.
Đó là quyền đối với tác phẩm âm nhạc, quyền đối với tác phẩm văn học, quyền đối với bản ghi âm, ghi hình v.v... Cụ thể hơn, có thể phân biệt các loại QTG, QLQ như quyền sao chép, quyền biểu diễn, quyền làm tác phẩm phái sinh v.v.. Theo đó, chúng ta có thể phân biệt lĩnh vực hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ khác nhau, ví dụ như có thể phân biệt giữa tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ âm nhạc với tổ chức đại diện tập thể QTG văn học, hay giữa tổ chức đại diện tập thể quyền sao chép tác phẩm âm nhạc với tổ chức đại diện tập thể quyền biểu diễn tác phẩm âm nhạc.
Ngoài ra, cũng cần có quy định cụ thể đối với việc thành lập các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ dưới dạng pháp nhân thuộc hội. Các tổ chức này cũng phải đáp ứng các điều kiện về chuyên môn trong lĩnh vực đại diện tập thể QTG, QLQ tương tự như các tổ chức được thành lập dưới dạng hội. Theo đó, các tổ chức này muốn được Bộ Nội vụ cho phép thành lập thì cũng phải có Dự thảo điều lệ; phải có số lượng thành viên tối thiểu, phạm vi hoạt động không được trùng lắp với các tổ chức khác, đại diện cho các chủ sở hữu quyền trên toàn quốc; và phải có Dự thảo biểu giá, phương thức phân phối tiền nhuận bút, thù lao cho các thành viên.
Ba là, quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các tác giả là thành viên của tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ.
Pháp luật cần quy định cụ thể về các quyền và nghĩa vụ của thành viên nói chung. Trước hết, cần quy định các quyền và nghĩa vụ của các thành viên tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ như đối với thành viên của các Hiệp hội ở lĩnh vực khác, ví dụ như có quyền tham gia các hoạt động của tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ; thảo luận, biểu quyết các chương trình công tác, giám sát hoạt động, chất vấn Ban chấp hành và lãnh đạo tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ; ứng cử và bầu cử vào các cơ quan lãnh đạo của tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ; được quyền xin ra khỏi tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ khi xét thấy không thể hoặc không muốn tiếp tục tham gia; có nghĩa vụ tuân thủ Điều lệ; đoàn kết, hợp tác với các thành viên khác, góp phần xây dựng tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ ngày càng vững mạnh; tuyên truyền để phát triển thành viên mới v.v...
94
Ngoài ra, pháp luật cần phải quy định cả những quyền và nghĩa vụ quan trọng, đặc thù của thành viên tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ, như tham gia thảo luận và biểu quyết về biểu giá tiền nhuận bút, thù lao; tỉ lệ giữ lại tiền nhuận bút, thù lao thu được cho chi phí hành chính; không uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân khác đại diện QTG, QLQ, không tự cấp phép sử dụng tác phẩm đã uỷ quyền quản lý cho tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ.
3.1.2.2. Sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan
Một là, bổ sung các quy định về nội dung chủ yếu quyết định tại đại hội của các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ.
Ngoài các nội dung chủ yếu quyết định tại đại hội của các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP như quyết định về phương hướng hoạt động của tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ;
bầu ban lãnh đạo, ban kiểm tra; đổi tên, sửa đổi, bổ sung điều lệ (nếu có); chia, tách;
sáp nhập; hợp nhất; giải thể v.v…thì cần bổ sung những nội dung quan trọng liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ như quyết định biểu giá tiền nhuận bút, thù lao; tỉ lệ giữ lại tiền nhuận bút, thù lao thu được cho chi phí hành chính của tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ. Quy định này sẽ góp phần làm cho tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ thực sự là tổ chức của các thành viên, khi những vấn đề quan trọng đều được quyết định và biểu quyết thông qua tại đại hội của tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ.
Hai là, bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ.
Như đã phân tích, trong nhiều trường hợp thì một nhóm quyền nhất định được quản lý chỉ bởi một tổ chức quản lý tập thể duy nhất, nó thường làm cho một tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ có vị thế độc quyền trên thực tế. Do đó, bên cạnh các quy định tại Điều 23, 24 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, quy định tại Điều 56 Luật SHTT, Điều 41 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại
95
Nghị định số 85/2011/NĐ-CP, thì cần phải bổ sung các quyền và nghĩa vụ khác của tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ, bao gồm:
+ Tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ không được ký hợp đồng cấp phép độc quyền với người sử dụng, không được từ chối cấp phép nếu không có lý do chính đáng.
+ Tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ, sau khi khấu trừ một tỉ lệ hợp lý tiền nhuận bút, thù lao thu được cho chi phí hành chính, thì phải phân chia hết số tiền còn lại cho các chủ sở hữu quyền mà không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác; phải có nghĩa vụ lưu trữ các hồ sơ, tài liệu có liên quan trong một thời hạn nhất định.
+ Tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ có nghĩa vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu của thành viên liên quan đến việc cấp phép, thu và phân phối tiền nhuận bút, thù lao; các hình thức, tần suất khai thác, sử dụng tác phẩm; có nghĩa vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu của người sử dụng liên quan đến tác giả, tác phẩm mà tổ chức đó đang quản lý.
Ba là, bổ sung các quy định về quy trình phân phối tiền nhuận bút, thù lao của các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ, trong đó có quy định về việc xử lý số tiền nhuận bút, thù lao tồn đọng do không xác định được danh tính chủ sở hữu QTG, QLQ để phân phối.
Pháp luật cần quy định việc phân phối tiền nhuận bút, thù lao của các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ được tiến hành định kỳ hàng quý. Tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ, sau khi khấu trừ một tỉ lệ phần trăm được phép cho chi phí hành chính, thì phải phân chia hết số tiền còn lại cho các chủ sở hữu quyền mà không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác; phải có nghĩa vụ lưu trữ các hồ sơ, tài liệu có liên quan trong một thời hạn nhất định.
Trường hợp nhận được tiền nhuận bút, thù lao từ bên sử dụng mà không xác định được danh tính chủ sở hữu để phân phối, thì tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ phải thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và thông báo liên tục trên trang web của tổ chức mình. Sau một thời hạn nhất định theo quy định
96
pháp luật mà vẫn không xác định được danh tính chủ sở hữu QTG, QLQ thì tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ được sử dụng khoản tiền đó cho các hoạt động khuyến khích sáng tạo, phát triển sự nghiệp QTG, QLQ và sự nghiệp của tổ chức mình. Tuy nhiên, vấn đề này cũng phải được quy định trong điều lệ của các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ.
Bốn là, bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng tác phẩm.
Pháp luật về đại diện tập thể QTG, QLQ cần quy định người sử dụng tác phẩm có quyền tiếp cận thông tin về danh sách các tác giả, tác phẩm mà tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ đang quản lý; có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến việc sử dụng tác phẩm, ví dụ như tên tác phẩm, chủ sở hữu QTG, QLQ đối với tác phẩm đã sử dụng, hình thức, tần suất và thời gian sử dụng tác phẩm. Đây là căn cứ để tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ xây dựng cơ sở dữ liệu chính xác phục vụ cho việc phân phối tiền nhuận bút, thù lao cho các chủ sở hữu QTG, QLQ.
Đặc biệt, đối với những lĩnh vực đã có tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ thì pháp luật cần quy định người sử dụng có nghĩa vụ trả tiền nhuận bút, thù lao thông qua các tổ chức này mà không được trả trực tiếp cho thành viên của các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ.
Ngoài ra, pháp luật cần quy định về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức đại diện cho những người sử dụng tác phẩm trong việc tham gia thảo luận, góp ý kiến trong quá trình xây dựng và phê duyệt biểu giá, phương thức phân phối tiền nhuận bút, thù lao của các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ.
Năm là, Bộ Nội vụ và Bộ VH,TT&DL cần khẩn trương nghiên cứu để xây dựng, sớm ban hành một nghị định quy định về hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ trong đó có quy định cụ thể về việc xây dựng và ban hành biểu mức tiền bản quyền; xây dựng và quản lý bộ cơ sở dữ liệu tài sản QTG, QLQ; quy định chi tiết về việc cấp phép, thu và phân phối tiền bản quyền trong mọi trường hợp như không phân phối được tiền bản quyền, phân phối trong trường hợp liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều tổ chức đại diện tập thể quyền, trường hợp không xác định được tác giả, tác giả chết mà không có người thừa kế, tác giả không
97
sinh sống ở Việt Nam… Tuy nhiên, về lâu dài thì chúng ta cần nghiên cứu, ban hành Luật về các tổ chức đại diện tập thể QTG, QLQ, để có thể giải quyết triệt để những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành, đồng thời có thể điều chỉnh toàn diện các quan hệ xã hội về quản lý tập thể QTG, QLQ.
Về nguyên tắc, tài sản trí tuệ nói chung, QTG, QLQ nói riêng thuộc quan hệ dân sự, mọi giao dịch về việc chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng đều được thực hiện theo nguyên tắc thoả thuận. Luật SHTT Việt Nam, luật của các quốc gia, các Điều ước quốc tế liên quan đều coi việc thoả thuận sử dụng là nguyên tắc cơ bản. Ở Việt Nam, tài sản trí tuệ nói chung, QTG, QLQ nói riêng được hình thành với đặc điểm kinh tế, văn hoá, xã hội đặc thù. Trong những năm qua, về cơ bản, Nhà nước đầu tư toàn bộ cho việc đào tạo nhân lực, các điều kiện vật chất, phương tiện để sáng tạo, phổ biến các giá trị văn học, nghệ thuật và khoa học. Vì vậy, việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tập thể và lợi ích của công chúng cũng phải đặt ra khi xây dựng cơ chế nhuận bút mới. Việc tuyệt đối hoá thoả thuận giữa người có quyền và bên sử dụng mà không có sự can thiệp của Nhà nước sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu hưởng thụ của công chúng.
Bộ VH,TT&DL phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng nguyên tắc xác định tiền nhuận bút, thù lao làm cơ sở cho tác giả, chủ sở hữu QTG, QLQ, tổ chức quản lý tập thể QTG, QLQ và người sử dụng tác phẩm thỏa thuận. Nguyên tắc xác định tiền nhuận bút, thù lao được xây dựng trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích chính đáng, hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu QTG, QLQ với lợi ích công cộng trong việc phổ biến các tác phẩm, góp phần thiết thực vào việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Để từng bước chuyển đổi cơ chế hiện hành sang cơ chế mới, cần thiết có sự can thiệp của Nhà nước về việc xác định nguyên tắc xây dựng, phê duyệt biểu giá, phương thức phân phối tiền nhuận bút, thù lao cho việc sử dụng tất cả các đối tượng QTG, QLQ. Trong đó, có quy định để áp dụng trong trường hợp các bên không thoả thuận được và các quy định về cơ chế nhuận bút áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước.