ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CHUNG CỦA TỈNH ĐỒNG THÁP

Một phần của tài liệu Luận văn tốt nghiệp phân tích chuỗi giá trị lúa gạo ở tỉnh đồng tháp (Trang 27 - 33)

CHƯƠNG 3: TỔNG QUAN ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU VÀ TÌNH HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN

3.1. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH CHUNG CỦA TỈNH ĐỒNG THÁP

Hình 3.1: Bản đồ hành chính tỉnh Đồng Tháp Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Tháp

Nằm trong khu vực ĐBSCL trù phú, cách thành phố Hồ Chí Minh 165 km về phía Tây Nam, tỉnh Đồng Tháp có diện tích tự nhiên 3.374 km2, được chia thành 12 đơn vị hành chính gồm 9 huyện (Cao Lãnh, Tháp Mười, Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng, Hồng Ngự, Châu Thành, Lai Vung và Lấp Vò), 1 thị xã cổ (Sa Đéc) vốn là trung tâm kinh tế, văn hoá có tiếng trong vùng và 1 thành phố (Cao Lãnh - tỉnh lỵ), 1 thị xã trẻ (Hồng Ngự) đang vươn mình đi lên cùng cả nước trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Địa giới hành chính phía

Bắc giáp Campuchia, phía Nam giáp tỉnh Vĩnh Long, phía Đông giáp hai tỉnh Long An và Tiền Giang, phía Tây giáp hai tỉnh An Giang và Cần Thơ, có đường biên giới với Campuchia dài 48,7 km. Tỉnh Đồng Tháp có dân số khoảng 1592,5 nghìn người, nguồn lao động chiếm 52% dân số cả tỉnh, hàng năm được bổ sung thêm khoảng 27-28 nghìn lao động từ chênh lệch giữa những người đến tuổi và hết tuổi lao động.

Địa hình tỉnh Đồng Tháp chia thành 2 vùng lớn: vùng phía Bắc sông Tiền và vùng phía Nam sông Tiền. Đồng Tháp có khí hậu nhiệt đới, chia làm 2 mùa rõ rệt:

mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 27oC, lượng mưa trung bình hàng năm 1174-1518 mm.

Đồng Tháp có diện tích gieo trồng lúa khoảng 441.865 ha với sản lượng lương thực ổn định 2 triệu tấn/năm. Bên cạnh cây lúa, vườn cây ăn trái là thế mạnh thứ hai trong ngành trồng trọt, được quan tâm phát triển, tăng nhanh về diện tích và phong phú về chủng loại cây. Nông dân đã từng bước chủ động được trong việc xử lý cho ra hoa, thực hiện các kỹ thuật dưỡng trái, phòng trừ sâu bệnh nên hiệu quả đạt được ngày càng cao và đã có rất nhiều hộ nông dân làm giàu từ kinh tế vườn. Bên cạnh đó, cây công nghiệp và cây rau đậu phát triển đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh, phần còn lại tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

3.1.2. Đặc điểm kinh tế và xã hội v Về kinh tế

Đồng Tháp có những thành tựu đáng kể trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá cũng như quá trình đô thị hoá. Nhờ đó trung tâm tỉnh lị của Đồng Tháp là thị xã Cao Lãnh và thị xã Sa Đéc cùng được công nhận là đô thị loại 3.

Và tháng 01/2007, thị xã Cao Lãnh đã được chuyển thành Thành phố Cao Lãnh.

Nông nghiệp là một ngành kinh tế quan trọng ở tỉnh, phân bố rộng khắp trên toàn tỉnh. Trong khi công nghiệp phân bố chủ yếu ở Sa Đéc, Lai Vung và Cao Lãnh, nhưng phân bố nhiều nhất vẫn là ở thị xã Sa Đéc với 3 khu công nghiệp A, C và C mở rộng. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ phân bố chủ yếu ở thị xã Sa Đéc, Thành phố Cao Lãnh và các trung tâm huyện. Hiện nay các trung tâm thương mại, các khu đô thị mới và các siêu thị lớn đều tập trung ở Tp. Cao Lãnh và thị xã Sa Đéc.

Khu dân cư cao cấp đầu tiên ở tỉnh Đồng Tháp được khởi công vào ngày 28 tháng 03 năm 2010, với tên gọi là Le's Villa. Trong bán kính 2 km, dự án có thể kết nối thuận tiện với các tiện ích sẵn có của khu vực: trường học, bệnh viện, trung tâm thể dục - thể thao, trung tâm thương mại, khu công nghiệp Sa Đéc, làng hoa Sa Đéc, khu cung cấp gạo, khu vui chơi giải trí và cơ quan hành chính sự nghiệp của thị xã Sa Đéc. Đồng thời khu đô thị cao cấp Sa Đéc đã làm thay đổi lớn trong việc quy hoạch, chỉnh trang cảnh quan kiến trúc, quy hoạch khu dân cư theo mô hình hiện đại, văn minh.

v Về xã hội

Hoạt động giáo dục và đào tạo có sự chuyển hướng đi vào chiều sâu ngày càng phản ánh đúng thực chất việc giảng dạy và học tập, năm học 2008- 2009 tỉ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 99%. Bên cạnh đó công tác chính sách xã hội được quan tâm thực hiện bằng những việc làm thiết thực như xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, xét trợ cấp hỗ trợ đời sống cho các hộ nghèo, neo đơn gặp khó khăn, thăm hỏi nhân dịp lễ, tết, tổ chức cho thanh niên tham quan các hoạt động hội chợ việc làm trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tiếp tục được tăng cường, 100% trạm y tế xã, thị trấn trong huyện có bác sĩ phục vụ, đã tập trung thực hiện tốt công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh có nguy cơ bùng phát như: dịch viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết, cúm A/H5N1 và H1N1…

3.1.3. Tài nguyên thiên nhiên v Tài nguyên rừng

Đồng Tháp có tài nguyên rừng với diện tích gần 10.772 ha, chưa tính 7.612 ha rừng đã được quy hoạch thành khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia.

Nhiều khu rừng đặc dụng: Vườn quốc gia Tràm Chim, Khu di tích Xẻo Quít, Khu di tích Gò Tháp; có giá trị bảo tồn lịch sử, văn hoá, nghiên cứu khoa học, thu hút nhiều loài như chim muôn, bò sát, cá tôm, cua ốc, dược liệu… Hệ sinh thái và động thực vật vô cùng phong phú: 140 loài cây dược liệu, 40 loài cá, 198 loài chim và hàng chục loài bò sát… Đây cũng là nơi sinh trưởng của nhiều loại động, thực vật quý hiếm: rắn, rùa, sếu đầu đỏ (hạc), bồ nông, ngan cánh trắng, vịt trời… và là điểm phát triển du lịch sinh thái lý tưởng. Ngoài ra, rừng

còn bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, bảo tồn các nguồn gien động, thực vật quý hiếm.

v Tài nguyên nước: Đồng Tháp có nhiều hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt với mặt nước ngọt quanh năm không bị nhiễm mặn và được thiên nhiên ưu đãi như nguồn thủy hải sản vô cùng phong phú, sinh sôi nảy nở tự nhiên, nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Lưu lượng nước sông Tiền bình quân 11.500 m3/giây, lớn nhất 41.504 m3/giây và nhỏ nhất 2.000 m3/giây. Bên cạnh đó nguồn nước ngầm cũng dồi dào, ở nhiều độ sâu khác nhau.

v Tài nguyên đất: Đồng Tháp là một trong những tỉnh thuộc vùng ĐBSCL nên hàng năm đều được bồi đắp thêm phù sa mới, thuận lợi cho việc trồng các loại hoa màu: bắp, khoai, sen, rau muống lấy hạt,...; Cây công nghiệp ngắn ngày: đậu nành, mè, đậu phộng,..; Cây ăn quả: xoài, cam, quít, chanh, nhãn,... Diện tích đất phù sa ở tỉnh là 191.769 ha (chiếm 59,06% diện tích đất tự nhiên); diện tích đất phèn 84.382 ha (chiếm 25,99% diện tích đất tự nhiên), đa số đã được ngọt hoá, trồng được lúa, nuôi trồng thuỷ sản với năng suất và chất lượng cao. Diện tích đất xám 28.155 ha (chiếm 8,67% diện tích đất tự nhiên), tập trung chủ yếu trên địa hình cao ở các huyện Tân Hồng, Tam Nông và Hồng Ngự.

Đất cát có diện tích 120 ha, chiếm 0,04% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh.

v Tài nguyên khoáng sản: Cát xây dựng với trữ lượng và chất lượng lớn nhất và tốt nhất so với các tỉnh ĐBSCL và miền Đông Nam Bộ. Khoáng sản Đồng Tháp nằm dọc theo các cồn cát, cù lao sông lớn rất thuận tiện cho việc khai thác và vận chuyển. Một trữ lượng lớn sét gạch ngói phủ rộng khắp địa bàn tỉnh, trong khi sét Kaolin có nguồn gốc trầm tích sông, phân bố ở các huyện phía Bắc.

Trong khi đó, than bùn có nguồn gốc hình thành từ thế kỷ thứ IV với trữ lượng khoảng 2 triệu m3 phân bố ở huyện Tam Nông và Tháp Mười.

3.1.4. Đặc điểm sinh thái

Đồng Tháp có 2/3 diện tích tự nhiên thuộc vùng trũng Đồng Tháp Mười nên cảnh quan và sinh thái có nhiều nét đặc sắc. Đến khu vực Đồng Tháp Mười, người ta sẽ bắt gặp những cánh rừng tràm bạt ngàn, những hồ sen, đầm sung, những vườn cò, sân chim mênh mông và hoang sơ không phải nơi nào cũng có. Đáng chú ý là Vườn quốc gia Tràm Chim thuộc hệ sinh thái Đồng Tháp Mười, đang được nhiều tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế quan tâm. Khu bảo tồn thiên nhiên này

rộng 7500 ha có mặt 140 loài cây dược liệu, 40 loài cá, hàng chục loài trăn, rắn, rùa và nhiều loại động thực vật khác. Ngoài ra, Tràm Chim còn có 198 loài chim, trong đó có những loài nhiều nơi trên thế giới không có như: bồ nông, ngan cánh trắng, vịt trời và đặc biệt là sếu đầu đỏ, loại chim này còn có tên là sếu cổ trụi và tên dân gian Việt Nam gọi là hạc. Trong tâm linh người Việt, hạc là loài chim biểu tượng cho sức mạnh, lòng chung thuỷ và sự trường tồn nên trong đình, chùa và trên các bàn thờ của nhiều gia đình, hạc là vật thiêng được thờ ở vị trí trang trọng.

3.1.5. Cơ sở hạ tầng

v Giao thông vận tải: Đồng Tháp có hệ thống giao thông đường bộ và thuỷ khá phong phú. Trong đó có các cửa ngõ giao lưu kinh tế quan trọng là:

Quốc lộ 30 từ biên giới Campuchia nối liền quốc lộ 1A, nối với các tỉnh Tiền Giang, Long An và đặc biệt với khu kinh tế trọng điểm phía Nam (TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu); Quốc lộ 80 nối quốc lộ 1A với phà Vàm Cống;

Quốc lộ 54 nằm cặp sông Hậu kéo dài từ phà Vàm Cống đến Trà Vinh. Bên cạnh hệ thống giao thông đường bộ, còn có 2 nhánh sông lớn, sông Tiền và sông Hậu đi qua. Cảng Đồng Tháp thuộc hệ thống cảng biển quốc gia đang từng bước được đầu tư để trở thành đầu mối trung tâm tiếp nhận hàng hoá ở tỉnh và các loại phương tiện lớn trong nước và quốc tế. Phương án phát triển giao thông vùng ĐBSCL và Đồng Tháp Mười của Chính phủ được thực hiện, cụ thể là triển khai nâng cấp các tuyến quốc lộ 80, 54, 30, khởi công xây dựng mới Quốc lộ N1, N2 (đường Hồ Chí Minh), xây 02 cầu Cao Lãnh và Vàm Cống bắc qua sông Tiền và sông Hậu,...sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Đồng Tháp mở rộng giao thương, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

v Bưu chính - Viễn thông: Đáp ứng được nhu cầu thông tin liên lạc trong và ngoài nước với mọi hình thức. Dịch vụ điện thoại được mở rộng đến 100% số xã và các điểm tập trung dân cư bình quân có 87 máy/100 dân. Mật độ 14 thuê bao internet/100 dân, bưu điện văn hoá xã 108 điểm.

v Điện lực: Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 2.770 km đường dây trung thế, 3.429 km đường dây hạ thế, 5.091 trạm biến thế phân phối với tổng dung lượng là 472 MVA và 361.385 điện kế được lắp đặt. Sản lượng điện thương phẩm cung ứng ước thực hiện 950 triệu KWh, tăng 24% (đạt 111,76% kế hoạch).

Tỉ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 98,7%, trong đó tỉ lệ hộ dân sử dụng điện ở thành thị

đạt 99,95 % và tỉ lệ hộ dân sử dụng điện ở nông thôn đạt 98,20%. Công tác cải tạo và phát triển lưới điện được tăng cường, ưu tiên cho khu vực sản xuất, trong đó Công ty điện lực II đã đầu tư trực tiếp 30 tỷ đồng để nâng cấp công suất trạm biến áp 110 kV Thạnh Hưng từ 50 MVA lên 65 MVA; nâng cấp công suất trạm biến áp 110 kV Sa Đéc từ 50 MVA lên 65 MVA. Hiện tại đang tiếp tục thi công các công trình đường dây và trạm biến áp 110 kV KCN Trần Quốc Toản.

v Cấp thoát nước: Hệ thống cấp thoát nước được đầu tư theo yêu cầu của các khu đô thị, khu công nghiệp và dân cư. Tỉ lệ hộ dân kể cả nông thôn được sử dụng nước sạch được đảm bảo và từng bước nâng lên.

v Tín dụng - Ngân hàng: Hệ thống ngân hàng thương mại phát triển mạnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh cá thể vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

v Tiềm năng lao động: Về công tác đào tạo, các Trường Đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường hỗ trợ các trường dạy nghề cấp huyện, gắn đào tạo với nhu cầu phát triển của địa phương, ngành, doanh nghiệp; hàng năm có trên 23.000 sinh viên, học viên theo học. Riêng đối với đào tạo, dạy nghề trong năm tuyển mới đào tạo nghề cho khoảng 21.500 người (cao đẳng nghề 600 người, trung cấp nghề 3.000 người, còn lại là sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên). Dự kiến hết năm 2010 các trường dạy nghề trong toàn tỉnh có quy mô đào tạo nghề hệ dài hạn từ 2.500-3.000 lao động/năm. Nâng cấp trường dạy nghề tỉnh lên thành trường Kỹ thuật Công nghệ cao và phát triển thêm 83 cơ sở dạy nghề, khả năng đào tạo 30.000 người/năm. Như vậy, sẽ đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động cho các thành phần kinh tế, nhất là lao động qua đào tạo sẽ đạt trên 30%.

3.1.6. Đặc điểm tập quán

Phong tục tập quán của người dân Đồng Tháp nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung chịu sự ảnh hưởng của nền văn minh lúa nước. Bên cạnh sự phát triển của khoa học kỹ thuật vẫn còn tồn tại yếu tố tâm linh trong đời sống cộng đồng. Là nơi có sự hội tụ giữa các nền tôn giáo phương Bắc và phương Tây nên ngoài các hoạt động tín ngưỡng diễn ra trong các chùa chiền, nhà thờ…

người dân còn duy trì các tập tục thờ cúng các vị Thần như: Thần Nông, Thần Tài, Thần Táo, Thần Đất cũng như các vị Thần thờ trong các ngôi đình ở các

làng xã mà tục truyền là được sắc phong của vua vì đã có công với dân, với nước. Tập quán này cũng góp phần tạo nên nét riêng cho nông nghiệp ĐBSCL, đồng hành cùng người nông dân qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử để chống chọi với lũ lụt, thiên tai làm ra hạt gạo nuôi sống con người.

Một phần của tài liệu Luận văn tốt nghiệp phân tích chuỗi giá trị lúa gạo ở tỉnh đồng tháp (Trang 27 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(164 trang)