CHƯƠNG 5: GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CHO CHUỖI GIÁ TRỊ SẢN PHẨM LÚA GẠO Ở TỈNH ĐỒNG THÁP
5.1. CƠ SỞ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
5.1.3. Ý kiến của chuyên gia chuyên ngành về vấn đề sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL
Hộp 5-1. Hạn chế trong việc thu gom và dự trữ
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó TGĐ Công ty lương thực miền nam, nhận xét: “Mạng lưới thu mua của nhiều DN chưa xuống tới nông thôn làm cho giá thành sản xuất cao, giảm hiệu quả kinh doanh và cạnh tranh, các DN chưa thật sự là người đồng hành của nông dân”. Theo ông Dũng, mạng lưới phân phối của Tổng Công ty và các DN nhà nước nhiều năm qua bị bỏ ngỏ, chất lượng hạt gạo bán ra không đảm bảo và qua quá nhiều trung gian, giá cả lên xuống bất thường, từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng khá cao, trở thành gánh nặng cho bộ phận người dân không sản xuất ở thành thị và nông thôn.
Theo các chuyên gia kỹ thuật, toàn bộ hệ thống kho dự trữ của vùng chưa đảm bảo kỹ thuật để dự trữ lúa gạo đảm bảo chất lượng trên 3 tháng.
Các công ty xuất khẩu chỉ quan tâm đến thị trường nước ngoài và mua- xuất theo chu kỳ ngắn. Thiếu kho dự trữ nên khó chủ động thực hiện điều tiết thị trường giá cả. Hàng triệu nông dân vùng ĐBSCL đến mùa thu hoạch đồng loạt bán lúa ra thị trường, nên cung lớn hơn cầu làm cho giá lúa giảm xuống.
Thêm vào đó, số hộ không sản xuất lúa gạo ở cả nông thôn và thành thị đang gia tăng nhanh chóng do quá trình đô thị hóa; nếu thị trường nội địa không ổn định, giá cả lương thực tăng cao, đời sống của bộ phận cư dân này sẽ bấp bênh, trở thành gánh nặng cho xã hội.
Nguồn: Thu Hà (2009), “Công bằng cho người trồng lúa: bao giờ?”, có thể xem tại http://www.baocantho.com.vn
Hộp 5-2. Chính sách hỗ trợ của Chính phủ
Theo Ông Võ Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBNN tỉnh Đồng Tháp cho biết “Trên 50% GDP ở tỉnh từ nông nghiệp; với 450.000 ha lúa, đảm bảo sản lượng 2,7 triệu tấn/năm. Nhưng giá thành sản xuất hiện quá cao so với trước, nói là để nông dân đảm bảo trên 30% lợi nhuận thì rõ ràng chưa tính đủ và công bằng cho người trồng lúa. Khâu tiêu thụ còn nhiều bất cập cũng tác động trực tiếp đến lợi ích của nông dân và không khuyến khích họ gắn bó với đồng ruộng”.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, nêu ý kiến: “ANLT không nằm ở khâu sản xuất với quy mô lớn nữa, mà nằm ở khâu cuối cùng là tiêu thụ lúa cho nông dân.
Các khâu khác, Nhà nước, Chính phủ đã thấy rồi và đang khắt phục. Tiêu thụ lúa hàng hóa của nông dân không ổn, cứ đến vụ Hè Thu là tuột giá (2-3 năm nay), các kho chứa của DN không đáp ứng nổi nhu cầu”. Theo ông Đồng, Chính phủ đã chủ trương phải đảm bảo cho nông dân đạt lợi nhuận từ 30% trở lên, nhưng hiện chính sách hỗ trợ ở khâu trung gian nhiều hơn và nông dân chưa thật sự hưởng lợi. Chẳng hạn 2 đợt thu mua lúa tạm trữ vụ Hè Thu, Thu Đông 2009 với giá sàn 3.800 đồng/kg, chỉ DN lương thực mua mới đạt giá này, nhưng nông dân phải trở lúa đến tận trạm, mà điều này không phải nông dân nào cũng có điều kiện.
Trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, GS.TS. Võ Tòng Xuân cũng trình bày ý kiến về vấn đề vật tư nông nghiệp đầu vào như sau: “Mặc dù sản lượng nông nghiệp ngày càng tăng mạnh, khối lượng gọa xuất khẩu đã vượt ngưỡng 6 triệu tấn năm 2009, nhưng oái oăm thay, lợi tức của nông dân nhất là những người trồng lúa không tăng tương xứng, đời sống của đa số nông dân còn nghèo. Bởi khi giá lúa không tăng được bao nhiêu thì giá vật tư nông nghiệp lại tăng vụt. Từ năm 2001-2010, giá bán phân tăng gấp 4 lần; giá nông dược tăng gấp 2-3 lần; nhưng giá lúa gần như không tăng bao nhiêu"
Nguồn: Thu Hà (2009), “Công bằng cho người trồng lúa: bao giờ?”, xem tại http://www.baocantho.com.vn
Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 47-2010, trang 54-55
Hộp 5-3. Nguyên nhân chính gây ra những khó khăn chung cho ngành Thứ nhất, về trồng lúa: Từ khi có “khoán 100” (năm 1981) rồi đến
“khoán 10” (năm 1988) nông dân cả nước phấn khởi tự do canh tác trên thửa đất khoán riêng của mình, thoát khỏi sự ràng buộc của hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất. Sự cởi trói này được bung ra trong nông nghiệp, mạnh ai nấy làm một cách rất tự phát, muốn trồng giống nào thì trồng, muốn sử dụng kỹ thuật thế nào là tùy ý. Vì sao thế? Người nông dân trồng lúa nhưng không biết ai sẽ mua, và mua với giá bao nhiêu! Từ Bộ, các tổng công ty đến chính quyền địa phương chỉ giao cho doanh nghiệp một cách chung chung. Doanh nghiệp thì chỉ biết đối tác với hàng trăm thương lái của mình mà không trực tiếp mua sản phẩm của nông dân. Bởi vậy, mỗi người nông dân trồng lúa đều phải chọn giải pháp sản xuất nào ít rủi ro nhất. Do đó, người này trồng giống A, người kia trồng giống B; và họ dùng kỹ thuật theo ý họ. Kết quả là trên cùng cánh đồng có hàng chục giống lúa, hàng chục kiểu trồng gây ra nhiều tình huống sâu bệnh lan tràn.
Thứ hai, về thu hoạch và tiêu thụ: Khi thu hoạch, nông dân đều muốn bán lúa ngay tại ruộng, dù bị thương lái ép giá nhưng họ vẫn phải bán vì mỗi nông dân cá thể không thể tự bán được lúa theo giá tự định, họ luôn bán rẻ và phải mua đắt.
Với hàng triệu tấn lúa mới gặt, ít phương tiện phơi sấy hiện đại, phải dùng mặt đường giao thông để phơi sơ rồi bán liền, các doanh nghiệp phải có đủ tiền mặt trả cho đội quân thương lái đi mua lúa, gây nên một áp lực rất lớn về tiền mặt khiến Chính phủ phải lệnh cho các ngân hàng giải ngân cho các doanh nghiệp vay. Mỗi khi bán lúa cho thương lái, nếu được giá thì nông dân thu nhập khá, nhưng thường là bị ép giá, người dân chỉ biết trông chờ vào Chính phủ trợ giúp. Trong nước, theo kinh nghiệm nhiều năm, giá lúa do các công ty lương thực định ra thường chỉ mang lợi cho công ty mà coi nhẹ lợi ích của người nông dân. Người trồng lúa “mua đứt bán đoạn” với thương lái. Nếu sau đó giá lúa có tăng, thì phần lãi đó thương lái hưởng trọn, nông dân không có gì.
Hộp 5-3. ( tiếp theo)
Hàng chục giống lúa thương lái mua được trộn chung, phơi sấy qua loa, qua máy bóc vỏ trấu thành gạo nguyên liệu, rồi được bán lại cho các doanh nghiệp xuất khẩu hoặc các nhà máy lau bóng gạo, sẵn sàng chờ lệnh đặt hàng của doanh nghiệp xuất khẩu để gấp rút được lau bóng thêm rồi đưa ra bến cảng. Vì cách làm như thế nên đến bây giờ gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn không có “thương hiệu gạo danh tiếng”, giá thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan. Có thể thấy là phần lớn các công ty lương thực không có vùng nguyên liệu lúa, không hợp đồng với nông dân. Và tổng công ty lương thực lại càng không có nông dân trồng lúa, không có vùng nguyên liệu nào để bảo đảm chất lượng và khối lượng lúa cần thiết, nhưng lại có quyền bán gạo khối lượng lớn không cần thương hiệu.
Thứ ba, hậu quả của việc trồng lúa và thu mua tiêu thụ như nêu trên:
Gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn thua kém gạo Thái Lan do: không thương hiệu, chất lượng không ổn định, mất uy tín trên thị trường quốc tế. Người nông dân trồng lúa luôn chịu rủi ro, thiệt thòi; thậm chí có lúc giá lúa tăng cao, nhưng vẫn phải bán giá thấp vì lệnh “ngừng xuất khẩu” không ai dám mua lúa, ngoại trừ các công ty lương thực tha hồ thu mua với giá rẻ. Nếu việc sản xuất và tiêu thụ lúa vẫn cứ tiếp diễn như hiện nay thì chắc chắn nông dân sẽ không thể giàu, như đã diễn ra trong suốt hơn 30 năm qua.
Nguồn: Vebimo (2010), “GS. Võ Tòng Xuân: Trăn trở với khó khăn của nông dân trồng lúa và đề xuất giải pháp từ cách tiếp cận thị trường” có thể xem tại http://www.vietnamica.net