Chương 1. LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ CẤU TRÚC VỐN CỦA DOANH NGHIỆP
1.2. HOÀN THIỆN CẤU TRÚC VỐN CỦA DOANH NGHIỆP
1.2.2. Các nguyên tắc hoàn thiện cấu trúc vốn của doanh nghiệp
Theo nguyên tắc này, các doanh nghiệp sẽ lựa chọn tài trợ như sau:
- Tài sản cố định, tài sản lưu động thường xuyên được tài trợ bằng nguồn vốn thường xuyên.
- Tài sản lưu động tạm thời được tài trợ bằng nguồn vốn ngắn hạn hoặc nguồn ngắn hạn và một phần nguồn vốn thường xuyên.
Nếu doanh nghiệp không tuân thủ theo nguyên tắc này sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng:
- Nếu doanh nghiệp tài trợ cho TSCĐ hay TSLĐ thường xuyên bằng nguồn vốn ngắn hạn sẽ dẫn đến rủi ro thanh khoản: Việc thu hồi đầu tư từ
những tài sản này chậm, kéo dài qua nhiều năm nên khi đến hạn trả các khoản vay ngắn hạn, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, dễ dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
- Ngược lại, nếu doanh nghiệp tài trợ cho tài sản lưu động tạm thời bằng vốn chủ sở hữu hay nợ dài hạn thì lại dẫn đến lãng phí, chi phí sử dụng vốn phải trả nhiều hơn vì lãi suất vay dài hạn lớn hơn lãi suất vay ngắn hạn.
1.2.2.2. Nguyên tắc cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro
Nguyên tắc này được xây dựng dựa trên sự phân tích tác động có tính chất đòn bẩy của chi phí cố định và nợ vay. Nếu như mọi yếu tố khác được đánh giá trong cùng một mặt bằng thì hệ số về đòn bẩy tài chính và đòn bẩy kinh doanh còn tượng trưng cho độ lớn của rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp phải. Tác động đòn bẩy kinh doanh và đòn bẩy tài chính tạo nên hiệu ứng đòn bẩy tổng hợp, đó là sự ảnh hưởng theo cấp số nhân. Tác động này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của chủ sở hữu, nếu doanh nghiệp đi vay nhiều, đồng thời lại sử dụng tiền vay để đầu tư tài sản cố định. Tác động này luôn có tính hai mặt, nó có thể tạo ra những bước phát triển nhảy vọt nhưng cũng có thể đưa doanh nghiệp mau chóng đến bờ vực phá sản.
Tuân thủ theo nguyên tắc này, nếu nhà quản trị muốn hoạch định cấu trúc vốn thiên về an toàn, giảm thiểu rủi ro kinh doanh và rủi ro tài chính thì nhà quản trị phải giảm tỷ trọng nợ vay. Số tiền huy động được nên ưu tiên cho những tài sản tạm thời, những tài sản có khả năng thanh khoản cao. Việc gia tăng các khoản nợ nhằm phát huy ảnh hưởng của hiệu ứng đòn bẩy chỉ nên sử dụng khi sản lượng được đánh giá là có thể vượt xa điểm hòa vốn, và tỷ suất sinh lời kinh tế của tài sản trong doanh nghiệp lớn hơn lãi suất tiền vay với độ tin cậy thật cao [34].
1.2.2.3. Nguyên tắc giá trị thị trường của doanh nghiệp
Rủi ro và tỷ suất sinh lời là hai yếu tố được xem xét song song khi hoạch định cấu trúc vốn của doanh nghiệp. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính làm gia tăng rủi ro, khi rủi ro tăng thêm vượt quá tỷ suất sinh lời thì doanh nghiệp sẽ
lâm vào tình trạng kiệt quệ tài chính. Ngay cả khi tỷ suất sinh lời gia tăng vượt qua điểm hòa vốn EBIT làm cho thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) tăng thì vẫn tiềm ẩn rủi ro. Vì khi sử dụng nợ là rủi ro tăng, để bù đắp rủi ro này các nhà đầu tư trên thị trường sẽ ấn định một tỷ số giá thu nhập P/E thấp và kết quả là giá cổ phần sẽ giảm đi cho dù EPS có tăng cao lên.
1.2.2.4. Nguyên tắc sử dụng chính sách tài trợ linh hoạt
Tính linh hoạt trong tài trợ vốn là khả năng điều chỉnh tăng, giảm nguồn vốn cho phù hợp với sự thay đổi về nhu cầu vốn qua các thời kỳ kinh doanh.
Nguyên tắc này dựa trên nhận định: Nhu cầu vốn chịu ảnh hưởng bởi tính
“mùa vụ” của sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp muốn đầu tư mở rộng sản xuất song nhiều khi cũng muốn thu hẹp qui mô đầu tư. Do vậy, để đảm bảo nâng cao được tính linh hoạt trong việc điều động vốn, hoạch định cấu trúc vốn phải được xây dựng trên cơ sở giúp doanh nghiệp tăng được khả năng mặc cả với các nhà cung cấp vốn trên thị trường.
Tuân thủ theo nguyên tắc này, có thể thấy rằng việc ưu tiên gia tăng tỷ trọng các khoản nợ, nhất là nợ ngắn hạn, có thể cho phép các nhà quản trị những cơ hội thuận lợi để điều chỉnh linh hoạt cấu trúc vốn. Ngoài ra, việc đa dạng hóa các hình thức tài trợ bằng cách bổ sung thêm các điều khoản về khả năng thu hồi trước hạn đối với trái phiếu và cổ phiếu ưu đãi cũng giúp cho doanh nghiệp có thể chủ động điều chỉnh cấu trúc vốn một cách kịp thời khi cần thiết [34].
1.2.2.5. Nguyên tắc thời điểm thích hợp
Đây là nguyên tắc gắn liền với chu kỳ sống của doanh nghiệp. Doanh nghiệp trong giai đoạn khởi đầu thì sử dụng vốn cổ phần là chủ yếu; giai đoạn tăng trưởng thì dùng vốn cổ phần, lợi nhuận để lại và một phần nợ; giai đoạn thịnh vượng có thể khai thác tối đa lợi ích của đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải dựa vào cả chu kì phát triển của doanh nghiệp và tình hình tăng trưởng của nền kinh tế. Khi nền kinh tế đang tăng trưởng, hệ số giá thu nhập của cổ phần có thể tăng, nếu doanh nghiệp phát hành cổ phiếu lúc này
sẽ tối thiểu hóa được lượng cổ phiếu cần thiết để huy động một lượng vốn có sẵn, tránh tình trạng loãng giá.
1.2.2.6. Nguyên tắc đảm bảo quyền kiểm soát doanh nghiệp
Cơ sở của nguyên tắc này là chủ sở hữu luôn có mục tiêu nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp. Quyền kiểm soát doanh nghiệp luôn tỷ lệ thuận với số vốn góp. Vì vậy để đảm bảo nguyên tắc này, việchoàn thiện cấu trúc vốn phải thực hiện theo hướng gia tăng tỷ trọng vốn chủ sở hữu, đảm bảo cho tỷ lệ vốn chủ sở hữu đủ lớn để chủ sở hữu doanh nghiệp có thể độc lập về mặt tài chính, chủ động quyết định những vấn đề quan trọng trong sản xuất kinh doanh, không phụ thuộc vào người khác. Nguyên tắc này yêu cầu, để duy trì quyền kiểm soát, doanh nghiệp cần phải cân nhắc huy động vốn bằng cách đi vay, đi thuê, hay phát hành trái phiếu, phát hành cổ phiếu nếu các nguồn vốn chủ sở hữu hiện hành không đủ tài trợ cho dự án mới. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng cách tài trợ vốn như trên để duy trì quyền kiểm soát không phải lúc nào cũng đúng. Chủ sở hữu có thể bị mất toàn bộ quyền kiểm soát doanh nghiệp nếu huy động vốn vay vượt quá khả năng chi trả các khoản nợ. Tuy vậy, hy sinh một phần kiểm soát để đổi lấy một sự an toàn về mặt tài chính cũng là một yêu cầu cần được xem xét khi tăng tỷ lệ nợ vay trong cấu trúc vốn [34].
1.2.2.7. Nguyên tắc tối thiểu hóa chi phí sử dụng vốn
Nguyên tắc này được xây dựng trên quan điểm cho rằng, chi phí sử dụng vốn phản ánh mức giá cả của quyền sử dụng vốn trên thị trường. Mỗi nguồn tài trợ có yêu cầu về chi phí sử dụng vốn hay giá vốn khác nhau. Chi phí sử dụng vốn của mỗi nguồn tài trợ cũng biến động theo chu kì kinh doanh. Vì vậy, xây dựng cấu trúc vốn cho doanh nghiệp phải đảm bảo tối thiểu hóa chi phí sử dụng vốn, nhằm tối đa hóa lợi ích cho chủ sở hữu doanh nghiệp.
Tuân thủ theo nguyên tắc này, một mặt đòi hỏi nhà quản trị doanh nghiệp phải đánh giá được xu thế biến động về chi phí sử dụng vốn trên thị trường để lựa chọn thời điểm huy động vốn thích hợp. Mặt khác, hoạch định cấu trúc vốn phải nghiêng về các nguồn tài trợ có thời gian đáo hạn ngắn, thời
gian hoàn trả vốn gốc và lãi có thể điều chỉnh một cách linh hoạt, như cổ phiếu ưu đãi, trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phiếu, và các nguồn tài trợ ngắn hạn khác [34].
Các nguyên tắc nêu trên trong việc hoạch định cấu trúc vốn là một hệ thống thống nhất song cũng có thể có những xung đột nhất định trong quá trình vận dụng, tức là tuân thủ nguyên tắc này thì có thể không đáp ứng được hoàn toàn các yêu cầu của nguyên tắc kia hoặc ngược lại. Thực tế cho thấy, trong các nguyên tắc trên, không có nguyên tắc nào quan trọng hơn nguyên tắc nào.
Thứ tự ưu tiên đối với các nguyên tắc khi lựa chọn cấu trúc vốn là tùy thuộc vào quyền lựa chọn và quyết định của các doanh nghiệp. Nguyên tắc này được cho là quan trọng hơn nguyên tắc kia khi nó được xem xét trong môi trường kinh doanh nhất định và trong từng thời kì nhất định của doanh nghiệp. Trong nhiều trường hợp, các nhân tố ảnh hưởng đến việc tuân thủ các nguyên tắc có thể mang tính khách quan hay bất khả kháng nằm ngoài sự chi phối của doanh nghiệp. Do vậy, để thích nghi với hoàn cảnh thì việc thực hiện nguyên tắc này phải được tính đến đòi hỏi của nguyên tắc kia [34].