Chương 3. GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CẤU TRÚC VỐN CÁC DOANH NGHIỆP NGÀNH XÂY DỰNG NIÊM YẾT TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
3.3. GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CẤU TRÚC VỐN CÁC DOANH NGHIỆP NGÀNH XÂY DỰNG NIÊM YẾT TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
3.3.2. Các giải pháp hỗ trợ
3.3.2.1. Giải pháp cho các nhân tố ảnh hưởng đến cấu trúc vốn
a. Có chính sách quản trị rủi ro và nâng cao trình độ quản trị rủi ro của doanh nghiệp
Trên góc độ lý thuyết, khi doanh nghiệp càng sử dụng nhiều vốn vay thì doanh nghiệp càng được hưởng nhiều lợi ích của “lá chắn thuế”, có nghĩa là chi phí vốn sẽ càng thấp. Nhưng có một nguyên lý khác là mặc dù giá trị của doanh nghiệp dùng vốn vay sẽ tăng thêm nhờ được giảm trừ thuế, nhưng rủi ro tài chính cũng tăng theo tỷ lệ nợ. Giá trị của doanh nghiệp chỉ tăng đến một ngưỡng nhất định, rồi lại giảm dần do rủi ro tài chính tăng dần. Có nghĩa là, rủi ro tài chính là một rào cản khi doanh nghiệp cố gắng đạt tới cấu trúc vốn tối ưu. Như vậy, một cấu trúc vốn tối ưu phải phù hợp với chính sách, trình độ và năng lực quản lý của doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp phải xây dựng chính sách quản trị rủi ro và nâng cao trình độ quản trị rủi ro tài chính của doanh nghiệp. Từ đó, việc tăng nợ để thay đổi cấu trúc vốn mới an toàn, ít phải đối mặt với rủi ro đổ vỡ tài chính, tính thanh khoản…
Để đạt được điều đó, trước hết doanh nghiệp phải nhận thức được quản trị rủi ro là xác định được mức rủi ro mà doanh nghiệp mong muốn, biết được mức độ rủi ro mà doanh nghiệp hiện đang phải đối mặt và sử dụng các công cụ tài chính như thế nào để điều chỉnh mức rủi ro thực tế thành mức rủi ro mục tiêu của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp ngành xây dựng niêm yết, tác giả khuyến nghị tập trung quản trị rủi ro về kiệt giá tài chính, các công cụ quản trị rủi ro tài chính (các công cụ phái sinh như hợp đồng quyền chọn, hợp đồng kì hạn, hợp đồng giao sau) và các công cụ kiểm soát và quản trị tính thanh khoản, khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
b. Giữ tỷ lệ tăng trưởng ổn định
Tỷ lệ tăng trưởng ổn định một mặt giúp doanh nghiệp hướng tới cấu trúc tối ưu nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển và tăng trưởng hiệu quả, mặt khác cũng giúp quá trình tiến tới cấu trúc vốn tối ưu dễ dàng hơn.
Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh những doanh nghiệp lớn mạnh, có tỷ lệ tăng trưởng ổn định thì một số doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn chịu ảnh hưởng nhiều bởi sự suy thoái của nền kinh tế nói chung và bản thân doanh nghiệp nói riêng nên sự tăng trưởng còn thấp, chứa đựng nhiều rủi ro, đây là rào cản trong quá trình tái cấu trúc vốn. Do đó, giữ tỷ lệ tăng trưởng ổn định là một trong những điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp ngành xây dựng tiến tới cấu trúc vốn tối ưu thành công.
c. Gia tăng về qui mô doanh nghiệp
Cũng như tốc độ tăng trưởng, qui mô của doanh nghiệp và cấu trúc vốn có mối quan hệ hai chiều.Qui mô của doanh nghiệp càng lớn thì doanh nghiệp càng dễ dàng điều chỉnh cấu trúc vốn của mình hơn. Xét trên số liệu từ thực tế, trong giai đoạn 2010 – 2014, qui mô các doanh nghiệp ngành xây dựng bình quân tăng trưởng khá cao, tuy nhiên ở một số doanh nghiệp ra đời sau thì tỷ lệ tăng về qui mô vẫn chưa đạt được như kì vọng, đó cũng có thể lí giải một phần do những khó khăn chung của thị trường, tuy nhiên phần lớn vẫn là do nội tại của doanh nghiệp. Vì vậy, trong những năm tới, các doanh nghiệp phải
cố gắng gia tăng qui mô một cách đồng bộ, nhằm hướng tới cấu trúc vốn tối ưu của ngành một cách dễ dàng hơn.
d. Giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước ở những doanh nghiệp xây dựng những lĩnh vực thông thường
Ở một số doanh nghiệp xây dựng những sản phẩm mang tính đặc thù như xây dựng đường băng, cầu cảng, an ninh quốc phòng, để đảm bảo an toàn thì việc sở hữu Nhà nước là không thể thay thế được. Tuy nhiên, từ thực trạng là các doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu Nhà nước cao thường có nợ vay chiếm tỷ trọng rất lớn, rủi ro cao và hiệu quả hoạt động thấp trong khi các doanh nghiệp tư nhân có hiệu quả hoạt động cao hơn, các doanh nghiệp ngành xây dựng những lĩnh vực thông thường như xây dựng dân dụng, xây dựng công nghiệp… cần xem xét cân nhắc phương án giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước và thay thế vào đó là vốn cổ phần của tư nhân để có thể hướng tới cấu trúc vốn tối ưu, đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả kinh doanh cao cho doanh nghiệp.
3.3.2.2. Giải pháp về quản trị doanh nghiệp
Ngoài giải pháp nâng cao trình độ của đội ngũ quản trị thì doanh nghiệp cần đầu tư thêm cho khoa học công nghệ, cải thiện cơ sở vật chất kỹ thuật.
Trên lý thuyết và thực tế phân tích mô hình định lượng kinh tế cho thấy, tỷ lệ tài sản dài hạn có ảnh hưởng thuận chiều với cấu trúc vốn của doanh nghiệp ngành xây dựng, nghĩa là doanh nghiệp có tỷ lệ tài sản dài hạn lớn thì sẽ dễ dàng huy động nợ để điều chỉnh cấu trúc vốn của mình hơn. Do đó cải thiện cơ sở vật chất kỹ thuật là một giải pháp không thể thiếu trong tiến trình tái cấu trúc vốn. Đây là quá trình rất khó khăn và phức tạp, nên để thành công thì ngoài yếu tố con người, cơ chế… thì nhất thiết phải có sự hỗ trợ của những phần mềm quản trị hệ thống, những giải pháp về công nghệ tiên tiến. Việc xây dựng cấu trúc vốn tối ưu cần những tính toán định lượng dựa trên cơ sở những số liệu thống kê về tài chính trong một thời gian dài trong quá khứ và cả những số liệu dự báo tài chính trong tương lai… đồng thời cũng cần phải chạy những mô hình kinh tế định lượng, những mô hình dự báo với các biến phức
tạp… Tất cả những khó khăn này bắt buộc phải cần có sự hỗ trợ của cơ sở vật chất kĩ thuật hiện đại. Do đó, đầu tư vào khoa học công nghệ, cải thiện cơ sở vật chất tại doanh nghiệp là một yêu cầu cấp bách trên con đường tới cấu trúc vốn tối ưu của doanh nghiệp.
3.3.2.3. Công khai thông tin về tài chính – kế toán
Trong quá trình huy động vốn, doanh nghiệp có thể gặp phải những khó khăn như nhà đầu tư chưa tin tưởng vào doanh nghiệp nên còn phân vân khi quyết định đầu tư vốn. Điều này khiến việc huy động vốn kém hiệu quả, làm doanh nghiệp mất đi nhiều cơ hội sử dụng nguồn vốn có chi phí thấp, điều kiện sử dụng đơn giản. Để khắc phục nguyên nhân này, doanh nghiệp cần công khai các thông tin về báo cáo tài chính để các nhà đầu tư yên tâm hơn.
Trong thời gian qua, việc công khai các thông tin tài chính tồn tại nhiều bất cập như báo cáo sai lệch, từ lỗ thành lãi, số liệu không khớp nhau giữa báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán, hay doanh nghiệp công bố thông tin chậm so với thời gian quy định. Điều này ảnh hưởng lớn quyền lợi các nhà đầu tư nên các nhà đầu tư mất niềm tin với doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc huy động vốn của doanh nghiệp khi phát hành chứng khoán. Nếu báo cáo tài chính của doanh nghiệp trung thực, rõ ràng, khách quan thì sẽ tạo được độ tin cậy cao cho các nhà đầu tư. Để việc công bố thông tin tài chính một cách chính xác, kịp thời, doanh nghiệp cần:
- Xây dựng bộ máy kế toán phù hợp với cơ cấu quản lý của doanh nghiệp, có trình độ cao, sử dụng các phần mềm kế toán hiện đại để cập nhận dữ liệu hàng ngày, tổ chức công tác kế toán có khoa học và hiệu quả.
- Doanh nghiệp nên công khai các thông tin trong báo cáo tài chính chi tiết hơn trong bản Thuyết minh báo cáo tài chính để các nhà đầu tư có thể hiểu rõ ràng, chi tiết hơn về tình hình tài chính của doanh nghiệp.
3.3.2.4. Nâng cao năng lực quản lý tài chính
- Các doanh nghiệp phải đào tạo, tuyển dụng đội ngũ nhân viên có chuyên môn cao trong lĩnh vực tài chính, có khả năng ứng dụng các công cụ
tài chính trong xây dựng cấu trúc vốn và có năng lực phân tích, dự báo xu hướng tài chính quốc tế.
- Thường xuyên theo dõi các phân tích dự báo xu hướng biến động của thị trường tài chính thế giới, khu vực và trong nước. Tác động của các cuộc khủng hoảng tài chính cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam không đủ khả năng để đối phó với những biến động của thị trường tài chính là do khả năng phân tích dự báo chưa tốt. Do đó, các doanh nghiệp cần chú trọng đến vai trò phân tích dự báo xu hướng thị trường tài chính toàn cầu, trên cơ sở đó lập ra kế hoạch tài chính dài hạn. Để thực hiện được điều này, các nhà quản lý phải cập nhật thường xuyên thông tin kinh tế trên thế giới để có cái nhìn khái quát về xu hướng thị trưởng tài chính toàn cầu.
- Xây dựng mục tiêu cho hoạt động quản trị tài chính: Tài chính doanh nghiệp phải hướng đến mục tiêu tối đa hóa giá trị doanh nghiệp. Mục tiêu này không chỉ là tối đa hóa lợi nhuận, mà phải có sự cân đối giữa lợi nhuận trong ngắn hạn và sự phát triển bền vững trong tương lai.
- Tổ chức hệ thống kiểm soát nội bộ phù hợp và hiệu quả. Các doanh nghiệp ngành xây dựng nên hình thành một tiêu thuẩn đánh giá chất lượng và hiệu quả của từng hoạt động như hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính…, trên cơ sở đó để tổ chức hoạt động kiểm soát phù hợp. Kiểm soát nội bộ giúp doanh nghiệp nhận diện kịp thời các hạn chế hay rủi ro tiềm ẩn.
- Tổ chức hoạt động và cơ cấu nhân sự phù hợp với hoạt động quản trị tài chính. Đa phần các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay có sự đồng nhất giữa chức năng của bộ phận tài chính với bộ phận kế toán. Việc thiếu hoạch định chức năng và tổ chức nhân sự không phù hợp dẫn đến làm hạn chế các hoạt động quản trị tài chính. Do đó, tùy thuộc vào đặc điểm riêng của mình, các doanh nghiệp tổ chức hoạt động quản trị tài chính cho phù hợp với mục tiêu đặt ra.