Chương 1: KHÁI QUÁT VỀ NGƯỜI TÀY Ở VĂN CHẤN – YÊN BÁI VÀ MỘT SÔ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
1.3. Khái quát về Cắm Nôm – dân ca Tày – Văn Chấn, Yên Bái
Người Tày Văn Chấn ai cũng rất thích nghe, nâng niu, quí trọng Nôm.
Bất cứ ở đâu người Tày khi nghe làn điệu Nôm trong lòng đều thấy vui và phấn chấn hẳn lên. Người Tày Văn Chấn gọi dân ca là Nôm, những bài Nôm gọi là Cắm Nôm. Cắm Nôm là tên gọi mang tính địa phương dùng để chỉ dân ca Tày ở Văn Chấn, Yên Bái.
Qua các giai đoạn lịch sử Cắm Nôm vẫn tồn tại và phát triển. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, Nôm rất phát triển, các cuộc vui Nôm thâu đêm
suốt sáng, có trường hợp trai gái gặp nhau Nôm đối đáp mấy đêm liền rồi thành vợ, thành chồng. Nôm trong lao động sản xuất, Nôm mừng nhà mới, Nôm mừng tết…Sau cách mạng tháng Tám đến nay, Nôm vẫn duy trì ở những xã có đông người am hiểu Cắm Nôm. Những làng bản còn phát huy phong tục tập quán này của dân tộc, bằng cách những cơ sở có người biết Nôm thường truyền dạy cho con cháu; Có những địa bàn người dân biết đặt lời mới cho Nôm. Nôm đọng lại ở lớp người già, ngày nay lớp người già đã ra đi vãn, nên Nôm cũng thưa thớt. Theo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, mấy năm gần đây Nôm Tày được đặt lời mới phù hợp với đường lối, chính sách.
1.3.2. Thực tế lưu truyền diễn xướng, sinh hoạt của Cắm Nôm người Tày huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
Sự tích của Nôm Tày, kể rằng: “Người Tày xa xưa không ai biết vào thời gian nào, sống thành từng bản, hàng ngày đi làm về ăn uống xong đi ngủ. Mọi người thui thủi đi làm trong rừng xanh âm u bạt ngàn. Vào mùa tháng 7, tháng 8 âm lịch, trong rừng hoang tiếng ve sầu ra rả khắp nơi. Nghe tiếng ve sầu kêu vừa vui lại vừa buồn. Nằm đêm người ta nghĩ ra Cắm Nôm rồi lấy tiếng ve kêu làm mẫu, giọng người bắt chước theo sau tiếng ve. Giọng ve cất lên rồi ngân dài xuống giọng, nhả câu chữ theo, khi nào hòa âm người – ve là đạt. Những mùa tiếng ve không kêu, người Tày ra suối nước chỗ có thác nước chảy phát ra ào ào êm tai, cất giọng theo tiếng suối reo, bây giờ ta gọi là xướng âm, âm của người hòa với âm của suối reo, Nôm ra đời từ bấy giờ”.
Bài Nôm phải là bài thơ hay một bài văn vần có chủ đề, nội dung rõ ràng. Nôm được diễn xướng ở các cuộc vui. Nôm mừng chúc thọ người già, Nôm mừng tết nguyên đán, Nôm mừng nhà mới, Nôm mừng mùa màng bội thu…Và hình như Nôm sinh ra còn để phục vụ hạnh phúc con người, đó là Nôm trong lễ cưới, Nôm đối đáp nam - nữ. Câu mở đầu của Nôm bao giờ cũng là: “Hới….Thương ….. lai (Ới …thương… nhiều) và câu chữ phải nhấn từng tiếng sao cho người nghe rõ tiếng. Hết câu đầu đến câu tiếp cũng phải
“Hới…thương….lai”, cứ lặp đi lặp lại như thế cho đến hết bài.
Tiểu kết chương 1
Thông qua việc tìm hiểu những nét cơ bản về vùng đất, con người Văn Chấn – Yên Bái, chương viết đã chỉ ra huyện Văn Chấn – Yên Bái không chỉ là vùng đất có vai trò quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội mà còn là một vùng văn hoá đặc sắc. Mảnh đất với thiên nhiên thơ mộng và hấp dẫn với núi sông hùng vĩ, những hang động kỳ ảo, nhiều sản vật quý hiếm, độc đáo, nằm ở cửa ngõ Tây Bắc Tổ quốc, tác động trực tiếp đến quá trình hình thành, phát triển tâm hồn và nhân cách của cộng đồng các dân tộc cổ trên vùng đất biên thuỳ này. Sự độc đáo của thiên nhiên nơi đây cũng là cái nôi để nảy sinh ra những ý tưởng kỳ vĩ và thơ mộng của các làn điệu dân ca Tày.
Dân tộc Tày với nền văn hoá thung lũng còn in đậm dấu ấn trong các lễ hội và phong tục tập quán, trong đó đã tồn tại và lưu truyền một kho tàng các làn điệu dân ca Cắm Nôm. Vùng đất Văn Chấn là nơi ươm mầm, phát triển và lưu giữ những làn điệu đó. Con người nơi đây hiền lành, chăm chỉ sống hoà hợp với thiên nhiên và với các cộng đồng dân tộc khác nhau. Đây chính là những yếu tố để Cắm Nôm Tày được sống cùng thời gian.
Như vậy, tìm hiểu về Cắm Nôm trên vùng đất sản sinh, phát triển, bảo tồn nó là một việc làm cần thiết. Từ những nét khái quát chung nhất về vùng đất, văn hoá tộc người, chúng tôi sẽ đi sâu khảo sát về nội dung nhân vật trữ tình của Cắm Nôm - tác phẩm văn hóa văn học dân gian vô cùng đặc sắc của người Tày Văn Chấn - ở những chương tiếp theo.
Chương 2