Chương 3: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRỮ TÌNH
3.3. Thời gian và không gian nghệ thuật
3.3.1. Không gian nghệ thuật
Ngoài các yếu tố tạo nên hình thức nghệ thuật, trong văn bản tác phẩm cụ thể, bao giờ cũng có yếu tố của không gian. Không gian chính là môi trường sống, hay nói cách khác đó là môi trường hoạt động của nhân vật. Có không gian, nhân vật mới bộc lộ rõ mọi hành động của mình, giữa không gian và nhân vật bao giờ cũng tỉ lệ thuận với nhau, hành động của nhân vật càng nhiều thì môi trường không gian càng lớn. Có bấy nhiêu không gian thì bộc lộ bấy nhiêu phương diện của con người về sự hiểu biết thế giới.
Từ điển Thuật ngữ văn học khẳng định “không gian nghệ thuật là hình thức bên trong của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó” [45].
Trong cuốn Dẫn luận thi pháp học GS. Trần Đình Sử có nói tới không gian nghệ thuật: “Không gian trong văn học là một hiện tượng nghệ thuật”.
Nói như vậy để thấy rằng không gian nghệ thuật là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật, không có hình tượng nghệ thuật nào có thể tồn tại ngoài không gian. Mỗi không gian nghệ thuật đều có sự khác biệt, sở dĩ có điều này là do sự phản ánh thế giới nghệ thuật mang tính chủ quan của tác giả.
Không những thế, “Không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống, do đó không thể quy nó về như là sự phản ánh giản đơn không gian địa lý hay không gian vật lý, vật chất”[46, tr.87]. Điều đó có nghĩa là không gian nghệ thuật thể hiện con người và cả những quan niệm trong cuộc sống thường ngày, hoặc những gì đã diễn ra. Không thể xem xét không gian nghệ thuật một cách phiến diện, tách rời với con người và cuộc sống. Trong thực tế, khi tiếp xúc với các văn bản, thấy được những hình ảnh nói về không gian như ngôi nhà, con đường, dòng sông...,các hình ảnh này chỉ trở thành biểu tượng của không gian nghệ thuật khi chúng mang một quan niệm nghệ thuật về thế giới của tác giả.
Cũng theo GS. Trần Đình Sử không gian nghệ thuật là mô hình thế giới của tác giả, được biểu hiện bằng ngôn ngữ của các biểu tượng không gian”, và không gian nghệ thuật là một hiện tượng khép kín. Đối với tác giả thì việc xây dựng một không gian nghệ thuật cho riêng mình là điều phải làm và nó cũng quyết định sự thành công của tác phẩm. Mỗi tác giả đều hình dung tưởng tượng một không gian riêng, phù hợp với việc hình thành ý tưởng của mình trong tác phẩm.
Vậy nó biểu hiện bằng ngôn ngữ, mang tính cá thể là điều dễ hiểu. Không gian do tác giả sáng tạo ra và người đọc là người cảm nhận chia sẻ.
Không gian nghệ thuật trong Cắm Nôm Tày, huyện Văn Chấn rất phong phú, đa dạng. Đó là sự đan xen giữa không gian thiên nhiên, không gian sinh hoạt và có cả không gian siêu nhiên. Không gian ấy cũng góp phần thể hiện tâm trạng nhân vật trữ tình.
Không gian được nhắc nhiều nhất trong những bài Cắm Nôm là không gian sinh hoạt. Không gian sinh hoạt luôn gần gũi với cuộc sống của con người. Con người tồn tại trong không gian sinh hoạt. Chúng ta thấy các hình ảnh không gian này rất phong phú và đa dạng. Các hình ảnh không gian trong đời sống đi vào tác phẩm đều có thể trở thành không gian nghệ thuật. Điều đó phụ thuộc rất lớn vào cảm quan về thế giới của người xưa khi nhìn nhận vấn đề không gian nghệ thuật. Đó có thể là cây đa, bến nước, sân đình…của người Kinh. Còn trong Cắm Nôm không gian hiện lên là tất cả những gì gần gũi thân thuộc với cuộc sống của đồng bào. Không gian ấy gắn liền với địa điểm diễn xướng đặc thù của người dân miền núi như trên nương rẫy, bên ruộng đồng, bên bờ suối...gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của đồng bào đó là nhà sàn, bếp lửa, bản mường….Tất cả không gian ấy trở thành không gian trữ tình cho sự nảy sinh cảm xúc, tình cảm của biết bao chàng trai, cô gái Tày, vì thế không gian sinh hoạt trở thành không gian tâm trạng.
Trong không gian sinh hoạt trong những bài Cắm Nôm, có thể thấy không gian “nhà” được nhắc tới nhiều nhất. Nhà ở của người Tày, Văn Chấn chủ yếu là nhà sàn dựa lưng về phía đồi núi cao hay bên suối và hướng ra đồng ruộng rộng lớn. Cắm Nôm là làn điệu dân ca được sinh ra trở thành món ăn tinh thần vô cùng cần thiết trong cuộc sống. Những lời ca được cất lên trong không gian tĩnh lặng, ấm áp bên bếp lửa nhà sàn ấm nồng. Lời mở lời của chàng trai khi đến nhà người thương, chào hỏi gia đình, cô bác…nơi đặt chân đến đầu tiên chính là ngôi nhà “nhà anh em chúng ta”
“ Nhà dưới, nhà trên không chê ồn ào Người già không lời mắng mỏ
Không có người nào Chửi mắng em đâu Nhà dưới được nghe vui Nhà trên được nghe nhờ Nhà dưới nhà bà thím Nhà trên nhà ông bắc Nhà lợp lá nhà em cô Nhà lợp phá văn hoa Nhà anh em chúng ta”
Hay
“ Nhà bạc che mưa Nhà vàng dung vàng mỏ Rơi dùi đứng xuống thang”
Bản em cho em chỉ hướng
Mới xứng nàng tình nhân có chồng Mường cho em đi trước
Mới chính thật nàng xinh tươi có tài”
Không gian sinh hoạt còn được hiện ra trong cuộc sống riêng tư của từng gia đình. Khoảng không gian này diễn ra trong phạm vi đời sống của từng cá nhân, rất nhỏ bé. Con người trong không gian đó cũng chất chứa những mảnh tâm trạng khác nhau, có thể buồn, vui, nhớ thương, giận hờn...
Đi liền với không gian sinh hoạt là không gian thiên nhiên. Hầu như ở bài ca nào của các tộc người thiểu số ta cũng thấy thấp thoáng không gian thiên nhiên cụ thể, gần gũi, bình dị gắn bó với người miền núi như hình ảnh ngọn núi, rừng cây. Không gian ấy luôn là cái cớ để trai gái giãy bày, bộc lộ tâm trạng lòng mình. Các hình ảnh không gian thiên nhiên không bó hẹp trong cuộc sống sinh hoạt. Nó vượt ra ngoài tầm không gian thông thường, vươn tới không gian của vũ trụ rộng lớn bao la vô cùng vô tận. Bất kỳ nhân vật nào trong tác phẩm cũng bị chi phối bởi cảm quan dân gian về thiên nhiên vũ trụ. Không gian thiên nhiên trong những bài Cắm Nôm hiện lên là không gian thiên nhiên tươi đẹp, rộng lớn, đầy thơ mộng. Đó là không gian nghệ thuật đầy gợi cảm qua đó còn bộc lộ tâm trạng con người. Hình ảnh thiên nhiên trong lời ca xuyên suốt bối cảnh của không gian trữ tình với cảnh đồng, rặng cây.
“ Rừng già có đồi núi chập chùng Thân anh ở trong đá úp xuống Kỳ Lân noi cầu bạc
Còn đợi anh nữa không”
Thiên nhiên trong Cắm Nôm hiện lên với sắc màu chân thật như nó vốn có, thiên nhiên còn mang tâm trạng con người, gắn với chức năng giao duyên bày tỏ tâm tình, thể hiện nguyện ước gắn bó lứa đôi.
Thiên nhiên thật đẹp, thật rộng lớn, đầy màu sắc “núi chập chùng”,
“hoa mua”, “hoa sen”, “lúa thơm mát”. Song điều đáng nói ở đây là thiên nhiên gắn liền với tâm trạng con người, nó có mối quan hệ chặt chẽ trong việc bộc lộ cảm xúc, tâm trạng của nhân vật trữ tình. Bức tranh thiên nhiên được miêu tả có tính chất tương đồng làm đòn bẩy để làm tăng sức thuyết phục cho sự giãi bày tâm trạng nhân vật trữ tình. Đó là nỗi buồn của chàng trai, cô gái yêu nhau mà không đến được với nhau:
“Hai anh em ta yêu nhau
Không lấy được nhau buồn lòng Hàng ngay như quả cà lô trôi lũ Trôi lũ thác tiếp thác xuôi dòng Sóng tiếp sóng lỉnh kỉnh
Tim ta không biết suy nghĩ xa hơn”
Đó còn là lời dặn dò người thương hãy luôn nhớ đến mình khi phải xa nhau, ẩn chứa trong đó là nỗi nhớ thương, hi vọng, đợi chờ.
“Nắng vàng tỏa khắp nơi
Trông lên khe suối còn nhớ nữa không?
Nắng vàng trải khắp vùng
Trông lên phương nhà còn thương nữa không?
Không nhớ nước hãy nhớ cá Không nhớ ruộng hãy nhớ lúa Hãy nhớ đến nụ hoa sung em ơi!”
Ngoài ra người Tày cũng giống như một số dân tộc khác chia thế giới ra làm ba cõi. Không gian ở cõi trời là không gian cao, rộng mở với thời gian dài, còn không gian ở cõi dưới mặt đất được hình dung là nơi sâu thẳm, đáng sợ, còn không gian ở cõi trần là khoảng không gian gần gũi với cuộc sống của con người. Trong Cắm Nôm không gian cõi trời và cõi dưới mặt đất (cõi âm) là không gian siêu thực, là thế giới thần bí do con người tưởng tượng ra.
“Chết lên Thiên không nhà
Chết đường trời đường sương không thành ma”
Có thể nói, không gian siêu nhiên không xuất hiện nhiều trong những lời ca nhưng nó đã góp phần đem lại cho một số lời Cắm Nôm màu sắc linh thiêng huyền thoại. Khi bước vào không gian này giúp ta hiểu rõ hơn thế giới tâm hồn và trí tưởng tượng phong phú của người Tày. Qua đó, giúp ta tiếp cận dễ dàng hơn với đời sống tâm linh và quan niệm tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm thức của đồng bào Tày.
Không gian nghệ thuật trong Cắm Nôm luôn có sự đan xen giữa không gian sinh hoạt với không gian thiên nhiên, nói cách khác đó là không gian vật lý đan xen với không gian tâm lý. Qua không gian nghệ thuật này chúng ta thấy đuợc tâm trạng con người được bộc lộ với nhiều cung bậc, cảm xúc khác nhau tạo nên tính đa dạng, phong phú trong đời sống tình cảm; gián tiếp bày tỏ hoàn cảnh, đời sống riêng tư, đời sống gia đình, bản làng và xã hội với phong tục, tập quán, tín ngưỡng của đồng bào Tày.
Như vậy, không gian nghệ thuật trong Cắm Nôm của người Tày, Văn Chấn được miêu tả là không gian gần gũi, bình dị mang đậm nếp sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Tất cả đều hiện lên chân chất, thực tế mà qua lời ca tiếng hát ta đều cảm nhận được.
Tóm lại, thời gian trong bài ca là thời gian hiện tại, thời gian diễn xướng, nhiều trường hợp có công thức ước lệ, có sự vận động về thời gian cùng với dòng cảm xúc. Không gian trong Cắm Nôm nhìn chung là không gian rất sơn cước, truyền thống, đậm đà ý vị đân dã. Thời gian và không gian có thể đều được nhìn nhận ở hai trạng thái là vật lý (có thật) và tâm lý (tâm tưởng, cảm xúc). Thời gian và không gian trong Cắm Nôm tồn tại độc lập nhưng không bao giờ chia cắt. Thời gian lúc nào cũng đi liền với không gian hỗ trộ nhau cùng biểu đạt những trạng thái cảm xúc sâu sắc, chân thành nhất từ những tâm hồn mộc mạc, trong sáng, tế nhị…