Chương 3: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRỮ TÌNH
3.3. Thời gian và không gian nghệ thuật
3.3.1. Thời gian nghệ thuật
Thời gian nghệ thuật là một phạm trù của hình thức nghệ thuật, thể hiện phương thức tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật. Thời gian nghệ thuật là thời gian tâm lý và mang ý nghĩa thẩm mĩ. Thời gian nghệ thuật là một phạm trù nghệ thuật mang tính đặc thù, có đặc tính riêng biệt và nó cũng không thể đồng nhất với thời gian thực tại. Hiện nay về lĩnh vực thi pháp học, GS. Trần Đình Sử là người đi đầu trong việc nghiên cứu và ứng dụng thành công vào các văn bản tác phẩm. Giáo sư cho rằng thời gian nghệ thuật là một phạm trù của nghệ thuật, thời gian nghệ thuật là hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật. Dẫn theo lời Giáo sư Trần Đình Sử : “Thời gian nghệ thuật là thời gian mà ta có thể thể nghiệm được trong tác phẩm nghệ thuật với tính liên tục và độ dài của nó, với nhịp độ nhanh hay chậm, với chiều thời gian và hiện tại, quá khứ hay tương lai”[44]. Vì thế “Thời gian nghệ thuật là thời gian được cảm nhận bằng tâm lí qua chuỗi liên tục các biến đổi (biến cố), có ý nghĩa thẩm mĩ, xảy ra trong thế giới nghệ thuật” [44].
Triết học cổ xưa, có một số quan niệm khác về thời gian, xem nó là phương thức tồn tại của thế giới vật chất. Mọi vật chất trên thế giới này đều
tồn tại với thời gian, tất nhiên không thể nằm ngoài thời gian được. Nhận biết được điều này, con người đã biết cách tính bằng đơn vị thời gian theo quy ước chung ngày, tháng, năm, giờ, phút, giây...Khi thời gian đi vào tác phẩm và trở thành hình tượng nghệ thuật, sẽ thể hiện những quan niệm khác nhau của mỗi nhà văn về cuộc đời, về con người.
Thời gian nghệ thuật mang tính chủ quan, nó thường gắn với thời gian tâm lý. Nó có thể thay đổi trong khoảng thời gian vượt xa mức thực tế, cũng có khi kéo dài hoặc rút ngắn khoảng cách thời gian cho phù hợp với mọi hoạt động diễn ra của từng nhân vật. Người đọc là người cảm nhận sâu sắc nhất về thời gian nghệ thuật. Nếu thời gian nghệ thuật là một biểu tượng cho quan niệm về con người và cuộc đời thì cuộc sống lại muôn màu muôn vẻ, có ngàn lý do, cũng có ngàn quan niệm, tạo nên sự phong phú, đa dạng về thời gian.
Đối với thi pháp học thời gian nghệ thuật là một phạm trù cơ bản, biểu hiện sự sáng tạo nghệ thuật.
Thời gian nghệ thuật là một phạm trù của hình thức nghệ thuật, thể hiện phương thức tồn tại và triển khai thế giới nghệ thuật. Bởi vậy mà thời gian nghệ thuật trong văn học dân gian khác với thời gian nghệ thuật trong văn học viết và thời gian nghệ thuật trong ca dao, dân ca lại khác nhiều so với các thể loại khác. Trong thần thoại ta bắt gặp sự quan niệm về thời gian ban đầu tạo lập thế giới khi trời và đất mới tách ra khỏi cái hỗn mang. Trong truyền thuyết là một quá khứ xác định trong một thời kì hay triều đại xa xưa thời mới dựng nước. Trong cổ tích là thời gian quá khứ phiếm định ở một cái ngày xửa ngày xưa nào đó. Còn trong ca dao đó lại là thời gian hiện tại và thời gian diễn xướng.
Thời gian nghệ thuật trong Cắm Nôm Tày vô cùng sống động, gắn liền với việc diễn tả tâm trạng chủ thể trữ tình, thể hiện các cung bậc tình cảm, biểu đạt các trạng thái tâm hồn con người. Cắm Nôm là những tác
phẩm văn học dân gian được ngừời Tày Văn Chấn cất lên trong đời sống cộng đồng. Lời ca của Cắm Nôm luôn luôn được gắn với môi trường và cách thức diễn xướng cụ thể. Ở đây vai trò của người diễn xướng là rất quan trọng. Do vậy mà thời gian của tác giả và thời gian của người thưởng thức (người nghe) cũng hoà lẫn với thời gian hiện tại của người hát. Vì thế chúng ta có thể khẳng định rằng thời gian trong Cắm Nôm là thời gian hiện tại.
Điều này chúng ta thấy khác với thời gian trong truyện cổ tích luôn luôn là thời gian quá khứ phiếm định hay thời gian trong truyền thuyết luôn luôn là thời gian quá khứ xác định.
Cũng giống như dân ca của các dân tộc khác, dấu hiệu của thời gian diễn xướng hiện tại của Cắm Nôm được biểu hiện qua sự xuất hiện của các từ mang tính chất chỉ thời gian như: Đêm nay, bây giờ, hôm nay, ngày mai, đêm ngày…Khi hát, người diễn xướng có thể thay đổi những từ chỉ thời gian ấy trong hiện tại sao cho phù hợp với hoàn cảnh, địa điểm, thời gian diễn xướng.
Đúng như nhận định: “Cốt sao đảm bảo thể hiện cảm xúc trữ tình trong câu (bài hát) tạo sự thông cảm, gần gũi giữa những người tham gia cuộc hát hiện tại”, [48, tr .133].
Ở đây người hát có thể thay đổi trạng từ chỉ thời gian “hôm nay” bằng từ “bây giờ” để phù hợp với không gian, tâm trạng, hoàn cảnh của cuộc hát đang diễn ra. Thời gian mang tính ước lệ trong ca dao dân ca các dân tộc được sử dụng rất nhiều, đặc biệt là thời gian biểu hiện quan niệm và biểu thị thời gian như một đại lượng không cụ thể, thiếu tính xác định như:
Trong ca dao Việt Nam:
“Chiều chiều ra đứng ngõ sau, Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”
Hay trong dân ca Dao:
“ Đôi ta quen nhau từ thuở trước Nhớ lời hẹn ước từ năm nao Vì ở nơi xa người mỗi ngả
Nay nhớ buổi hẹn hò hôm nào” [58]
Thời gian ước chừng thường đi đôi với tâm trạng của nhân vật trữ tình do đó thời gian có thể co giãn theo ý muốn chủ quan của con người, đáp ứng nhu cầu thể hiện cảm xúc buồn vui, giận hờn, nhớ mong…của chủ thể trữ tình. Thời gian trong những lời ca Cắm Nôm là thời gian thực tại, phản ánh qua những cảm nhận về sự vận động của thời gian.
Trong sự vận động của thời gian, tâm trạng của con người luôn biến đổi, hay có thể hiểu sự thay đổi, vận động về thời gian song song với sự thay đổi tâm trạng, cảnh ngộ, số phận của con người. Đó là niềm vui trong cuộc sống khi hòa mình vào những trò chơi dân gian, 12 tháng, 12 khoảnh khắc, là sự thay đổi của thời gian, mùa vui chơi, mùa hò hẹn. Trong Cắm Nôm không nói về thời gian theo giáp, theo năm mà chủ yếu nói về các ngày, các tháng cụ thể, ý niệm về thời gian của họ rất cụ thể :
“ Tháng giêng noi cầu mây nhún nhẩy Tháng hai noi cầu đồng tám cạnh Tháng ba noi cầu Là Liền lên bụt Tháng tư noi cầu cụt sang hè
Tháng năm noi cầu Cheng phong ba Tháng sáu noi cầu Ngà tấp nập Tháng bảy noi cầu hội cũng Nàng Tháng tám noi cầu Tang với người yêu
Tháng chín và tháng mười
Noi cầu người rong chơi thỏa thích Tháng mười một và tháng chạp Noi cầu Chu sương phủ”
Hay khi không gặp được người thương, chàng trai bày tỏ nỗi lòng và tâm sự của mình, một ngày hay mười ngày nỗi buồn đó không hề thay đổi, tất cả vẫn như ngày hôm nay.
“ Mười ngày buồn như hôm nay Anh không lòng ăn cơm
Anh đi ăn quả sung non thay bữa Mười ngày buồn như ngày hôm nay”
Trong tâm thức của con người thời gian có thể được coi là sự cách trở.
Cho dù họ muốn vượt qua sự cách trở đó, muốn níu giữ thời gian nhưng tất cả đều vô vọng, bởi thời gian là sự tồn tại khách quan với con người. Thời gian luôn vận động chứ không tĩnh tại, nó cũng không thể đảo ngược, không thể đổi thay. Vì thế ước muốn được mãi bên nhau đã trở thành ước nguyện muôn đời của đôi lứa.