Chương 3: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRỮ TÌNH
3.4. Diễn xướng những khúc Cắm Nôm của người Tày ở Văn Chấn
3.4.3. Nhân vật diễn xướng
Qua nghiên cứu, khảo sát những khúc hát Cắm Nôm của người Tày ở Văn Chấn, Yên Bái, dễ dàng nhận thấy nhân vật diễn xướng và người diễn xướng đồng nhất làm một.
Với hình thức diễn xướng tập thể, nên nhiều bài ca cầu mùa được nhiều người hát lên. Người diễn xướng không chỉ là các diễn viên không chuyên trên sân khấu mà còn là bà con đến dự hội cũng tham gia hát.
Ví như, nhân vật diễn xướng Cắm Nôm trong lễ hội Lồng Tồng của người Tày ở Văn Chấn, Yên Bái không giới hạn ở số lượng người. Ngoài những nhân vật chính được tuyển chọn, luyện tập ngay từ đầu, người đến chơi hội cũng có thể góp lời ca tiếng hát của mình vào hội xuân. Chắc chắn, tiếng
ca của họ góp phần không nhỏ vào kho dân ca, giúp nó ngày càng đầy lên.
Hơn nữa, đây cũng chính là một nét đẹp thể hiện sự đoàn kết, yêu chuộng văn nghệ của người Tày ở vùng đất này.
Nói chung, việc sử dụng các cử chỉ, động tác trong khi diễn xướng góp phần không nhỏ vào việc truyền tải nội dung của bài dân ca cũng như thể hiện thái độ, tình cảm, tài năng của người diễn xướng.
Cùng với tiếng ca, ngoài điệu múa còn là âm nhạc. Tiếng đàn tính tẩu vang vang, tiếng nhạc xóc rộn ràng nâng tiếng hát lên cao, khiến lời hát càng thêm có hồn. Vũ đạo và âm nhạc được các nghệ nhân dân gian đưa vào diễn xướng Cắm Nôm có tính nghệ thuật cao. Mỗi loại hình đều có một sức mạnh riêng do vậy mà có lúc cả dân ca, dân vũ, dân nhạc được những người nghệ sĩ dân gian đó kết hợp với nhau, có khi lại để chúng đứng độc lập để hát, nhạc, múa tự thể hiện sự hấp dẫn riêng của mình.
Có thể nói Cắm Nôm là loại hình dân ca mang tính tổng hợp bởi trong nó chứa đựng các yếu tố của dân ca, dân vũ, dân nhac. Trong đó, lời dân ca là yếu tố chính, cơ bản nhất, còn âm nhạc và các cử chỉ, động tác là yếu tố bổ trợ như chất gia vị cho món ăn thêm hấp dẫn.
Cuộc sống ngày nay có nhiều đổi thay nhưng khúc hát Cắm Nôm vẫn tồn tại trong đời sống tinh thần của người Tày ở Văn Chấn – Yên Bái. Đây là loại hình dân ca gắn có sức hút lạ kì với nhiều người bởi ngôn ngữ thơ phong phú, hình ảnh sinh động và đặc biệt được thể hiện thông qua nghệ thuật diễn xướng hấp dẫn. Qua diễn xướng, các giá trị nội dung tư tưởng cũng như thi pháp loại hình được thể hiện một cách rõ nét nhất. Đồng thời, qua đó chúng ta cũng thấy được nét đẹp riêng trong nghệ thuật hát Cắm Nôm và trong các lĩnh vực nghệ thuật khác của người Tày ở Văn Chấn – Yên Bái.
Do vậy, diễn xướng chính là một yếu tố vô cùng quan trọng không thể bỏ qua được khi tìm hiểu Cắm Nôm nói riêng và văn học dân gian nói chung.
Tiểu kết chương 3
Cũng giống như những di sản văn học dân gian của các dân tộc khác, Cắm Nôm của người Tày ở Văn Chấn, Yên Bái khá đầy đủ các phương thức nghệ thuật để xây dựng thành công hình tượng nhân vật trữ tình trong tác phẩm. Với những biện pháp tu từ nghệ thuật quen thuộc, với cách điệp ý điệp từ, điệp hình ảnh … người nghệ sĩ dân gian Tày đã sáng tạo ra làn điệu dân ca Cắm Nôm đậm chất vùng miền với ngôn ngữ, hình ảnh có sự khác biệt, đặc trưng riêng đầy thú vị, với không gian và thời gian nghệ thuật độc đáo.
Từ việc tìm hiểu về một số yếu tố nghệ thuật trong xây dựng nhân vật trữ tình của Cắm Nôm qua các khía cạnh như ngôn ngữ, các biện pháp tu từ, nghệ thuật diễn xướng, chúng ta nhận thấy các nghệ nhân dân gian Tày đã có sự vận dụng linh hoạt và sáng tạo, từ đó xây dựng nội dung, ý nghĩa cho lời hát Cắm Nôm, qua đó khắc họa hình ảnh nhân vật trữ tình, góp phần tạo nên nét đặc sắc riêng cho dân ca Tày Văn Chấn, Yên Bái.