Chương 3: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT TRỮ TÌNH
3.4. Diễn xướng những khúc Cắm Nôm của người Tày ở Văn Chấn
3.4.1. Môi trường diễn xướng
Môi trường diễn xướng có thể coi là mảnh đất màu mỡ, cái nôi nuôi dưỡng và sáng tạo văn học dân gian. Môi trường diễn xướng gồm hai yếu tố, đó là thời gian diễn xướng và không gian diễn xướng.
3.4.1.1. Thời gian diễn xướng
Cắm Nôm là loại hình dân ca đặc trưng của dân tộc Tày, Văn Chấn. Nó gắn bó trực tiếp và đi vào muôn mặt của đời sống, sinh hoạt của nhân dân.
Lời ca đi vào giấc ngủ của con trẻ, đi theo chị ra chợ, đi theo mẹ lên nương, đi theo anh những đêm xuân hát giao duyên tìm bạn. Rồi đến ngày trọng đại của đời người, nhà trai phải trổ hết tài để đón được nàng dâu về nhà. Khi không may một người nằm xuống, tiếng ca lại một lần nữa cất lên để tiễn đưa hồn người đã khuất... Và vượt ra khỏi vành nôi, bay theo làn khói lam trên nóc nhà sàn, men theo vách đá, tỏa xuống nương ngô...
Thường thường, khoảng thời gian có thể coi là thích hợp nhất để tổ chức hát Cắm Nôm là những ngày xuân. “Mùa xuân - mùa núi rừng ngập lá ngập hoa, con người mở hội hát ca mừng rẫy, mừng đồng, mừng núi non, mừng người, mừng tình nghĩa... Mùa xuân, mùa của sli, lượn ca hát của người Tày, Nùng” [24, tr. 259]. Trong tiết trời mưa xuân rắc phấn lên vạn vật, cây cỏ cựa mình vươn dậy, lồng ngực đang căng đầy hơi thở của mùa xuân, bà con ở huyện Văn Chấn lại cùng hát những bài Cắm Nôm chan chứa ân tình. Trải dài theo nắng xuân vàng ấm áp, bay theo cánh hoa mận hoa mơ
trắng muốt, chao lượn cùng đôi én ương đang tình tứ, câu hát cứ lan tỏa khắp núi rừng, vào từng ngôi nhà, ngõ xóm, bản làng. Để mà hát Cắm Nôm những đêm trăng tròn. và giữa tiết xuân đang trở lại ấy, tiếng hát của lòng người càng thêm nồng ấm và thiết tha hơn.
3.4.1.2.Không gian diễn xướng
Không gian diễn xướng của khúc hát Cắm Nôm chính là môi trường sinh hoạt của bà con người Tày ở Văn Chấn,
Khúc ca có thể còn được diễn ra trong không khí linh thiêng của nghi lễ tôn giáo và trong không khí vui rộn ràng của ngày hội, ngày mùa. Người Tày Văn Chấn cũng như các địa phương trên cả nước có lễ hội Lồng Tồng – cầu mùa. Không khí đầy tôn nghiêm nhưng cũng rất ấm áp ấy khiến tiếng nhạc xóc càng thêm rộn ràng, tiếng đàn tính lại thêm trong trẻo thánh thót để khúc tụng ca khi trầm khi bổng vang lên say đắm lòng người.
Như vậy, vào ngày hội, hội vui kéo dài ngày lại ngày và cũng trong thời gian đó, người ta tổ chức xen kẽ các trò chơi như đánh cầu, chọi gà, đánh quay… và sinh hoạt ca hát Cắm Nôm.
Hát Cắm Nôm cũng như các loại hình dân ca của người Tày ở các địa phương khác, nó diễn ra mang đặc trưng của “sân khấu nhà sàn” (chữ dùng của nhà văn Vi Hồng). Chính vì vậy nội dung của nó cũng mang tính chất xã hội và mọi tình cảm được thể hiện tế nhị với ngôn ngữ khá chau chuốt. Trong không gian diễn xướng, người hát hội như càng cởi mở, tự tin cất lên làn điệu dân ca của quê hương mình.
Qua quá trình điền dã, được tiếp xúc với các nghệ nhân người Tày sinh sống tại Văn Chấn chúng tôi nhận thấy: Không gian diễn xướng Cắm Nôm của người Tày huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái khá đa dạng. Họ có thể cất lời ca khi tình cờ gặp nhau giữa chợ, trên nương, hay trên đường đi chơi nam nữ gặp nhau tự cất tiếng hát trực tiếp. Những lời nội dung bài hát Cắm Nôm này
do hoàn cảnh ứng tác và người hát tự quyết định. Những chàng trai, cô gái Tày gặp nhau lần đầu dù trên đường đi chợ, dù trên nương rẫy trong lòng xao xuyến là có thể cất lời Cắm Nôm ướm hỏi, làm quen. Không gian này không bị gò bó, đó là không gian của những phiên chợ, ngày tết hay lúc bản làng có niềm vui như cưới hỏi, mừng nhà mới. Lối hát không qui định bên hát trước, bên hát sau, ban đầu chỉ là những lời ướm hỏi, gọi mời, hát lần một, lần hai đến khi nào bên kia đáp mới thôi. Như lời Đố cây cọ và giải cây cọ của đôi nam nữ Tày:
- “ Cái gì đứng giữa mường sum xuê ? Cái gì màu vằn đen hứng nắng ? Cái gì hay hứng mưa ?
Cái gì như sợi chỉ đến xiên?
- “Cây cọ đứng giữa mường sum xuê Cán cọ có màu đen hứng nắng
Lá cọ đứng hứng mưa
Buồng quả cọ như sợ chỉ to đến xiên”
Đối với những cặp hát đôi Cắm Nôm thường dưới diễn ra dưới lùm cây ven đường, ven suối…họ trao nhau những lời ca mộc mạc chân thành, để rồi thân thiết, gắn bó tự bao giờ. Lời ca Cắm Nôm giúp cư dân Tày sống đoàn kết, thân ái, tương trợ lẫn nhau trong đời sống cộng đồng.
Những bài Cắm Nôm là tiếng nói với chính lòng mình. Âm vang của điệu dân ca ấy được cất lên từ tâm hồn say mê, đọng lại mãi trong lòng người.
Cũng như các làn điệu dân ca khác Cắm Nôm chỉ có thể được sống dậy và sinh sôi khi đặt nó trong môi trường diễn xướng. Môi trường diễn xướng giống như thứ nước trong gột rửa cho ý câu ca thêm sâu, lời dân ca thêm sáng.