Sử dụng đất nông nghiệp

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện ý yên, tỉnh nam định (Trang 24 - 28)

2.1. Cơ sở lý luận của chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp

2.1.3. Sử dụng đất nông nghiệp

Sử dụng đất là hệ thống các biện pháp nhằm điều hòa mối quan hệ người - đất trong tổ hợp với các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác và môi trường.

Sử dụng đất là quá trình khai thác thuộc tính sinh học của đất bằng những thao tác cơ bản nhằm đáp ứng mục đích của con người. Meyer and Turner (1996), Moser (1996) cũng cho rằng “Sử dụng đất là cách con người khai thác đất và các tài nguyên gắn liền với đất phục vụ cho các lợi ích của mình”. Sử dụng đất biểu thị việc làm của con người với đất, đối với lớp phủ bề mặt (Skole, 1994)

Theo FAO (1995) định nghĩa sử dụng đất là các hoạt động của con người trực tiếp liên quan đến đất, sử dụng nguồn tài nguyên gắn liền với đất hoặc tác động vào đất.

Quan điểm sử dụng đất cũng như cách thức sử dụng đất ở các trình độ, các thời điểm khác nhau là khác nhau. Clawson (1982); Wolman (1987) cũng có quan điểm rằng giữa các chuyên gia nông nghiệp và các nhà quy hoạch đô thị cũng có những nhận thức khác nhau về sử dụng đất.

Sử dụng đất là một hệ thống các biện pháp nhằm điều hòa mối quan hệ người – đất trong tổ hợp với nguồn tài nguyên thiên nhiên khác và môi trường.

Căn cứ vào quy luật phát triển kinh tế xã hội cùng với yêu cầu không ngừng ổn định và bền vững về mặt sinh thái, quyếtđịnh phương hướng chung và mục tiêu sử dụng đất hợp lý nhất là tài nguyên đất đai, phát huy tối đa công dụng của đất nhằm đạt tới hiệu ích sinh thái, kinh tế, xã hội cao nhất. Vì vậy, sử dụng đất thuộc phạm trù hoạt động kinh tế của nhân loại. Trong mỗi phương thức sản xuất nhất định, việc sử dụng đất theo yêu cầu của sản xuất và đời sống cần căn cứ vào thuộc tính tự nhiên của đất đai. Với vai trò là nhân tố của sức sản xuất, các nhiệm vụ và nội dung sử dụng đất đai được thể hiện ở các khía cạnh sau:

- Sử dụng đất hợp lý về không gian, hình thành hiệu quả kinh tế không gian sử dụng đất.

12

- Phân phối hợp lý cơ cấu đất đai trên diện tích đất đai được sử dụng, hình thành cơ cấu kinh tế sử dụng đất.

- Giữ mật độ sử dụng đất đai thích hợp, hình thành việc sử dụng đất đai một cách kinh tế, tập trung, thâm canh.

Sử dụng đất nông nghiệp là sử dụng đất chủ yếu vào các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hoặc sử dụng để nghiên cứu thí điểm về nông nghiệp.

2.1.3.1. Nguyên tắc sử dụng đất nông nghiệp

Đất nông nghiệp phải được sử dụng đầy đủ và hợp lý. Có nghĩa là toàn bộ diện tích đất phải được đưa vào sử dụng hết trong sản xuất, và việc bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi phải phù hợp với đặc điểm từng loại đất nhằm nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi đồng thời giữ gìn, bảo vệ và nâng cao độ phì của đất.

Đất nông nghiệp phải được sử dụng để đạt hiệu quả cao. Đó là kết quả của việc sử dụng đất hợp lý đầy đủ, việc xác định hiệu quả sử dụng đất thông qua tính toán hàng loạt các chỉ tiêu khác nhau: năng suất cây trồng, chi phí đầu tư, hệ số sử dụng đất, giá cả sản phẩm, tỷ lệ che phủ đất…Muốn nâng cao hiệu quả sử dụng đất phải thực hiện tốt, đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và chính sách kinh tế- xã hội trên cơ sở đảm bảo về lương thực, thực phẩm, tăng cường nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và nông lâm sản xuất khẩu.

Đất nông nghiệp cần phải được quản lý và sử dụng một cách bền vững. Sự bền vững là cả về số lượng và chất lượng có nghĩa là đất đai phải được bảo tồn không chỉ đáp ứng cho mục đích trước mắt của thế hệ hiện tại mà còn đáp ứng cho mục đích ngày càng tăng của thế hệ tương lai. Sự bền vững của đất nông nghiệp gắn liền với điều kiện sinh thái, môi trường. Vì vậy cần áp dụng các phương thức sử dụng đất nông nghiệp trong việc bảo vệ môi trường đất nhằm đáp ứng lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài.

2.1.3.2. Sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả

Khái niệm hiệu quả đã được sử dụng trong đời sống xã hội. Nói đến hiệu quả ta sẽ hiểu là kết quả đạt được trong công việc. Hiệu quả là kết quả mong muốn, cái sinh ra kết quả mà con người muốn hướng tới. Nó có nội dung khác nhau ở những lĩnh vực khác nhau. Trong sản xuất, hiệu quả có nghĩa là hiệu suất, năng suất.Trong kinh doanh, hiệu quả là lãi suất, lợi nhuận. Trong lao động, hiệu quả là năng suất lao động được đánh giá bằng số lượng thời gian hao phí để sản

13

xuất ra một đơn vị sản phẩm, hoặc bằng số lượng sản phẩm được sản xuất ra trong một đơn vị thời gian. Còn trong xã hội, hiệu quả là tác dụng tích cực đối với một lĩnh vực xã hội nào đó.

Theo Trung tâm từ điển ngôn ngữ: Hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp là kết quả của cả một hệ thống các biện pháp tổ chức sản xuất, khoa học, kỹ thuật, quản lý kinh tế và phát huy các lợi thế, khắc phục các khó khăn khách quan của điều kiện tự nhiên. Trong những hoàn cảnh cụ thể còn gắn sản xuất nông nghiệp với các ngành khác của nền kinh tế quốc dân cũng như cần gắn sản xuất trong nước với thị trường quốc tế.

Một trong những vấn đề cấp bách hiện nay của các nước trên thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng là vấn đề sử dụng đất nông nghiệp đạt hiệu quả cao thông qua việc bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Vấn đề đó hiện nay đã thu hút sự quan tâm lớn của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, quy hoạch, các nhà hoạch định chính sách , các nhà kinh doanh nông nghiệp và cũng là sự mong muốn của những người nông dân – những người trực tiếp tham gia vào sản xuất nông nghiệp.

Vấn đề đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp không thể xem xét, đánh giá dựa trên một mặt, một khía cạnh mà cần phải xem xét, đánh giá trên tổng thể đầy đủ các mặt bao gồm: hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và hiệu quả môi trường.

2.1.3.3. Sử dụng đất theo quan điểm phát triển bền vững

Khái niệm: Thuật ngữ "phát triển bền vững" xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1980 trong ấn phẩm Chiến lược bảo tồn Thế giới (công bố bởi Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế - IUCN) với nội dung rất đơn giản: "Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng tới phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng những nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái học".

Khái niệm này được phổ biến rộng rãi vào năm 1987 nhờ Báo cáo Brundtland (còn gọi là Báo cáo Our Common Future) của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới - WCED (nay là Ủy ban Brundtland). Báo cáo này ghi rõ:

Phát triển bền vững là "sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai...". Nói cách khác, phát triển bền vững phải bảo đảm có sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường được bảo vệ, gìn giữ. Để đạt được điều này, tất cả các thành phần kinh tế - xã hội, nhà cầm quyền, các tổ chức

14

xã hội... phải bắt tay nhau thực hiện nhằm mục đích dung hòa 3 lĩnh vực chính:

kinh tế - xã hội - môi trường. Sau đó, năm 1992, tại Rio de Janeiro, các đại biểu tham gia Hội nghị về Môi trường và Phát triển của Liên hiệp quốc đã xác nhận lại khái niệm này, và đã gửi đi một thông điệp rõ ràng tới tất cả các cấp của các chính phủ về sự cấp bách trong việc đẩy mạnh sự hòa hợp kinh tế, phát triển xã hội cùng với bảo vệ môi trường.

Năm 2002, Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về Phát triển bền vững (còn gọi là Hội nghị Rio +10 hay Hội nghị thượng đỉnh Johannesburg) nhóm họp tại Johannesburg, Cộng hòa Nam Phi với sự tham gia của các nhà lãnh đạo cũng như các chuyên gia về kinh tế, xã hội và môi trường của gần 200 quốc gia đã tổng kết lại kế hoạch hành động về phát triển bền vững 10 năm qua và đưa ra các quyết sách liên quan tới các vấn đề về nước, năng lượng, sức khỏe, nông nghiệp và sự đa dạng sinh thái.

Theo Tổ chức ngân hàng phát triển Châu Á (ADB): "Phát triển bền vững là một loại hình phát triển mới, lồng ghép quá trình sản xuất với bảo tồn tài nguyên và nâng cao chất lượng môi trường. Phát triển bền vững cần phải đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không phương hại đến khả năng của chúng ta đáp ứng các nhu cầu của thế hệ trong tương lai".

Ở nước ta, khái niệm “phát triển bền vững” được biết đến, triển khai nghiên cứu lý luận bởi các nhà khoa học vào khoảng cuối thập kỷ 80 - đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Cùng với các nước trên thế giới, phát triển bền vững đã trở thành nhu cầu cấp bách và xu thế tất yếu trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước ta theo xu hướng CNH, HĐH.

- Là một hệ sinh thái, một phần do con người tạo ra nhằm phục vụ con người do đó hệ sinh thái nông nghiệp đã chịu những tác động mạnh mẽ nhất từ chính con người. Các tác động của con người nhiều khi đã làm cho hệ sinh thái biến đổi vượt quá khả năng tự điều chỉnh của đất. Con người không chỉ tác động vào đất đai mà còn tác động cả vào khí quyển, nguồn nước để tạo ra lương thực thực phẩm ngày càng nhiều trong khi các hoạt động cải tạo đất chưa được quan tâm đúng mức và hậu quả là đất đai cũng như các nhân tố tự nhiên khác bị thay đổi theo chiều hướng ngày một xấu đi. Ngày nay, nhiều cùng đất màu mỡ đã bị thoái hóa nghiêm trọng kéo theo sự xói mòn đất và suy giảm nguồn nước cùng với hạn hán, lũ lụt…Vì vậy, để đảm bảo cho cuộc sống của con người trong hiện

15

tại và tương lai cần phải có những chiến lược về sử dụng đất để không những duy trì khả năng hiện có của đất mà còn khôi phục những khả năng đã mất.

Việc tìm kiếm các giải pháp sử dụng đất một cách hiệu quả và bền vững luôn là mong muốn của con người trong mọi thời đại. Nhiều nhà khoa học và các tổ chức quốc tế đã đi sâu vào nghiên cứu vấn đề sử dụng đất một cách bền vững trên nhiều vùng của thế giới trong đó có Việt Nam. Việc sử dụng đất bền vững nhằm đạt được các mục tiêu sau:

- Duy trì, nâng cao sản lượng (hiệu quả sản xuất) - Giảm rủi ro sản xuất (an toàn)

- Bảo vệ tiềm năng nguồn lực tự nhiên và ngăn ngừa thoái hóa và đất (bảo vệ) - Có hiệu quả lâu dài (lâu bền)

- Được xã hội chấp nhận (tính chấp nhận)

Như vậy, sử dụng đất bền vững không chỉ đáp ứng về mặt tự nhiên mà còn cả về môi trường, lợi ích kinh tế và xã hội. Năm mục tiêu trên đây là trụ cột của việc sử dụng đất bền vững. Trong thực tiễn, việc sử dụng đất đạt được cả 5 mục tiêu trên thì sự bền vững sẽ thành công, nếu không thì sẽ chỉ đạt bền vững ở một vài bộ phận hay sự bền vững có điều kiện.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện ý yên, tỉnh nam định (Trang 24 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)