Phần 4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.4. Những hạn chế, tồn tại trong quá trình chuyển đổi từ đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản
4.4.1. Hạn chế về vốn đầu tư
Để chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản phải có nguồn vốn tương đối lớn, cao hơn nhiều so với việc trồng lúa. Nhiều hộ cho biết, khó khăn mà họ gặp phải khi chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản là thiếu vốn để đầu tư. Mặc dù vay được vốn của ngân hàng nhưng theo người dân lãi suất vẫn còn cao, số tiền được vay chưa đủ, thời gian cho vay ngắn do vậy nhiều hộ vẫn chưa mạnh dạn đầu tư và yên tâm sản xuất. Thiếu vốn nên các hộ không những không có khả năng mở rộng diện tích, mà đầu tư về giống cũng như các đầu vào khác còn rất khó khăn.
Hiện nay các ngân hàng cho vay dưới 2 hình thức là tín chấp và thế chấp.
Với hình thức vay tín chấp thì người dân phải chứng minh được thu nhập của mình, vì vậy không phải hộ nào cũng có khả năng vay được. Vay theo hình thức thế chấp thì người dân phải có tài sản để thế chấp, tùy theo giá trị của tài sản mà số tiền được vay khác nhau, vì vậy người dân có thể không vay đủ được số tiền cần đầu tư.
4.4.2. Hạn chế về khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật của người dân
Ngày nay, xã hội phát triển và kèm theo đó là những tiến bộ khoa học kỹ thuật ra đời cùng với sự phát triển đó. Trong nuôi trồng thủy sản cũng vậy, nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mà người ta đã có thể sản xuất ra những giống thủy sản mới, chất lượng cao, sinh trưởng nhanh, có khả năng chống chịu cao... Có nhiều máy móc hiện đại phục vụ cho việc nuôi trồng giúp tiết kiệm thời gan và chi phí. Ngoài ra nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mà người ta có thể kiểm soát và phòng trừ dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, nghiên cứu các chế phẩm sinh học thay thế hóa chất để xử lý môi trường nuôi. Bên cạnh đó, việc áp dụng những mô hình nuôi trồng mới như nuôi trồng thủy sản theo VietGAP cũng giúp tăng năng suất, chất lượng cũng như giá trị sản phẩm.
72
Tuy nhiện, do là vùng nông thôn nên trình độ học vấn của người dân không cao. Qua số liệu điều tra, phần lớn người dân chưa học hết cấp 3. Do vậy, việc tiếp thu những tiến bộ mới trong sản xuất cũng như sự mạnh dạn trong việc đầu tư phát triển bị hạn chế rất nhiều. Việc nuôi trồng thủy sản của các hộ dựa trên kinh nghiệm bản thân đúc rút qua nhiều năm và theo truyền thống là chính, nhưng vẫn chưa phù hợp với sản xuất hàng hóa.
Nuôi trồng thủy sản cũng là một hoạt động chịu nhiều rủi ro cao, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố nhiệt độ, lượng nước,... Do thời tiết nhiều khi diễn biến phức tạp có thể gây ra dịch bệnh cho loài nuôi, mặt khác do kỹ thuật nuôi trồng thủy sản không theo khoa học cũng làm cho dịch bệnh bùng phát và lây lan rất nhanh nếu như không kịp thời xử lý và ngăn chặn. Vì vậy, đòi hỏi người dân phải có kỹ thuật trong việc nuôi trồng thủy sản để khắc phục những điều kiện bất lợi.
4.4.3. Hạn chế về môi trường nuôi
Việc sử dụng một số sản phẩm bị cấm hoặc sử dụng không đúng liều lượng các thuốc và hóa chất trong nuôi trồng thủy sản làm ảnh hưởng đến môi trường cũng như tác động đến sức khỏe con người. Nước thải từ các ao nuôi có thể dẫn đến thay đổi chất lượng nước. Nếu nước thải có chất lượng kém được thải ra từ nhiều ao nuôi sẽ dẫn đến rủi ro môi trường cao và chất lượng nước ngày càng kém do tích lũy các chất dinh dưỡng và hữu cơ.
4.4.4. Hạn chế về công tác phòng trừ dịch bệnh
Thời gian qua, hoạt động nuôi trồng thuỷ sản đã gặp phải một số khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Nguyên nhân là do những hạn chế, bất cập trong công tác quy hoạch, kế hoạch phòng chống dịch bệnh, công tác chỉ đạo tại địa phương, nguồn nhân lực, công tác kiểm dịch, thông tin về dịch bệnh… Để khắc phục những điều này, đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ, thống nhất.
Trên địa bàn huyện, quy mô nuôi trồng nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số, ý thức phòng chống dịch bệnh còn hạn chế, chưa chú trọng đến công tác xử lý nguồn nước đầu vào và xử lý xả thải nên thủy sản chết sẽ theo dòng nước thải đổ trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm và làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, tình trạng nhiều người dân chuyển đổi diện tích nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản, nhưng đầu tư chưa thoả đáng về hạ tầng, kỹ thuật đã khiến khi dịch bệnh xảy ra, người nuôi không có khả năng phục hồi sản xuất.
73
Nhìn chung, kế hoạch phòng chống dịch bệnh chưa được xây dựng cụ thể, kinh phí cho công tác này rất hạn chế. Mặt khác, kế hoạch phòng chống dịch bệnh của địa phương chỉ tập trung vào việc chống dịch, chưa chú trọng nhiều cho công tác giám sát, phòng dịch và cảnh báo dịch bệnh cho người dân; công tác chẩn đoán xét nghiệm bệnh thủy sản chưa được đầu tư đúng mức; kinh phí đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền cũng rất hạn chế.
Công tác chỉ đạo phòng chống dịch của đội ngũ cán bộ làm công tác thú y cơ sở ở địa phương chưa được huy động hoặc chưa tập trung để triển khai các công việc quan trọng như chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh, triển khai các biện pháp phòng, chống khi có dịch xảy ra. Một phần do đội ngũ thú y xã chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về thú y thủy sản, do đó hoạt động thiếu hiệu quả. Ngoài ra, báo cáo và số liệu là một trong những tồn tại lớn nhất của địa phương về phòng chống dịch bệnh thủy sản: địa điểm có dịch bệnh, thời gian xuất hiện dịch, đối tượng thủy sản bị bệnh, diện tích nuôi và diện tích bị bệnh...
Bên cạnh đó cần nâng cao nhận thức cho người dân về việc phòng trừ dịch bệnh. Phát hiện bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời.
4.4.5. Hạn chế về cơ sở hạ tầng
Hiện nhiều vùng nuôi trồng thủy sản còn rất khó khăn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS), đặc biệt là hệ thống kênh mương, ao đầm và các công trình phụ trợ của các dự án NTTS tập trung đã xuống cấp nên hiệu quả phục vụ sản xuất chưa cao. Đáng chú ý ở một số xã, khi chuyển sang NTTS việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là thủy lợi chưa được chú trọng. Hệ thống kênh, mương chính, kênh nội đồng đều chưa đủ về chất lượng, số lượng để đáp ứng cho NTTS. Hệ thống xử lý nước cấp và nước thải hầu như các hộ nuôi chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Khi lấy nước vào ao, nguy cơ ô nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ từ các diện tích đất canh tác nông nghiệp xung quanh khá cao. Từ thực tế trên đang đòi hỏi các cấp các ngành cần sớm có các biện pháp đồng bộ để đảm bảo nuôi trồng thủy sản của huyện nói riêng và trên toàn tỉnh nói chung phát triển bền vững trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, việc bố trí hệ thống thủy lợi thường không thích hợp, các công trình không đầy đủ. Nhiều hộ bị thiếu nước vào mùa khô, không lấy được nước vào ao để thả cá ảnh hưởng đến thời gian nuôi trồng và kết quả sản xuất. Hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản cho thấy, phát triển nuôi trồng thủy
74
sản thời gian qua dựa trên cơ sở hạ tầng chưa được quy hoạch và điều chỉnh kịp thời theo sự phát triển của nuôi trồng thủy sản bền vững. Dù huyện đã quy hoạch các vùng nuôi nhưng ở các xã chưa đi kèm biện pháp đồng bộ, đặc biệt là đường giao thông còn nhỏ và phần lớn đường giao thông nội đồng vẫn là đường đất, hệ thống thủy lợi tuy có nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, nhiều kênh mương bị tắc và xuống cấp.
4.4.6. Hạn chế về công tác khuyến nông, khuyến ngư
Trên địa bàn huyện, việc áp dụng kỹ thuật - khoa học công nghệ còn nhiều hạn chế nguyên nhân là do công tác tuyên truyền chưa được chú trọng, hoạt động khuyến ngư mà cụ thể là việc tập huấn kỹ thuật còn yếu và chưa thực sự hiệu quả, các hình thức tổ chức khá đơn điệu. Mỗi năm trung bình chỉ có 2 đợt tập huấn cho người dân, vì vậy người dân tiếp cận với kỹ thuật mới chậm, rất nhiều đợt tập huấn kỹ thuật chỉ mang tính lý thuyết, không thu hút được sự tham gia của nhiều hộ. Bên cạnh đó chưa có những đợt tổ chức tham quan mô hình sản xuất của nhiều hộ sản xuất giỏi, đạt hiệu quả kinh tế cao trong và ngoài tỉnh.