PHẦN 2. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.5. Hiệu quả kinh tế mô hình nuôi cá Vược thương phẩm
Xác định kết quả kinh tế của nghề nuôi cá Vược thương phẩm là xác định những chi phí bỏ ra cho các yếu tố đầu vào, như: Chi phí cố định: Chi phí khấu hao của giá trị đầu tư xây dựng trại, chi phí sửa chữa lớn, chi phí trả lãi vay và thuế. Các khoản chi phí biến đổi, gồm: Chi phí mua con giống; chi phí thức ăn, chi phí thuốc phòng trừ dịch bệnh, vi sinh, vi lượng; chi phí năng lượng; chi phí tiền lương công nhân; chi phí sửa chữa nhỏ; các khoản chi phí giao dịch khác. Và đồng thời xác định doanh thu từ nghề nuôi cá Vược. Cuối cùng là việc xác định lợi nhuận được tính bằng Tổng doanh thu trừ () tổng chi phí, và sử dụng chỉ tiêu này để xác định tỷ suất sinh lợi của nghề nuôi cá Vược mang lại cao hay thấp.
2.1.5.1. Chi phí từ hoạt động nuôi cá Vược thương phẩm
Chi phí từ hoạt động nuôi cá Vược thương phẩm là tổng các khoản tiền đã chi ra, các khoản khấu trừ tài sản hoặc phát sinh các khoản nợ dẫn đến làm giảm vốn của các cơ sở nuôi. Để làm rõ các khoản mục chi phí trong nuôi cá Vược thương phẩm, ta tiến hành phân loại chi phí như sau:
* Chi phí cố định
Chi phí bất biến không thay đổi cùng với thay đổi của khối lượng hoạt động. Xét cho 1 sản phẩm (đơn vị sản phẩm) chi phí bất biến có quan hệ tỉ lệ nghịch với khối lượng hoạt động. Chi phí bất biến của các cơ sở nuôi cá Vược thương phẩm chủ yếu bao gồm: Chi phí khấu hao tài sản cố định (TSCĐ), Chi phí sửa chữa lớn, chi phí tiền lương, chi phí trả lãi vay và thuế.
Chi phí khấu hao: Là khoản chi phí bù đắp sự giảm dần giá trị của tài sản cố định do quá trình sử dụng, do bào mòn của tự nhiên, do tiến bộ của kỹ thuật…
Chí phí khấu hao là giá trị phân bổ của nguyên giá tài sản cố định qua thời gian sử dụng. Khấu hao TSCĐ đối với nghề nuôi cá Vược thương phẩm bao gồm khấu hao của tất các máy móc, cống hộc cấp thoát nước, nhà xưởng phục vụ cho việc nuôi cá Vược. Để khấu hao chính xác cần xác định giá trị (theo nguyên giágiá lúc mua, xây dựng), số năm sử dụng tài sản, số vụ nuôi trong năm. Số năm sử dụng của từng loại tài sản cố định khác nhau.
Chi phí sửa chữa lớn: Là những khoản chi phí có kế hoạch sửa chữa, đại tu ban đầu nhằm phục hồi những bộ phận bị hao mòn, hư hỏng trong quá trình sử dụng TSCĐ. Trong quá trình dừng nuôi, cơ sở sẽ có kế hoạch sửa chữa như: nạo vét cải tạo đáy, bờ ao/đìa; sửa chữa cống hộc…
Chi phí trả lãi vay: là khoản chi trả cho chi phí sử dụng vốn vay trung, dài hạn phục vụ cho việc nuôi cá Vược.
Thuế: là các khoản đóng góp của người nuôi vào ngân sách Nhà nước.
Chi phí thuê máy móc, ao/ đìa: Là các khoản chi phí mà các cơ sở nuôi cá Vược thuê máy móc, ao/ đìa để phục vụ cho việc nuôi cá của mình.
Chi phí tiền lương công nhân: các khoản tiền lương nhân viên trả theo lương thời gian, thông thường tính trả lương theo tháng làm việc.
* Chi phí lưu động
Chi phí lưu động là chi phí thay đổi cùng với thay đổi của khối lượng hoạt
động theo một tỉ lệ thuận. Khi khối lượng hoạt động tăng, làm tăng chi phí lưu động tăng theo và ngược lại, khi khối lượng hoạt động giảm, làm giảm chi phí lưu động. Khi khối lượng hoạt động bằng 0, chi phí lưu động cũng bằng 0. Chi phí lưu động của các cơ sở nuôi cá Vược thương phẩm chủ yếu bao gồm: Chi phí mua con giống; chi phí thức ăn, chi phí thuốc phòng trừ dịch bệnh, vi sinh, vi lượng; chi phí năng lượng; chi phí tiền lương công nhân trực tiếp; chi phí sửa chữa nhỏ; các khoản chi phí giao dịch khác.
Chi phí mua con giống: bao gồm tiền mua con giống từ các đơn vị cung cấp giống và tiền vận chuyển từ nơi nhà cung cấp đến cơ sở nuôi.
Chi phí thức ăn: bao gồm toàn bộ tiền mua thức ăn cho cá ăn từ lúc thả giống đến khi thu hoạch. Tùy thuộc vào quan điểm và tiềm năng vốn của từng cơ sở nuôi mà cho ăn bằng thức ăn viên công nghiệp hay cho ăn bằng cá tạp; với từng loại chất lượng khác nhau và số lần cho ăn trong ngày. Với chất lượng tốt (cá tươi hoặc thức ăn viên công nghiệp hàm lượng đạm cao) giá cả đắt hơn nhưng bù lại sẽ cho hiệu quả tốt hơn.
Chi phí thuốc phòng trừ dịch bệnh, vi sinh, vi lượng: bao gồm các khoản chi phí mua các loại thuốc phòng trị bệnh cá, các vi sinh, vi lượng xử lý trong nước hoặc trộn vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng của cá.
Chi phí năng lượng: bao gồm chi phí điện năng, xăng dầu chạy máy phục vụ nuôi cá Vược. Thông thường thả ở mật độ từ 1con/m2 trở lên thì phải sử dụng quạt nước/guồng đảo nước để tạo oxy.
Chi phí tiền lương công nhân: các khoản tiền lương nhân viên trả theo sản phẩm, trả lương theo tỷ lệ phần trăm doanh thu hoặc lợi nhuận.
Chi phí sửa chữa nhỏ: là những khoản sửa chữa phát sinh đột xuất trong quá trình nuôi, giá trị nhỏ như sửa chữa máy móc, thiết bị bị hư hỏng…
Các khoản chi phí khác: là các khoản đóng góp địa phương, chi phí thuê thu hoạch, lưới chắn, khung chắn lưới hộc, thuê thiết bị…
2.1.5.2. Doanh thu từ hoạt động nuôi cá Vược..
Doanh thu từ hoạt động nuôi cá Vược là tổng giá trị các lợi ích kinh tế mà các cơ sở nuôi thu được từ việc nuôi cá Vược và tiêu thụ nó. Doanh thu của các cơ sở nuôi được thay đổi theo sản lượng cá thương phẩm mà các cơ sở nuôi đạt được cũng như giá cả thị trường tại thời điểm bán. Sản lượng cá thương phẩm
càng lớn thì mức doanh thu càng cao. Tuy nhiên, cũng tùy thuộc vào giá cá trên thị trường cũng như sản lượng cá thương phẩm phải đạt được mức độ đồng đều, trọng lượng đạt chuẩn thì mới bán được mức giá cao nhất.
2.1.5.3. Lợi nhuận từ hoạt động nuôi cá Vược
Lợi nhuận từ hoạt động nuôi cá Vược thương phẩm là chỉ tiêu phản ánh kết quả cuối cùng của hoạt động nuôi cá Vược thương phẩm của các cơ sở nuôi; là phần còn lại của doanh thu sau khi đã trừ các khoản chi phí nuôi cá Vược để có được sản lượng cá Vược để bán.
2.1.5.4. Hệ thống các chỉ tiêu sử dụng trong đánh giá hiệu quả kinh tế
Doanh thu từ hoạt động nuôi cá Vược: Là giá trị bằng tiền của toàn bộ sản lượng cá Vược thương phẩm thu được trong một chu kỳ nuôi.
Chi phí trung gian: là toàn bộ các khoản chi phí được sử dụng trong quá trình nuôi cá Vược thương phẩm trong một chu kỳ nuôi, không tính khấu hao TSCĐ và tiền công lao động trả cho công nhân viên; bao gồm: Chi phí mua con giống; chi phí thức ăn, chi phí thuốc phòng trừ dịch bệnh, vi sinh, vi lượng; chi phí năng lượng; chi phí sửa chữa nhỏ; các khoản chi phí giao dịch khác.
Giá trị gia tăng: Là chênh lệch giữa giá trị sản xuất với chi phí trung gian, nó phản ánh phần giá trị mới tăng thêm do kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của trại nuôi trong một thời gian, hay một chu kỳ sản xuất nhất định.
Thu nhập hỗn hợp (TNHH): Là phần thu nhập thuần túy của toàn bộ chu kỳ nuôi gồm cả công lao động của gia đình và lợi nhuận có thể nhận được trong một chu kỳ sản xuất sau khi đã trừ đi chi phí trung gian, khấu hao tài sản cố định, thuế.
Lợi nhuận: Là phần thu nhập hỗn hợp sau khi đã trừ thêm chi phí lao động
Tỉ suất lợi nhuận (TSLN): Chỉ tiêu này cho biết hiệu quả sử dụng vốn của các cơ sở nuôi, được tính bằng tỉ lệ phần trăm giữa lợi nhuận và tổng chi phí sản xuất.