Nhu cầu khẳng định kinh nghiệm cá nhân của người viết trong văn xuôi đương đại Việt Nam

Một phần của tài liệu Hình tượng tác giả trong tạp văn - Nguyễn Việt Hà (Trang 28 - 38)

CHƯƠNG 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ THUYẾT

1.3. Nhu cầu khẳng định kinh nghiệm cá nhân của người viết trong văn xuôi đương đại Việt Nam

Văn học là hình thức nghệ thuật để nhà văn thể hiện sự tri nhận của mình về thế giới, vì vậy ẩn đằng sau mỗi tác phẩm luôn tồn tại cái tôi của người viết và ý thức cá nhân của họ. Cái tôi cá nhân được thể hiện rất phong phú đa dang, có thể bộc lộ đậm nhạt, hiển thị trực tiếp hay gián tiếp…Sự chuyển biến trong văn học bao giờ cũng xuất phát trước hết trong tư duy nghệ thuật, ở ý thức của người cầm bút. Mỗi thời kì lịch sử tiếp nối, quan niệm về văn chương đều có những biến đổi, vừa để phù hợp với hoàn cảnh, đáp ứng tâm lý, thị hiếu của công chúng, đồng thời thoả mãn khát vọng tự thân của người nghệ sĩ. Nhà văn đích thực luôn có ý thức về cá tính của mình, “ý thức về cái riêng là ý thức về hư cấu như một phương tiện thể hiện đầy đủ nhất những điều muốn nói của nghệ sĩ; là ý thức về cách đánh giá, cảm thụ riêng đối với truyền thống và hiện tại” [89; 138]. Trần Đình Sử nhấn mạnh ý thức cá nhân là yếu tố quan trọng làm nên sự đổi mới văn học.

Theo dõi quá trình vận động phát triển của văn học Việt Nam sau năm 1975, có thể thấy trong bầu không khí dân chủ của thời kì đổi mới, nhu cầu tự bộc lộ ý thức cá nhân, nhu cầu khẳng định những kinh nghiệm, trải nghiệm cá nhân trong thế đối thoại với kinh nghiệm cộng đồng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Văn học 1945-1975, do áp lực của đời sống chiến tranh nên cái tôi cá nhân bị coi nhẹ, biên độ hiện thực được lựa chọn cũng bị thu hẹp, mục tiêu động viên, cổ vũ chiến thắng buộc người viết né tránh những nỗi niềm riêng tư để nhìn bằng chân lý cộng đồng “tác giả phải ẩn giấu cá tính của mình đi, thậm chí phải làm trong suốt bản thân, không thể để cái chủ quan cá nhân làm

mờ đục, hay biến dạng cái khách quan của hiện thực” [101; 161]. Do đó, cái tôi nhà văn hòa tan vào cái Ta dân tộc, giai cấp, ý thức cá nhân không được khuyến khích, không có cơ hội bộc lộ. Khi đất nước trở lại quỹ đạo thời bình, từ thập kỉ 80 (thế kỉ XX) văn học dần thay đổi hệ hình tư duy, tiệm cận với những vấn đề lớn của văn chương nhân loại, giá trị cá nhân được quan tâm trở lại như một nhu cầu tất yếu. Hàng loạt tác phẩm ra đời với cái nhìn đa chiều, thể hiện mối quan hệ tự do của nhà văn đối với hiện thực, với chính mình.

Nhà văn chủ động lựa chọn hiện thực để khám phá, nghiền ngẫm và quan trọng hơn, chủ động bộc lộ cách nhìn, cách đánh giá riêng dựa trên bản lĩnh, trải nghiệm, kinh nghiệm cá nhân…Chính kinh nghiệm cá nhân giữ vai trò quyết định tạo ra sự độc đáo thẩm mĩ, làm nên giá trị của mỗi nhà văn. “Tinh thần dân chủ hoá nằm ở chỗ kinh nghiệm cá nhân được quyền bình đẳng với kinh nghiệm cộng đồng. Còn giá trị của kinh nghiệm ấy thế nào thì lại là chuyện khác. Bên cạnh những trải nghiệm sâu sắc, những kinh nghiệm có khả năng thức tỉnh chân lí, có không ít kinh nghiệm sai lầm, chủ quan và cực đoan” [16; 18]. Cuộc sống đời thường, công cuộc đổi mới đất nước với phương châm dân chủ hóa, lấy dân làm gốc, cộng với cơ chế thị trường, xu hướng toàn cầu hóa… đã tạo tiền đề cho ý thức cá nhân phát triển mạnh mẽ.

Xuất hiện nhu cầu nhận thức lại quá khứ, chiêm nghiệm lại những giá trị cũ từ các góc nhìn riêng. Vượt qua tiêu chí “minh họa” chủ trương, đường lối sơ giản, đáp ứng lời kêu gọi “mạnh dạn thể nghiệm sáng tạo” trong các văn kiện của Đảng, nghệ sĩ thoả sức phát huy kinh nghiệm cá nhân và tiềm năng sáng tạo. Viết, với nhà văn trở thành một sự tự ý thức, một nhu cầu tự biểu hiện, giãi bày, đối thoại. Xu hướng dân chủ hoá thành dòng chảy chính trong văn học. Sau thời kì nhà văn tự nguyện lãnh nhận sứ mệnh là người “chiến sĩ” trên

“mặt trận” văn hoá tư tưởng, chấp nhận hi sinh nghệ thuật cho những yêu cầu lịch sử cấp bách thì giờ đây, được tự do hơn với niềm tin của mình, được nói

ra những trải nghiệm riêng, được trung thực với mình, với bạn đọc. Việc xác lập giá trị gắn chặt với yêu cầu có tư tưởng riêng, bút pháp riêng.

Có thể thấy, sự thức tỉnh ý thức cá nhân trong văn xuôi thời kì đổi mới diễn tiến trên những đổi thay, biến động của đời sống xã hội và nền cảnh văn hóa đương đại. Bầu không khí dân chủ đã giải phóng tư tưởng cho nhà văn, kích thích nhu cầu khẳng định cá tính sáng tạo. Giá trị cá nhân được đề cao, cái tôi nhà văn được bộc lộ tự tin hơn, trực diện hơn và hiện thực trong văn học trở nên đa chiều kích. Quan niệm về con người không còn phiến diện một chiều sẽ mở đường cho những thể nghiệm, thăm dò những miền sâu xa bí ẩn.

Văn chương từ xu hướng hướng ngoại thời chiến tranh chuyển mạnh sang

“hướng nội”. Nhà văn lại có thể lấy mình ra để làm đối tượng khám phá.

Thông qua sự phân tích, mổ xẻ bản thân, qua những suy ngẫm, bộc bạch với nhu cầu được là mình, người viết lại có thể chạm đến được những vấn đề muôn thuở của cõi nhân sinh. “Cái tôi cá nhân trong văn học đương đại thường được hiểu là sự nhấn mạnh những vấn đề của số phận cá nhân, nhu cầu được thể hiện tiếng nói của cá thể độc lập và nhu cầu thể hiện bản ngã và trong từng thể loại, từng tác phẩm, và bản thân người đọc, có thể tiếp cận nó ở các bình diện khác nhau” [71; 89].

Cùng với sự chuyển dịch trong tư duy nghệ thuật ấy là sự dịch chuyển của các khuynh hướng sáng tác, của cấu trúc các thể loại. Nhu cầu công bố kinh nghiệm cá nhân, đề cao giá trị cá nhân đã làm khởi sắc các loại hình: tự truyện, tự thuật, tuỳ bút, tản văn, tạp văn (sau đó là sự phát triển ào ạt của văn học mạng). Lịch sử văn học rõ ràng gắn liền với sinh thái văn hóa của các thời đại, sự hình thành, biến đổi (có khi bị diệt vong) của các thể loại như một yếu tố chịu tác động trực tiếp của môi cảnh này. Thể loại văn học là một phạm trù mang tính lịch sử, sự vận động của chúng bắt nguồn từ mối tương quan giữa đặc trưng thể loại với những điều kiện, nhu cầu thời đại, với môi trường sinh thái văn hóa. Có thể nói, môi trường sinh thái văn hóa đa chiều, rộng mở thời

đổi mới, sự thức tỉnh mạnh mẽ ý thức cá nhân thuận lợi cho nhiều thể loại phát triển mà ở tâm điểm vẫn là nhu cầu tự biểu hiện, tự trình bày kinh nghiệm cá nhân. Tiểu thuyết, truyện ngắn sau 1986 gia tăng chất thế sự- đời tư đã chủ yếu thu nhận chất phóng sự, hồi kí để tạo nên xu hướng tổng hợp thể loại. Các dạng tiểu thuyết hồi kí, tiểu thuyết có khuynh hướng tự truyện, những truyện ngắn khai thác cái tôi tiểu sử, truyện ngắn mang dáng dấp tùy bút, tản văn… có lẽ đều hướng tới “diễn đạt nhu cầu khẳng định cái tôi cá nhân- cá thể, khẳng định mối quan hệ tự do giữa hư cấu và hiện thực, giải phóng văn học khỏi những khuôn khổ chật chội để cổ vũ cho một cuộc chơi nghệ thuật phóng túng, sáng tạo.” [16; 130]. Tiểu thuyết hư cấu lịch sử tạo ra ấn tượng mạnh nhờ dùng lịch sử làm phương tiện để công bố tư tưởng cá nhân, tạo ra những “giả định lịch sử” để kích thích đối thoại. Các chi tiết sử liệu ở đây chỉ là cái vỏ vay mượn để các nhà văn nhào nặn lại theo chủ ý riêng, chủ yếu là bày tỏ trăn trở về số phận con người trong những biến động của thời đại. Đến những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI, sự nở rộ của những thể loại hồi kí, tự truyện, tuỳ bút, tạp văn…

đã thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của người đọc.

Có thể thấy, trong văn xuôi thời kì đổi mới, cái tôi người viết được biểu hiện rất phong phú, đa dạng trong từng tác phẩm với mức độ đậm nhạt khác nhau. Ở các cây bút thuộc thế hệ trước đổi mới, “cái tôi” chủ yếu bộc lộ trong cảm hứng “nhận thức lại”, trong sự điềm đạm đối sánh xưa-nay và nhu cầu đúc kết chân lí. Còn ở các cây bút thuộc thế hệ sau là “cái tôi” truy vấn rốt ráo các vấn đề của thực tại, là nhu cầu thể nghiệm, cách tân để bứt phá, là cái nhìn hoài nghi, giễu nhại với mọi giáo điều cứng nhắc… M. Proust từng khẳng định: “Cái tôi của nhà văn chỉ hiện ra trong các trang sách của anh ta” [64].

Công chúng văn học tiếp nhận tác phẩm của người nghệ sĩ như một hành trình khám phá thế giới qua lăng kính và trải nghiệm của cá nhân, từ đó định hình chân dung tinh thần, tư tưởng, thấy được tài năng, phong cách, cá tính và giá trị những sáng tạo nghệ thuật của tác giả.

Từ sau đổi mới, bước chuyển theo hướng dân chủ hóa đời sống là nền tảng để nhà văn tự tin bộc lộ đến tận cùng những nhu cầu đa dạng của cá nhân. Thị hiếu thẩm mĩ của công chúng cũng đổi khác và có sự phân hóa rõ nét; đời sống báo chí sôi nổi, sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông đại chúng, của internet; nhịp sống thời đại “số hóa”, thời đại tiêu dùng gấp gáp, năng động… đã có tác động rất lớn tới văn học. Không gian sinh thái tinh thần rộng mở là môi trường thuận lợi cho sự khởi sắc của một số thể loại, trong đó có tạp văn. Sự khởi sắc thể hiện ở số lượng sáng tác, chất lượng nghệ thuật, sự định hình phong cách tác giả, sự mở rộng phạm vi đề tài, sự phong phú của các hình thức thể hiện… Có lẽ chưa bao giờ, tạp văn xuất hiện dồi dào đến thế, ngoài các tập sách xuất bản liên tục, tạp văn còn thường xuyên có mặt trên gần ngàn mặt báo và mười năm gần đây có vẻ át cả tiểu thuyết và truyện ngắn, truyện vừa. Sự hỗ trợ của công nghệ thông tin khiến tạp văn được phổ biến nhanh và rộng rãi trong công chúng mạng internet (qua các blog, facebook). Đội ngũ sáng tác tạp văn ngày càng đông đảo. Với nhiều cây bút, viết tạp văn đã trở thành một thói quen, một nhu cầu, một sở trường và ở mức độ nào đó cũng đã đạt được thành công. Có thể kể tới những cái tên:

Nguyễn Khải, Băng Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đỗ Chu, Mai Văn Tạo, Lý Lan, Nguyễn Ngọc Tư, Dương Ngọc Dũng, Hoàng Thoại Châu, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Việt Linh, Lê Thiết Cương, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Nhật Ánh, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Trương Quý, Nguyễn Việt Hà... Và phong cách thì muôn hình muôn vẻ: “Nếu như Nguyễn Trương Quý giỏi lắt léo cộng gia vị giễu nhại thì Nguyễn Ngọc Tư đượm nồng như món sống “đưa cay”, Phan Cẩm Thượng thư thái, uyên thâm thì Nguyễn Quang Lập riết róng, hài hước. Nguyễn Việt Hà cũng hài hước nhưng tung tẩy chuyện đời nhiều hơn. Lê Giang viết tạp văn như lấy trong túi ra, chỉ lấy chuyện quanh mình để viết mà vẫn thấy rất lạ kì. Nguyễn Nhật Ánh viết tạp văn như người đi bộ, gặp gì viết nấy, nhớ gì kể nấy, nhưng cái duyên chữ thì khó phai” [76].

Sự nở rộ của tạp văn từ thời đổi mới còn được biểu hiện ở sự phong phú, đa dạng của các đề tài, các mảng màu của đời sống xã hội mà nó thể hiện. Tạp văn đã thâm nhập vào mọi lĩnh vực của xã hội đương đại, từ những vấn đề mang tầm vóc quốc gia, quốc tế nóng hổi ý nghĩa thời sự, thời đại đến những gì rất đỗi nhỏ bé, bình dị quen thuộc, từ những sự kiện sự việc hữu hình cụ thể tới những góc khuất sâu kín ảo diệu trong tâm hồn con người, những vấn đề muôn thuở của cõi nhân sinh. Với âm hưởng chính là sự thiết tha với cuộc sống, hăm hở trên hành trình kiếm tìm, bảo tồn cái đẹp, cảm hoài quá khứ, âu lo thời cuộc…, tạp văn thời này đã nhanh nhạy thỏa mãn tâm lý độc giả- những cái tôi đang rất cần được thư giãn đầu óc, cần có những giây phút lắng sâu “sống chậm” giữa tốc độ chóng mặt của cuộc sống hiện đại với bao biến cố bất ngờ, khó hiểu, khó lường. Tạp văn đã góp phần thức tỉnh và giúp con người hướng tới những giá trị nhân bản, nhân văn cao đẹp. Một đặc điểm bao trùm của tạp văn giai đoạn này là hướng tiếp cận vấn đề từ góc độ thế sự - đời tư, góc độ văn hóa (phong tục tập quán, truyền thống văn hóa bản địa, thú ẩm thực, tình cảm quê hương, gia đình…). Người đọc có thể tìm thấy ở đó những vui buồn, ấm lạnh của cuộc đời, những khía cạnh bí ẩn cõi tâm linh...

Nhìn từ môi trường tồn tại và lan tỏa ảnh hưởng cuả tạp văn thời gian gian qua, có thể thấy diện mạo của nó là hợp lưu của mấy nhánh chính: từ blog cá nhân, từ báo chí (cả báo in và báo điện tử), trong các tuyển tập cá nhân hay tập thể. Đa số tạp văn đăng trên các blog cá nhân là biến thể từ nhật kí, hồi ức với lối dẫn dắt tự nhiên, giàu sắc thái trữ tình, đề tài chủ yếu xoay quanh công việc và các mối quan hệ cá nhân của tác giả. Các tạp văn đăng trên báo, tạp chí sự kết hợp linh hoạt yếu tố văn và báo, nghệ thuật và thông tấn, thường tập trung vào những vấn đề xã hội, đặc biệt có tính cập nhật thời sự, đang rất được dư luận quan tâm. Các tập sách được xuất bản ngày càng nhiều tạo nên một “bữa tiệc” văn chương phong phú cho sự lựa chọn của độc giả, góp phần duy trì một đời sống văn học năng động, khẳng định chỗ đứng của thể loại tạp văn trong dòng chảy văn xuôi đương đại.

Lựa chọn tạp văn, các cây bút đã thể hiện một nhu cầu được cất lên tiếng nói, cách nhìn nhận, đánh giá mang chủ kiến của “cái tôi” cá nhân trước mọi vấn đề của đời sống đương đại. Chưa bao giờ “cái tôi” lại có nhu cầu bộc bạch một cách trực tiếp, tức thì những cảm nhận, suy nghĩ, thái độ, lập trường… của mình mạnh mẽ, dân chủ như thế. Tính chất phi hư cấu, nửa văn nửa báo của tạp văn nhanh nhạy, chính xác rất cần cho độc giả đương thời nhưng sức hấp dẫn của thể loại này chủ yếu không phải ở thông tin thời sự mà ở cái “duyên” của hình tượng tác giả. Hiện thực anh ta nói tới không quan trọng bằng anh ta nghĩ gì, xúc cảm gì, đánh giá thế nào và sau hết, từ những quan tâm cá nhân, từ những vấn đề tưởng như bé mọn, vụn vặt đời thường lại khái quát lên được những bài học phổ quát mang tầm triết học, cái tức thời gợi được suy ngẫm tới cái muôn đời của cõi nhân sinh… Nguyễn Trương Quý cho rằng: “Một tản văn thành công là đẩy được những cái tứ tới tận cùng từ những vấn đề nhỏ. Tôi không nghĩ chuyện vấn đề be bé ngăn ngắn có ý nghĩa quyết định mà nằm ở tinh thần quyết liệt và độ sắc cạnh của người viết.

Nếu tản văn không thể hiện được phẩm chất đó, người đọc sẽ quên ngay sau khi đọc. Lựa chọn tản văn để chuyển tải những tứ của đời sống có cái hấp dẫn là cho phép tôi thoải mái mổ xẻ và đưa ra quan niệm của mình trong vai trò một người đối thoại với người đọc - dĩ nhiên là những người đọc vô hình mà tôi phải phân thân đặt mình vào vị trí của họ” [93].

Với người viết tạp văn, những gì được chứng kiến, trải nghiệm với sự rung động sâu sắc tới mức ám ảnh, thành một thôi thúc tự thân, thành máu huyết tinh thần có ý nghĩa quyết định việc sáng tạo. Sự trải nghiệm của chính anh ta sẽ là vật liệu để xây dựng tác phẩm, chất liệu đời sống chỉ là phương tiện để anh ta tự do gửi gắm những tình cảm, quan điểm cá nhân. Những tác giả thành danh với các thể loại khác vẫn muốn coi tạp văn là thể loại mới để khai phá một vùng nghĩ của mình. Người đọc đã đón nhận nhiều tập tạp văn định hình rõ nét cái tôi tác giả. Đó là Băng Sơn với những trang văn thấm

Một phần của tài liệu Hình tượng tác giả trong tạp văn - Nguyễn Việt Hà (Trang 28 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)