CHƯƠNG 2: HÌNH TƯỢNG TÁC GIẢ QUA CẢM QUAN ĐÔ THỊ
3.2. Hình tượng tác giả qua cách thức tổ chức ngôn từ
3.2.2. Phức hợp nhiều phong cách ngôn ngữ
3.2.2.2. Gia tăng thuật ngữ chuyên môn, tiếng nước ngoài, sử dụng nhiều điển tích, điển cố
Trong hai thập niên trở lại đây, sự bùng nổ thông tin đã tác động mạnh đến ngôn ngữ đời sống và để lại dấu ấn ở ngôn ngữ văn học. Thuật ngữ chuyên môn trở nên phổ biến, các từ đặc trưng thời đại kĩ thuật số, cả dạng ngôn ngữ không dấu của người trần thuật được lồng vào những kiểu trò chuyện trên điện thoại di động, trên mạng internet… được sử dụng như những phương tiện biểu đạt mới của văn học. Ý thức về giới hạn cũng như sự bất lực của ngôn từ trong việc biểu đạt thế giới phồn tạp, sống động, các nhà văn đã
không ngừng kiếm tìm những khả năng mới cho con chữ. Nguyễn Việt Hà thuộc số nhà văn thành công ở phương diện này.
Anh sử dụng linh hoạt, táo bạo lớp thuật ngữ chuyên môn và từ nước ngoài. Sự chêm xen nhiều thuật ngữ chuyên môn vừa diễn tả tính chất “thậm phồn” của trạng thái hiện sinh vừa thể hiện nỗ lực cải thiện giới hạn của tiếng Việt. Tạp văn Nguyễn Việt Hà có rất nhiều khái niệm của kinh tế tiền tệ (cổ phiếu, chứng khoán, sàn giao dịch, thị trường, chỉ số VN-Index, bất động sản, đóng băng, lạm phát, quota, thương mại, ti u ngạch, nhập khẩu, xuất khẩu, phân lô, bán nền, mệnh giá, OTC, cổ đông sáng lập viên, đầu tư, lãi suất, lợi nhuận...); thuật ngữ công nghệ thông tin, kĩ thuật (hi tech, tivi, internet,ipod,ipad...); y học (cao huyết áp, tăng xông, tim mạch, cô lét tơ rôn, khí và huyết, dưỡng sinh, ngồi thiền, chạy thận, viêm gan A, viêm gan B, men gan,ung thư, giải phẫu...), khoa học (mêlamin, phóocmôn, bản đồ gien, vật lí lượng tử, ...), thể thao (tiền đạo, hậu vệ, bình luận gia, fan hâm mộ, túc cầu giáo, tifosi, chiến thuật,...), văn hóa (gameshow, sowbiz, diva…), triết học (tư duy biện chứng, triết thuyết, phương pháp luận, siêu hình, minh triết… ); tôn giáo (mệnh số, nhân quả, căn tính, duyên nghiệp, b khổ, khải huyền, công chính, Kinh Thánh, bí tích...). Điều đáng nói là Nguyễn Việt Hà đã chuyển các thuật ngữ này từ chức năng khoa học sang chức năng nghệ thuật: “nhân loại đã có văn minh điện thoại di động có văn hóa ti vi có văn nghệ internet.
Và từ những cái văn đó, người ta đã có thêm diva ngô nghê hát hay, hoa hậu chân dài từ thiện và văn học ồn ào đại ngôn vô tích sự trên mạng” [28; 125].
Anh cũng “khảm” vào văn bản nhiều từ ngoại ngữ khác nhau mà không chú thích, đặc biệt là cách phiên âm “bồi” đã trở nên quen thuộc trong ngôn ngữ của con người đô thị hôm nay: môve, gu, xếchxi, xếch, rì dọt, Le xợt, Xi víc, chát, meo, mô bai, tóp phai, năm bờ oăn, nickname, A còng, anh tơ nét, livờsâu, quota, ắp đết, diva, hot, teen, xìcăngđan, prồ, fan, còm men, boa, ô pần, búp phê, xi nhan, chếch, oép, bờ lốc, đét xe, bít tết, gu chì, Lu i đờ vút tông, pho rin nờ, ép
phê, nếch tóp mô đồ, bo đì, sóp ping, bác bờ ciu, xê li bạt te, đờ mi xe dông... Có chỗ pha trộn tiếng Việt vào tiếng Nga: “Chiều chiều ra đứng ác cờ nô. Trông em nào cũng khơ ra sô. Tối tơ tưởng viết pít xờ mô. Nhung nhớ gửi tới đa le cô”
[29; 205], chỗ là Việt chêm Anh: “đáng nhẽ cùng phải nhảy lầu thì cả hai bỗng đồng thanh see you again” [29; 223]; có khi nguyên cả một câu tiếng Anh “ No country for young men” [28; 160], “Oh, I am woman in love” [28; 268], “Love means never having to say you'are sorry” [28; 95]…
Việc pha trộn ngoại ngữ trong mạch văn không chỉ có ở riêng văn chương Nguyễn Việt Hà nhưng có thể thấy nét riêng là ở chỗ, anh cố tình tạo ra sự đan xen hỗn độn giữa các ngôn ngữ để gây ấn tượng về một trạng thái
“Âu hóa”, “số hóa” hỗn độn, lai tạp, phi chuẩn mực, một hiện tượng dung hợp nhiều luồng văn hóa, nhiều lối sống, quan niệm. Nó thổi vào văn chương cái hơi thở của đời thường xô bồ, phồn tạp, tạo nên một bức tranh đời sống đa sắc. Hơn thế, nó còn biểu hiện sự giao tranh quyết liệt để dành chỗ đứng của tiếng mẹ đẻ trong khát vọng biểu đạt tư duy trừu tượng giữa thời đại công nghệ kĩ trị, bùng nổ thông tin, hội nhập toàn cầu.
Ngoài việc sử dụng nhiều ngôn từ thông tục, bình dân hóa, dùng khẩu ngữ đậm chất “phố”, pha trộn các thuật ngữ chuyên môn, tiếng nước ngoài vào tác phẩm, Nguyễn Việt Hà còn sử dụng nhiều điển tích, điển cố, những trích dẫn liên văn bản để tạo nên hấp lực và dấu ấn riêng. Việc dùng điển tích, điển cố vốn quen thuộc trong văn chương bởi sự hàm súc, khả năng khơi mở, đa nghĩa vốn là đặc trưng của văn học trung đại. Nhưng với công cuộc hiện đại hóa văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, việc dùng điển kiểu này thường bị “dị ứng”. Lớp nhà văn trẻ sau 1975 cũng ít dùng, trừ vài trường hợp như Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thân và Nguyễn Việt Hà. Họ “tái sáng tạo” thủ pháp này trên tinh thần hiện đại, nhất là dùng ngay những người thật, việc thật “có vấn đề” trong đời sống đương đại làm “điển cố”.
Có thể khẳng định không ai sử dụng điển cố với mật độ dày đặc như Nguyễn Việt Hà. Tạp văn của anh, có vô vàn các điển tích, điển cố từ phương Đông đến phương Tây: Bá Di, Thúc Tề, Gia Cát Lượng, Nguyễn Tịch, Lưu Linh...(Ẩn sĩ và ẩn nhân); Vinh Tử, Trang Tử (Chìm và nổi), Tề Tuyên Vương, Nhan Xúc (E-lít), Vương Chi Hoán, Trần Tử Ngang (Khoảng trống sau lễ hội); Từ Hải (Mắt đàn ông); Tô Thị (Ôn nhu); Quan Vân Trường, Mã Siêu, Triệu Vân, Trương Phi (Th loại); Thúy Kiều (Trinh một nửa), Trư Bát Giới (Ăn chay); Dự Nhượng, Kinh Kha (Bạn của đàn ông); Sở Khanh (Bi kịch Sở Khanh);... Một không gian văn hóa phương Tây mở ra với những cái tên:
Ruồi Trâu, Bà Bôvary, Tiếng chim hót trong bụi mận gai (Đàn ông độc thân);
Ađam, Eva, thánh Valentin (Đàn ông tỏ tình), nhà tiên tri Êdêkien của Cựu Ước (Nghề ngoại cảm), Đông ky sốt (Tuyệt đại song hùng); Đông Joăng (Bi kịch Sở Khanh);…
Điển xưa được Nguyễn Việt Hà diễn đạt bằng ngôn ngữ “suồng sã” hiện đại tạo nên vẻ dí dỏm: “sau một hồi tăm tia địa chỉ của ý trung nhân, chàng Kim bốc đồng bớt tiền ăn tiền học tiền bố mẹ cho, hì hục thuê luôn một cái nhà ngay sát cạnh nhà nàng, kiên nhẫn rình chờ người đẹp nhỡ tay làm rơi hoặc để quên một cái gì đó. Thế rồi trời xanh không phụ lòng thành, Thúy Kiều quả thật có đánh rơi một chiếc kim thoa, đại loại là một thứ cặp cài đầu vớ vẩn mạ vàng mà bây giờ ở phố Cầu Gỗ vẫn thấy bán hàng rổ. Có lẽ Thúy Kiều là người “ki bo” nên có vẻ nàng loay hoay tiếc lắm (...) Chỉ chờ có thế, chàng Kim hăm hở lao ra trình bày tình yêu. Ngoài những lời ngọt ngào có cánh, chàng Kim còn cực kì ga lăng...” [27; 88]. Việc dùng những điển tích, điển cố xưa để “chế tác” câu chuyện của thời hiện đại có thể xem là thao tác
“chồng xếp văn bản” (trên một phông văn bản quen thuộc tạo ra một văn bản mới) khơi gợi liên tưởng bất ngờ thú vị cho bạn đọc.
Nguyễn Việt Hà rất ưa trích dẫn. Đề cập đến một khái niệm, bàn luận một vấn đề nào đó hoặc liên tưởng từ đối tượng này sang đối tượng khác anh trích
dẫn đủ mọi nguồn Đông Tây kim cổ để minh họa. Tạp văn của anh, dày đặc những tên sách, tên người được trích dẫn khi thì theo lối nghiêm túc khách quan, khi thì cố ý “trích sai”, “tán sai” theo chủ ý trào lộng: "Nhà thì ầm ầm vỡ nợ, chị thì nức nở bán mình, riêng Vân cô nương chẳng cần thuốc ngủ cứ khì khì ngon giấc. Đạm Tiên làm quái gì được nàng. Kể cả sổ Đoạn trường, có bị bọn đầu nậu liều lĩnh in chui, tên Thúy Vân cũng không bao giờ có" [28; 81].
Những liên văn bản trong tạp văn Nguyễn Việt Hà gần như là yếu tố chủ chốt tạo nên sự giễu nhại trong tạp văn của anh. Người đọc đôi khi không hài lòng vì đầu mỗi tác phẩm anh dẫn dụ rất dài dòng nhưng đó lại là đối tượng dùng để tạo những liên tưởng đối lập trong cái hài, cái nhạo có chủ ý của tác giả. Trong Tuyệt vọng ti u thư, hàng loạt liên văn bản được kết nối: bắt đầu là chuyện đàn ông ngã gãy răng vì mải nhìn áo khoét cổ sâu, quần trễ cạp của các “hồn nhiên tiểu thư” đến giải thích khái niệm "Ti u thư là tiếng Tàu, tiếng Tây Demoiselle", tiếp đó là tiểu thư Lâm Đại Ngọc (Hồng Lâu Mộng), tiểu thư Lida Grigôriepna của Puskin, Juliet của Sexpia, thiếu nữ trong nhạc Phú Quang, nàng công chúa và hạt đậu trong truyện cổ Anđécxen... Tác phẩm kết lại bằng một câu nói buông lửng nụ cười ẩn ý diễn tả tâm trạng “tuyệt vọng”
về những tiểu thư hôm nay: "Hầu hết các thiếu nữ hôm nay, sau khi xem xong phim truyền hình dài tập thì tất thảy đều lăn quay ra ngủ, mặc dù dưới tấm lưng ong mịn màng của họ là cả một bao tải hạt đậu. Đã thế, rất nhiều nàng còn thanh thản ngáy" [28; 263].
Cái lối “nói có sách mách có chứng” dẫn trích đầy đủ tên tác phẩm, tác giả, nhà xuất bản, số trang... đem lại hình ảnh một ngòi bút nghiêm cẩn, mực thước, một nhà khảo cứu công phu, uyên bác ( thí dụ: “đàn ông được coi là anh hùng (từ điển Hán Việt Đào Duy Anh chú: Anh là vua loài hoa, Hùng là vua loài thú, chỉ người hào kiệt xuất chúng) khi lâm tuyệt lộ thì tuyệt khác”
[28; 50];“giới tính theo Từ điển tiếng Việt (NXB Văn hóa Thông tin-2005) giải thích là Đặc đi m của cơ th và của tâm lí làm cho hai phái nam và nữ
hoặc giống đực và giống cái có chỗ khác biệt nhau” [27; 95]; khi thì làm bạn đọc cảnh giác nghi ngờ vì kẻ trích dẫn cứ thao thao, “tưng tửng” với vẻ mặt
“rất kịch” của một diễn viên hài: “hai con người đang xa lạ với hai tâm hồn hoàn toàn khác hẳn nhau, đang bơ vơ lạc lõng từ tận đẩu tận đâu bỗng một ngày nối thành xương bởi xương, thịt bởi thịt và cả hai nên một thân xác (Cựu Ước, Sáng thế ký 23; 24)” [29; 217]; “Ta là Anpha là Ômêga, là đầu hết và là sau hết. Là khởi nguyên và là cùng tận” (Khải huyền 22; 13)” [29; 223];
“niệm trước mê là chúng sinh, niệm sau ngộ là Phật” [29; 232]…Việc sử dụng các điển cố, điển tích, trích dẫn ngữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau khiến cho tác phẩm của Nguyễn Việt Hà như một bức khảm các tri thức Đông Tây kim cổ. Điều đó không chỉ cho thấy phông kiến thức mà còn tiết lộ tính cách phóng túng, ưa đùa giỡn, sự ứng xử thông minh đến tinh quái của Nguyễn Việt Hà trước kho tàng kinh nghiệm nhân loại. Không đọc nhiều, biết lắm, thiếu trí tưởng tượng hay hiền lành, mực thước không thể viết theo phong cách này được.
Rõ ràng ở khía cạnh hình tượng tác giả, việc sử dụng ngôn ngữ theo cách này khẳng định trình độ văn hóa, vốn sống, sự sắc sảo, chất trí tuệ và tinh thần dân chủ hóa, cách ứng xử hiện đại của Nguyễn Việt Hà đối với “vật liệu” của văn chương. Thông qua ngôn từ nghệ thuật, anh góp phần xác lập một nhãn quan ngôn ngữ năng động, thiết thực, giàu tính đối thoại, tính triết luận và tính hài. Một mặt, nó thể hiện khát vọng đổi mới tư duy nghệ thuật, mặt khác chứng tỏ bản lĩnh của một cây bút muốn kiếm tìm và mở rộng những biên độ mới cho văn chương.