CHƯƠNG 2: HÌNH TƯỢNG TÁC GIẢ QUA CẢM QUAN ĐÔ THỊ
2.1. Khái niệm “cảm quan đô thị” và cảm quan đô thị trong văn xuôi Việt
2.1.2. Cảm quan đô thị trong văn xuôi Việt Nam đương đại
Mấy chục năm qua, ở Việt Nam, quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng đã tác động đến đời sống văn học, không chỉ thể hiện qua số lượng tác phẩm viết về đề tài đô thị mà còn qua sự thay đổi hệ hình tư duy –thẩm mĩ.
Khi tỉ trọng nền kinh tế nghiêng về nông nghiệp, đề tài nông thôn sẽ được ưu tiên lựa chọn. Khi bước vào hiện đại hóa, công nghiệp hóa, tất yếu các vấn đề về đô thị sẽ nổi bật lên trong mối quan tâm của mọi người. Vì “đô thị mang trong mình quá nhiều câu chuyện cần phải viết ra” mà văn xuôi đương đại nước ta đang có xu hướng nghiêng về đề tài đô thị. Nguyễn Việt Hà cũng không phải ngoại lệ.
Cùng viết về đô thị nhưng có loại cảm quan về đô thị của người đứng ngoài cuộc nhìn nhận, đánh giá về nó và loại cảm quan đô thị của người trong cuộc, hòa mình vào dòng chảy của nó và thấy mình trở thành một phần hữu cơ của đời sống đô thị. Trong loại cảm quan về đô thị, khá đông người dị ứng với văn minh hiện đại. Giống Nguyễn Bính trước đây, họ lo ngại đô thị phát triển sẽ tiêu diệt các giá trị truyền thống, nuôi dưỡng thói ích kỉ, vô cảm, vụ lợi... Họ coi đô thị là chốn làm con người hư hỏng, đánh mất bản nguyên...
Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Đoàn Lê, Hồ Anh Thái và nhất là Nguyễn Huy Thiệp đã không ngại bày tỏ lo âu, phê phán những cái nhố nhăng tàn nhẫn của đô thị. Dưới cái nhìn của Nguyễn Huy Thiệp, một người luôn “thương nhớ đồng quê”, cuộc sống càng hiện đại thì càng xuất hiện nhiều cảnh nhố nhăng, ba phèng, suy thoái nhân cách, con người trở nên thái quá, quên cội nguồn, thờ ơ với mọi người xung quanh (Tướng về hưu, Không có vua). Nhiều tác phẩm của ông mang đến thông điệp về sự biến đổi của đô thị và những hệ lụy của nó: “Hạnh sống cô đơn. Cuộc sống thành phố với bao lạc thú gây nên nhiều mơ ước. Nhưng Hạnh biết rất rõ những lạc thú ấy chứa đầy cạm bẫy” (Huyền thoại phố phường). Hồ Anh Thái miêu tả lối sống nhỏ nhen, ích kỷ, tàn nhẫn, thói vô lương tâm của con người hiện đại qua cái nhìn đầy chất “u mua đen”, âu lo những giá trị chân, thiện, mỹ truyền thống đã và sẽ tiếp tục bị bóp méo, thậm chí hủy diệt. (Chim anh chim em, Sân bay, Tờ khai visa). Nhiều cây bút cũng thể hiện nỗi lo ngại trước thực trạng người nông dân bất đắc dĩ phải trở thành thị dân bởi quá trình đô thị hóa (Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu - Nguyễn Quốc Trung); sự xâm lấn, mở rộng đô thị làm biến đổi môi trường, cảnh quan (Cả một dây neo theo nhau đi - Hồ Anh Thái, Hoa nở trên trời - Nguyễn Thị Thu Huệ); những “vết thương” ở các làng quê bị đô thị hoá, những thân phận từ tỉnh lẻ tìm cách thích nghi với cuộc sống đô thị, những nhân vật gốc gác nông thôn phải bôn ba kiếm sống ở thành phố lớn (Vết thương thành thị- Đỗ Tiến Thụy).
Những người mang cảm quan đô thị là những người ý thức mình trước hết như một thị dân, gắn bó với đô thị như môi trường đương nhiên được lựa chọn để sống. Họ coi trọng sự phát triển, sự hiện đại, tiện nghi. Họ thích tư duy năng động, thích lối sống công nghiệp khẩn trương, thích tự do sống theo ý mình, ghét khuôn khổ, nghi lễ gò bó. Những cái đó chỉ đô thị mới đáp ứng được. Tuy nhiên, vì con người đô thị mang đậm ý thức cá nhân nên khả năng tự phê, tự nghiệm cũng phát triển. Họ không nương nhẹ những cái xấu, cái dở
của đô thị, họ chế giễu hay tự trào cũng sâu cay lắm. Những trường hợp viết về đô thị gây được ấn tượng trong văn xuôi đương đại với tâm thế sống đô thị, khắc họa chân dung thị dân sắc nét, có thể kể tới Phạm Thị Hoài, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh… Họ viết về đô thị với cái nhìn từ bên trong. Hình ảnh đô thị và chân dung thị dân đương đại trong tác phẩm của họ nhiều lúc nhếch nhác, tẻ nhạt, tầm thường dung tục nhưng luôn thể hiện một sự thân thuộc đô thị, bao giờ cũng đau đáu một tâm thế thị dân. Nếu họ bộc lộ một sự phản ứng tiêu cực trước đối tượng của mình, thì đó là sự phản ứng của người “thị dân cũ” - con người của nền nếp gia phong, của chế độ giáo dục nghiêm cẩn, của sự ngăn nắp trong lối sống và sự tinh tế nhạy cảm trong tâm hồn - trước những “thị dân mới”, trước đô thị hiện tại, trước tất cả những gì đại diện cho cái tạp nham, bát nháo, xô bồ, hãnh tiến và phản văn hóa mà nó đang bày ra.
Nhiều nhà văn hướng ngòi bút vào việc chuyển tải những trạng thái biến đổi của đời sống từ những góc nhìn khác nhau, qua đó thấy được quá trình thay đổi đô thị không chỉ ở phương diện cảnh quan mà còn ở đời sống vật chất và tinh thần của con người. Các cây bút Tiến Đạt, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Danh Lam, Vũ Đình Giang… thường tập trung khai thác sự bế tắc và trống rỗng của con người trong đời sống hiện đại. Tác phẩm của họ, dù đề cập đến vấn đề gì vẫn cho người đọc thấy rằng họ “đang sống với thời hiện tại và hình như trong vô thức đã mang trách nhiệm nói hộ những câu chuyện riêng tư của thế hệ mình”. Nhân vật của Phong Điệp (Lạc chốn thị thành) thường là những người trẻ nhập cư về đô thị với nỗi lo mưu sinh, với những băn khoăn khi gia nhập đời sống đô thị, ý thức được giá trị và những mặt trái của đời sống họ đang tham dự: “Thường thường tám giờ tối mới rũ rượi về nhà. Ăn qua quýt một cái gì đó rồi đổ vật ra giường, ngủ một mạch đến bảy giờ sáng hôm sau (…) Quay quắt mấy chốc đã cảm thấy mình hết đời rồi” (Ngôi nhà ngập tràn ánh nắng). Giày đỏ của Dương Bình Nguyên, Mười sáu mét vuông
của Vũ Đình Giang tái hiện những góc nhìn đa chiều của người trẻ về đời sống đô thị. Sáng tác của Đỗ Phấn cho thấy nhịp sống đô thị hối hả kéo con người vào guồng quay gấp gáp: “Phố đã lên đèn. Ánh sáng yếu ớt hắt trên những gương mặt người thiểu não sau một ngày vật lộn mưu sinh. Những gương mặt giống nhau đến kỳ lạ. Chỉ hở ra một khuôn hình vô cảm trong những chiếc mũ bảo hiểm” (Quán rượu). Thành phố đi vắng của Nguyễn Thị Thu Huệ là những ưu tư về tình người ngày một cạn kiệt thậm chí biến mất trong đô thành hiện đại, sự vô cảm, nỗi bất an và cái chết trở thành những ám ảnh trong đời sống đương đại. Từ những góc nhìn khác nhau, mỗi người viết có cảm quan khác nhau về đô thị. Hình ảnh đô thị không chỉ hào nhoáng, sang trọng, lịch lãm mà còn những góc khuất, những mảng màu sẫm tối, những xáo trộn bất an...Không ít tác phẩm nói tới nguy cơ băng hoại nhân tính và hệ quả của nó. Trạng thái nhân tình thế thái trong các đô thị hiện đại được quan tâm thể hiện: những câu chuyện đời thường, các mối quan hệ đa đoan phức tạp, các tình huống bi hài của đời sống trong thời kinh tế thị trường, sự nghiệt ngã của quy luật cạnh tranh sinh tồn, cuộc sống quá dư thừa về vật chất nhưng nghèo nàn thảm hại về mặt tâm hồn, sự xung đột giữa nhu cầu cá nhân với hoàn cảnh, sự xâm thực đối với văn hóa làng xã...
Đời sống thị dân, môi trường đô thị hiện đại (bao gồm cả không gian sinh tồn, bầu sinh quyển đô thị và những hoạt động, trạng thái tinh thần của con người) chính là nơi có thể quan sát rõ nhất diện mạo của cá nhân, sự vận động phát triển của ý thức cá nhân. Nếu như trước đây văn học thường tập trung vào đề tài nông thôn với những vấn đề văn hóa làng xã, số phận nông dân, công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp thì ngày nay nhiều cây bút đi sâu khai thác những vấn đề của con người cá nhân - sản phẩm chủ yếu của xã hội đô thị (khác hẳn với kiểu con người thôn dân, cư dân nông nghiệp). Văn học đương đại nói nhiều đến nỗi cô đơn của con người trong đời sống đô thị hiện đại. Chủ đề này gắn trước hết với ý thức về cá nhân mà con người cá nhân là
sản phẩm tiêu biểu của đô thị. Việc thể hiện trạng thái cô đơn không chỉ cho thấy sự thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người mà còn thể hiện một tâm thái của con người hôm nay, những con người đang sinh sống và làm việc tại các thành phố hiện đại, bị chi phối trực tiếp bởi nhịp sống và các thiết chế của văn minh đô thị. Có muôn hình vạn trạng nỗi cô đơn của con người khi đối mặt với tốc độ chóng mặt ở đô thị. Đó có thể là nỗi cô đơn của cái tôi bé nhỏ, bị xô đẩy trong cuộc sống ồn ào pha tạp đang bị vật chất hóa, dung tục hóa; là nỗi cô đơn của những giá trị truyền thống đang bị mất dần đi trong xã hội hiện đại trong khi hệ giá trị mới chưa đem lại niềm tin cậy; là cảm giác bơ vơ lạc loài, trạng thái trống trải và đơn độc của những thực thể sống trong những tòa cao ốc, những căn hộ chung cư khép kín, những khung tường bê tông cốt thép lạnh lùng đơn điệu cách biệt với con người và thế giới xung quanh, thấy nhân tính bị bào mòn, cảm xúc bị chai lì, căn tính tự nhiên có xu hướng kĩ trị hóa, xu hướng chạy theo xã hội tiêu dùng bị bóp nghẹt... Đó có thể là nỗi cô đơn của một thế hệ khi những giá trị tinh thần của gia đình truyền thống đang bị mất dần đi trong xã hội hiện đại (Tướng về hưu -Nguyễn Huy Thiệp, Của đ dành- Nguyễn Thị Thu Huệ); con người trở nên cô đơn trong những “tổ ấm”
đã biến thành “tổ lạnh”, những nếp nhà hiện đại hoang vu trong ồn ã tiếng người; trong cuộc sống hàng ngày mà họ phải đối mặt và họ không có cách gì giải tỏa, không thể chia sẻ cùng ai: “Tôi cô đơn quá rồi”, “Sao người mỗi ngày một đông như kiến mà tôi cô đơn thế này” (Mi nu xinh đ p); cô đơn trước không gian đô thị choáng ngợp: “Đường phố rộng và thừa thãi gió, tuênh toang, trống trải lạ lùng” (Cát đợi). Đó còn là nỗi cô đơn của những thực thể sống trong những tòa cao ốc, cách biệt với con người và thế giới xung quanh: “Đến tận tầng mười sáu. Ở trên tầng cao, sự cách biệt đã dần biến thành nỗi cô đơn gần như tuyệt đối. Cách biệt với thành phố bên dưới.
Cách biệt với phần còn lại của tòa nhà bên trên. Và cách biệt với ngay cả hàng xóm láng giềng là căn hộ đối diện chung nhau có một hành lang tối” (Vu vơ ở
lưng chừng trời – Đỗ Phấn)…Hay đó còn là nỗi ám ảnh bị tẩy trắng cá tính và bản sắc. Nhan nhản trong tác phẩm của Hồ Anh Thái là những nhân vật bị xóa nhòe lai lịch, xuất hiện đột ngột, như bị vô tình ném ra giữa cuộc đời như những thân phận vô danh trong vòng quay bất tận của cuộc sống. Con người có nguy cơ bị hủy hoại, thủ tiêu bản sắc cá nhân, đánh mất quan hệ với đồng loại, chỉ còn là cái bóng của hiện thực, là những khuôn mặt tượng trưng cho một loại người trong xã hội: vô lương tâm, vô tình, bàng quan, vật dục, lố bịch, hợm hĩnh…Ở họ luôn tiềm tàng nỗi cô đơn, lạc loài, tâm trạng hoài nghi trước cuộc sống, mất khả năng giao tiếp, khó hòa hợp với thế giới xung quanh. Có thể thấy, không gian đô thị là thứ “nước rửa ảnh” đối với ý thức cá nhân, ý thức về bản thể đã trở thành mảnh đất màu mỡ mời gọi nhiều cây bút hướng tới và đã gặt hái thành công khi đặt ra được những vấn đề sâu sắc về nhân sinh thế sự, về số phận con người...
Việc lựa chọn không gian thành thị hay nông thôn chưa hẳn đã thể hiện cảm quan đô thị và không quyết định thành công của tác phẩm. Tuy nhiên, số lượng tác phẩm viết về đời sống đô thị xuất hiện ngày một nhiều. Các cây bút 8X, 9X hầu hết đều viết về đô thị. Nhiều tác phẩm được viết từ cảm quan đô thị rõ ràng đã làm thay đổi diện mạo văn xuôi nước ta từ giai đoạn đổi mới đến nay. Quan sát sự vận động của văn học đương đại, có thể thấy các nhà văn đã có sự bén nhạy và linh hoạt trong cách tiếp cận nhiều vấn đề của đời sống trong đó có đời sống của con người đô thị. Những người viết có cảm quan đô thị sắc nét đều là những cây bút đặc sắc gây ấn tượng: Phạm Thị Hoài, Thuận, Đoàn Minh Phượng, Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Việt Hà, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ... Sự mở rộng cái nhìn của người viết về một phạm vi, một phương diện mới của đời sống xã hội hôm nay đã cho thấy những thay đổi trong tư duy nghệ thuật, sự năng động trong chiếm lĩnh, khái quát hiện thực. Điều đó, ta thấy rất rõ ở trường hợp của Nguyễn Việt Hà.