Về đời sống văn hoá nghệ thuật đương đại

Một phần của tài liệu Hình tượng tác giả trong tạp văn - Nguyễn Việt Hà (Trang 69 - 80)

CHƯƠNG 2: HÌNH TƯỢNG TÁC GIẢ QUA CẢM QUAN ĐÔ THỊ

2.2. Hình tượng tác giả qua cảm quan đô thị

2.2.2. Cảm quan đô thị của một thị dân

2.2.2.3. Về đời sống văn hoá nghệ thuật đương đại

Là một nghệ sĩ nên Nguyễn Việt Hà dành nhiều sự quan tâm cho những vấn đề của văn hóa nghệ thuật trong đời sống đương đại bởi anh cũng ở trong

dòng chảy ấy, tác động vào nó, hít thở bầu không khí của nó. Tạp văn của anh cung cấp thông tin phong phú về các lĩnh vực: văn chương, điện ảnh, âm nhạc, hội hoạ, thể thao, các chương trình giải trí…Với cái nhìn sắc sảo, trên lập trường của một nhà văn có trách nhiệm, Nguyễn Việt Hà đã bộc lộ mối băn khoăn về sinh hoạt tinh thần của con người đương đại: “Thời của chúng ta đang sống, bị nhiều kêu ca là văn hóa đọc đang đi xuống. Chưa bao giờ văn hóa nghe nhìn, cụ thể ở đây là cái ti vi, trở nên hợm hĩnh ngông cuồng một cách thời thượng đến thế. Những bộ phim truyền hình trường thiên rỗng tuếch long lanh sướt mướt, những trò chơi giông giống văn hóa được dẫn dắt bởi các MC ồn ào vẻ tự tin, những hình ảnh đầy rẫy gian trá kỹ xảo điện tử đang nhan nhản chiếm tâm lực trí lực của nhiều người”, “ngay cả sinh viên, lớp tín đồ trung thành và cuồng nhiệt của văn hóa đọc, cũng đang trượt dần từ địa vị của một tử tế độc giả sang thành những hóng hớt thính giả” [26; 51]. Nhà văn lo lắng trước hiện trạng lớp trẻ không thích đọc sách, nếu có chỉ là thứ sách nhiều hình ít chữ, “sinh viên trẻ hôm nay bỗng đắm đuối xem truyện tranh.

Thói quen đọc sách có ít chữ làm bọn họ dễ dàng say mê xem truyền hình.

Lúc có tuổi, họ sẽ khóc khi thấy phim Hàn Quốc, sẽ cười khi thấy hai danh hài nông nổi Xuân Bắc Tự Long” [27; 207], “bây giờ đi ngoài đường Hà Nội, nếu cố phải để ý tìm, tuyệt nhiên chẳng thấy còn ma nào ngồi đọc sách. Nhỡ có thì hình như đấy là một ông Tây hay một nàng đầm. Nhan nhản ở các quán cà phê hay phòng chờ sân bay, tàu hỏa, đàn ông đủ mọi tuổi chỉ háo hức há hốc ngồi đọc báo. Đám trẻ sành điệu hơn thì dán mắt vào ipad hoặc máy tính xách tay” [29; 112]. Hầu hết đám đọc sách thời kinh tế thị trường đều nôn nóng sốt ruột muốn cái chữ mà mình vừa đọc phải mang lại hiệu quả tức thì nào đấy. Bởi thế mà “thư viện hôm nay tuyệt không thấy một ai mơ màng ngồi đọc thơ nữa, đa phần đều còn cào ngốn ngấu những loại sách được thời thượng gọi là sách công cụ. Một nghìn cách làm giàu, Làm thế nào đ bạn trở thành quyến rũ, Quản trị kinh doanh thật là đơn giản” [29; 291]. Tác giả cho

rằng nghe, nhìn hoặc xem, dù có được coi là văn hóa đến đâu cũng không thể thay thế được văn hóa đọc bởi một lẽ “trong chữ hình như có trí khôn hình như có kinh nghiệm, phảng phất hình như còn có cả đạo lý. Chữ trong sách giúp người ta bớt đi tuyệt vọng buồn phiền tăng thêm yêu thương khoan thứ”,

“đa phần những người biết đọc chữ đều là những người thong thả nhân hậu và thông minh. Những phẩm chất trong trắng này là cái mà một xã hội gấp gáp thông tin luôn khát khao cần và nhung nhớ” [27; 51].

Ngòi bút sắc lạnh của Nguyễn Việt Hà còn làm lộ ra nhiều chuyện hài hước kiểu như “nước ta, lễ thì cũng vừa phải nhưng hội thì thật nhiều lắm.

Văn có hội văn, cây cảnh có hội chơi cây cảnh. Đã có hội thì có họp, họp to thì thành lễ” [26; 97]. Giới văn nghệ “có những nhiếp ảnh gia, thi hào gia, nhạc sĩ gia hiện diện nơi công cộng nhiều đến mức người xem có đãng trí đến mấy vẫn vanh vách bị thuộc từng nốt ruồi” [27; 218]... Các cuộc thi sắc đẹp liên tục diễn ra, “sắc đẹp bị trắng trợn hiểu theo kiểu số đo. Ở các cuộc thi hoa hậu người đẹp thứ nhất sẽ có vòng 1 là, vòng 2 là, vòng 3 là. Các thí sinh nhăn nhở đi đi lại lại nhe răng ra, giơ chân ra, vươn cổ ra” [27; 196].

Xã hội hiện đại là xã hội kĩ trị, có sự bùng nổ của rất nhiều các chương trình giải trí truyền hình, các game show tương tác, các sân chơi dành cho mọi đối tượng. Nhà văn đề cập đến các hoạt động giải trí này từ khía cạnh tinh thần thêu vẽ, ăn xổi dễ dãi của con người thời nay. Trên tivi hiện nay tràn ngập, tràn lan các chương trình giải trí, các gameshow mà ở đó bao giờ cũng có một ban giám khảo “hoặc bình hoặc xét về người khác, khi người ta đang nồng nhiệt chân thành đôi lúc hớ hênh nhảy hát” [28; 160]. “Cầm chầu” trong các cuộc thi kiểu đó khác nào mua vui, mua được ít vui cho mình rồi mua được vui cho người thật đắng cay vất vả, chưa kể khi đánh giá mà cả người thi lẫn khán giả không “tâm phục khẩu phục” thì thể nào cũng bị leo lên diễn đàn báo viết rồi báo hình “ném đá” ồn ào. Tuy thế có một nghịch lí vẫn diễn ra, “dù vất vả ngu đến thế, nhưng không hiểu sao vẫn nườm nượp đông đàn

ông nồng nàn thích cầm chầu. Phải chăng cái vô thức vinh dự của nghề giám khảo đã trong trắng thăng hoa ở họ” [28; 161]. Các ca sĩ trẻ cũng không kém vô duyên vì là sản phẩm của công nghệ “lăng xê”: “mới nho nhoe năng khiếu hát, đã có một đống bầu sô núp đằng sau lăng xê đủn đít”, “khán giả nhao nhao đứng xem, tóc tai tất thảy đều dựng đứng, một phần do xịt keo, một phần là bởi giá vé” [28; 210]. Điều đáng sợ nhất của tất cả những thứ ồn ào nhố nhăng ấy là sự nhiễu loạn các giá trị “chẳng biết đâu là phim thương mại đâu là phim nghệ thuật, đâu là bằng xịn đâu là bằng dỏm, đâu là nhạc zdin đâu là nhạc cọp. Ông nhang nhác giống thằng, thằng hao hao giống ông” [26; 90].

Trong bài tạp văn có nhan đề Những người về nhì, Nguyễn Việt Hà phê phán một thực tế “ở những giải thưởng tủn mủn của văn chương gần đây, không hiểu sao người ta hầu như chỉ trao có một giải”. Nhưng điều oái ăm là ở chỗ, những kiệt tác được giải sau khi nhận thưởng xong đem ra bán rộng rãi thường rất ế, “người mua trung thành đa phần là tứ thân nội ngoại của tác giả, may mắn thì có thêm vợ và người tình” (tr.87). Bên điện ảnh lại khác hẳn,

“liên tiếp trong hai năm liền, các nhà chấm giải cao quý của hội phim nhựa ở ta chỉ khăng khăng trao cho các tác phẩm đứng hàng thứ hai, danh xưng nôm na là Cánh diều bạc. Những người lĩnh giải ngoài mặt cố vẫn tươi nhưng trong bụng chắc hẳn không khoái lắm. Bởi cánh diều có đông tây bay lượn kiểu gì thì sâu xa mình vẫn là “thằng” về nhì chân chậm” (tr.88). Tâm lí háo danh, giấc mơ về nhất, muốn độc tôn thiên hạ luôn là một nỗi dằn vặt giày vò không biết bao người, thậm chí có những kẻ bất chấp tất cả “nhắm mắt lao đầu co cẳng chạy nước rút về đích” và lúc đến đích mới bàng hoàng nhận thấy mình trắng tay tuyệt đối. Vậy nhất hay là nhì đều chỉ là sự ngộ nhận của lòng tham con người mà thôi.

Luận về những sai lầm của giới trẻ hôm nay, Nguyễn Việt Hà lưu ý đến một hệ lụy của các trò chơi trên internet và truyền thông: phần lớn các trò chơi game có mã lệnh “undo”, khi người chơi trót “trượt chân sa ngã”, chỉ

cần khẽ click “undo” thì mọi sự chợt nhiên hoàn hảo trở lại; rồi “ti vi hào hứng đều đặn phát các chương trình kiểu như bỗng dưng thành triệu phú rồi làm giàu quá dễ. Thậm chí cái nón vốn là vật dụng mưu sinh tầm thường chỉ nên dành cho những người già cả ốm đau bệnh tật ngửa tay kiếm ăn thì cũng mĩ miều thêm vào hai chữ kì diệu” [28; 94]. Trò chơi cũng là một phần trò đời, nó phản ánh phần nào tâm thức thời đại, và những trò chơi đơn giản, nông nổi có thể khiến con người quên rằng: sống là phải chịu trách nhiệm với những gì mình làm, phải biết sám hối khi sai lầm.

Nghĩ về văn chương đương đại, Nguyễn Việt Hà vừa tin tưởng, hi vọng lại cũng không thiếu hoài nghi, âu lo. Nhà văn đã vài lần nhận xét: “trên văn đàn Việt đang có chuyện rất thực, Âm thật thịnh mà Dương lại suy. Bao nhiêu thời thượng văn học của năm 2005 thì tất thẩy đều mang khuôn mặt nữ sĩ.

[27; 137], “khoảng mươi năm gần đây, ở ta cũng như ở Tàu, văn đàn thỉnh thoảng có dậy sóng tạo thành hiện tượng thì thường đấy là do một vài thiếu nữ” [28; 134]. Theo anh, việc xuất hiện “nữ lưu kiệt hiệt” trong thời bình là

“đúng ý trời và lòng người”; đối tượng độc giả “lành mạnh khỏe khoắn” ở thời nào cũng là người trẻ và họ có văn hóa đọc riêng, nhu cầu thẩm mĩ riêng;

hơn nữa, văn của các cây bút nữ là “tiếng lòng trong veo trong sáng, dù có phẫn nộ ai oán thì vẫn nồng nàn hồn nhiên chân thành tha thiết” nên giàu sức hút… Tác giả điểm tên nhiều hiện tượng của văn học Trung Quốc và không khỏi ngậm ngùi khi so sánh: “cũng giống như con đường thương mại tiểu ngạch Trung- Việt, người ta chỉ thấy tấp nập hàng ngoại vào theo một chiều.

Cho đến bây giờ, tuyệt chưa có một tác phẩm văn chương quan trọng nào của người Việt trẻ được dịch in ở Trung Quốc” [28; 138]. Anh không hàm hồ trách họ, “những người viết trẻ của ta hoàn toàn không có lỗi. Bởi đây là hệ lụy của những cao xa vĩ mô kiểu như nước lớn nước nhỏ, kiểu như sự thượng phong của lịch sử của xã hội, hoặc đơn giản hơn, sự chênh lệch áp đảo của kinh tế”. Anh tỉnh táo nhận thấy sự trì trệ trong đời sống văn học nước mình,

“các nhà văn Việt lớn tuổi đã thành danh đã thành thạo hiếm khi nói về các nữ sĩ trẻ. Cũng có thể do trịch thượng do thỏa mãn do lười đọc. Vài người cứ đinh ninh rằng, thơ nữ Việt đến Xuân Quỳnh là hết, văn nữ Việt đến Phạm Thị Hoài là hết. Hoặc giả nếu có đọc thì khi phát biểu công tâm chính danh cũng ngần ngại sợ phiền” (tr.135). Nguyễn Việt Hà đã bộc lộ một thái độ dân chủ, thẳng thắn, khiêm tốn mà không tự ti về văn học Việt. Anh tâm sự: “đã là văn chương thì không có biên giới”, “văn học Việt Nam xứng đáng được giới thiệu ra nước ngoài. Còn tại sao việc ấy chưa thành thì tôi chịu không thể biết[20]. Anh nhận thấy hơn chục năm trở lại đây, trường thiên tiểu thuyết Trung Hoa vẫn “tạo mưa tạo gió trên văn đàn Việt”. Nhiều tác phẩm trở thành hiện tượng best-seller làm báo chí Việt tuôn nhiều mực bút. Nhưng điều đáng nói là sự thẩm bình, đánh giá của giới phê bình đã thổi phồng quá mức giá trị của những tác phẩm đó. Nguyễn Việt Hà có chủ kiến riêng, anh đưa ra một lời bình luận thật chua chát “không phải ngẫu nhiên mà ngành phê bình của văn đàn Việt, rất khó xuất khẩu được sang Tầu, kể cả theo con đường tiểu ngạch”

[28; 244]. Cảnh báo lối a dua, bốc đồng của người phê bình là cần thiết, có điều lối diễn đạt “ngoa ngôn”, thiên về phong cách giễu cợt như Nguyễn Việt Hà sẽ không thoát khỏi ít nhiều phản cảm. Người đọc khó tính có thể không thấy anh nghiêm túc với điều mình nói.

Câu chuyện của văn học trẻ với phê bình qua cái nhìn tỉnh táo của Nguyễn Việt Hà rất đáng để suy nghĩ. Anh nói tới chuyện nhiều tác giả bị phê bình “cho ăn roi” nhưng điều lạ lùng là ở chỗ: “những người thường bị ăn đòn (không hiểu sao đa phần đều là các nữ sĩ) khi được báo chí hỏi thì hồn nhiên hầu hết trả lời theo kiểu phảng phất công án Thiền Có đau lại không có đau

[26; 251]. Tác giả mỉa mai: “Phê bình ở văn đàn Việt đã hơn một lần chính danh tự nhận mình là roi. Vậy thì hỡi ơi, có khi nào đang đánh, roi tự thấy nhưng nhức đau không” (tr.252). Anh bóc mẽ nhiều người viết trẻ mượn chuyện “bị đánh” để đánh bóng tên tuổi, thu hút sự chú ý của dư luận, “họ

sâu xa khoan khoái chìa khoe sự ăn đòn. Được ăn đòn là được dư luận. Bởi thông thường dư luận hay nhân văn nhân bản rưng rưng chia sẻ với những thứ bị đánh, bất chấp cái việc đó là oan ức đánh hay là bị nhố nhăng đánh”. Đáng để ý là cái kết luận được đưa ra bằng một văn phong khác hẳn, khiến những ai đang vô tư cười cợt phải giật mình. Đấy là khi ta nhận ra tâm nguyện của tác giả: “roi đã không đau mà mông lại cũng không đau nốt thì phải chăng chỉ có văn chương tử tế là đau. Nhiều người viết văn trong trắng vẫn mệt mỏi nghĩ rằng, đau đớn một cách tự nhiên chân thành, đó chính là văn học” [26; 253].

Bàn tới tư cách người viết, Nguyễn Việt Hà khẳng định thời nào cũng có những nhà văn chân chính muốn mượn văn mình để khẳng định mình, nói chính xác hơn là muốn tìm mình, lúc nào họ cũng băn khoăn ngẫm ngợi, bất an, loay hoay vất vả, kiếm tìm như người tầm đạo, học đạo để đắc đạo. Nhưng vì “mượn văn” để được “bình thường tâm” rất vất vả, khắc nghiệt nên nhiều người bất tài mà háo danh “để văn mượn lại mình”, “giống như những hãng điện thoại di động lớn, họ muốn phủ sóng toàn quốc. Vì thế họ viết liên tục”

[26; 128]. Anh dẫn lời tiểu thuyết gia nhiều cách tân Alain Robbe Grillet giễu bọn “văn mượn”: “Họ viết rất nhiều. Họ mắc bệnh tháo lời. Họ đâu có suy nghĩ hay lao động, đơn giản là họ đang viết văn”. Điều đáng buồn theo Nguyễn Việt Hà là chuyện “văn mượn” không phải cá biệt mà “có một dấu ấn nhất định trên văn đàn Việt”. Nỗi bức xúc của anh là chính đáng.

Coi trọng giá trị nhân văn trong văn học, Nguyễn Việt Hà chỉ ra hiện tượng “mất đáy” của văn học đô thị hơn hai chục năm qua. Theo anh, văn xuôi đô thị Việt Nam giai đoạn 1930-1945 viết về lớp người dưới đáy đã đạt tới những thành công … Quá nửa trong số các văn nhân thời ấy đều là “bần hàn thị dân”, thậm chí còn “vất vả cư trú ở chính những chỗ tuyệt cùng của đau khổ” [28; 76], họ viết “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Một lẽ khác nữa, những người sống dưới đáy đời sống đô thị mang nhiều giá trị nghịch nhau nhưng đồng nhất: “họ vừa có thể thô bạo hào sảng lại vừa có thể

tinh tế ranh ma. Hoặc có lúc tha hóa tụt xuống lưu manh hoặc có lúc thăng hoa vươn lên nghĩa hiệp. Tốt bụng nhân hậu lẫn lộn cùng bạc bẽo dối trá”

(tr.76). Do vậy, những người dưới đáy “thường lưu giữ được bản lai diện mục vào loại thật nhất của một bộ mặt xã hội trong một thời đoạn nhất định” (tr.76).

Với nhà văn thì đó chính là “quà tặng của Chúa”, là mảnh đất sáng tạo cực kì mầu mỡ để họ thể hiện tài năng và những “ấm ức viết” của mình. Một nền văn chương đô thị chân chính không thể không quan tâm đến lớp người dưới đáy- những kẻ khốn nạn (được hiểu nghĩa khốn khó và hoạn nạn). Còn giờ đây,

“những người dưới đáy chỉ nhếch nhác hiện lên qua lỏng lẻo một vài bộ phim truyền hình hoặc dăm ba phóng sự báo chí có bay bướm văn chương mang tính điều tra xã hội học” [28; 77], “những tay lưu manh, những cô gái điếm, các con sen và thằng ở, đám xích lô ba gác của mọi ngóc ngách đường phố đã hoàn toàn biến mất khỏi tiểu thuyết Việt. Văn đàn nồng nặc những nỗi buồn sang trọng, những tình dục ẩm ướt, những phản tỉnh “vĩ mô”. Thỉnh thoảng người ta có viết về “ô sin” thì cũng chỉ để cười, hoặc giả, để trịch thượng thông cảm” (tr.77). Kẻ viết thì “nhân văn nhân hậu nhân nghĩa viết theo tâm thế chủ nhà”, độc giả thì mong manh thấy thấp thoáng hình hài người dưới đáy nhưng không hề thấy xót xa, phức tạp đau đớn mà đôi khi lại thấy “nhan nhản những soi mói nông nổi đểu giả” (tr.78). Có thể sự khái quát của Nguyễn Việt Hà chưa khách quan nhưng tấm lòng trăn trở anh dành cho “đám người nhỏ mọn” của đô thị hiện đại thật đáng trân trọng. Anh không khỏi bất bình vì hình như người viết bây giờ không còn ai thực sự sống chết với các số phận bất hạnh, “nhà văn mà là cán bộ mà là công chức mà là dư dật, thì chỉ quen nhìn cao nhìn xa chứ làm sao mà nhìn thấp nhìn sâu được” (tr.78). Nguyễn Việt Hà không giấu nỗi thất vọng trước tình trạng hời hợt của văn chương “hai mươi năm sau Đổi mới với nền kinh tế thị trường ồ ạt đô thị hóa, sự phân tầng giàu nghèo đang được các nhà quản lý coi là vấn nạn nóng hổi, thì việc những người dưới đáy bị mất quyền hiện diện trên văn chương quả cũng là một điều day dứt đáng tiếc” [28; 78].

Một phần của tài liệu Hình tượng tác giả trong tạp văn - Nguyễn Việt Hà (Trang 69 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)