Giọng triết lí, chiêm nghiệm

Một phần của tài liệu Hình tượng tác giả trong tạp văn - Nguyễn Việt Hà (Trang 89 - 95)

CHƯƠNG 2: HÌNH TƯỢNG TÁC GIẢ QUA CẢM QUAN ĐÔ THỊ

3.1. Hình tượng tác giả qua giọng điệu

3.1.2. Giọng triết lí, chiêm nghiệm

Chất giọng này bắt nguồn từ ý thức sâu sắc về cá tính cũng như hứng thú nghiên cứu đời sống của Nguyễn Việt Hà. Nhu cầu suy ngẫm, khái quát triết lí bao giờ cũng xuất phát từ chứng nghiệm thực tế của cái tôi tác giả. “Thế hệ các cây bút trẻ, muốn trình bày đời sống qua chiều sâu trải nghiệm cá nhân mà họ sẵn lòng tin vào giá trị của nó, nên họ cũng rất ưa triết luận” [16; 11].

Ở tạp văn Nguyễn Việt Hà, cảm hứng triết luận luôn gắn liền với tư tưởng của nhà văn về con người, về nhân sinh- thế sự, là khát vọng đi tìm và giải mã tính người phổ quát trong dòng chảy hối hả của nhịp sống đô thị hiện đại.

Chiều sâu suy tư ở Nguyễn Việt Hà gắn với sự trải nghiệm, kinh lịch của một người bám sát cuộc sống, hào hứng sống, dám trả giá cho những va xiết, thể nghiệm. Vốn văn hóa phong phú, khả năng đối thoại của một người tự tin nhưng cầu thị cũng góp phần tăng sức nặng cho những đúc kết của anh. Tranh biện thẳng thắn, bày tỏ quan điểm rõ ràng, sẵn sàng “gây hấn” khi cần kích thích bạn đọc và cuối cùng rút ra những kết luận, đặt ra những câu hỏi có tầm khái quát là đặc điểm nổi bật trong tạp văn Nguyễn Việt Hà. Giọng điệu triết lí, chiêm nghiệm của anh xuất phát từ nhiều nguồn cảm hứng nhưng đặc biệt rõ nét là cảm hứng hoài cổ và cảm hứng phê phán. Nét riêng ở Nguyễn Việt Hà là “những triết lí đặc sệt tinh thần đường phố Hà Nội” (Hiền Đỗ).

Những vấn đề suy tư, triết lý trong tạp văn Nguyễn Việt Hà không nằm ngoài những vấn đề nhân sinh muôn thuở. Bản chất của cuộc sống là sự tồn tại biện chứng của những mặt đối lập: sự sống và cái chết, niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và khổ đau, thất vọng, hoài nghi và hi vọng... Từ kinh nghiệm, trải nghiệm cá nhân, nhiều trang viết của Nguyễn Việt Hà đã đưa độc giả tới những nhận thức có tính triết học, là những phát hiện bất ngờ chân lí.

Có thể nói, ưa hài hước bao nhiêu, Nguyễn Việt Hà cũng ham triết lí bấy nhiêu. Khi thì triết lí bằng giọng triết nhân: “toàn bộ sự tồn tại là vô nghĩa nhưng miễn cưỡng có một ý nghĩa, phải sống hết mới biết được cái vô nghĩa ấy [29; 16]); “khi tụ người ta quên mất mình. Khi tán người ta trơ một mình, cái bản lai diện mục có cơ xuất hiện. Đối thoại với im lặng là cảnh giới may mắn không phải người nào cũng được gặp... Trước non cao sông dài dẫu là kẻ tầm thường cũng dễ nhìn ra vị thế thật của mình” [26; 98]. Khi thì triết lí bằng giọng dân dã: “đàn ông mà đủ chân đủ tay mà được ăn được học mà cứ cố gò bó ích kỉ sống bình thường đến mức tẻ nhạt tầm thường thì đấy mới là một kiểu sống hoang phí xa xỉ vào loại nhất” [28; 151].

Nguyễn Việt Hà thường hay suy tư, chiêm nghiệm về những điều bình thường diễn ra hàng ngày, gắn với sinh hoạt đời thường, với cuộc sống, số phận con người. Từ những vấn đề nhỏ bé, giản đơn thậm chí vụn vặt tầm thường như cái ăn, cái mặc, các mối quan hệ đời thường của đàn ông, đàn bà, bạn vong niên, bạn học, anh em rể, mẹ và con trai, bố và con trai...; các sinh hoạt như đọc sách, uống rượu, xem đá bóng, đánh cờ, đi dạo, xem bói, yêu đương... anh đều có thể khái quát thành những triết lí sâu sắc, có khả năng chinh phục người đọc. Những triết lí ấy thể hiện hình ảnh một nhà văn luôn suy tư, khắc khoải về văn hóa, văn minh trong thời hội nhập toàn cầu, mách bảo cho chúng ta những chuẩn mực sống mà anh tha thiết mong mỏi cộng đồng nhận biết và nỗ lực kiến tạo.

Nhân nói chuyện miếng ăn, anh đã mượn lời đại hiền triết Lão Đam “Tri túc chi túc thường túc hĩ” (Biết đủ thì luôn luôn sống được đủ) để nêu lên quan niệm sống của mình: “không có thao tác sống nào lại lồ lộ rõ nhân cách bằng việc ăn”. Con người sống ở trên đời chỉ hạnh phúc và trở nên lương thiện khi biết cách “ăn đủ” trong phạm vi có thể có, “ăn đúng bát Chúa đã dành cho mình, và hai bát đã no thì không ăn hai bát rưỡi”. Sự tha hóa của con người trước miếng ăn thật là đáng sợ, “chỉ cần thấy mình ăn chưa đủ là không biết bao chính nhân quân tử sẵn sàng thăng hoa thành tiểu nhân súc vật”, “ăn bẩn ăn thỉu ăn liều ăn lĩnh”, “thực bất tri kỳ vị”, “kinh hãi thay, những lúc tuyệt vọng đói, người ta dám ăn cả thịt đồng loại” [29; 13]. Biết

“ăn đủ” con người sẽ biết chọn lựa giữa “ăn bẩn”, “ăn sạch” để giữ lấy lương tâm, lương thiện. Nhà văn hay dùng kiểu câu phân tích, diễn giải, cách diễn đạt mang tính khẳng định, từ những cái cụ thể khái quát lên thành triết lí: “Đã là con người, ai cũng nặng nề mang vác một quá khứ có không ít sai lầm.

Nguyên nhân đến từ những ngu dại non nớt chủ quan hoặc những khắc nghiệt bạc bẽo khách quan”, “muốn vượt thoát khỏi nó, duy nhất chỉ có một phương cách là chân thành sám hối (Ksamayti). Sám là ăn năn tội trước, hối là chừa phạm lỗi sau.” [28; 95]. Anh cho rằng: “tiền chỉ là một tiêu chí nhỏ để đánh giá sang giàu. Người thật sự giàu là những người dư dật nhân hậu, người Việt Nam quen gọi là giàu tình thương” [28; 153]; “chỉ có những tài năng đã cay đắng thì mới chân thành biết thương những tài năng được Chúa sinh ra sau mình. Thuật ngữ của văn minh bằng hữu phương Đông xót xa gọi đó là lòng liên tài [29; 18].

Là một nhà văn luôn có ý thức sâu sắc về trách nhiệm của người cầm bút, nhiều sáng tác của Nguyễn Việt Hà suy tư nhiều về nghề, về sinh mệnh của nghệ thuật trong không gian văn hóa mới. Anh suy tư sâu sắc về giá trị của chữ: chữ cũng chỉ là một phần trong rất nhiều phần của mênh mông cuộc sống. Có điều, thiếu chữ, cuộc sống trở nên gờn gợn phù phiếm và chun

chút bạc bẽo” [29; 50]. Khi đọc, người ta thường phải nghĩ, một quyền năng đặc biệt ưu tú chỉ có ở những sinh vật cao cấp. Khi được nghĩ, con người luôn có ý thức phản tỉnh để mình thanh tẩy khỏi đám bụi dung tục đời thường...

Biết đọc chữ là một hạnh phúc giản dị đáng quý, “hao hao gần với khái niệm tu thân”. Anh nhìn nhận mối quan hệ giữa văn chương và hiện thực bằng cái nhìn Phật giáo: “tất cả các quan sát nhận định về hiện thực dù trong sáng thiện tâm đến mấy cũng làm méo mó hiện thực. Đức Phật Thích Ca gọi những lầm lẫn vô cùng công phu này là vô minh. Rất đông nhà văn tự biết và tự nhận mình là vô minh... Nhưng đây lại chính là cái hiện thực mà độc giả thường kính trọng” [26; 81]. Anh dùng hình ảnh giọt lệ thấm đẫm xúc cảm nhân văn, nhân đạo để khẳng định nhà văn chân chính: “mắt của bất cứ nhà văn tử tế lương thiện nào cũng đều mênh mông ngập lệ” [29; 88]. Anh khẳng định nhu cầu sáng tạo: “mỗi một người viết có cá tính đều mang một thứ chính tả một thứ ngữ pháp của riêng mình[26; 102]; khẳng định sự bình đẳng của các thể loại: “tẻ vui đã là tính trời thì văn chương cũng phải nằm trong quy luật ấy.

Hùng ca chưa chắc đã hay mà bi ca chưa hẳn đã dở[26; 100].

Nói chung, ở Nguyễn Việt Hà, cảm hứng triết lí rất mạnh, sự từng trải, kiến thức sách vở phong phú cho anh nhiều cơ hội đúc kết chân lí- những chân lí có cả dấu ấn kinh nghiệm văn hóa kim- cổ, Đông- Tây. Anh cũng gây cho độc giả cảm giác “lắm lời”, “rậm lời” và đôi khi “sính” triết lí như để khoe sự đọc nhiều biết rộng. Trong tạp văn, anh thiên về “luận” hơn là “cảm”

(như Nguyễn Ngọc Tư chẳng hạn).

Giọng suy tư, chiêm nghiệm triết lí của Nguyễn Việt Hà thường được tạo nên trong mạch ngầm kết cấu tác phẩm, đối sánh các trạng thái, đặc điểm tính chất của các sự vật hiện tượng, ở sự phô bày trực tiếp các suy ngẫm, chiêm nghiệm, đúc kết, khái quát vấn đề của cái tôi chủ thể. Anh diễn giải, đối sánh:

“Khi im lặng thì chẳng biết ai là hùng biện hay bị câm. Khi ngủ thì không thể phân biệt được kẻ mù hay sáng rồi rút ra kết luận chính xác về bản chất đối

tượng:Vì thế mà tất thảy đám đẹp giai bất tài vô học đều loay hoay tìm cách giấu dốt nát bằng vẻ sang trọng kiệm ngôn” [29; 83].

Anh thường trích dẫn rất nhiều các điển cố, điển tích xưa và nay, liên tưởng phong phú, bề mặt câu chữ tưởng lan man nhưng có một mạch ngầm nhất quán ở bề sâu, phần lớn lời luận bàn, đúc kết anh đưa ra đều ít nhiều có sắc thái mới lạ độc đáo. Thí dụ, luận về số mệnh, anh đi từ quan niệm của Các Mác (hạnh phúc là đấu tranh) đến quan niệm của Thiên chúa giáo (người có đạo cứ sống công chính, chỉ duy nhất Thiên chúa có quyền phán xét), rồi Nho giáo (mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên), Phật giáo (mệnh số là do hệ lụy nhân quả, và nhân quả là sự cộng nghiệp của tự căn tính của duyên phận đưa đẩy)… và chốt lại ở chiêm nghiệm của riêng mình: “số mệnh hình như là có, và nó càng hung hăng có khi nườm nượp con người ta ráo riết đòi biết trước tương lai”, “phúc họa làm gì có cửa, chỉ do con người ta tự vời vào” [28; 82]. Nhà văn ưa dùng những từ ngữ mang tính khẳng định mạnh mẽ: tất nhiên, đương nhiên, tất yếu, nói chung, nói cho cùng, thực ra, tóm lại…, những dẫn dụ về tư tưởng của các bậc “thánh hiền”, danh nhân, danh tướng để đưa ra những triết lí.

Nét riêng trong giọng điệu triết lí, chiêm nghiệm của Nguyễn Việt Hà là anh dùng cách diễn đạt dí dỏm với nhiều từ ngữ mang đậm chất khẩu ngữ, suồng sã, bỗ bã đời thường, đảo tính từ trước danh từ khiến cho người ta không thấy có cảm giác anh “lên gân”, hay mình bị “ban phát chân lí”. Thí dụ: “có lẽ là do rượu có đạo lý riêng của nó, đám học giả mang vẻ sang trọng chỉ quen nhấp nháp đưa đẩy xã giao với rượu thì làm sao mà hiểu để chia sẻ.

Tất nhiên rượu không chỉ có đức, núp vào trong nó còn có tật. Bằng hữu quá chén đôi khi có thể mất bạn. Đế vương quá chén đôi khi có thể mất nước. Tuy nhiên nghĩ cho cùng, đấy là lỗi của nhân đạo chứ không phải của tửu đạo

[28; 99]. Trong đoạn văn, có thể thấy rất nhiều từ làm tăng tính khẩu ngữ: lẽ, đám học giả, chỉ quen…đưa đẩy, thì làm sao mà, núp, quá chén… khiến cho giọng triết lí không khô khan mà gần gũi, tự nhiên.

Để đưa ra chiêm nghiệm, triết lí, nhà văn thường hay sử dụng kiểu câu định nghĩa, diễn giải hoặc thủ pháp trùng lặp để nhấn mạnh. Thí dụ: “Đức tin làm cho đàn ông đang nhỏ nhen bỗng trở nên cao thượng vị tha, làm cho đàn bà đang nhỏ mọn chợt thành tiết liệt chung thủy. Tình yêu mà không có đức tin thì sẽ tha hóa thành ích kỉ nghi kỵ phàm tục. Tình thương mà không có đức tin thì sẽ trở nên trịch thượng thương hại, một thứ giả dối nhố nhăng thương vay khóc mướn[28; 128].

Anh cũng gây ấn tượng bằng kiểu câu hỏi tu từ (chúng thường được mở đầu bằng phải chăng, hình như, có lẽ, có th , có phải thế chăng,có phải vì, có lẽ vì thế,…). Thí dụ: “phải chăng, của lạ chính là sự sáng tạo từ sâu thẳm nội tâm rồi chân thành ngắm nó bằng cặp mắt xanh non hồn nhiên tự tại”, “Mà hình như với tửu đồ, nát chữ đương nhiên tệ hại hơn nát rượu” [28; 99], “ có phải vậy chăng mà cao thượng rất hay bị hèn hạ làm hàng nhái” [29; 198],

“hình như bản chất cuộc sống là mỏng manh dễ tan dễ vỡ dễ nứt, vì vậy con người ta muốn khỏe khoắn sống tất yếu phải tìm cách loay hoay tự phòng vệ”

[27; 202)… Những dấu hiệu ấy cho thấy tác giả ý thức rõ đây là những đúc rút, triết lí chủ quan, nó được tung ra để kích thích đối thoại, chiêm ngẫm chứ không phải để áp đặt bạn đọc.

Sự xuất hiện dày đặc các từ ngữ biểu cảm, các từ cảm thán chao ôi, hỡi ôi, trời ơi, … làm cho giọng điệu triết lí của Nguyễn Việt Hà không sắc lạnh mà ngập tràn cảm xúc. Có rất nhiều những câu văn như vậy: “chao ôi, lịch sử đau thương của nhân loại nhiều bi tráng này, có không ít trang được rực rỡ là nhờ từ cặm cụi nước mắt của những hiền mẫu vốn xuất thân thương nữ” [28;

258], “trời ơi, trong cuộc đời ngọt ngào đơn giản tươi đẹp này thì còn gì cay đắng phức tạp hạnh phúc bằng đàn bà khi yêu. Nó là một thể trạng tột cùng tinh thần ngập đầy ngây thơ tinh hoa long lanh dễ vỡ. Nó vừa trong trắng nông nổi vừa lão luyện cả tin lại vừa thủy chung cay nghiệt” [28; 268], “mưa hình như là nỗi niềm nghẹn ngào của trời đất, nó làm người ta hoang mang

lắng đọng muốn tìm lại mình, những kí ức những kỉ niệm tưởng đã mất bỗng chập chờn ngổn ngang đổ về. Ở lúc ấy, cuộc đời vốn vô nghĩa bỗng mơ hồ như có ý nghĩa” [28; 289].

Ở tạp văn Nguyễn Việt Hà có cả triết lí nghiêm túc và triết lí đùa vui, cố tình “chọc tức” độc giả. Nó khó tránh khỏi màu sắc khinh bạc lạnh lùng nhưng chính cái tâm của tác giả dành cho cuộc đời là đảm bảo cho chỗ thái quá ấy. Độc giả không khó để nhận ra qua giọng điệu này một con người sống sâu sắc, ưa suy tư, ưa kiếm tìm những ý nghĩa phổ quát của các biểu hiện trong đời sống. Con người ấy có lúc lăn xả vào thực tiễn, có lúc lại lùi ra ngẫm ngợi. Anh ta khiêu khích bạn đọc không phải bằng vẻ hả hê mà bằng nét mặt buồn bã, sốt ruột.

Một phần của tài liệu Hình tượng tác giả trong tạp văn - Nguyễn Việt Hà (Trang 89 - 95)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)