CHƯƠNG 2: HÌNH TƯỢNG TÁC GIẢ QUA CẢM QUAN ĐÔ THỊ
3.1. Hình tượng tác giả qua giọng điệu
3.1.1. Giọng hài hước, giễu nhại
Rabơle nói “Cười là một đặc tính của con người”. Tiếng cười tạo ra giọng hài hước như một âm điệu chủ đạo trong tạp văn Nguyễn Việt Hà.
Những nhà văn trẻ như anh rất nhạy cảm với cái mới, được hít thở bầu không khí dân chủ của công cuộc đổi mới đất nước, họ công khai chống lại các thứ bảo thủ, quy phạm, máy móc, cứng nhắc, lỗi thời đang trói buộc tự do cá nhân, kiềm tỏa cá tính. “Dường như không quá coi trọng văn chương như lớp đàn anh nên họ ứng xử với nó tự do hơn. Họ thích cười đùa hơn là tư lự nghiêm trang” [16; 119]. Sự xuất hiện của tiếng cười trong tạp văn Nguyễn Việt Hà là biểu hiện sống động cho tinh thần ấy. Mục đích của người viết là giễu cợt, châm chọc những nghịch lí phi lí, những mặt tiêu cực đáng buồn của xã hội hiện đại và hiệu quả gây cười gắn liền với tính thời sự của tác phẩm.
Sự bỡn cợt, giễu nhại này không tách rời tính chất nghiêm chỉnh của tinh thần xây dựng và thái độ thực sự cầu thị. Hài hước, mỉa mai, châm biếm không phải đến từ một “cõi lạ”, không dính dáng đến hiện tại mà luôn gắn chặt với thực trạng muôn mặt của cuộc đời vì nó là kết quả của một “nguyên nhân ngầm ẩn… của cái giống như thật” như nhận xét của cây bút kì ảo nổi tiếng thế giới Thomas Mann. Dẫu “đời thường hoá” ngôn từ nghệ thuật đến mức tối đa, nhưng tiếng cười trong văn xuôi Nguyễn Việt Hà không phải là tiếng cười lộ thiên, mang tính chất bản năng, dung tục mà chứa đầy ý vị tinh tế, sâu sắc.
Nguyễn Việt Hà tìm thấy cảm hứng trào lộng trước những cái nhố nhăng, phi lí đáng cười trong đời sống. Bản tính thông minh, dí dỏm, hay châm chọc, mặt khác anh lại cũng là người có khả năng mẫn cảm, phản ứng nhanh nhạy trước lối sống thực dụng, thói đạo đức giả, những biểu hiện tầm thường, hèn kém của con người… “Thiên hướng khám phá chất hài trong đời sống và tái tạo nó trong tác phẩm, không chỉ là do những đặc điểm tài năng bẩm sinh của nhiều nhà văn mà còn do những đặc điểm thế giới quan làm cho họ tập trung chú ý vào sự không phù hợp giữa kì vọng và khả năng thực tế của
những con người thuộc một giai tầng xã hội nhất định” (G.N.Pôxpêlôp). Nói về cái xấu, cái nhếch nhác tầm thường nhưng những tác phẩm ra đời từ cảm hứng trào lộng của Nguyễn Việt Hà vẫn hướng con người về phía cái đẹp, khơi gợi những tình cảm tích cực. Đọc anh, chúng ta sẽ cảm thấy rõ “khi cười cái xấu, người ta đứng cao hơn nó” (Tsecnưsepxki).
Trong sự vận động mạnh mẽ của hiện thực, biết bao mặt trái, mặt bất công, biết bao ngộ nhận nông nổi ở môi trường đô thị, Nguyễn Việt Hà thường có phản ứng rất nhanh nhạy. Giọng hài hước giễu nhại của Nguyễn Việt Hà xuất phát từ động cơ muốn “lộn trái hiện thực”, phơi bày những thói hư tật xấu của con người, cảnh báo sự dung tục đang tầm thường hóa, tha hóa lối sống đô thị đương đại. Điều đó thể hiện rất rõ trong điểm nhìn nghệ thuật, sự lựa chọn đối tượng miêu tả, lập trường thái độ của nhà văn khi đánh giá, bình luận. Sở hữu thuần thục lớp ngôn từ mang đậm chất “phố”, chất “nôm”, chất khẩu ngữ hiện đại, Nguyễn Việt Hà để lại trong độc giả ấn tượng rõ nét về một nhà văn ưa bỡn cợt, mỉa mai, có cá tính mạnh của một trí thức thị dân.
Có lẽ tinh thần trào lộng và năng khiếu ngôn ngữ của Nguyễn Việt Hà bộc lộ rõ nhất ở các chân dung biếm họa. Đó là những chân dung bị “bóp méo”, bị cường điệu theo lối đặc tả, cực tả khía cạnh tiêu cực, bị “bóc mẽ” qua vô số tình huống oái oăm, lố bịch… Chúng hợp thành với trạng thái nham nhở, hỗn loạn của quá trình đô thị hóa xô bồ, manh mún tạo nên một không gian kì quái
“một thế giới nham hiểm đang phẳng”, một thị trường “nhấp nhổm tăng trưởng” đầy rẫy cạm bẫy, bất trắc, con người thì “nồng nặc mùi tiền”, “thừa mứa dư dật”, “phè phỡn tươi đẹp” [29]. Ở đó, luôn“lổn nhổn đông nghẹt người mặt đỏ tía tai chân tay hơi thở nần nẫn nồng nặc mùi tiền, phong độ phong khí giống hệt cái thời giữa thế kỉ Mười Chín khi các quý ông quý bà quý tộc châu Âu chen chúc dẫm đạp nhau đổ xô đến Bắc Mỹ đào vàng” [27; 46].
Dị ứng kịch liệt với những lối sống lai căng, trọc phú, Nguyễn Việt Hà
“tấn công” rất nhiều loại người đô thị hiện đại. Anh không che giấu thái độ
căm ghét, khinh bỉ qua giọng văn đầy đay đả, chì chiết, từ quan chức tham nhũng, ánh nhìn luôn “lấp lánh có màu xanh của tờ 100 đô”,“cứ đến tháng là trong sạch lĩnh lương, cứ đến hội nghị là đàng hoàng nhận phong bì” [26; 45];
cho đến cậu ấm con quan “có cái đức không biết sợ không biết tôn trọng cái đẹp”, “có sự cao đạo của kẻ vô học dư dật bạc” [26; 60]. Công chức thì lười nhác, đến công sở để làm việc riêng- những việc riêng được chăm chút, tính toán kĩ càng đến thảm hại: “giờ nghỉ trưa, trưởng phòng đều đặn tắm, quần đùi thay ra tiện tay vò, phơi ba tiếng buổi chiều dưới cái man mát của máy điều hòa đã se se khô” [26; 22]. Đây là chân dung biếm họa một “lưỡng quốc tiến sĩ”:
“ông làm đốc tờ ở Nga thật lâu, hết chừng hai trăm cái nồi áp suất, một nghìn tám trăm cái bàn là. Về nước ông buông màn đọc các sách đắc nhân tâm, thỉnh thoảng nể vui bạn bè mới đi hát karaôkê loại tay vịn, rồi tiếp tục bảo vệ thành công tiến sĩ văn hóa ở đúng ngay trường của tôi. Thiên hạ kinh sợ thường gọi ông là lưỡng quốc tiến sĩ” [26; 115]. Đám thương nhân thì “thường thích ngậm miệng ăn tiền, phẩm chất này khiến họ yêu sự chìm tiếng do vậy ở mặt nào đấy họ thật gần gũi với hiền triết” [26; 40]. Dưới cái nhìn mỉa mai chế giễu của Nguyễn Việt Hà, “đạo đức của nhiều sếp tại chức hoặc đã tốt nghiệp hoặc sắp tốt nghiệp đều là hay, đều là đậm đà độc đáo. Khi đương danh trôi chảy thì hùng tráng cái gì cũng biết. Thiên văn thông, địa lý thông. Khi trục trặc ra tòa thì rụt rè ngơ ngác cái gì cũng không biết” [26; 211].
Chân tướng giới nghệ sĩ cũng bị Nguyễn Việt Hà “vẽ” bằng những nét tinh quái: “gặp nghệ sĩ rất dễ nhận ra, hoặc cao đạo có râu hoặc hào hoa nói tục. Thêm đặc điểm nữa là tuy ăn vận sang trọng chững chạc nhưng khi nhìn nhà tài trợ ánh mắt vẫn nhuộm nhiều vẻ khép nép” [26; 72]. Giọng văn tưng tửng bỡn cợt nhưng sắc lẻm, đáo để: “văn nhân thì không hẳn thuộc nhóm nổi tiếng như ca sĩ hay thương gia nhưng cũng cũng không hẳn thuộc nhóm chìm tiếng như ẩn sĩ hay triết gia. Nó lỡ cỡ, đại khái là ba chìm bảy nổi. Có người mặt nổi mà mông chìm, có người mông nổi mà mặt chìm” [26; 40]. Trong lời
giễu không phải không có cả yếu tố tự trào. Tác giả châm biếm khoái cảm “tự ru mình” thường gặp nhiều nhất ở giới văn nghệ sĩ. Họ hài lòng với “cảnh giới thủ đắc”, “Ta là ta mà ta cứ mê ta” [28; 133]. Các nhà phê bình văn học thì “thao thao chỉ ra nhan nhản những phép tu từ, những trường phái hiện đại, những chủ nghĩa hậu hiện đại nhưng thử cầm bút viết thật một truyện ngắn thì thối không thể ngửi” [29; 36]. Các văn nghệ sĩ thì “đang loay hoay thèm lớn”,“trên cái nền sáng tác còm cõi vài ba cái đoản văn, đoản nhạc, đoản thi, đoản họa bọn họ suốt ngày lê la lên tivi rút ruột trả lời phỏng vấn rồi nức nở lên báo trình diễn tuyên ngôn” [29; 103]. Rồi những quý ông “sùng sũng đạo đức” mở mồm ra những là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín thực chất trơ trẽn với thứ
“nghệ thuật mặt dày nói dối” “sẵn sàng xây một nhà máy làm cả làng ung thư nhưng rưng rưng leo lên tivi tuyên bố sẽ trích một phần lợi nhuận đi mua thuốc xổ để cứu một làng cạnh đấy đang bị ỉa chảy” [29; 268]; đàn bà phù phiếm nông nổi chạy theo hàng hiệu, ví tiền, xe sang, trở tráo ngoại tình, “tái hôn nhanh như ăn cướp”… Tất cả những gì nhố nhăng, tầm thường, dung tục của con người trong cái xã hội đô thị “hung hăng đục ngầu”, “đẫm đầy tiện nghi” nhưng “thiếu vắng tình người” đều trở thành đối tượng mỉa mai châm biếm của Nguyễn Việt Hà. Một người coi trọng các giá trị tinh thần, tha thiết với nét hào hoa tinh tế của Hà Nội đương nhiên không thể chấp nhận thói dung tục thô thiển, chỉ biết chạy theo cám dỗ vật chất.
Nhưng không phải lúc nào Nguyễn Việt Hà cũng khe khắt, quyết liệt tuy tạp văn của anh đậm đặc chất giọng giễu nhại. Anh nhại lời quảng cáo của các công ti du lịch ế khách hay “bôi mầu” sặc sỡ cho các tua du lịch của mình,
“nào là trở về nguồn. Nào là bỡ ngỡ cao nguyên. Nào là du khảo văn hóa”
[26; 70]. Hành trình đi thực tế sáng tác của nghệ sĩ được anh bình luận bằng lối bông lơn nhẹ nhàng: “ những chuyến đi có xuyên đèo có lội suối đại loại là có thiên nhiên để các nghệ sĩ vốn loay hoay đường nhựa thêm cảm hứng lạ mà sáng tác (…) Đi chơi là được phóng túng hình hài được thấy nhiều cái
khác thường mà cuộc sống bình thường tủn mủn hiếm được gặp. Người ta sẽ dễ nhìn lại người khác hơn sau khi được nhìn rừng hoặc khỉ [26; 72]. Cái quan niệm phù phiếm hình thức, cái nông nổi thời thượng về người đẹp được anh cắt nghĩa bằng giọng “giả nghiêm trang”: “chân hoa hậu không những phải mịn màng thon mà bắt buộc phải dài. Đây có lẽ là theo tiêu chuẩn ngặt nghèo của cổ xưa phương Đông “trường túc bất tri lao”. Nghĩa nghiêm túc là
“chân dài không biết mỏi”. Hoa hậu vốn là người đi nhiều. Vĩ mô thì đi làm từ thiện, đi làm đại sứ hòa bình. Vi mô thì đi đóng phim đi trên sàn catwalk.
Chân ngắn quá đương nhiên sẽ dẫn đến lao lực. Do vậy đã là chân chính hoa hậu thì chân càng ngày càng phải dài” [28; 60]. Nói chung, khi giễu nhại những ngộ nhận, ảo tưởng, những a dua thời thượng của con người, Nguyễn Việt Hà không mấy khi lên giọng gay gắt mà thường nghiêng về sắc thái hài hước, nhẹ nhàng. Anh nhắc đến lời hát chế nhại sự hiếm hoi của đức tin trong
“thời đại nồng nặc mùi giấy bạc” hôm nay:“Thằng Tây nó tiến thì mình giật lùi, thằng Tây nó lúi thì mình giật tiền”. Anh miêu tả không khí người Việt ăn tết Tây “thật đúng là khung cảnh thiên đường vui cái vui chung của toàn cầu”, “Tết Tây mà ăn bánh chưng thì thấy đúng là hòa nhập mà không hòa tan” [28; 35]. Anh mát mẻ về tiền đồ mờ mịt của bóng đá nước nhà “bạn bè thương quá, khuyên anh nên thêm ở câu kết một dòng Khi tôi chết, Việt Nam vào World Cup, bảo đảm tuổi thọ của anh sẽ dài như hi vọng của bóng đá nước nhà. Khi đăng báo, anh rưng rưng nghe theo và độc giả tin rằng anh sẽ là thi sĩ duy nhất bất tử” [28; 129]. Anh giễu các thiếu phụ đã đứng tuổi còn tha thiết “hồi xuân”: “mang vẻ nhí nhảnh hồn nhiên như cô tiên cởi truồng (…) không hề hiếm những nàng đã lên bà mà ngoại hình vẫn ưỡn ẹo cực kì dồi dào sức sống như mùa xuân về” [29; 182].
Có cảm hứng trào lộng, tìm ra đối tượng phê phán, Nguyễn Việt Hà còn tỏ ra có biệt tài đặt câu chọn chữ. Chữ nghĩa trong tay anh “phả” lên hơi thở của phố phường, vừa nồng khói bụi mưu sinh vừa tưng tửng khinh bạc và
phóng túng. Anh giỏi chơi chữ, giỏi sắp xếp các sự vật vốn xa nhau vào cạnh nhau theo mạch liên tưởng bất ngờ làm bật ra tiếng cười: “phòng tôi làm có trưởng phòng có toa lét có máy điều hòa, tất tật đều xịn, đại loại là danh xứng thực gần gần tương đương với những lời quảng cáo có cánh đang bay nhan nhản trên các báo viết có măng sét xanh màu lá cải” [26; 115]. Người ta thường liệt kê những sự vật, hiện tượng cùng một phạm trù, một tiêu chí giá trị, Nguyễn Việt Hà đặt trưởng phòng bằng toa lét, điều hòa… Câu văn không dấu phẩy ngăn cách các đối tượng liệt kê gợi một dòng ngữ lưu bất tận, dồn dập như những lời đọc quảng cáo trên truyền hình (tiết kiệm thời gian, đỡ tốn tiền nên đọc nhanh như máy). Hay một thí dụ khác: “hàng bia là nơi quần long tụ hội, quần ngư tranh thực, quần chúng tranh ẩm. Nó luôn đông nghìn nghịt, cỡ li vờ sâu của Thanh Lam Hồng Nhung Mỹ Linh của thời bây giờ cũng không thể sánh bằng” [27; 21]. Tác giả chơi chữ kiểu trùng điệp, điểm nhấn là chữ “quần”- gợi liên tưởng đến quần (áo) mặc; lối tách chữ và đánh lừa thị giác li vờ sâu (live show), một từ tiếng Anh khá quen biến thành 3 từ tiếng Việt- người đọc có thể liên tưởng đến việc các ca sĩ uống (li sâu) hay mặc áo khoét sâu… Những đối tượng trong liên tưởng đối sánh đều bị cường điệu khiến người đọc bật cười vì thú vị “xin lưu ý, tác giả của Ruồi Trâu là một nữ văn sĩ. Đàn bà khi viết văn thường hay cho nhân vật đàn ông phát điên, nó y như khi đàn ông viết văn cũng thường hay cho đàn bà phải uống thuốc chuột, Mađam Bôvary của nam văn sĩ Flôbe chẳng hạn” [27; 71]. Tác giả dùng lối so sánh nôm na của dân gian: “vì thế khi lấy được vợ họ hay khấp khởi hớn hở đi khoe, phong độ hao hao như câu ca dao đã rất cổ Cả tuần đi ỉa té re. Được hôm cứt rắn đi khoe cả làng. Chẳng sao cả, hạnh phúc thoát khỏi sự độc thân bao giờ cũng dài và cũng rắn” [27; 74]. Tiếng cười thú vị bất ngờ bật ra bởi lối chơi chữ ỡm ờ đa nghĩa, bởi liên tưởng tương đồng giữa
“hạnh phúc thoát khỏi sự độc thân” với “cứt rắn” ở vế trước, “dài” và “rắn” ở vế sau. Ở một ví dụ khác “khi yêu đàn ông thường nệ vào thị giác. Họ luôn
loay hoay trinh bạch say mê nhòm ngó. Còn đàn bà thì nệ vào thính giác, họ đoan trang hóng hớt những tin đồn rồi băn khoăn thủy chung đau đớn hạnh phúc với những lời thuật với những chuyện kể” [26; 124]. Nguyễn Việt Hà đảo trật tự từ, kết hợp những từ ngữ thông thường không đi với nhau (“loay hoay trinh bạch”, “băn khoăn thủy chung”), thậm chí mang ý nghĩa tương phản (“đoan trang hóng hớt”, “đau đớn hạnh phúc”) để tạo nên những tổ hợp từ mới theo lối phản cú pháp truyền thống. Điều đó tạo nên giọng hài hước, bỡn cợt thú vị.
Nguyễn Việt Hà rất thạo chơi trích dẫn điển tích, điển cố và cách ngôn xưa khi nói về những chủ đề đạo lý ngày nay. Ngôn ngữ “thông điệp” gói trong cái vỏ hình thức “tân cổ giao duyên” làm bật ra tiếng cười vui vẻ. Nhà văn kể lại tích xưa bằng ngôn ngữ hiện đại rồi phóng ra một liên tưởng bất ngờ hạ bệ đối tượng. Chẳng hạn từ điển tích “mắt xanh” Nguyễn Tịch thời Tấn (Trung Quốc) anh liên hệ: “nhiều đàn ông của thời nhá nhem hôm nay đương nhiên vẫn còn mắt, nhưng lúc thư giãn thì xem quá nhiều chương trình truyền hình. Lúc lương thiện chăm chỉ thì mải miết hung dữ kiếm tiền, nên hầu hết khi mở mắt nhìn bất kỳ ai thì duy chỉ đơn điệu một màu, mầu nhờ nhờ xanh của tờ pôlime mệnh giá hai mươi ngàn đồng” [26; 123]. Những cái tên Pênêlôp,Vũ Nương, Tô Thị vốn là biểu tượng tiết liệt thủy chung được nhắc để soi chiếu tiết hạnh nhiều phụ nữ hôm nay: “đám thiếu phụ thích hồi xuân trong nhà nghỉ hóng hớt được chuyện của mấy tiết phụ kể trên. Nghe xong tất thảy đều nắc nẻ bật cười. Cười chán thì quay sang thì thào vào tai người tình.
Đúng là loại không biết sống. Thảo nào, đứa thì chết đuối, đứa thì hóa đá”
[29; 184]. Câu chuyện cổ về một anh chàng ngủ mơ thấy mình bị nhổ nước bọt vào mặt, giận run người, hàng mấy tháng cứ ra đứng đường tìm kẻ làm nhục mình được dùng làm “chất dẫn” cho thói vụ lợi thời nay: “đúng là thằng hâm. Giả dụ như vất vả chạy quota mà không ra tiền mới đáng bực, chứ bị nhổ nước bọt vào mặt thì có đáng gì. Trời nắng hanh đẹp như thế này, tự khắc