CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA PHÁT TRIỂN KCN CẤP TỈNH
1.3. Các yếu tố trực tiếp quyết định tình hình phát triển khu công nghiệp của tỉnh
1.3.1. Chất lượng quy hoạch các KCN
Đây là một trong những tiêu chí rất quan trọng và là cơ sở ban đầu dẫn đến sự thành công của khu công nghiệp và là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư khi quyết định đầu tư vào KCN. Khu công nghiệp được đặt ở vị trí thuận lợi, gần cảng biển, cảng hàng không, ga xe lửa, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật thuận lợi như hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống lưới điện quốc gia, hệ thống thông tin, viễn thông; điều kiện về nguồn nhân lực dồi dào; tính hấp dẫn các nhà đầu tư về vị trí và điều kiện sinh hoạt; chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật thấp và được địa phương, các ngành hỗ trợ tạo điều kiện ...những điểm trên phải được xem xét trên khía cạnh hiện tại và sự duy trì khả năng ấy trong tương lai. KCN đảm bảo được nhiều điều kiện thuận lợi thì khả năng thành công là rất cao và ngược lại nếu không đáp ứng được các yêu cầu trên thì sẽ rất khó khăn trong quá trình hình thành, phát triển và thu hút đầu tư và hiệu quả đầu tư phát triển KCN sẽ thấp và rất dễ thất bại.
1.3.1.2. Chất lượng qui hoạch KCN
Tiêu chí này nhằm đảm bảo tính chất bền vững ngay từ giai đoạn đầu của quá trình qui hoạch, sử dụng và phát triển KCN. Nó thể hiện ở tính hợp lý, đồng bộ, khoa học, thực tiễn và hiệu quả trong qui hoạch các yếu tố chủ đạo của KCN như xác định các lĩnh vực và ngành thu hút đầu tư, đất đai, các khu chức năng, cơ sở hạ
tầng kỹ thuật, điện, nước, thông tin, viễn thông, dịch vụ,... nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế, bảo vệ và cải thiện môi trường, và thu hút lao động.
Tiêu chí này xét trên 2 khía cạnh:
- Một là, mục đích hình thành khu công nghiệp: nếu việc hình thành khu công nghiệp để thu hút vốn đầu tư nước ngoài thì quy mô có hiệu quả nằm trong khoảng 200-300 ha (đối với các khu công nghiệp nằm trong khu vực thành thị và vùng kinh tế trọng điểm), còn 200-400 ha đối với khu công nghiệp nằm trên các tỉnh; với mục tiêu di dời các cơ sở công nghiệp trong các thành phố, đô thị lớn tập trung vào thì khu công nghiệp có quy mô nhỏ hơn 100 ha; với mục tiêu tận dụng nguồn lao động là thế mạnh tại chỗ của các địa phương thì quy mô khu công nghiệp từ 100 ha; với mục tiêu kết hợp kinh tế với quốc phòng thì hình thành các khu công nghiệp có quy mô từ 100-200 ha.
- Hai là, tính chất và điều kiện hoạt động của KCN: nếu khu công nghiệp được đặt ở địa phương có cảng biển và nguồn nguyên liệu lớn, hình thành với tính chất chuyên môn hoá sản xuất ổn định một số sản phẩm hàng hoá công nghiệp nặng thì quy mô khu công nghiệp từ 300-500 ha; với các khu công nghiệp nằm ở xa đô thị với các điều kiện xa cảng biển, với tính chất hoạt động là tận dụng lao động thì quy mô hợp lý là 50-100 ha.
- Ba là, về qui hoạch chi tiết : Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch các KCN không những phải xây dựng hợp lý không gian quy hoạch, mà điều quan trọng hơn là tổ chức tốt việc thực hiện quy hoạch trong thực tiễn. Quan điểm phát triển KCN Việt Nam trong giai đoạn mới cần phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
(1) Quy hoạch KCN, KCX theo nguyên tắc tiết kiệm
Tiết kiệm là nguyên tắc quan trọng nhất trong cuộc tranh đua phát triển KCN, KCX hiện nay ở Việt Nam. Thực hiện nguyên tắc tiết kiệm trước hết là tiết kiệm sử dụng đất nông nghiệp. Quy hoạch KCN phải tính đến tiết kiệm không gian sử dụng đất, tránh hiện tượng "quy hoạch treo", "dự án treo
(2) Kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch ngành và quy hoạch lãnh thổ.
Quá trình xây dựng quy hoạch phát triển KCN cần thiết phải kết hợp một cách hữu cơ giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, không gian và sử dụng đất, giữa quy hoạch ngành và quy hoạch lãnh thổ. Quy hoạch phải mang tính tổng thể,
phải xem xét tất cả các yếu tố: vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, nguồn lực vật chất, tài nguyên, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực ... đảm bảo liên kết được sự phát triển kinh tế - xã hội chung, dựa trên sự phân công, căn cứ vào tiềm năng, lợi thế phát triển tương lai của từng địa phương và khu vực từ đó tận dụng được lợi thế so sánh, tránh tình trạng cạnh tranh gay gắt làm hiệu quả hoạt động của các KCN bị giảm sút. Quy hoạch phải có tính toàn diện, bao quát cả quy hoạch bên trong và bên ngoài các KCN, bao gồm cả vùng dân cư, các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
(3) Giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và vấn đề xã hội.
Phát triển kinh tế và vấn đề xã hội luôn là hai mặt của đời sống xã hội cần được quan tâm. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay ở nước ta, từ một nước có trình độ phát triển thấp, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh cần có những
"điểm nhấn", lựa chọn ngành mũi nhọn, KCN mũi nhọn, vùng kinh tế trọng điểm để đầu tư phát triển, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, gây lãng phí. Phân loại, lựa chọn những dự án, những KCN, KCX vừa đảm bảo tính kinh tế, vừa đảm bảo tính xã hội.
(4) Kết hợp quy hoạch KCN, KCX và quy hoạch đô thị
Vấn đề phát triển các đô thị công nghiệp trên cơ sở các KCN theo hướng tập trung thành các KCN tập trung lớn, thành lập các khu dân cư, dịch vụ vành đai gần KCN vừa nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật sẵn có, vừa phát triển KCN quy mô lớn thành phố công nghiệp. Như thế sẽ thuận lợi cho xây dựng nhà ở công dân, cũng như các dịch vụ khác đáp ứng nhu cầu cho người lao động trong KCN.
Quy hoạch xây dựng các KCN, KCX phải gắn với quy hoạch đô thị. Tránh tình trạng các KCN được xây dựng hoặc ở trong thành phố gây khó khăn cho công tác bảo vệ môi trường gây ách tắc giao thông, hoặc được bố trí quá xa khu dân cư và nguồn cung cấp dịch vụ nên khó khăn trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Việc đặt phát triển KCN trong quy hoạch xây dựng vùng và đô thị có một tầm quan trọng đặc biệt và xuất phát từ bối cảnh Việt Nam hiện nay mật độ dân cư và ngày càng tăng, tỷ lệ đô thị hoá đang tăng nhanh song song với tiến trình CNH, quỹ đất canh tác nông nghiệp truyền thống do đó đang dần bị thu hẹp nhường chỗ cho đất dành cho phát triển đô thị, công nghiệp và hàng loạt các nhu cầu xã hội khác
không gắn bó trực tiếp với sản xuất hàng hoá như dịch vụ, nghỉ ngơi, giải trí.