Cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi theo hướng minh bạch, công khai, bình đẳng là việc làm cấp bách cần làm trong thơì gian tới của Ban QL các KCN cũng như chính quyền địa phương tỉnh Nam Định.
Cải cách hành chính mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả của cơ chế một cửa nhằm cung cấp dịch vụ hành chính công tốt nhất cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư và triển khai các dự án tại các KCN của tỉnh Nam Định. Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý ISO 9001:2008 vào các lĩnh vực cung cấp hành chính công tại Ban
QL các KCN, tích cực cải cách hành chính theo đề án 30 của chính phủ theo hướng công khai minh bạch, thông thoáng, đúng pháp luật vì lợi ích của các nhà đầu tư.
Thiết lập cơ chế giám sát việc thực thi thủ tục hành chính đối với nhân viên các cơ quan này. Hiện nay các nhà đầu tư đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến vấn đề này. Họ thường mất từ 1-2 tháng để làm thủ tục đầu tư trong khi qui định của luật chỉ từ 1-2 tuần.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cũng như nâng cao chất lượng các cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào KCN đang xây dựng cũng như: đường giao thông, cấp thoát nước, bưu chính viễn thông, ngân hàng, hải quan, logistic .. tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Dó cũng là một trong những biện pháp cải thiện môi trường đầu tư có hiệu quả.
Các tuyến đường huyết mạch nối liền các vùng trong tỉnh là hết sức quan trọng như tuyến đường quốc lộ 21, quốc lộ 10, tỉnh lộ 495 cần phải được khẩn trương hoàn thành.
Hiện nay các tuyến đường giao thông huyết mạch của tỉnh đã được triển khai xây dựng, tuy nhiên công tác xây dựng đang gặp phải một số khó khăn về GPMB, vì vậy cũng cần phải có biện pháp tích cực để đẩy nhanh công tác GPMB
Về công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án trên phạm vi cả nước nói chung, Nam Định nói riêng đang gặp phải rất nhiều khó khăn phức tạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh nói chung của các KCN nói riêng, bởi công tác này bị chi phối bởi nhiều yếu tố: Kinh tế, chính trị - xã hội; ảnh hưởng của nó tác động trực tiếp, sâu sắc đến đời sống của bộ phận dân cư không nhỏ chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, trồng rừng, nuôi trồng thuỷ sản ..v..v..; Công tác giải phóng mặt bằng được xác định là vấn đề hết sức nhạy cảm, cần phải linh hoạt không cứng nhắc và tuỳ vào tình hình của từng vùng, từng địa phương mà có biện pháp hợp lý.
Để làm tốt công tác đền bù, GPMB kinh nghiệm đúc rút từ một số địa phương tác giả đưa ra một số những biện pháp cụ thể cho công tác GPMB đối với các KCN ở Nam Định như sau:
Thứ nhất: Cần phải làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn,
phổ biến chính sách, pháp luật cho người dân, công khai minh bạch rõ ràng các qui trình, thủ tục, giá đền bù và hỗ trợ;
Thực tế tại KCN Bảo Minh - Huyện Vụ Bản cho thấy công tác tuyên truyền và công khai minh bạch làm chưa được tốt nên khi 100% dân đã nhận tiền đên bù và ký bàn giao đất cho hội đồng đền bù GPMB để giao cho nhà đầu tư thi công rồi nhưng sau đó vì chưa hiểu hết các chính sách đền bù GPMB của nhà nước nên bị một số kẻ xấu kích động, lôi kéo bà con đã khiếu kiện và ách tắc việc xây dựng KCN này từ năm 2008 đến nay, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của tỉnh. Đến khi nhân dân có nhiều ý kiến mới tìm hiểu và biết rằng sự hiểu biết pháp luật và các chính sách của người dân chưa thông thì hội đồng đền bù GPMB mới làm lại các qui trình thì lúc đó người dân mất niềm tin và tình hình đã trở lên phức tạp.
Thứ hai: Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc ngay từ đầu, thành lập ban chỉ đạo hoặc hội đồng GPMB cần có đại diện của các ngành, địa phương (quận huyện, xã phường...) các tổ chức đoàn thể chính trị đủ sức mạnh (có thể Chủ tịch UBND tỉnh là trưởng Ban chỉ đạo) để giải quyết kịp thời những phát sinh vướng mắc trong thực tế. Cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, chính quyền địa phương, các ngành trong quá trình đền bù, GPMB. Khi cần thiết phải cưỡng chế các đối tượng chống đối, lôi kéo nhân dân và có hành động quá khích theo đúng trình tự.
Thực tế tại KCN Bảo Minh của tỉnh cũng vướng mắc phải vấn đề này. Hội đồng GPMB do Huyện Vụ Bản thành lập và thực hiện công việc nhưng khi giải quyết các vướng mắc với dân thì địa phương tỏ ra lúng túng vì thiếu kinh nghiệm thực tế và do thành tích nên tự giải quyết không báo cáo kịp thời lên tỉnh, khi sự việc trở lên phức tạp lúc đó hệ thống chính trị mới vào cuộc nên giải quyết hiệu quả không cao.
Thứ ba: Xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách bồi thường, GPMB và tái định cư nhất quán, công bằng và dân chủ, phù hợp và linh hoạt, sát với thực tiễn, quan tâm đến quyền lợi và đời sống nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Áp dụng giá đền bù cao nhất và có lợi nhất cho người dân bên cạnh đó còn có các chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho bà con nông dân khi không còn đất canh tác chuyển sang lao động công nghiệp
Xây dựng khu tái định cư phải đảm bảo cơ sở hạ tầng tốt hơn so với nơi ở cũ, làm tốt công tác xây dựng nghĩa trang, di chuyển mồ mả, xây dựng nơi thờ tự.
Hiện nay chính sách bồi thường và GPMB của nhà nước qui định có nhiều điểm bất cập không sát với thực tế đặc biệt là sau khi chính phủ ban hành Nghị định số 69/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2009 Qui định bổ sung về qui hoạch sử dụng đất, giá đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Theo thống kê tỉnh Nam Định vẫn là tỉnh có lực lượng lao động tham gia
trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ lệ cao. (xem hình 3.1 trang ...) Để chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo nghị quyết Tỉnh đảng bộ lần thứ XVIII,
tạo chuyển biến mạnh mẽ môi trường đầu tư của địa phương thì việc đào tạo để chuyển đổi một lực lượng không nhỏ lao động từ sản xuất nông nghiệp tham gia vào lĩnh vực khác rất quan trọng.
Trong khi đó số trường công nhân kỹ thuật hiện nay của Nam Định rất ít (năm 2009 có 9 trường đại học, cao đẳng; 9 trường trung học chuyên nghiệp và 3 trường đào tạo công nhân kỹ thuật), cơ sở vật chất lạc hậu, ngành nghề, phương thức đào tạo truyền thống chưa có sự đổi mới để đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp vì vậy các doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động họ thường phải tuyển lao động phổ thông sau đó đào tạo.
Để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng công cuộc chuyển đổi cơ cấu kinh tế cũng như tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cần có biện pháp cụ thể liên kết các cơ sở đào tạo với nơi sử dụng lao động. Để làm được điều này các cơ quan đầu mối về thu hút và quản lý đầu tư phải là nút trung gian cho sự liên kết này. Một trong những biện pháp tốt là thành lập trung tâm giới thiệu việc làm tại các cơ quan đầu mối về đầu tư.
Thông qua các chỉ số PCI năm 2012 cho thấy môi trường pháp lý của Nam Định rất kém (Chỉ số Thiết chế pháp lý: xếp thứ 61/64; chỉ số Tính minh bạch và tiếp cận thông tin: xếp thứ 58/64). Vì vậy để hoàn thiện môi trường đầu tư của Nam Định thì cần phải hoàn thiện môi trường pháp lý của tỉnh.
Đề nghị chính phủ xem xét sửa đổi Luật Thanh tra và pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính để tạo bộ máy, cơ chế cho Ban Quản lý các KCN giám sát, đốc thúc các chủ đầu tư đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng, kỹ thuật KCN.