CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.3. Khái lược về tính cách và tính hào hiệp của người Việt Tây Nam Bộ
1.3.3. Nguồn gốc của tính hào hiệp
Tính hào hiệp của người Việt miền Tây Nam Bộ bắt nguồn từ hai nguyên nhân.
Thứ nhất, là từ những điều kiện tự nhiên.
Trong buổi đầu khai khẩn, khu vực này tuy giàu có nhưng còn rất hoang sơ, rừng thiêng nước độc chưa có vết chân người, có chăng chỉ toàn là muỗi, mòng, vắt, rắn. Người lưu dân chưa quen phong thổ, đã “nghèo cháy nóp” lại còn phải đối mặt với nạn “hùm tha sấu bắt, mái gầm tại lỗ, rắn hổ về nhà”… chưa kể những cơn sốt rét rừng thường xuyên hành hạ mà bà con thân thuộc thì chẳng có được mấy người ở bên để giúp đỡ. Đồng cảnh hoạn nạn, cùng gặp khó khăn nên ngay từ buổi đầu con người đã nhận thức được rằng họ phải biết tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau như một việc làm tất yếu.
Sau những bước thăm dò bỡ ngỡ, dần dần các cư dân mới phát hiện ra sự giàu có, hào phóng của đất rừng phương Nam. Cái xứ sở “gà vịt ăn
Chương 1: Những vấn đề chung 32
lúa, heo ăn cháo gạo lứt” mà theo lời bác Ba Phi “dưới kinh, cá quẫy ùn ụt, trên rừng chim chóc bay rần rần”. Đặc sản không thiếu thứ gì, cá trê lội đặc dưới đìa, rùa kết thành bè, heo rừng thì vô số kể, chim chóc nhiều hơn lá rừng tràm, hàng ngày mỗi sáng chúng đều ra sân xếp hàng tập thể dục, cá sấu nằm khắp bên bờ sông như củi lụt, một lần ăn ong thì sáp nặn ra được chiếc xuồng be mười… [Viện KHXHVN 2005: 981-1015]. Thiên nhiên ưu đãi, vừa làm vừa chơi cũng đủ ăn, không cần phải bo bo giữ của khiến con người càng cư xử rộng rãi với nhau hơn.
Hinh 3 Thiên nhiên ưu đãi miền Tây Nam Bộ. Nguồn: internet
Thứ hai, là từ những điều kiện xã hội.
Trước hết, miền Tây Nam Bộ là nơi tập trung lưu dân tứ xứ, họ ra đi trong loạn lạc, bức bách nên có mấy ai đem theo được cả gia đình; không có cái tình huyết thống nên họ đối đãi với nhau chủ yếu bằng cái nghĩa của bạn
Chương 1: Những vấn đề chung 33
bè. Họ thường tự nhủ phải đối tốt với cả người dưng, để khi gặp hoạn nạn thì còn có người giúp đỡ. Họ sống rộng rãi với tinh thần “người đi trước rước kẻ đi sau” do đã nếm trải đủ cay đắng mùi đời nên rất cảm thông, sẵn sàng chia xẻ và đùm bọc. Hơn nữa, tại nơi ở mới, mối quan hệ cố kết cộng đồng rất lỏng lẻo, không còn chặt chẽ như chốn cũ, những mối quan hệ này cũng không ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chính mình nên trong giao lưu, tiếp xúc, con người cũng trở nên rộng rãi, vị tha hơn, vì lợi ích của người khác hơn.
Bên cạnh đó, do sự thay đổi thành phần xã hội diễn ra quá nhanh chóng: làm chủ mướn nhân công, thất mùa phá sản lại đi làm công cho người khác; hoặc một số người sống trên mảnh đất màu mỡ nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo do thường xuyên bị cường hào, địa chủ bóc lột… Lên voi xuống chó chẳng mấy hồi, của cải hôm nay nằm trong tay nhưng ngày mai
“đội nón” ra đi lúc nào chẳng biết nên người lưu dân có khuynh hướng chỉ xem trọng thực tại, sống hôm nay chẳng cần biết đến ngày mai. Hôm nay đối đãi với bè bạn hết lòng hết dạ đi đã, còn hôm sau bạn có phản thì đó là chuyện của… tương lai. Thêm vào đó, đời sống văn hóa tinh thần thiếu thốn nên những cuộc giải trí của họ chỉ đơn giản là nhậu nhẹt, hát hò với bạn bè vì trong cảnh cô đơn chỉ có người bạn là nguồn vui duy nhất.
Bản chất đã là những con người mang đặc trưng dương tính, dám bỏ chốn cũ ra đi tìm cuộc sống mới nơi vùng đất mới, cho nên đây phải là những con người hết sức mạnh mẽ, ngang tàng. Tại vùng đất mới, họ trở thành vua một cõi, được dọc ngang vẫy vùng tự do cho nên đối với những người ít ỏi xung quanh hay những người lạ mới đến sau, họ cũng tỏ ra cao thượng hơn. Trong quá trình phát triển của vùng đất Tây Nam Bộ, tinh thần hào hiệp của người Việt còn được bồi dưỡng, vun đắp và phát triển thêm dưới sức ảnh hưởng của sự du nhập văn hóa Trung Hoa - cụ thể là ảnh hưởng tinh thần nghĩa hiệp trong truyện Tàu, đặc biệt là tiểu thuyết kiếm hiệp. Theo Lưu Hồng Sơn, từ khoảng năm 1903 đến năm 1930 đã có đến
Chương 1: Những vấn đề chung 34
135 lượt các bộ truyện Tàu được xuất bản ở Sài Gòn, từ Tam Quốc đến Tây Hớn, Đông Châu Liệt Quốc, Vạn huê lầu, Thanh xà Bạch xà, Phong thần, Thủy hử, Tây du… Truyện Tàu tác động mạnh đến nếp sống, nếp suy nghĩ, sinh hoạt và ứng xử của người Việt miền Nam đến nỗi Bình Nguyên Lộc phải thốt lên: “Dân Nam Kỳ lục tỉnh vì mê truyện Tàu mà bị nhiễm nhân sinh quan của người Tàu rất đậm, những anh trạo phu, những anh tướng cướp cũng muốn có tác phong của Đơn Hùng Tín, của Quan Công…” [Hội khoa học lịch sử TPHCM 2009: 529].
Trong giai đoạn những thú vui chơi giải trí còn hạn chế, các tuồng tích sân khấu không nhiều, “truyện Tàu nổi lên trong cái bối cảnh văn học còn nghèo nàn ở thập kỷ đầu thế kỷ XX như một anh chàng khổng lồ.”
[Bằng Giang 1998: 246]. Tinh thần nghĩa hiệp của những hảo hán Lương Sơn Bạc trong Thủy Hử, của những Kiều Phong, Trương Vô Kỵ, Lệnh Hồ Xung… trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung đã bắt gặp được điểm chung ở lối sống phóng khoáng, tự do, thích phiêu lưu mạo hiểm của những lưu dân người Việt (trong đó có một số lượng không nhỏ những tay tướng cướp, tội phạm bị truy nã tìm chốn thoát thân để làm anh hùng hảo hán vẫy vùng một cõi - đã đề cập ở mục 1.2.3). Thực tế đó đã khiến loại truyện này càng dễ dàng xâm nhập trong tầng lớp bình dân và được tiếp thu phát triển ở mức độ cao hơn. Đó cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy tính hào hiệp của người Việt miền Tây Nam Bộ tồn tại bền vững và phát triển dài lâu.
1.4. Tiểu kết
Nhìn một cách toàn diện, tính cách dân tộc là một hệ thống các đặc điểm của cộng đồng được hình thành trong một quá trình lịch sử lâu dài, chính vì vậy mà nó đã có sự ổn định tương đối và chi phối tư duy, cách ứng xử của con người. Nó cũng có thể có những chuyển biến khi chịu sự tác động của điều kiện lịch sử - xã hội khách quan, tuy nhiên những chuyển
Chương 1: Những vấn đề chung 35
biến này không diễn ra một cách đột ngột, tức thời mà phải trải qua một quá trình lâu dài. Con người Việt Nam trải qua những biến động, thăng trầm của lịch sử cũng đã dần hình thành nên những cá tính riêng. Và điều này đã được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến từ khá sớm, từ Đào Duy Anh với Việt Nam văn hóa sử cương, cho đến Nguyễn Hồng Phong, Cao Xuân Huy, Trần Văn Giàu, Trương Chính, Trần Ngọc Thêm…
Từ nghiên cứu tính cách dân tộc cho đến nghiên cứu tính cách vùng miền là một chặng đường tất yếu, đặc biệt là đối với những vùng đất mới, chưa được khám phá và tìm hiểu nhiều như miền Tây Nam Bộ. Trên cơ sở những ghi chép điền dã kết hợp với việc vận dụng các phương pháp khoa học cần thiết, những tính cách của người Việt Nam Bộ cũng dần được các nhà nghiên cứu khái quát lên một cách có hệ thống. Tuy nhiên, sự nghiên cứu chỉ mới dừng lại ở việc khái quát những đặc trưng chung. Chưa có sự tìm hiểu về từng tính cách riêng lẻ một cách có hệ thống và khoa học. Trên cơ sở vận dụng những thành tựu nghiên cứu sẵn có, luận văn này đã đi sâu vào phân tích, tìm hiểu một tính cách cụ thể được xem là nổi trội của người Việt miền Tây Nam Bộ, đó là tính hào hiệp.
Với việc xác lập định nghĩa: “Hào hiệp là tính cách của người cao thượng, vị tha, sẵn lòng giúp đỡ người khác một cách thường xuyên”.
Chương này đã xác định và lý giải những nguồn gốc đã làm phát sinh ra tính hào hiệp. Cụ thể, với định nghĩa bao gồm ba đặc trưng: 1/. “Cao thượng”, 2/. “Vị tha”, 3/. “Giúp đỡ” và một cách thức 4/. “Một cách thường xuyên” thì việc truy tìm nguồn gốc chủ yếu cũng dựa vào những kiến thức nền tảng về hệ tọa độ văn hóa của miền Tây Nam Bộ.
Tính cao thượng - điều này xuất phát từ bản chất dương tính vốn có của những con người mạnh mẽ, ngang tàng. Vốn không chịu đựng nổi cuộc sống cũ nên đã bỏ đi tìm nơi ở mới. Tại vùng đất mới họ được dọc ngang vẫy vũng một cõi, tự thấy mình cao hơn người khác. Vì thế trong ứng xử, đối xử với người xung quanh, với kẻ mới đến, họ cũng tỏ thái độ cao
Chương 1: Những vấn đề chung 36
thượng hơn. Bên cạnh đó, sự ảnh hưởng của tinh thần nghĩa hiệp trong truyện Tàu - với hình ảnh của những anh hùng hảo hán cũng đã tác động mạnh đến nếp sống, nếp suy nghĩ, sinh hoạt và ứng xử của người Việt miền Tây Nam Bộ. Bắt gặp điểm chung ở lối sống tự do, phóng khoáng của những lưu dân người Việt, tinh thần cao thượng như được tiếp thêm sức mạnh để phát triển bền vững và lâu dài hơn.
Lòng vị tha - tiếp tục trở lại nguồn gốc vốn là lưu dân tứ xứ của người Việt miền Tây Nam Bộ. Họ ra đi trong loạn lạc, bức bách, không có gia đình, không có người thân. Mối quan hệ cố kết cộng đồng không còn chặt chẽ mà trở nên lỏng lẻo, những mối quan hệ này cũng không ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ nên trong giao lưu, tiếp xúc, con người cũng trở nên vị tha hơn, vì lợi ích của người khác hơn.
Sự giúp đỡ - với những điều kiện tự nhiên gây nhiều khó khăn ở buổi đầu khai hoang lập làng, đất rộng người thưa. Những người mới đến lại là những người đồng cảnh hoạn nạn nên ngay trong những ngày đầu tiên, họ đã ý thức được phải biết tương trợ, giúp đỡ nhau để cùng tồn tại. Trong quá trình khai khẩn, phát hiện sự giàu có, hào phóng của vùng đất mới, con người càng không phải vất vả giữ từng miếng ăn nên họ càng cư xử hào hiệp, rộng rãi với nhau hơn.