CHƯƠNG 2: TÍNH HÀO HIỆP TRONG VĂN HÓA NHẬN THỨC CỦA NGƯỜI VIỆT TÂY NAM BỘ
2.1. Nhận thức về nhu cầu chia xẻ tài - sức để thích ứng với môi trường tự nhiên
2.1.1. Thiên nhiên miền Tây Nam Bộ khi những người lưu dân lần đầu tiên đặt chân đến, đó không phải là một miền đất lạc thổ trên đồng cò bay thẳng cánh, dưới đồng lấp lánh cá tôm. Mà đó là nơi muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội tựa bánh canh, nơi cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy. Thơ ca dân gian có bài còn tả:
“Tôi ở Tà Vang Lạc Hóa,
Mưa dông nhiều quá làm ăn chẳng khá Nghèo cháy nóp rã bèn
Tôi trở xuống Long Xuyên Bị chìm thuyền mất áo Tôi qua Tân Bằng cán gáo Lại bị nạn sấu rượt cọp vồ Thôi thôi tôi trở lại Tà Phô Dựa lưng anh Đàng Thổ…
Nghe nhạc hồ ngũ âm.” [Nguyễn Văn Hầu 2004a: 166].
Bài ca dao dân gian đơn giản, nhưng đã vẽ ra trước mắt chúng ta những mối hiểm nguy thực sự của một miền đất lạ, nơi rừng thiêng nước độc không dấu chân người. Để có thể tồn tại, để có thể tạo ra nguồn sống, nhiệm vụ của con người trước hết là phải chinh phục thiên nhiên. Tức là phải chấp nhận một cuộc chiến đấu cực kỳ gian khổ trong khi còn chưa thật sự biết rõ kẻ thù của mình. Trong cuộc chiến đó, họ không thể đơn độc, họ cần có sự đoàn kết gắn bó, cần có những người anh hùng cao thượng, vì nghĩa lớn sẵn sàng giúp đỡ muôn người.
Chương 2: Tính hào hiệp trong văn hóa nhận thức của người Việt Tây Nam Bộ 39
2.1.2. Và hình ảnh những người anh hùng đó đã được phản ánh khá đầy đủ trong hàng loạt giai thoại dân gian về những người có công giúp dân diệt trừ các loài vật gây hại như sấu, cọp, rắn… Đây là một mảng đề tài lớn và hết sức quen thuộc trong khối tư liệu về truyện kể dân gian ở Nam Bộ. Thực tế, đối với những người lưu dân chân ướt chân ráo mới đến xứ này thì ban đầu họ chỉ là “khách”, còn rắn, rết, cọp, sấu, heo rừng mới thực sự là “chủ”. Và những vị “bá chủ sơn lâm” này không hề có thiện chí hoan nghênh những vị “khách không mời” kia. Chính vì vậy mà mới có cảnh:
“Mỗi miếng ruộng khai hoang, đổi mấy mạng người. Các ông già bà lão thường kể lại cho con cháu nghe không biết bao nhiêu chuyện rùng rợn.
Cọp hùm nhan nhản, ban ngày xông vào các xóm vồ đàn bà, trẻ nít, bắt trâu bò. Rắn hổ mây to hơn bắp vế, hai mắt đỏ như hai ngọn đèn lướt ào ào như cơn gió, đầu lắc lư cất cao khỏi ngọn sậy…” [Đoàn Giỏi 2005: 385].
Là những người ra đi “tìm sự sống từ muôn vàn cái chết”, lẽ nào đến đây lại bó tay chịu quy hàng. Trong hoàn cảnh buộc phải “phá sơn lâm”,
“đâm hà bá”, nếu người lưu dân không có lòng hào hiệp, không vì nghĩa quên mình, thương người sa cơ lỡ vận thì thật sự không dễ sống còn. Những lớp người xả thân diệt trừ loài vật gây hại để mang lại sự bình yên cho xóm làng đã trở thành hình ảnh tiêu biểu cho lòng hào hiệp của người Việt miền Tây Nam Bộ.
Đó là những bậc anh hùng vì nghĩa quên mình được nhân dân ngưỡng mộ, đồng thời cũng là mẫu người lý tưởng mà mỗi người đều muốn học theo. Họ đem cái tài của mình để giúp mọi người mà chẳng bao giờ nhận là làm ơn cho ai, chỉ đơn giản là “ở cho hết dạ hết lòng thì thôi”. Họ sẵn sàng
“Dấn mình vô chốn chông gai
Kề lưng cõng bạn vòng ngoài thoát thân.” [Bảo Định Giang và nnk 1984: 501].
Chương 2: Tính hào hiệp trong văn hóa nhận thức của người Việt Tây Nam Bộ 40
Thậm chí, dẫu có hy sinh thân mình cũng chẳng tiếc:
“Lao xao sóng bủa dưới lùm
Thò tay vớt bạn chết chìm cũng ưng”. [Bảo Định Giang và nnk 1984:
54]
Dù tất cả đều xuất thân từ những người nông dân chân đất quê mùa, nhưng cái nghèo vẫn không thể làm che khuất tấm lòng hào hiệp luôn tồn tại trong họ. Họ ra tay diệt thú dữ không vì danh cũng chẳng vì lợi, đơn giản chỉ vì muốn giúp dân trừ họa, mang lại sự bình yên cho xóm làng. Họ tạo nên hình ảnh người nông dân mang cốt cách của bậc trượng phu ngạo nghễ, ngang tàng, coi thường hiểm nguy, dám một mình “xuống sông hốt trứng cá sấu, lên bờ xỉa răng cọp”. Tạo nên một lớp thế hệ anh hùng luôn được người đời kính nể và cố gắng noi theo.
2.1.3. Thách thức của tự nhiên không chỉ đến từ những loài vật hung dữ gieo rắc tai họa cho người dân mà còn đến từ chính bản thân cái xứ sở vốn được mệnh danh là rừng thiêng nước độc - nó không mang đến cái chết tức thì mà gây nên những cơn bạo bệnh cho một cái chết dần dần.
“Nếu lỡ ngủ mê để cánh tay ra sát vách mùng, thì chúng cắm vòi vào hút máu đầy bụng, phóng uế, rồi hút nữa. Những con khác không có chỗ đậu, cắm vòi vào đít con trước mà hút, cứ như thế con này nối con kia dài như một sợi dây!” [Nguyễn Hữu Hiếu 1988: 119].
Đó là những lời miêu tả về nạn “giặc muỗi” kinh hoàng ở miền Tây Nam Bộ. Ở xứ sở nóng ẩm quanh năm, xung quanh là rừng rậm bít bùng đã tạo điều kiện thuận lợi cho những “đại binh đoàn muỗi” sản sinh nhiều vô kể. Muỗi bay “mát mắt mát tay”, muỗi “như hốt trấu mà rải”, tiện tay quơ lên là “hốt được cả nắm”. Muỗi nhiều đến nỗi “khiêng được cả trâu” nên trâu cũng phải ngủ mùng chứ huống gì con người! Mùng lại phải may mấy lớp nếu không thì chẳng ăn thua, lại còn phải đốt thêm mẻ un… Người ta đi
Chương 2: Tính hào hiệp trong văn hóa nhận thức của người Việt Tây Nam Bộ 41
đâu cũng phải mang theo mùng hay nóp để chống muỗi, còn như lỡ quên mang theo thì chỉ còn cách ngủ mùng nước, mùng gió…
Cứ như thế, người khỏe mạnh thì còn cầm cự được chứ người yếu sức là ngay lập tức làm mồi cho sốt rét, dịch bệnh. Bỏ mạng vì “hùm tha sấu bắt” đã đành, nhiều người cũng không qua nổi cơn nguy kịch do lam sơn chướng khí, rừng thiêng nước độc. Ngoài kinh nghiệm dân gian để tự bảo vệ bản thân, đây cũng là lúc người lưu dân cần hơn bao giờ hết những người thầy thuốc - những người không những phải có tài năng, biết bệnh biết thuốc mà còn phải có đức hiếu sinh, có tinh thần trách nhiệm, dốc lòng
“ra ân làm lành” đối với người bệnh, dẫu là kẻ giàu có hay đứa ăn mày.
Như Nguyễn Đình Chiểu đã viết trong Ngư Tiều y thuật vấn đáp:
“Giúp đời chẳng vụ tiếng danh
Chẳng màng của lợi chẳng ganh ghẻ tài.
Biết không không biết mặc ai,
Chuyên nghề làm phải chẳng nài thiệt hơn Trọn mình noi nghĩa ở nhơn
Bo bo giữ việc ra ơn làm lành Thấy người đau giống mình đau
Phương nào cứu đặng mau mau trị lành Đứa ăn mày cũng trời sanh,
Bịnh còn cứu đặng thuốc đành cho không”.
[Nguyễn Thạch Giang 2000: 55]
Ở cái xứ “cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy” ấy không chỉ có những ông thầy lang, những bà mụ vườn, những ông đạo chuyên trị bệnh cứu người… mà còn có cả những ông thầy rắn - những người có tài chữa rắn cắn, giành giật lại sinh mạng người chết từ lưỡi hái của tử thần. Tài
Chương 2: Tính hào hiệp trong văn hóa nhận thức của người Việt Tây Nam Bộ 42
năng và đức độ của họ được dân gian ghi nhận và thời gian ghi lại thành biết bao huyền thoại. Nổi bật như truyện ông Bảy Lễ có tài chữa rắn cắn, bó xương gẫy thành lành đến nỗi các bác sĩ ở bệnh viện đều khuyên ông ra làm cho nhà nước, nhưng ông nhất quyết không chịu. Bà con ai nấy đều ngợi khen ông Bảy biết trọng nghĩa khinh tài, biết quý mạng người chứ không màng danh vọng. Ông thường nói: “Người sống hơn đống vàng. Vàng mất đi còn tìm vàng khác lại được. Còn người mà nhắm mắt là rũ sạch một đời người”. [Nguyễn Hữu Hiếu 1997: 221]. Mỗi ông thầy rắn có một bài thuốc, một bí quyết riêng để chữa nọc rắn, tuy nhiên các ông đều có một điểm chung là quan niệm trị bệnh cứu người chứ không dùng cái tài của mình để kiếm chác bạc tiền hay danh lợi.
Thậm chí, giai thoại dân gian còn ghi lại hình ảnh của những bậc tiền hiền, hậu hiền sẵn sàng dùng cái chết của mình để đổi lấy sinh mạng cho vạn người khác. Như truyện về ông Lãnh - vốn là người hiền lành đức độ, hay giúp đỡ người nghèo; với vai trò là người lãnh đạo, ông đã đứng ra vận động, tổ chức bà con lập làng, lập chợ, làm cuộc khẩn hoang tạo nên cảnh quang trù phú đông vui của xóm làng. Đến năm dân làng mắc dịch bệnh, vợ chồng ông ngày đêm cầu trời khẩn Phật nguyện chết thay cho dân làng. Lời khấn nguyện của ông thấu lòng trời đất, vợ chồng ông ra đi về cõi vĩnh hằng còn dân làng thì tai qua nạn khỏi. Về sau, nhân dân lập miếu thờ ông như bậc thánh, rồi lấy tên ông mà đặt cho địa danh, gọi trại ra thành Cao Lãnh như ngày nay.
“Muôn miệng như nhau nói đã rành Câu đương là chức, Lãnh là danh Lập làng khó nhọc, công vừa dứt Cất chợ trông nom, việc mới thành Dân đụng giặc Trời cam thọ tử
Chương 2: Tính hào hiệp trong văn hóa nhận thức của người Việt Tây Nam Bộ 43
Cụ đền nợ nước quyết hy sinh Thoát nàn, bá tánh lo thờ phượng
Miếu đó ngàn thu rạng tiết lành.” [Nguyễn Hữu Hiếu 1997: 112].
2.1.4. Rừng rậm mịt mùng hoang vu còn mang đến cho con người một nỗi kinh hoàng chẳng kém bệnh tật, đó chính là những lúc lạc rừng. Dù là lạc giữa đồng nước mênh mông không thấy bến bờ hay lạc giữa rừng rậm ngút ngàn thì đều có nguy cơ tử vong cao. Không chết vì thú dữ thì cũng chết vì đói khát, hoảng sợ và kiệt sức vì không tìm được lối về. Hễ có tin khách phương xa đến xứ mình mà đi lạc thì lập tức, không nhiều thì ít cũng sẽ có người tình nguyện đi tìm giúp, đó là hình ảnh của Tám Mun trong Chuyện rừng thuở ấy của Đoàn Giỏi. Truyện kể về một đôi vợ chồng người Hoa kiều từ phương xa đến xứ Cà Mau mua ba khía. Khi dừng chân ở bìa rừng, người vợ lên bờ đi đổi nước thì bị lạc, người chồng được bà con mách nước liền đến nhờ Tám Mun - vốn là một tay gan dạ, có tài xuyên rừng đi tìm vợ. Tám Mun nhận lời, ra đi nhiều ngày liền tuy không gặp cô vợ kia nhưng anh vẫn không nản chí và thường tự nhủ với lòng:
“Ở đời không gì hèn bằng thiếu chí. Mình đã hứa với người ta rồi.
Người ta từ nơi khác tới đây. Mình là dân địa phương đây thì người ta là khách của mình. Rừng này, sông rạch này, từ ngọn cây lá cỏ ta đều thuộc đều quen. Há chịu bó tay để mang tiếng đất Cà Mau không có lấy một tay võ dõng hay sao. Nói đổ sông đổ biển, dù Thị Lụa có bị cọp ăn thì ít nhất mình cũng mang về được mớ tóc, nắm xương để an ủi người chồng bạc phước, và oan hồn người chết cũng còn được nấm mồ nấm mả, đỡ lạnh lẽo bơ vơ.” [Đoàn Giỏi 2005: 268].
Rốt cuộc thì Tám Mun cũng cứu được cô nọ, người Hoa kiều quỳ lạy tạ ơn rồi xin đáp nghĩa hai trăm đồng nhưng Tám Mun quyết không nhận.
Vì rằng: “Thấy việc nghĩa phải làm, dù chết cũng không nệ.” [Đoàn Giỏi 2005: 277].
Chương 2: Tính hào hiệp trong văn hóa nhận thức của người Việt Tây Nam Bộ 44
Con người đối đãi với nhau vì cái nghĩa đã đành, trong truyện Cái chết của con rùa và người thợ săn kiêu mạn (Đoàn Giỏi) thì đến con rùa già sống trong rừng cũng đầy tinh thần cao thượng. Thấy con nai nhỏ mắc bẫy, rùa tìm mọi cách để cứu, nó tự nhủ rằng sống lâu năm ở rừng này thì đã quen thuộc như chủ nhân, con nai kia ở xa đến thì như khách, nó bị lâm nạn mà mình không cứu được thì chẳng những rùa “rất đau lòng” mà còn cảm thấy “bị sỉ nhục” nữa.
Những hình ảnh cụ thể đã cho thấy nét đẹp ngời sáng của những con người hào hiệp. Ở họ tồn tại một thứ tình cảm dường như đẹp đẽ hơn, cao thượng hơn, một thứ tình cảm vượt lên mọi thứ tình cảm khác để quên mình vì tất thảy mọi người. Như lời một anh chiến sĩ trong truyện ngắn Đêm Tháp Mười (Lê Văn Thảo) đã nói: “Trông không thấy có làng xóm gì cả nhưng đi lạc y như có nhà cho mình ghé, có người đưa mình đi.” [Lê Văn Thảo 1976: 56].
Ra đi từ muôn ngàn khó khăn gian khổ để tìm kiếm sự sống, tìm kiếm một phương trời mới, một chốn dung thân, những người lưu dân từ miền Bắc, miền Trung đã chọn vùng đất phương Nam làm quê hương thứ hai, làm nơi lập nghiệp, làm nơi cắm dùi để đấu tranh và để tồn tại. Trong cuộc chiến đầy cam go với chốn rừng thiêng nước độc tại nơi ở mới, họ không thể đơn độc một mình. Họ không thể để mình lâm vào cảnh:
“Ở nhà chẳng chịu tiếp ai
Ra đường mới biết chẳng ai tiếp mình”.
Ra đi có mấy ai mang theo được bà con, họ hàng cho nên họ rất cần có sự đoàn kết gắn bó để hợp thành một khối, chung sức chung lòng vượt qua những hiểm nguy trước mắt để sinh tồn. Đó là lý do mà họ sẵn sàng bán bà con xa mua láng giềng gần, gặp người khó khăn thì nhất hô, bá ứng, gặp người hoạn nạn thì đua chen giúp giùm.
Chương 2: Tính hào hiệp trong văn hóa nhận thức của người Việt Tây Nam Bộ 45
Sát cánh kề vai bên nhau, chia xẻ với nhau mọi thứ mà họ có, từ sức lực đến tài lực, vật lực để giúp nhau vượt qua những hiểm nguy trắc trở trong cuộc sống. Mặc dù câu “tứ hải giai huynh đệ” vốn chẳng phải bắt nguồn từ đất Nam Bộ nhưng đây chính là nơi cái tinh thần “hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất li” được thể hiện ở mức độ cao nhất.
Những nhận thức về nhu cầu chia xẻ tài - sức để thích ứng (trước hết) với môi trường tự nhiên cũng từ đó mà định hình. Cùng với thời gian, thói quen ấy đã ngày càng lan rộng và phát triển thành một tập quán, một phong cách sống được gìn giữ và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác - như một đặc trưng vốn có của con người nơi đây.