CHƯƠNG 3: TÍNH HÀO HIỆP TRONG VĂN HÓA TỔ CHỨC CỦA NGƯỜI VIỆT TÂY NAM BỘ
4.2. Từ góc độ ứng xử ngoài cộng đồng
4.2.1. Đối với các tộc người khác
Khác với đồng bằng Bắc Bộ - nơi tập trung khá thuần nhất của cộng đồng người Việt, chỉ ở những vùng miền núi trung du cách biệt, những miền bán sơn địa mới có những tộc người khác sinh sống như Mường, H’mông, Dao, Thái, Tày… khu vực đồng bằng sông Cửu Long là nơi tập trung của những tộc người (Kinh, Hoa, Chăm, Khmer…) sống lẫn lộn, đan xen với nhau trên cùng một mảnh đất. Và ngay từ những ngày đầu tiên mới khẩn hoang, mở làng, lập xóm, họ đã cùng đoàn kết gắn bó, chung sống với nhau một cách thân thiện, chan hòa.
Chương 4: Tính hào hiệp trong văn hóa ứng xử của người Việt Tây Nam Bộ 111
Khi những nhóm lưu dân người Việt đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này thì nơi đây đã tồn tại những nhóm người Khmer nhỏ lẻ sinh sống từ khá lâu đời. Tuy nhiên, những kẻ mới đến không vì người đông sức mạnh mà lấn át các tộc người bản địa. Họ làm quen dần, gây mối thiện cảm với nhau và cùng chung sống trong tinh thần hòa hiếu. Vốn mang trong mình dòng máu của những người ham thích phiêu lưu mạo hiểm, dễ hòa đồng vào cộng đồng mới, hơn nữa trên mảnh đất lạ mà con người chưa thể nắm bắt được toàn bộ những quy luật của nó thì càng kết giao rộng rãi với người đã ở đây từ lâu, người Việt càng có điều kiện để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm sống nhiều hơn.
Chính vì vậy, đối với cộng đồng người Khmer bản xứ, người Việt đã sớm có những tiếp xúc khá thường xuyên. Họ sống giáp bên cạnh nhau trong không khí cởi mở để cùng giúp đỡ lẫn nhau chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên và thú dữ trong rừng rậm. Người Việt giúp người Khmer tiêu diệt hổ dữ, trị cá sấu độc ác. Ngược lại người Khmer cũng bày cho người Việt nhiều mẹo chữa bệnh, kinh nghiệm làm thủy lợi... Từ đó có thể thấy mặc dù nắm ưu thế hơn hẳn về dân số, kinh tế và cả chính trị nhưng đối với bà con Khmer, người Việt không tỏ thái độ kỳ thị. Trong ứng xử, trong quan hệ bạn bè, thậm chí trong những cuộc kết giao hôn sự… họ thể hiện thái độ cởi mởi và tôn trọng để cùng tương trợ lẫn nhau, giúp nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Không chỉ có thái độ tôn trọng với người Khmer bản xứ, người Việt cũng hân hoan chào đón các nhóm người Hoa mới đến sau này bằng tấm lòng hào hiệp. Triều đình nhà Nguyễn luôn có những chính sách ưu đãi, những đặc ân khuyến khích người Hoa đến khẩn hoang lập nghiệp.
“Chúa Nguyễn cho phép những người di cư từ Trung Quốc sang cư trú ở Trấn Biên hợp thành Thanh Hà xã. Chúa Nguyễn chính thức coi họ như những người dân nước Việt, đồng thời còn cho phép họ bảo tồn những giá trị văn hóa, sinh hoạt văn hóa của họ. Việc ra đời các Minh Hương xã,
Chương 4: Tính hào hiệp trong văn hóa ứng xử của người Việt Tây Nam Bộ 112
xây dựng chùa Minh Hương, đền Thiên Hậu, Quan Công và các hoạt động hội lễ, tế lễ… đã thể hiện chính sách “nhu viễn nhân”, khoan hồng của nhà cầm quyền Việt Nam thời bấy giờ. Việc người Việt chấp nhận cộng sự, chấp nhận hôn nhân, chấp nhận một nền văn hóa đa dân tộc, chấp nhận sự khác biệt về văn hóa cùng tồn tại thể hiện tinh thần khoan dung của văn hóa Việt Nam và con người Việt Nam ở đây.” [Trần Văn Bính 2004: 161-162].
Chính vì vậy mà nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng con đường nhập cư của người Hoa đến Nam Bộ nói chung, miền Tây Nam Bộ nói riêng là con đường tự nguyện, hòa bình. Triều đình nhà Nguyễn trong suốt các giai đoạn trị vì cũng luôn giữ một thái độ hiếu hòa, khuyến khích những cư dân mới đến vùng đất này.
“Những tờ biên nhận nộp thuế của người Minh Hương ở Vĩnh Long vào thời Gia Long, có tờ ghi năm quan, tờ mười quan, tờ mười lăm quan, tờ hai mươi quan chứng tỏ chính sách thuế của Gia Long đối với người Minh Hương ở các tỉnh phía Nam không chênh lệch đáng kể. Bởi vì theo thời giá lúc đó, cứ một lạng đổi được chín quan. Nhìn chung dưới thời Gia Long, người Hoa được hưởng nhiều đặc quyền nhất, chế độ thuế má và sưu dịch chỉ cao hơn người Việt đôi chút.” [Nguyễn Cẩm Thúy cb 2000: 17].
Do những chính sách ưu đãi của triều đình cùng với tấm lòng hào hiệp của người dân ở vùng đất mới mà số lượng người Hoa đến đây sinh cơ lập nghiệp ngày càng tăng. Dù sao thì so với cộng đồng miền Bắc khá khép kín trong ứng xử với bên ngoài, vùng đất phía Nam đối với những người lưu lạc, những di thần nhà Minh cũng thân thiện hơn, dễ sinh sống và mở ra nhiều cơ hội để làm ăn yên ổn hơn. Với những sự giúp đỡ đó, nên khi thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, đội quân Ngũ Quảng và Minh Hương cũng đã kề vai sát cánh với lưu dân người Việt và triều đình nhà Nguyễn chống trả đến cùng để bảo vệ mảnh đất mà họ đã chấp nhận là quê hương thứ hai.
Chương 4: Tính hào hiệp trong văn hóa ứng xử của người Việt Tây Nam Bộ 113
Cùng chung sống trong một vùng lãnh thổ hòa hợp với nhau trong một thời gian dài nên những phong tục, tập quán, sinh hoạt của người Hoa cũng có những ảnh hưởng nhất định đối với người Việt. Tiêu biểu nhất là việc thành lập các hội kết nghĩa huynh đệ, từ Thiên Địa Hội đến những hội kín khác nhau thề “hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly”. Ảnh hưởng của Thiên Địa Hội kết hợp với tinh thần hào hiệp vốn có đã tạo nên những tay
“anh chị” giang hồ hảo hán chuyên ăn cơm nhà lo chuyện thiên hạ, cướp của người giàu chia cho người nghèo, gặp chuyện bất bình thì sẵn lòng ra sức tương trợ. Sống chết vì bạn bè, ăn ở hết dạ hết lòng, khi bạn gặp chuyện thì sẵn sàng trả thù cho bạn vô điều kiện, lắm lúc không kể đến cả tính mạng của mình. Đúng như lời nhận xét:
“Thường thường họ kết nghĩa với nhau, và một khi đã kết nghĩa với nhau rồi thì họ sống chết có nhau, thương yêu nhau một cách lạ lùng.”
[Huỳnh Lứa 2000: 119].
Quá trình hỗn hợp dân cư thuộc nhiều tộc người khác nhau với những tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán khác nhau qua hàng thế kỷ không những không cản trở sự phát triển của xã hội mà còn là nhân tố đắc lực tạo nên sự gắn kết cộng đồng, làm phong phú và đa dạng thêm màu sắc văn hóa của vùng đất phương Nam.
“Người Việt đến xứ này trong hoàn cảnh phức tạp. Họ đón nhận và giúp đỡ những người Trung Hoa sa cơ thất thế tìm chỗ dung thân. Họ tôn trọng những người khuất mặt đã tới trước, sẵn sàng tiếp thu kinh nghiệm làm ăn của người Khmer đồng cảnh ngộ.” [Sơn Nam 2007a: 45].
Trong những cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, đồng bào người Việt, Hoa, Khmer cũng đều tích cực tham gia khởi nghĩa, cùng chia xẻ những đắng cay, ngọt bùi. Trong kháng chiến, đồng bào Khmer đón tiếp người Việt tản cư về cho ở nhà mình, chia ruộng đất cho
Chương 4: Tính hào hiệp trong văn hóa ứng xử của người Việt Tây Nam Bộ 114
làm, giúp phương tiện sản xuất, ngược lại người Việt cũng chia xẻ, quyên góp giúp đỡ các gia đình Khmer nghèo túng gặp hoạn nạn, khó khăn.
Với tấm lòng hào hiệp, khoan dung và không có sự kỳ thị, thậm chí khi nói chuyện thì người dân ở đây lắm khi sử dụng lẫn lộn cả tiếng Việt, tiếng Hoa và tiếng Khmer… Các tộc người đã chung sức chung lòng khẩn hoang lập nghiệp, học hỏi kinh nghiệm khai phá đất đai, giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển. Họ không chỉ chia xẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống mà còn chung vui với nhau mỗi khi có lễ tết hội hè. Sự gần gũi, tiếp xúc qua quá trình cộng cư lâu ngày tất yếu đã dẫn đến những giao lưu, pha trộn các nét văn hóa mà các tộc người đều vui vẻ chấp nhận. Người Việt đi lễ chùa bà Thiên Hậu, người Hoa đi hành hương núi Bà Đen, lễ Bà Chúa Xứ, rồi cả người Việt, người Hoa đều chung vui trong ngày tết Khmer, hòa vào những cuộc đua ghe ngo nhộn nhịp, thấm đượm nghĩa tình đoàn kết gắn bó keo sơn của các tộc người anh em.