Đôi nét về huyền thoại trong văn học Việt Nam

Một phần của tài liệu Yếu tố huyền thoại trong tiểu thuyết nguyễn xuân khánh (Trang 42 - 47)

Chương 1. VÀI NÉT VỀ NHÀ VĂN NGUYỄN XUÂN KHÁNH VÀ KHÁI NIỆM HUYỀN THOẠI

1.2. Về khái niệm huyền thoại

1.2.4. Đôi nét về huyền thoại trong văn học Việt Nam

Không nằm ngoài quy luật của văn học nhân loại, văn học Việt Nam cũng tắm mình trong dòng sông huyền thoại. Vừa đúng quy luật của huyền thoại đồng hành cùng bước đi của lịch sử văn học trong những chặng đường, lại vừa mang những đặc điểm riêng chi phối bởi điều kiện lịch sử của dân tộc.

Huyền thoại trong truyền thuyết dân gian, từ khá sớm đã được ghi chép vào văn xuôi trung đại với Việt điện u linh tập (1329). Những chặng đường tiếp theo còn có Lĩnh Nam chích quái bản biên soạn lại của Vũ Quỳnh và Kiều Phú ở thế kỷ thứ XV, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ thế kỷ thứ XVI…

Tuy có lúc đậm, lúc nhạt, lúc nhường chỗ cho những nhu cầu phản ánh bức thiết hơn của văn học phục vụ cuộc sống trong hoàn cảnh đặc biệt (nhường chỗ cho tả thực trong văn học kháng chiến), thế nhưng, chưa lúc nào, văn học nước ta nguôi quên yếu tố “tiền sử của văn học” [16] là huyền thoại, và văn học Việt Nam có quyền tự hào vì văn học huyền thoại đặc sắc, vừa mang đặc điểm chung lại vừa có cá tính riêng với văn học thế giới. Đặc biệt trong văn học đương đại, khi mà “huyền thoại không phải chỉ trở lại ở một vài hiện tượng riêng lẻ, mà ngược lại, thậm chí còn trở thành dòng” [65].

Bước ra từ những trang tả thực đậm khói lửa chiến trường, hồ hởi khi được giải phóng bản ngã, trong quy luật dân chủ hóa, nhà văn Việt Nam đương đại không quá bỡ ngỡ với những đổi mới quan niệm về nhà văn trong quan hệ với hiện thực, quan hệ với công chúng, quan hệ với chính mình; đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người, cũng như quan tâm đến vận động về thể loại. Vừa tự vấn chính mình vừa nhận thức lại chiến tranh bằng cái nhìn nhân bản, không chỉ bằng sự ngưỡng vọng ngợi ca mà còn nhiều chua xót,

“không ngừng đánh giá lại” lịch sử bằng thái độ hoài nghi lịch sử đôi khi đến

“bất tín” để “thử trình bày một cách lý giải” về những góc khuất, những vùng mờ của quá khứ, đôi khi còn gửi gắm đan cài ý nghĩa hiện đại; mạnh dạn đối thoại với những điều lâu nay chưa dám đối thoại, vùng vẫy trong những vùng trời khác nhau, thậm chí phá vỡ khung giới hạn của thực tại để “chơi” trong văn học.

Để chuyên chở những tư tưởng mới cần đổi mới cả ở bút pháp, kĩ thuật, hình thức biểu hiện, trong đó có những kĩ thuật không xa lạ nhưng đã thay đổi ở cái nhìn và ý thức sử dụng, đó là huyền thoại. Xuất phát từ việc thay đổi về quan niệm: “không nhất thiết chỉ có phương pháp hiện thực chủ nghĩa” [66],

“phản ánh cõi người, cõi đời này mà chỉ dùng công cụ hiện thực thôi thì không đủ” (Hòa Vang), mỗi sáng tác đồng nghĩa với phải đưa chính mình và người đọc phiêu lưu như “một chuyến đi xa” “khỏi những cái thông thường”

(Thuận), trong thực tiễn sáng tác, các cây bút thời kỳ đổi mới đã có ý thức tìm tòi đổi mới nghệ thuật và kỹ thuật tiểu thuyết trên cơ sở gắn bó với những nội dung nhân bản, xã hội để thúc đẩy thể loại phát triển, góp phần cách tân và hiện đại hóa văn xuôi Việt Nam hiện đại. Có thể nói một trong những thay đổi đáng kể nhất trong nghệ thuật tự sự tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn này là sự đa dạng và linh hoạt về bút pháp nghệ thuật, tiêu biểu như: “Bút pháp tả thực mới”, “bút pháp phúng dụ, huyền thoại”, “bút pháp trào lộng, giễu nhại”, “bút pháp tượng trưng” [theo thống kê của Mai Hải Oanh trong bài viết “Sự đa dạng về bút pháp nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới] trong đó “bút pháp phúng dụ huyền thoại được nói đến với tư cách là “một phương thức nghệ thuật

“biến hiện thực thành hoang đường mà không đánh mất tính chân thật”, việc đưa cái huyền ảo vào thế giới thực tại đã lấy cái phi lý để nhận thức cái hữu lý, lấy lôgic của nghệ thuật và trí tưởng tượng để nhìn thấy logic cuộc sống một cách hiệu quả” [57].

“Tái huyền thoại hóa” [65] là một trong những cách thức nhà văn đương đại sử dụng để huyền thoại vào văn học khi làm tái sinh nhiều biểu tượng huyền thoại truyền thống đã nằm trong lòng mỗi con người Việt, để cho người đọc được gặp lại một Thánh Gióng vừa quen lại vừa lạ trong Gióng (Lê Minh Hà), Tấm Cám trong Ngày xưa, cô Tấm (Lê Minh Hà), huyền thoại mẹ Âu Cơ vừa gần gũi lại vừa mang ý nghĩa hiện đại qua Bức thư gửi mẹ Âu

của Y Ban, bóng dáng của Sơn Tinh Thủy Tinh trong Sự tích những ngày đẹp trời của Hòa Vang; để huyền thoại có “độ giãy sóng mới” trong không chỉ là những mẫu cổ về những người anh hùng huyền thoại, những biểu tượng đầy chất thơ của thần thoại, truyền thuyết, người đọc còn thấy phảng phất một thế giới huyền thoại qua motip thuộc nằm lòng trong văn học dân gian truyền thống: hóa kiếp, luân hồi, ở hiền gặp lành…, không khí gợi nhớ huyền thoại như Tội tổ tông, Truyền thuyết viết lại (Tạ Duy Anh), những biểu tượng nằm trong tín ngưỡng dân gian đầy mẫu tính trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh.

Không chỉ vậy, văn học Việt Nam đương đại còn viết về huyền thoại trong xu thế hội nhập và hòa nhập khi tương tác với yếu tố huyền thoại phương Đông và phương Tây. Nhà văn không còn câu nệ việc lồng ghép một vài chi tiết có bóng dáng huyền thoại để làm phản đề, để giải huyền thoại hay phản huyền thoại, mà sử dụng tư duy huyền thoại để “sáng tạo nên những huyền thoại mới” (huyền thoại trong truyện ngắn đương đại Việt Nam), vốn rất gần gũi với nguyên tắc sáng tác của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh. Cách thức thường gặp là ý thức pha trộn chất liêu trai hương vị phương Đông thuần khiết với chất kinh dị huyền ảo phương Tây để biến

“toàn bộ cấu trúc kì ảo của truyện là một ẩn dụ lớn” [65]. Môtip người lính trở về Nguyệt kiếp – Võ Thị Hảo, Bến trần gian – Lưu Sơn Minh. Những môtip tội ác và trừng phạt, hóa thân… vốn làm nên đặc sắc của văn học huyền thoại phương Tây cũng có dịp được “đọc lại” một cách nhuần nhuyễn trong nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết đương đại. Người đọc rùng mình ớn lạnh khi Tạ Duy Anh dẫn dắt qua thế giới của những tội ác khủng khiếp của con người để riết róng một câu hỏi về thân phận của thế hệ tương lai trên miệng vực cái ác trong Thiên thần sám hối (tiểu thuyết), không khỏi day dứt khôn nguôi trước ý nghĩa làm người trong những ám ảnh tăm tối và tàn ác, để cuối cùng

xây dựng một niềm tin đầy trắc ẩn và hướng thiện trong Đi tìm nhân vật…;

cũng đầy thức nhận sâu xa về cuộc sống qua motip hóa thân bò/ người trong Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu, người hóa rắn trong Rắn trắng - Nguyễn Đức Nam. Đôi lúc, nhà văn mạnh dạn tạo ra những “huyền tích”

riêng cho tác phẩm của mình, Phạm Thị Hoài sáng tạo ra nhân vật cô bé Hoài với những chi tiết kì lạ, những mô hình người lập dị, những yếu tố dị thường để phản ánh nhiều vấn đề của hiện thực xã hội đang sống. Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh cũng đem đến “một giấc mơ dài, một huyền thoại của thời đại” [52] bằng việc “biến hiện thực thành hoang đường mà không đánh mất tính chân thực” bằng hàng loạt chi tiết không thực, phóng đại, liên tưởng, xáo trộn thực và ảo khiến người đọc ngập chìm trong một thế giới huyền thoại đầy ám ảnh về chiến tranh, và dạng thức này còn kết tinh đậm nét trong hàng loạt truyện ngắn đậm chất huyền thoại trong tập truyện Mưa mặt nạ của Nhật Chiêu…

Như vậy, huyền thoại trong Việt Nam đương đại được hình thành từ sự tương tác đa dạng và nhiều chiều. “Đó là sự trở về với những huyền thoại, những mẫu cổ vốn liếng folkore dồi dào của dân tộc, đó là sự thẩm thấu truyền thống truyền kì trong văn học Việt Nam qua một chu kì phát triển dích dắc và mang tính tiệm tiến, và đó còn là sự kế thừa, tiếp thu thành tựu của văn học huyền thoại thế giới. Sự tương tác với yếu tố nội sinh và ngoại sinh đã tạo nên gương mặt vừa phong phú vừa độc đáo của văn học huyền thoại Việt Nam” [65].

Chương 2

Một phần của tài liệu Yếu tố huyền thoại trong tiểu thuyết nguyễn xuân khánh (Trang 42 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)