Huyền thoại từ sự kiện lịch sử

Một phần của tài liệu Yếu tố huyền thoại trong tiểu thuyết nguyễn xuân khánh (Trang 58 - 66)

Chương 2. CÁC DẠNG THỨC YẾU TỐ HUYỀN THOẠI

2.2. Yếu tố huyền thoại gắn với sự kiện và nhân vật lịch sử

2.2.1. Huyền thoại từ sự kiện lịch sử

Nếu như mới nghe qua, thì tưởng chừng như chất thơ và những hình ảnh biểu trưng, đặc tính hoang đường huyền hoặc của huyền thoại có vẻ mâu thuẫn với tính chính xác của sự kiện lịch sử. Thế nhưng, đi từ bản chất của yếu tố lịch sử trong tiểu thuyết, sẽ không còn mâu thuẫn nếu hiểu rằng, lịch sử tồn tại trong một tiểu thuyết được tôn trọng ở mức độ tinh thần của lịch sử.

Nhà tiểu thuyết chỉ mượn lịch sử, viết về một nhân vật lịch sử, một sự kiện lịch sử, một thời đại lịch sử để thông qua đó gửi gắm bức thông điệp, có thể là một lời nhắn gửi, dự báo, bày tỏ thái độ với quá khứ, hiện tại hoặc tương lai của con người. Và hơn hết, nhà tiểu thuyết có khả năng thổi linh hồn vào lịch sử, là người sáng tạo ra "lịch sử thứ hai" theo ý đồ nghệ thuật của mình. Cũng với quyền lực của một nhà văn, anh ta có quyền lấp đầy những chỗ trống, những khoảng trắng của lịch sử bằng những chi tiết hư cấu, bằng việc “huy động tối đa năng lực tưởng tượng”, rằng nhân vật này có thể nói năng ra sao, suy nghĩ như thế nào, bằng cách đưa ra cách lý giải của riêng mình ở những điều còn nghi vấn, và cả những điều mà cha ông còn chưa nói rõ cho hậu thế.

Đó cũng chính là đặc trưng của một tiểu thuyết lịch sử. Và đặc điểm này càng phù hợp hơn nữa với tính chất của huyền thoại, cũng phù hợp của những câu chuyện lịch sử thường được thiêng liêng hóa bởi trí tuệ của người xưa.

Gắn sự kiện lịch sử với những câu chuyện thiêng là một cách thông dụng để Nguyễn Xuân Khánh huyền thoại hóa lịch sử và đưa ra một cách lý giải theo chiều hướng thiêng hóa, có thể là theo sử sách chép lại, cũng có thể

do nhà văn sáng tạo ra.Việc giải thích nguyên nhân lập chùa Thánh Thọ bằng câu chuyện báo mộng:

“Sách cổ chép rằng vua Lý Thái Tông, thưở còn là thái tử, phụng mạng vua cha đi đánh Chiêm Thành, năm Canh Thân (1020), khi đi đến vùng Đan nê, An Định, Thanh Hóa, đóng quân dưới chân một quả núi. Canh ba đêm ấy, trong cõi mộng mông lung, nhà vua chợt thấy một dị nhân, mình cao tám thước, mày râu cứng nhọn, mặc áo giáp, tay cầm binh khí, đến trước cúi đầu tâu rằng: “Tôi là Thần núi Đồng Cổ, nghe tin thái tử đem quân đi dẹp giặc phương Nam, tôi xin theo giúp phá giặc, để lập chút công nhỏ”. Thái tử cả mừng khen ngợi rồi tỉnh dậy. Sau đó tiến quân đánh chiếm quả nhiên toàn thắng. Khi trở về qua núi Đồng Cổ, thái tử sửa sang lễ tạ rồi rước thần vị về kinh đô Thăng Long, để giữ dân, hộ nước. Đền thờ lập sau chùa Thánh Thọ, thuộc địa phận thôn Đông, phường Yên Thái (làng Bưởi) [35, tr.11].

Hay thể hiện ở việc lồng ghép sự kiện chiến trận hành quân bình Chiêm của của Duệ Tông vào tình tiết li kì đượm màu bi thương đầy tính thần thoại của bà quý phi Bích Châu hi sinh để làm yên lòng thần biển, bởi “Đêm hôm ấy, trong cơn giông bão, vua nửa tỉnh nửa mê, thấy thần biển hiện lên, đòi nhà vua gả cho một cung phi làm vợ, sẽ làm yên lòng bão biển... Nói xong, nàng Bích Châu ra đầu thuyền rồng, nhảy xuống biển. Sáng hôm sau, quả nhiên biển yên sóng lặng. Vua Duệ Tông thương tiếc vô cùng, cho lập đàn cúng tế, và xây miếu thờ trên biển” [35, tr.142].

Hoặc là việc miêu tả chiếc chuông quý vốn là linh vật của triều Trần:

“truyền mấy trăm năm suốt triều nhà Lý. Đại Hồng Chung ít khi dùng đến, chỉ dùng vào dịp đầu xuân. Mỗi năm khi chuông rung lên là mây mù ùn ùn kéo đến. Mây trắng che kín đầu Yên Từ. Chuông gọi mây xong lại gọi mưa.

Khi hồi chuông dồn dập binh boong ngân nga lần thứ hai thì những hạt nước

li ti nằm trong mây sữa run rẩy, rồi chúng bay lượn quấn quýt với nhau và thành những hạt to rơi xuống. Mưa rào. Đó là phật lộ”.

Trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly, không ít lần nhà văn để cho mình phóng bút để đưa ra những sự kiện, những câu chuyện những nhân vật khiến người ta không khỏi bất ngờ bởi cái khoảng trắng thi ca mà nhà văn đã lấp đầy trong đó. Vừa là sự thực lịch sử, vừa là hư cấu tưởng tượng. Nhà văn dụng công không ít để vẽ lên hội thề Đồng Cổ đầy nét khoáng đạt của huyền thoại trong những trang đầu tiểu thuyết Hồ Quý Ly... Hình ảnh ngày hội Đốn Sơn tưng bừng ở Tây Đô đem đến cho người đọc như lạc vào một hình ảnh trong mơ...

Đó cũng là một cách để nhà văn thả cho trí tưởng tượng của mình bay bổng, để cho chiều kích của lịch sử vượt ra ngoài sự ranh giới thông thường bằng những nét vẽ phóng đại và khoáng đạt, vươn tới tầm huyền thoại.

2.2.1. Huyền thoại từ nhân vật lịch sử

Để làm được cái công việc đầy thách thức, khó khăn nhưng cũng vô cùng quyến rũ là “phục sinh quá khứ”, nhà tiểu thuyết trao sứ mệnh cho nhân vật, mà chủ yếu là hình tượng con người trong tác phẩm. Với một tiểu thuyết lịch sử, nhân vật thường tồn tại cả hai dạng: những nhân vật có thật trong lịch sử và nhân vật hư cấu. Kiểu nhân vật thứ nhất là tất yếu đối với một tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử, kiểu nhân vật thứ hai là tất yếu đối với một tiểu thuyết. Và ngay cả đối với kiểu nhân vật có thật, thì nhà văn vẫn phải sử dụng hư cấu tưởng tượng để cấp cho nhân vật một tâm hồn, một tính cách, một số phận, một gương mặt đời. Bởi điều quan trọng nhất, trước khi là nhân vật của một tiểu thuyết lịch sử, đó phải là nhân vật của một tiểu thuyết. Mặt khác, đối với kiểu nhân vật thứ hai, dù trí tưởng tượng của nhà văn có bay bổng đến đâu cũng không thể thoát ra khỏi không khí lịch sử mà nhà văn đã xác định để tái tạo lại trong tác phẩm, tức là nhân vật ấy phải mang được màu sắc lịch sử của thời đại mà nhà văn mô tả. Chính việc xây dựng nhân vật bằng cách gia tăng

liều lượng huyền thoại đã dung hòa được mối quan hệ giữa trí tưởng tượng - nhân vật lịch sử - màu sắc lịch sử của thời đại ấy.

Lựa chọn thời điểm lịch sử cuối Trần, đầu Hồ, và nhân vật lịch sử Hồ Quý Ly, trong cuốn tiểu thuyết cùng tên này, cái khó của Nguyễn Xuân Khánh là viết về một giai đoạn lịch sử có thật và một nhân vật có thật trong lịch sử. Do vậy, dù muốn hay không, tác giả vẫn phải tôn trọng chất liệu và nhân vật lịch sử, nhưng mặt khác cũng không thể bỏ qua chất tiểu thuyết khi bản chất của thể loại này là “trò chơi của tưởng tượng” (nói theo cách của M.

Kundera). Để giữ được thế cân bằng giữa cả hai yếu tố đó bằng một liều lượng vừa đủ, với một nhân vật đặc biệt như Hồ Quý Ly, nhà văn đã chọn cách huyền thoại hóa nhân vật bằng cách soi chiếu nhân vật từ nhiều điểm nhìn khác nhau, từ góc nhìn của nhiều nhân vật đánh giá Hồ Quý Ly từ nhiều góc độ. Với hơn ba mươi nhân vật có thật trong lịch sử và hơn hai mươi nhân vật do tác giả hư cấu, chừng ấy điểm nhìn, chừng ấy ý nghĩ, chừng ấy quan hệ sẽ làm cho hình tượng Hồ Quý Ly trở nên huyền ảo, phong phú và sâu sắc hơn bao giờ hết.

Để trình bày một cách lí giải về góc khuất của lịch sử bằng cái nhìn cảm thông và nhiều chia sẻ với cuộc đời và số phận nhà cách tân vĩ đại nhưng cũng rất đỗi cô đơn trong lịch sử dân tộc như mong muốn mà nhà văn từng tâm sự với bạn đọc, Nguyễn Xuân Khánh sử dụng huyền thoại như một “phép thiên nhãn” để “nhìn thấu lòng người” [35, tr.720]. Nguyễn Xuân Khánh lại dùng một câu chuyện dân gian về “con cáo chín đuôi” (cửu vĩ hồ tinh), gắn với những địa danh, cảnh quan từ xa xưa của lịch sử như Thăng Long, Hồ Tây, và có thêm đoạn kết vốn có trong Lĩnh Nam chích quái để nói đến nguồn gốc họ Hồ:

“… Xưa ở phía tây thành Thăng Long có hòn núi đá nhỏ, phía đông gối leen cái hang dưới chân núi Lô Giang (sông Hồng), trong hang có con cáo

chín đuôi (cửu vĩ hồ tinh), sống hơn ngàn năm, hóa thành yêu quái, có thể biến hóa vạn cách, thành người hoặc thành quỷ đi khắp dân gian.

… Con cáo chín đuôi biến thành người áo trắng nhập vào giữa đám dân Man, rồi dụ dỗ trai gái trốn vào hang núi. Người ta rất khổ sở.

… Long quân bèn dâng nước lên công phá hang cáo. Cáo chín đuôi bỏ chạy. Long quân đuổi theo, phá hang cáo bắt rồi nuốt ăn,

… Nơi này trở thành một vũng sâu, nay gọi là Hồ xác cáo (Hồ Tây)…

Đất ở đây cao ráo, dân làm nhà mà ở gọi là Hồ Thôn (làng Cáo).

…. Đời truyền Hồ tinh chín đuôi sinh được chín con, Long quân đã giết được Hồ tinh và tám con, còn một con chạy thoát về Diễn Châu. Hồ Quý Ly chính là con cháu của con Hồ này vậy”. [35, tr. 54]

Khoác lên nhân vật một huyền thoại, nhà văn dự báo cho người đọc về Hồ Quý Ly là con người khác thường, báo trước con người ấy sẽ làm nên một sự nghiệp khác thường nhưng không tránh khỏi tai tiếng của người đời.

Khi để cho Hồ Nguyên Trừng bàn luận với Nguyễn Cẩn về “khí hạo nhiên” của con người, nhất là của người quân tử, Nguyễn Xuân Khánh cũng khéo léo lồng vào yếu tố huyền thoại, Nguyễn Cẩn trực tiếp bày tỏ thái độ:

“... Tôi trân trọng cái tâm cao quý của người quân tử, nhưng tôi tin vào sự cao thượng của con người. Ai là kẻ cả gan nói rằng mình cao thượng.

Chắc chỉ ở mồm những kẻ tiểu nhân vênh vang trâng tráo. Hoặc ở miệng những bậc đích danh quân tử như Mạnh Tử, nhưng than ôi! Đó chỉ là ảo tưởng”

“... Khí hạo nhiên tức là cái thế thay sông đổi núi. Chẳng thèm lý gì cái miệng thế tầm thường. Cái khí hạo nhiên tức là dám nói dám làm những công việc lớn. Làm mà không run sợ. Làm mà không hối tiếc” [35, tr.82]

Rõ ràng là từ một khái niệm trừu tượng mang yếu tố huyền thoại của tự nhiên, với cách giải thích như vậy người đọc thấy được chí khí của nhân vật

lịch sử Hồ Quý Ly giữa trời đất thiên hạ. Đồng thời, với những việc mà Hồ Quý Ly đã nghĩ, đã làm, cũng như tính cách, tâm hồn, và trí tuệ của Hồ Quý Ly mà tác giả đã dồn sức biểu hiện, nhân vật cũng trở nên huyền thoại.

“Không có gì lọt khỏi mắt cha tôi”, đó là lời của Hồ Nguyên Trừng nói về cha mình. Chỉ có con người huyền thoại mới có tầm nhìn như vậy.

Nhưng đồng thời, chính việc kiến tạo ra nhiều trường nhìn để soi chiếu vào nhân vật Hồ Quý Ly để tạo ra huyền thoại, thì ngay ở đó, dụng ý giải huyền thoại của Nguyễn Xuân Khánh ngay lúc ấy cũng bộc lộ rất rõ. Bởi nói như Lại Nguyên Ân: “Một tư tưởng chứa đựng ảo tưởng, lừa mị, lại bị sùng bái, tất trở thành sự huyền thoại hóa. Chỉ sự đối thoại mới ngăn chặn khả năng huyền thoại hóa. Nhưng không phải bao giờ cũng dễ dàng tạo được điều kiện cho sự đối thoại” [62]. Người nhìn Hồ Quý Ly như một huyền thoại, kẻ lại cho ông “đa sát, đa mưu”, Phạm Sinh nhìn thấy ở ông “một con người quá ư cứng rắn, chỉ nhăm nhăm cái cái đích mà quên mất sự uyển chuyển của những bước chân đi” [35, tr.242], Trần Khát Chân nhìn ông như một “người tài trí mà nóng vội”, Hán Thương, Nguyên Cẩn nhìn thấy ở ông một bậc “minh chủ”… Chính tính đối thoại của những cách nhìn, của những tình huống đã ngầm giải huyền thoại cho hình tượng nhân vật, cũng là điểm thể hiện bút pháp truyền thống mà vẫn mới mẻ và hiện đại của Nguyễn Xuân Khánh khi hòa nhập vào xu hướng đối thoại chung của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới, văn học nhân loại thời kỳ hiện đại và hậu hiện đại, đã tiến một bước tiến dài từ tư duy thần thoại nguyên hợp nguyên thủy.

Khác với Hồ Quý Ly, nhân vật Hồ Nguyên Trừng không được huyền thoại hóa bằng những trường nhìn phủ dày ý nghĩa cho hình tượng, Hồ Nguyên Trừng lại được nhà văn giành thời gian để lấp đầy khoảng trống thi ca bằng cái nhìn lãng mạn, những nét vẽ mơ màng, tưởng tượng rất gần với huyền thoại. Là kiểu nhân vật tâm lý - tính cách được tác giả chuẩn bị rất kỹ

lưỡng, có lẽ, sau Hồ Quý Ly (mà có khi cũng chưa hẳn) Hồ Nguyên Trừng là nhân vật có sức hút làm hiện lên các nhân vật khác trong tác phẩm, và cũng có sức hút với cả người đọc bằng những khoảng tâm linh rộng mở của thế giới tinh thần, cả những miền hoang tưởng của nỗi cô đơn ma mị. Và cũng không phải ngẫu nhiên, nhà văn lại trao trọng trách của người kể chuyện xưng

“tôi” suốt thiên truyện cho một con người “thản nhiên lặng lẽ” [35, tr.55], tưởng như vô tình trước thịnh suy, biến động, nhưng thực chất là đang quan sát, nghiền ngẫm, đau đớn và xót thương. Sinh ra từ quyền quý, nhưng lại

“chén phè thở dài” với cái“sân khấu quyền quý, đầy giành giật, vật lộn, không khoan nhượng, nó thường hằng rộng khắp; một nụ cười, một cái chào, một khóe mắt cũng phải coi chừng” [35, tr.56], lại mang “nỗi buồn sâu đậm vì những diễn biến chung quanh”, nỗi “sầu lặng phải chăng là sự suy tư, hối hận, sự hối hận, là bước đi chuệnh choạng của một linh hồn và đang nghiêng ngả” [35, tr.63]. Nhân vật không được xây dựng thiên về hành động, mà thiên về suy ngẫm. Đắm mình trong những cốc rượu đầy vơi, của nỗi u sầu không gì có thể chữa nổi, nhưng say, là để ngẫm ra những điều không ai nhận thấy.

Chỉ có Hồ Nguyên Trừng, mới “thở dài ngậm ngùi trong dạ” [35, tr.307] mà xót thương cho “cái đẹp ảo, già nua, thoi thóp, lất lưởng, của sự tàn lụi, của một thời vàng son đã trôi qua, mà ai đó còn cố níu” [33, tr.308] của cây mai già trong liên tưởng tới quá vãng vàng son và hiện tại tàn lụi của triều Trần;

chỉ có ông mới thấy được nỗi cô đơn của Hồ Quý Ly “ánh mắt của cha đang nhìn tôi cầu khẩn… và tôi chợt nhận ra nỗi cô đơn khủng khiếp của người…

bảo là nỗi cô đơn của kẻ thoán nghịch cũng được… bảo là nỗi cô đơn của kẻ làm việc lớn cũng được” [35, tr.98], mới bắt gặp được “những phút yếu đuối của một con người đầy khát vọng như cha mình” [35, tr.752].

Chất huyền thoại ở nhân vật Hồ Nguyên Trừng còn được khai thác ở chỗ, lấy nguyên mẫu từ một nhân vật có thật trong lịch sử, nhưng dường như,

nhà văn chỉ mượn tên, mượn hình hài, còn lại sáng tạo bằng trí tưởng tượng của tác giả, trong những câu chuyện nhiều khi đẩy đến mức hoang đường, gợi lên nghi vấn về sự chân xác. Và hầu như duy nhất trong cả thế giới nhân vật phong phú, rộng lớn trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly, chỉ có Hồ Nguyên Trừng lạc bước ở đường biên của hai thế giới: thế giới thực và thế giới ma quỷ, của cái nghịch dị vốn là phương tiện huyền thoại hóa của các nhà văn hiện đại.

Đôi khi lạc bước trong những giấc mơ bay“những giấc mơ, giấc mơ kỳ lạ, siêu thường, giấc mơ của một người điên…Thấy cảm giác len lén của một vật gì hóa ra từ thân xác ta, ta ngạc nhiên ngắm nhìn vật trăng trắng đâm chồi từ bên sườn; cái chồi ấy là một bí ẩn, một dấu hiệu đặc biệt mà chỉ riêng ta có, rồi chồi mọc thành cánh, và ta giang cánh ra bay vút lên trời” [35, tr.33], đôi khi lạc trong “mê hồn hương” ma mị “vừa ru rín, vừa rủ rê đi vào cuộc xuất thần”“trông thấy con ma Ngọc Lan lững thững bước ra ánh trăng”, không xấu xí, không làm rùng mình sởn gai óc, mà “con ma Ngọc Lan của tôi lại là một giai nhân” [35, tr.649].

Sự lựa chọn tình tiết đó vừa phù hợp với con người duy mỹ như nhân vật, vừa là nét riêng của Nguyễn Xuân Khánh so với các nhà văn đương đại, thể hiện quan niệm của ông về cách sử dụng và đưa chất liệu kì ảo vào trong văn học:“Còn thêm một điểm khác nữa, con ma của người đời đều độc ác, chúng hiện hình như để dọa nạt, chỉ để báo một điều dữ, làm cho con người phải đẫm mồ hôi lạnh toát. Riêng con ma Ngọc Lan của tôi lại hiền lành, cô con gái nón thúng quai thao ấy đứng giữa vườn hoa thuốc, nở nụ cười với tôi, vẫn nón, rồi thủng thỉnh quay về gốc hoa lan” [35, tr.649].

Vậy là, với Nguyễn Xuân Khánh, sử dụng bút pháp huyền thoại trong những chủ đề lịch sử, vừa là sự gắn kết giữa hiện tại và quá khứ của dân tộc;

vừa là để chất liệu lịch sử thăng hoa cùng hoài niệm và trí tưởng tượng của nhà văn. Không chỉ có ý nghĩa dồn nén, và mở rộng chiều kích dung lượng

Một phần của tài liệu Yếu tố huyền thoại trong tiểu thuyết nguyễn xuân khánh (Trang 58 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)