Chương 2. CÁC DẠNG THỨC YẾU TỐ HUYỀN THOẠI
2.3. Yếu tố huyền thoại bắt nguồn từ tôn giáo
2.3.1. Huyền thoại qua hình ảnh Phật giáo gắn với ngôi chùa
Trước Đội gạo lên chùa, cuốn tiểu thuyết được xem như là “tham khảo về Phật giáo” [60] đáng tin cậy, thì từ Hồ Quý Ly, bên cạnh những biến động triều chính lớn lao của lịch sử, nhà văn cũng dành nhiều tâm huyết, thậm chí là cả một chương sách (chương XIII: Đường lên Yên Tử) bộc lộ niềm tự hào về đạo Phật.
Trong đó, nhà văn nhiều lần nhắc lại vùng núi thiêng của đất nước dành cho đạo Phật như một huyền thoại đẹp đẽ thiêng liêng về đất Phật, là nơi hội tụ khí thiêng của non sông, biểu tượng cho sự trường tồn của tôn giáo này
trong tâm linh con người. Để mỗi khi nhắc đến Phật giáo, là người ta nhắc đến vùng đất thiêng như một cõi để tâm tưởng hướng về:
“Trong các ngọn núi cao của Đại Việt, núi Tản Viên và núi Yên Tử được coi là những núi thiêng. Riêng núi Yên Tử được coi là đất tổ Phật giáo của Đại Việt....
Người Việt tin rằng, ở những ngọn núi thiêng, khí âm trong lòng đất nhờ chóp núi cao, nên đổ dồn về tụ hợp lại đó, và khí dương trên trời thấy khí âm hội tụ, cũng nương thep những đám mây trắng bay tới, để giao hòa. Sự thái hòa nhờ đó mà được xác lập tốt lành....
Danh dự to nhất đến với núi Yên Tử, phải kể từ khi vua Trần Nhân Tông của Đại Việt sau hai lần đánh tan giặc Nguyên, đã rời bỏ ngôi báu, mặc áo nâu sồng, đi chân đất lên núi thiêng tu Phật và thành lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đạo Phật nhà Trần phát triển rực rỡ, góp phần tạo dựng văn hóa hài hòa Đại Việt. Hơn một chục ngôi chùa được dựng ngay trên đất Yên Tử. Núi thiêng đã tỏa khí lành từ bi trên khắp đất nước. Yên Tử đã thành tổ đình Phật giáo, là một danh sơn bậc nhất nước ta” [35,tr.715].
Vùng đất thiêng ấy lưu giữ những câu chuyện huyền thoại về Phật pháp, những câu chuyện về ngộ đạo, nơi có con đường giác ngộ của sư Vô Trụ từ khi còn là “chú bé khoanh tay” [35, tr.715], đi qua bao nhiêu chốn, mà vẫn còn “mê”, chưa tìm ra cái bản lai diện mục của chính mình, để rồi chợt bừng tỉnh chỉ bằng một vài câu nói.
Ở đó, còn là nơi chứng kiến những thăng trầm của Phật giáo gắn liền chặt chẽ với mạt vận thịnh suy của dân tộc qua nhiều chặng đường lịch sử.
Đến Đội gạo lên chùa, chủ đề tôn giáo được đẩy lên mạnh mẽ hơn ở vị trí trung tâm của tác phẩm. Tôn giáo trong tiểu thuyết Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh cũng là Phật giáo, được biểu hiện cụ thể qua hình tượng
ngôi chùa làng Sọ, ngôi làng mà hai chị em chú An vì chạy giặc mà lưu lạc đã được sư cụ cứu vớt cho nương nhờ của Phật.
Phật giáo du nhập vào nước ta vào khoảng đầu Công nguyên, cũng từ đây, các ngôi chùa dần dần mọc lên, cho đến lúc, gần như mỗi làng đều có một ngôi chùa. Việt Nam vốn có câu tục ngữ “đất vua, chùa làng”. Điều này, theo giáo sư Hà Văn Tấn, có nghĩa là ở Việt Nam cũng như nhiều nước phương Đông, trong thời trung đại, toàn bộ đất đai trong cả nước là thuộc quyền sở hữu của nhà vua, còn ngôi chùa thì thuộc về cộng đồng làng xã. Bên cạnh đền, đình thờ thần, chùa Việt Nam là nơi thờ Phật, và trong nhiều trường hợp, thờ cả thần. Có những ngôi chùa lớn do nhà nước bỏ tiền xây dựng, nhưng tuyệt đại đa số, vẫn là ngôi chùa làng.
Ngôi chùa làng tồn hiện trong tác phẩm như một huyền thoại, vừa cụ thể vừa vô hình, với sức sống mãnh liệt, bất chấp biến động lịch sử, bất chấp chiến tranh, đóng vai trò là điểm tựa tâm linh cho con người. Nói như lời của sư cụ khi so sánh: “Tiếng mõ là tiếng nói của đức Phật. Tiếng mõ đánh thức sự tốt lành, đánh thức cái tâm Phật trong mỗi con người. Tiếng mõ đêm khuya vang lên trong làng xóm nói với thế gian rằng Phật luôn luôn ở giữa cuộc đời này...” [37, tr.25]. Cụ thể bởi hiện hữu trong một ngôi chùa nhỏ, ở một làng quê nhỏ bé êm đềm, vừa vô hình bởi đằng sau nó, là thế giới Đạo vừa huyền bí thâm sâu mà lại rất gần gũi với con người trong từng chặng đường đời cụ thể. Bởi “ai cũng có hạt giống Phật trong hồn người Việt” [37, tr.92], tuy “Đạo phải có lúc hiện lúc ẩn. Thuận thì hiện, không thuận thì ẩn.
Tuy nhiên, ẩn chứ không dứt. Đạo vẫn ở trong nhân gian. Đàn ông say mê danh lợi không cần đạo, thì các vị sư sãi và đàn bà làm các vãi giữ lấy đạo không dứt”
Phật giáo gắn với hình ảnh ngôi chùa làng Sọ cho chở con người khi gặp khó khăn, cứu vớt An và Nguyệt khi hoạn nạn, là nơi trở về trong lời dạy
an ủi thân tâm An khi chùa gặp hoạn nạn, sư thầy Vô Úy bị bắt “Nhậm vận thịnh suy vô bố úy” (gặp cảnh đổi thay trên cõi đời, không sợ hãi).... Sống ở cõi nhân gian tức là sống giữa những đau khổ. Không sợ hãi, mới tìm được Niết Bàn. Niết Bàn chẳng ở đâu xa. Nó ở ngay cõi trần gian này” [37, tr.204];
sự tụng niệm “đã làm cho tôi” từ chỗ “cô đơn, sợ hãi và tuyệt vọng trở nên chững chạc và tự tin. Tôi quán tưởng tới Bồ tát từ bi nghìn mắt nghìn tay, thấy ánh hào quang dịu dàng của Người như đương tỏa sáng trong tâm trí tôi. Và tôi về đến huyện hoàn toàn bình yên vô sự” [37, tr.207]. Ngôi chùa ấy thu nhận Vô Trần “cắt tóc đi tu” khi lòng đã nhuốm mùi thiền, con đường tu hành của sư Vô Úy từ khi còn trẻ, cái duyên với nhà chùa của sư Khoan Độ....
Ở trong mỗi trường hợp cụ thể, Phật lại hiện ra qua những lời răn dạy, mỗi triết lý nhà Phật đều ứng dụng trong những trường hợp cụ thể để có một sự an ủi, giải thoát, lý giải nào đó cho con người.
Ngoài câu chuyện về Phật giáo, Đội gạo lên chùa còn là câu chuyện về những vị chân tu, mà những câu chuyện về họ cũng như những huyền thoại.
Nhà sư trụ trì của chùa Sọ được coi như vị Bồ Tát sống “Sư phụ tôi sống rất bình thường, bình thản giữa cuộc đời. Lúc sống cạnh người tôi chưa hiểu ra. Nhưng bây giờ tôi mới hiểu sống như vậy thật khó, và hiểu sống như vậy mới gần được đạo” [37, tr.863]. Ở ông phảng phất cốt cách của một vị tiên ông, một bậc chân tu đã thấu triệt mọi lẽ của Đạo, an nhiên tự tại, mà cuộc đời ông “như đọc một cuốn sách, một cuốn sách sinh động, mà đôi đoạn cứ như truyện cổ tích. Có đoạn rất huyền hoặc, khó mà tưởng tượng nổi” [35, tr.376]. Đặc biệt là câu chuyện của ông với con hổ đằng sau núi Yên Tử “thật là một câu chuyện như huyền thoại của thời hiện đại” [37, tr.81]. Cuộc đời của ông được tác giả lấy như một huyền thoại về sự chân tu, người tu hành đắc đạo.
Vị sư vốn có thật trong lịch sử như vua Trần Thuận Tông cũng được khắc họa bằng bút pháp huyền thoại hóa như một người tu hành có khả năng đặc biệt, khả năng thông nhãn và thấu triệt. Năng lực phi thường này được phát lộ từ lúc Thuận Tông còn nhỏ, khi anh trai là Trang Định Vương Ngạc bị hãm hại bởi những toan tính tranh giành quyền lực chốn cung đình, Thuận Tông đau đầu đến ngất đi trong cơn mê sảng bởi nhìn thấu những điều diễn ra ở nơi khác “Cha ơi! Con vừa gặp anh Ngạc trong cơn mê. Người anh con đầm đìa những máu. Anh giang tay ra lảo đảo về phía con như muốn cầu cứu, đằng sau có một bóng mờ mờ đuổi theo. Miệng anh ta cứ mấp máy như muốn nói điều gì, song con nghe không rõ” [35, tr.380]. Cho đến khi ẩn tu bên núi rừng, bên con vượn nhỏ, “rất tiên phong đạo cốt, giống như một vị tiên. Chỉ có điều, một ông tiên buồn” [35, tr.675], đã vượt qua cái ngưỡng để đạt tới sự an nhiên, hòa đồng, mắt đã nhìn xa được ngoài tầm mắt người trần, đã nhìn thấu lòng người, thì hình ảnh của một vị chân tu nơi hẻo lánh cũng như một huyền thoại.