Chương 2. CÁC DẠNG THỨC YẾU TỐ HUYỀN THOẠI
2.1. Yếu tố huyền thoại bắt nguồn từ tín ngưỡng và truyện kể dân gian
2.1.2. Huyền thoại từ truyện kể dân gian
Bên cạnh không khí linh thiêng đậm sắc màu huyền thoại của tín ngưỡng dân gian mà nhà văn đã dày công xây dựng, thì trong tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn, bóng dáng của truyền thuyết ông Đùng bà Đà cũng góp phần không nhỏ làm nên điểm tựa tâm linh cho thế giới nghệ thuật của tác phẩm, cũng góp phần đem lại những cõi mơ cho đời sống tinh thần của con người nơi đây. Họ tin vào đạo Mẫu, tin và kể cho nhau nghe câu chuyện tình yêu huyền hoặc linh thiêng của ông Đùng bà Đà, lưu truyền từ đời này sang đời khác, thêm thắt niềm tin, thêm dư vị hoang đường mang màu sắc tưởng tượng của mỗi đời. Nguyễn Xuân Khánh không gấp gáp kể lại một lúc, không đặt vào lời kể của một người, mà rất “dền dứ” khi trải dài xuyên suốt cả tác phẩm, như muốn gieo dần niềm tin vào những câu chuyện hoang đường cho người đọc.
Là những gợi mở trong lời kể của người cha cho con gái “Sang bên kia sông, ngọn núi phía đầu dòng là núi Mẫu, trên đó có đền thiêng. Ngọn núi phía dưới đòng là núi Đùng, ở đó có nhiều chuyện lạ” [36, tr.10],
Khi lại thấp thoáng lời kể của người chú cho cháu nghe: “Nhìn ngọn núi cao, Điều hỏi chú:
- Sao lại núi Đùng chú nhỉ?
- Đó là câu chuyện ông Đùng bà Đà, dân ở đây ai chẳng biết. Mà cháu chưa biết sao?
- Cháu biết chứ. Nhưng bọn trẻ vẫn hay thích nhắc lại câu chuyện” [36, tr.54]
Huyền thoại ấy còn nằm trong những lời kể “lấp lửng, ấp úng. Như muốn kể, như muốn không” của những cô gái trẻ: “Chính thật ra, phải gọi ngọn núi này là núi ông Đùng bà Đà mới đúng, song vì muốn tiện gọn nên người ta chỉ gọi là núi ông Đùng”. [36, tr.652]
“Dân làng bảo núi này rất thiêng. Ai mà báng bổ ông Đùng vật chết cho, không chết cũng ốm đau quặt quẹo. Người ta bảo ông Đùng vẫn hiện hồn trên núi. Cả bà Đùng nữa. Hai người khổng lồ. Nhưng thông thường ông bà không hiện nguyên hình. Có lúc chỉ hóa thành đôi thỏ trắng rất xinh làm cho người ta mê đi chạy theo vào rừng rồi bị lạc. Có lúc lại hóa ra con hổ trắng.
Có người bảo gặp con hổ gầm rất to. Anh ta chạy bán sống bán chết về nhà, sau đó ốm liệt giường hàng tháng” [36, tr.643].
Trong tương quan với truyện kể dân gian ông Đùng, bà Đà, nhà văn còn sáng tạo nên một huyền thoại mới từ nguyên bản đó, một “huyền thoại bán – thế tục hóa” [1] trong huyền thoại dân gian. Người đọc dễ nhận thấy bóng dáng của ông Đùng bà Đà trong câu chuyện nhuốm màu huyền thoại của anh Mường Rồ và cô Ngơ, hai nhân vật được xây dựng bởi những nét vẽ phóng đại quá kích cỡ bình thường. Và việc xua đuổi của người dân làng Cổ Đình cũng đặt ra như một phản đề với câu chuyện xưa, bóng dáng huyền thoại đời xưa, đan cài trong truyện đời nay, một huyền thoại đời thường đầy khéo léo và gửi gắm nhiều ý nghĩa giải thiêng.
Có thể nói với truyện kể dân gian ông Đùng, bà Đà khi huyền thoại hóa trong Mẫu Thượng Ngàn, “cái lõi sự thực lịch sử” (Phạm Văn Đồng) đã được làm nhòe, làm mờ, không xác định thời điểm nào, chỉ căn cứ vào đã hình thành dân tộc, hình thành đơn vị làng, mà thay vào đó là gia tăng rất nhiều “lý tưởng hóa”, gửi gắm rất nhiều “tâm tình thiết tha cùng với thơ và mộng”
(Phạm Văn Đồng), lại phảng phất nguồn gốc thế tục mang màu sắc cổ tích:
“có hai vợ chồng già sinh được hai người con, một trai một gái” [36, tr.652]
cùng với chất thiêng vốn dĩ phù hợp với chất thơ của huyền thoại. “Huyền thoại này không được đưa vào tiểu thuyết ở hình trạng vẹn nguyên của nó, mà bị cắt rời ra nhiều mảnh và được xâu chuỗi lại theo một tuyến tính mới dọc theo tác phẩm” [65]. Ở đó có sự tích hợp của không chỉ một mà nhiều lớp huyền thoại, từ huyền thoại về hai vị thần khổng lồ sáng tạo nên vũ trụ, thấy dấu ấn của hình ảnh hai người anh em ruột sống sót sau trận đại hồng thủy gắn kết với nhau, thấy dấu vết của huyền thoại Nữ Oa…“theo một kiểu logic mới, tạo cho câu chuyện cổ một dáng dấp vừa quen thuộc vừa khác lạ” [65].
Và cũng ở chính việc sử dụng huyền thoại dân gian này, Nguyễn Xuân Khánh cũng đồng thời thể hiện ý thức trộn lẫn huyền thoại và giải huyền thoại. Bởi xen lẫn những lớp lang huyền thoại mà truyện kể dân gian ấy luôn là một ý thức giải huyền thoại rõ nét. Huyền tích ông Đùng bà Đà giải huyền thoại bằng nghi lễ đốt xác, câu chuyện bán thế tục của anh Mường Rồ và cô Ngơ cũng được giải huyền thoại bằng viêc xua đuổi, đòi bắn chết của dân làng Cổ Đình. Cũng vì thế, qua những trang tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh người đọc không chỉ nhận ra sức mạnh của văn hóa làng như là nền tảng của văn hóa Việt trong trường kỳ lịch sử, mà còn thấy được cả mặt lạc hậu hạn chế của nó mà cuộc sống cần vượt qua.
Với mẫu gốc là Mẫu, là văn hóa Việt, thế nhưng trong Mẫu Thượng Ngàn, nhà văn cũng để tâm từng chi tiết nhỏ để tạo dựng không chỉ là bề rộng của những nghi lễ văn hóa phong tục xum xuê trong tác phẩm, mà còn để cho những hình ảnh, những câu chuyện từ trong văn hóa dân gian tạo nên độ sâu hun hút của nhiều trường nghĩa. Từ trong kho tàng của văn hóa dân gian, nhà văn tìm thấy và chủ ý rải trong tác phẩm “những câu chuyện hoang đường nhưng thú vị” [36, tr.69].
Có khi là câu chuyện về cô Chín đền Sòng “Cô Chín là người hầu thân cận của Mẫu. Ở đền Sòng có một câu cổ thụ; gốc nó to người ôm không xuể.
Bóng mát của nó tỏa rộng… Cô Chín là thánh là tiên, chứ đâu phải là chim.
Nhưng cũng có lúc cô hóa thành con vàng anh, con bách thanh chúa của loài chim. Cô chẳng mọc cánh mà vẫn biết bay…. Cô chín hát hay đàn ngọt. Cô lại biết cả thêu thùa” [36, tr.69].
Những câu chuyện về “các cô ngự về làng chơi” bên gốc đa cũng khiến đứa trẻ như Nhụ cũng cảm thấy hấp dẫn và tò mò về sự linh thiêng huyền hoặc của nó: “đó là những người đàn bà chết trẻ, hoặc chết oan khuất. Các cô được sung vào làm lính. Các cô đồng trinh thì được đưa hầu Thánh Mẫu ở đền bên kia sông. Còn những bà nạ dòng thì được đưa ra đây hầu hạ vị đại thụ linh thần. Các cô thường đánh võng trên cây đa, đưa tít bổng lên trời. Có đêm thanh vắng, trong làng cũng nghe thấy tiếng kẽo kẹt, và cả tiếng ru con véo von thánh thót. Lúc ấy chó cũng không dám sủa, còn người thì dựng tóc gáy.
- Đã bao giờ anh trông thấy các cô chưa?
- Rồi! Một buổi tinh mơ, anh đi nhấc đó đơm cá, ra đi lúc trời còn tối mịt.
Qua gốc đa, anh nín thở, cắm đầu cắm cổ chạy cho mau. Thấy ở gốc cây đa, nhô ra ba cái bóng: một áo vàng, một áo đỏ, một áo xanh. Các cô tha thướt như bay. Ba cô đều vấn tóc bỏ đuôi gà, hai tay vung vẩy thẽo thượt. Thế là anh ba chân bốn cẳng ù té chạy, không dám quay đầu lại. Còn nghe rõ tiếng cười khúc khích. Nhưng suy cho cùng, có hề gì đâu. Bởi vì các cô là quần hầu của thánh của thần, đời nào các cô làm hại ai, chỉ là thích chọc ghẹo người trần gian cho vui, những khi nhàn rỗi. Các cô dứt khoát không phải là ma”
[36, tr.223].
Nếu coi đạo Mẫu đóng vai trò xương sống tâm linh của tác phẩm dẫn dắt đời sống tinh thần của không chỉ là cộng đồng làng Cổ Đình, mà còn cả độc giả, thì cùng với huyền thoại ông Đùng bà Đà, nhiều câu chuyện “hoang đường nhưng thú vị” được đan cài suốt chiều dọc của Mẫu Thượng Ngàn hay
điểm xuyết trong Hồ Quý Ly lại là những chốn nghỉ chân trong trí tưởng tượng và hồi ức trong chặng đường tiếp cận “bữa tiệc văn hóa”, giao tranh lịch sử phong phú và đầy bí ẩn của những cuốn tiểu thuyết này.
Như vậy, đặt ra vấn đề về sự tồn vong của bản sắc văn hóa dân tộc trong Mẫu Thượng Ngàn, nhà văn đã để nhiều tâm huyết xây dựng một sức mạnh văn hóa đủ sức đối chọi để giữ được chính mình trong cuộc giao lưu văn hóa nông thôn bản địa và văn hóa phương Tây. Sức mạnh của văn hóa làng mà “lão mai” Nguyễn Xuân Khánh dày công cố kết không phải chỉ bằng việc “sử dụng tất cả kinh nghiệm về làng quê, về văn hóa làng của mình” [4], mà còn huy động những nhân vật, những hình ảnh không chỉ có hiện hữu trong lý trí mà có khi “bật ra từ kí ức” [4], từ vô thức xa xăm, dựa vào sức mạnh của huyền thoại từ trong văn hóa dân gian của dân tộc, có khi là tín ngưỡng dân gian được miêu tả và xây dựng theo tư duy huyền thoại và giải huyền thoại rõ nét, có khi là những câu chuyện kể với ý thức hoang đường hóa, truyền thuyết dân gian “lồng trong truyện” khéo léo và ý nghĩa trong những hình ảnh đầy chất biểu trưng, bằng những con người bình thường có mặt ở mỗi ngôi làng, mỗi xóm nhỏ trong đời sống dân gian. Và Nguyễn Xuân Khánh đã để cho giấc mơ của mọi nền văn hóa “Huyền thoại là tất cả những gì mà một nền văn hóa mong muốn và có thể biến thành huyền thoại” (Daniel - Henri Pageaux) như đã có lần nhắc ở trên được sống lại một lần nữa đầy mãnh liệt trong thiên tiểu thuyết này.