Thời gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu Yếu tố huyền thoại trong tiểu thuyết nguyễn xuân khánh (Trang 93 - 96)

Chương 2. CÁC DẠNG THỨC YẾU TỐ HUYỀN THOẠI

3.2. Không - thời gian nghệ thuật

3.2.2. Thời gian nghệ thuật

Thời gian nghệ thuật là “hình thức của hình tượng nghệ thuật” (Trần Đình Sử - Dẫn luận thi pháp học), hình thức ấy thể hiện ý thức sáng tạo của người nghệ sĩ, bởi thời gian nhanh hay chậm, ngắn hay dài, bươn bả về quá khứ hay tìm về hiện tại, hướng tới tương lai, nó đều mang đậm dấu ấn chủ quan sắp xếp của nhà văn trong đó. Do vậy, nó không đơn thuần là cái dùng để chỉ giờ, hay ngày tháng, chỉ năm hoặc mùa, mà nó mang tính nghệ thuật, bởi nói không quá thì “văn học là nghệ thuật thời gian” (Trần Đình Sử), để cùng với không gian nghệ thuật, nhà văn có thể tự do mà thể nghiệm mọi chiều kích, mọi sáng tạo của cuộc sống và nghệ thuật. Và cũng vì thế, sự linh hoạt trong chiều hướng không gian, hay nhịp điệu vận động của thời gian

nghệ thuật, chính là thử thách bản lĩnh và tài năng của người nghệ sĩ đích thực.

Không che giấu tham vọng gửi gắm vào tiểu thuyết những luận đề, những thông điệp lớn lao về số phận của đất nước và dân tộc, về sự trường tồn của văn hóa, lịch sử, tôn giáo trong đời sống tinh thần hiện đại, Nguyễn Xuân Khánh rất có ý thức trong việc lựa chọn những thời điểm lịch sử “tranh tối tranh sáng”, những “hoàn cảnh cực đoan nhất” [50] mà theo ông là có thể

“bộc lộ chất Việt Nam rõ rệt” [70], đó là những mốc thời gian “không phải là quá khứ hào hùng hay thái bình thịnh trị mà là một giai đoạn rất phức tạp”

[48, tr. 50]. Những “giai đoạn giao thời”, “giao tranh mới - cũ” ấy được tương hợp với nhiều không gian đắc địa mở ra thế giới nghệ thuật đặc sắc cho tác phẩm. Nếu như Hồ Quý Ly là những biến động thượng lưu trong một giai đoạn sóng gió của lịch sử dân tộc cuối Trần đầu Hồ, khi là biến động xã hội và tôn giáo từ kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ trong Đội gạo lên chùa, thì Mẫu Thượng Ngàn, nhà văn đề cập đến biến động văn hóa trong tình thế giao tranh và đụng độ với sự xâm nhập của văn hóa Phương Tây, cụ thể là văn hóa Pháp. Trong thời điểm, bối cảnh chung đó, nhà văn có nhiều sáng tạo nghệ thuật đặc sắc trong việc xử lý thời gian nghệ thuật của tác phẩm.

Tiểu thuyết thông thường thường có hai kiểu thời gian: thời gian tuyến tính và thời gian tâm lý. Từ Hồ Quý Ly đến Đội gạo lên chùa cho đến Mẫu Thượng Ngàn, cách kết cấu của tác giả tưởng như rất truyền thống về mặt thời gian, nhưng ở đó, đã kết hợp cả yếu tố hiện đại.

Khi nhà văn miêu tả hiện thực quá khứ gắn với huyền thoại, thì yếu tố thời gian đã kết hợp giữa thời gian vật lí, thời gian lịch sử và thời gian tâm lí.

Làng Cổ đình trong tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn với hình tượng cây đa có từ lâu đời, nhưng hiện lên lúc nhân vật Trịnh Huyền hiện lên sau 20

năm cách biệt, bỗng dưng một sự vật trong quá khứ hiện về trong hiện tại, nhưng tất cả người dân cổ đình ai cũng nhìn nó rất thiêng liêng, thì bỗng dưng sự vật đó hòa quyện trong thời gian tâm tưởng.

Hai chị em Nguyệt và An (Đội gạo lên chùa) hồi ức lại cuộc lưu lạc của mình: thời gian hồi ức, nhưng từ lưu lạc đó đến việc lớn lên của hai chị em thì bắt gặp cả thời gian lịch sử, thời gian cách mạng

Trở lại với tiểu thuyết Hồ Quý Ly, rõ ràng toàn bộ là viết về thời gian quá khứ, nhưng huyền thoại về con người cải cách nổi tiếng này làm cho người đọc suy nghĩ về số phận của nhân vật lịch sử đi tiên phong trong các công cuộc cải cách của đất nước, và hiểu nhân vật lịch sử như thế nào là một cách đối thoại của tác giả với công cuộc đổi mới hôm nay. Như vậy thời gian nghệ thuật ở đây là kéo quá khứ về với thời gian hiện tại. Và không phải ngẫu nhiên mà tiểu thuyết Hồ Quý Ly ra đời vào thời điểm kỷ niệm 990 nămThăng Long – Hà Nội.

Mặt khác, với lối kể truyện xuyên suốt cả ba tác phẩm là truyện lồng truyện, dường như Nguyễn Xuân Khánh đã vừa là nhà lịch sử, nhà biên khảo Folklore, vừa là nhà tiểu thuyết. Vì vậy một trong những nét nổi bật của cách tổ chức không thời gian nghệ thuật trong ba tác phẩm là nghệ thuật lắp ghép của nhà văn. Ví dụ tiểu thuyết Hồ Quý Ly: mở đầu là Hội thề Đồng Cổ như hồi ức về một quá vãng vàng son của vương triều Trần, thì đến chương 2, tưởng chừng như đứt mạch để nói về Hồ Nguyên Trừng... Như vậy, từng mảng đời sống khi đặt trong sáng tạo nghệ thuật, được liên kết được với nhau bằng tưởng tượng của con người thì bỗng nhiên tạo nên không khí huyền thoại cho tác phẩm cả về mặt không gian lẫn thời gian.

Không - thời gian trong ba cuốn tiểu thuyết vừa mang được những dáng vẻ riêng, vừa có những đặc điểm thống nhất biểu hiện cá tính sáng tạo của nhà tiểu thuyết... Chẳng hạn, không gian trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly vốn

là không gian lịch sử, nhưng có sự hòa quyện của không gian tâm trạng của nhân vật Hồ Quý Ly cũng như các nhân vật khác để làm nổi bật tính chất tiểu thuyết của tác phẩm.

Không – thời gian trong tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn đầy ắp vẻ đẹp văn hóa dân gian, nhưng cũng không tách rời với không khí của thời điểm lịch sử thực dân Pháp sau “bình định” đã bắt đầu chiếm đất đề khai thác thuộc địa . Trong tiểu thuyết Đội gạo lên chùa hòa quyện giữa đạo và đời, biểu hiện sự gắn bó số phận của ngôi chùa Sọ với người dân trong làng, nằm trong số phận chung của cả dân tộc qua hai cuộc kháng chiến và những biến động lớn của xã hội.

Như vậy, xuyên suốt ba tác phẩm này, người đọc còn thấy được nét đẹp chung vừa truyền thống vừa hiện đại qua phong cách văn xuôi Nguyễn Xuân Khánh. Nét truyền thống ấy là ở đâu cũng bắt gặp một không gian văn hóa thấm đẫm hồn Việt trong khát vọng đổi mới của nhà văn; ở chất trữ tình của một ngòi bút hướng tới vẻ đẹp của những truyền thuyết dân gian; đồng thời vẻ đẹp hiện đại còn thể hiện không chỉ ở yếu tố huyền thoại mà còn có cả giải huyền thoại. Bên cạnh không - thời gian lịch sử, không thời gian đời người, không - thời gian hiện hữu, còn có không thời gian của thế giới tâm linh, của trạng thái vô thức. Phải nói là ngòi bút Nguyễn Xuân Khánh có tài dựng nên những không - thời gian vừa thực, vừa mơ màng, vừa giàu chất tiểu thuyết vì luôn dựng cảnh gắn với cái nhìn của chính nhân vật.

Không quan sát, không tinh tế cảm nhận qua tưởng tượng không thể tạo được một không - thời gian bằng ngôn từ sống động như một thế giới huyền thoại như vậy.

Một phần của tài liệu Yếu tố huyền thoại trong tiểu thuyết nguyễn xuân khánh (Trang 93 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)