Không gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu Yếu tố huyền thoại trong tiểu thuyết nguyễn xuân khánh (Trang 87 - 93)

Chương 2. CÁC DẠNG THỨC YẾU TỐ HUYỀN THOẠI

3.2. Không - thời gian nghệ thuật

3.2.1. Không gian nghệ thuật

Nói một cách khái quát, không gian thời gian nghệ thuật trong tác phẩm là những hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật tác phẩm ấy. Hay nói cách khác, nó là không gian, thời gian trong đời sống nhưng đã được tái tạo lại thông qua quan niệm nghệ thuật của nhà văn. Vì vậy không gian và thời gian nghệ thuật mang những đặc điểm riêng, được nhìn nhận cụ thể dưới góc độ thi pháp học.

Không gian nghệ thuật là khái niệm để chỉ một yếu tố thuộc hình thức của tác phẩm, là một hình tượng nghệ thuật. Nó được hình thành thông qua sự mô tả trực tiếp của nhà văn, thông qua cảm nhận của nhà văn về thế giới hoặc được xuất hiện bởi cách quan sát, chỗ đứng, khoảng cách giữa nhà văn và nhân vật, đối tượng miêu tả. Không gian thuật là môi trường, là hoàn cảnh dung dưỡng cuộc sống của nhân vật, là nơi xảy ra hoạt động của nhân vật.

Hiểu như vậy, không gian nghệ thuật được xem như một hình tượng nghệ thuật tạo môi trường, tạo ra hoàn cảnh để nhân vật hành động, bộc lộ cảm xúc, tính cách của mình. Khác với không gian ngoài đời sống, không gian nghệ thuật vừa mang tính đa chiều vì nó vừa mang dấu ấn của không gian đời thực nhưng đồng thời cũng là sản phẩm trí tưởng tượng của cá nhân,

vì thế không giới hạn về chiều kích; nhưng vừa có thể dung hợp, làm nhòe giữa thời gian và không gian để phục vụ cho ý đồ, tư tưởng nghệ thuật của nhà văn.

Khảo sát thế giới nghệ thuật Nguyễn Xuân Khánh qua ba tác phẩm, nhiều không gian được tác giả xác lập phong phú và sống động. Mà nổi bật là không gian lịch sử, không gian văn hóa, không gian đời tư, không gian tâm tưởng. Mà ở đó, nhà văn ý thức rõ rệt trong việc nối nhiều chiều không gian, không tách bạch những không gian khác nhau để tạo ra huyền thoại. Trước hết, đó là không gian thực phong phú được hòa quyện nhiều loại không gian:

có không gian địa lý, không gian địa lý (làng), không gian hiện thực (hợp tác xã, cải cách ruộng đất, chiến trận, khai thác đồn điền),

Đã hơn một lần nhà văn của văn hóa và lịch sử nhắc đến sức ám ảnh của nguồn mạch văn hóa dân gian mang tính huyền thoại là tiền đề và cảm hứng cho sáng tác. Hầu như không có không gian đô thị, nhà văn thủy chung với văn hóa làng. Đó là ngôi làng, vốn là hình ảnh nằm lòng trong tâm thức người Việt, với một đất nước gắn bó sâu bền với làng xã. Nếu trong văn xuôi Việt Nam đương đại ta đã từng bắt gặp làng Giếng Chùa trong Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, làng Đông trong Bến không chồng của Dương Hướng, xóm Nhài với “cả cánh đồng hực lên mùi hương đất nồng nàn” trong Những bài học nông thôn của Nguyễn Huy Thiệp, xóm nhỏ trong Hiu hiu gió bấc của Nguyễn Ngọc Tư…, thì trong Mẫu Thượng Ngàn, cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, vốn được phát triển từ Làng nghèo (tiểu thuyết viết năm 1959, chưa xuất bản) nhưng đã “mở rộng vấn đề ra nhiều hơn”, người đọc lại bắt gặp hình ảnh ngôi làng Cổ Đình, còn là làng Sọ trong Đội gạo lên chùa – những không gian văn hóa thuần Việt đầy ắp yếu tố huyền thoại. Để ở đó, những mẫu gốc từ trong tín ngưỡng của vô thức tập thể dân

gian được sống dậy phong phú và sống động trong thế giới nghệ thuật Nguyễn Xuân Khánh.

Đó còn là những vùng quê dân dã, bình dị, quen thuộc với nếp sống Việt, ngôi làng Việt từ bao đời, là không gian kỉ niệm đong đầy bao nỗi nhớ.

Đó có thể là vườn thuốc của cụ Phạm đã tắm tâm hồn của Hồ Nguyên Trừng từ tuổi bé thơ, với việc ông: "…sưu tầm cây thuốc ở khắp nơi đem về trồng thêm, thành thử trại thuốc đã biến thành một rừng cây. Nhưng phần lớn cây thuốc lại là những cây hoa nên trại của nhà họ Phạm đã trở thành một vườn hoa lạ. Ta gặp ở đây dáng dấp một hoa viên dân dã, hoang dại. Vắt ngang dòng nước nhỏ, có cây cầu đá rồi tiếp tới một đường hòe. Sau ao sen là một rừng bàng lá đỏ. Ở một góc trại là bãi lau trắng để nuôi loại sâu tên gọi

"đông trùng dạ thảo". Dọc bờ khe nước, những luống rau diếp dại, bồ công anh, rau vòi voi, cây cỏ xước, cây xấu hổ tía..." [35, tr.27]. Là cảnh nhà Thanh Mai gắn với những mảnh vườn bên bờ sông Tô Lịch qua cảm nhận của chàng trai quý tộc đa tình Hồ Nguyên Trừng: " Nhà Thanh Mai kia rồi. Một dãy hàng rào dâm bụt lô xô. Cái cổng gạch của khép hờ, bên trên bò lan một cụm xương rồng đang mùa hoa nở. Loại xương rồng có hoa rất lớn màu trắng ngà, đêm xuống, hoa phun hương thơm ngát một vùng. Tôi hít mạnh thứ hương ngạt ngào ấy vào trong lồng ngực. Thứ hương ấy quyện vào men rượu làm lòng tôi càng thêm say" [35, tr.346]. Không phải là không có lý, khi nói về Thanh Mai, Nguyễn Xuân Khánh lại chọn hoa xương rồng, hoa dâm bụt.

Đó là những loài hoa dân giã ấy vốn thường gắn với con người và phong cảnh làng quê Việt. Hoặc những phong cảnh khác mang vẻ đẹp truyền thống văn hóa của kinh thành Thăng Long, của đất nước tạo nên những không gian gắn với nhân vật mà người đọc khó quên, như vườn mai của thượng tướng Trần Khát Chân ở ngoại thành Thăng Long, cảnh cây lá, chim muông trong vườn

thượng uyển, cảnh thiên nhiên bao quanh các ngôi chùa, cảnh đường về Bình Than, đường lên Yên Tử...

Có những không gian văn hóa, không gian phong tục tập quán: Hội thề Đồng Cổ, Hội thề Đốn Sơn (Hồ Quý Ly); không gian lễ hội: lễ hội làng Kẻ Đình (Mẫu Thượng Ngàn)

Đồng thời cũng có những không gian thực gắn với nhiều hiện thực lịch sử: không gian của những cuộc khai thác đồn điền (Mẫu Thượng Ngàn), không gian của hợp tác xã nơi diễn ra những cuộc đấu tố thời kì cải cách ruộng đất (Đội gạo lên chùa), không gian chiến trận khi An đi bộ đội gắn với những cánh rừng.

Thế nhưng, ở chỗ nào, nhà văn cũng có ý thức hòa quyện nhiều loại không gian, cũng bắt gặp cả miền không gian hoài niệm giàu trí tưởng tượng của nhà văn, không gian tâm linh. Có thể nói rằng, tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh từ Hồ Quý Ly, đến Mẫu Thượng Ngàn, cho đến Đội gạo lên chùa, bao quát một phạm vi hiện thực rộng lớn, nhưng ở đó, người đọc bắt gặp một nét chung đó là không gian lịch sử, không gian hoài niệm. Mà khi nói đến không gian lịch sử, không gian hoài niệm, không gian tâm linh thì nhà văn phải dùng sức mạnh của trí tưởng tượng, vốn là thứ gắn vốn với khát vọng mở rộng chiều kích của tác phẩm. Đó chính là không gian giàu tính huyền thoại. (tín ngưỡng của người dân việt, truyền thuyết về lịch sử, quan niệm về tôn giáo...). Nói cách khác, nhà văn đã tạo dựng một không gian nghệ thuật giàu bản sắc văn hóa Việt để cho nhân vật của mình đi lại trong không gian ấy.

Có những khi lạc bước trong không gian của những câu chuyện cổ gợi lên cả trường liên tưởng. Những câu chuyện, truyền thuyết dân gian như Cô Chín, Cô Bé trong Mẫu Thượng Ngàn, Cáo chín đuôi trong Hồ Quý Ly cũng được xem như những “thành phần xen” trong cốt truyện (cách gọi của Trần

Đình Sử), được ví như thành phần trạng ngữ, “nằm ở giữa các sự kiện”, “là phần phụ nhưng không thể thiếu, bởi chúng làm nên hơi thở, không khí, linh hồn và sự sống cho tác phẩm” [59, tr.257]. Câu chuyện về cô Chín, câu chuyện về ngựa ngài, câu chuyện về thần cẩu…, nối dài đời sống truyện, “mở rộng chiều kích sự kiện, mang lại những thông tin mới về lịch sử, về văn hóa, chiều sâu tâm hồn người. Mỗi sinh thể là một truyện ngắn “lồng trong tiểu thuyết” [32], “soi sáng lẫn nhau và cắt nghĩa lẫn nhau trong khi cùng khảo sát một chủ đề duy nhất”. Những “truyện ngắn” “lồng trong tiểu thuyết này” góp phần trực tiếp xây đắp niềm tin vào sức mạnh của biểu tượng Mẫu, đồng thời cũng khiến người ta lạc bước một cách thích thú trong những sinh mệnh huyền thoại văn chương riêng, có hồn, có đời sống và cội nguồn văn hóa riêng của nó. Không chỉ làm giàu cho sự trường lực của tiểu thuyết, mà hơn thế chứng tỏ nội lực văn hóa, kiến văn, sự nắm chắc quy luật, tinh thần của nghệ thuật tiểu thuyết được tích lũy trong ngòi bút thâm trầm và đầy trải nghiệm Nguyễn Xuân Khánh. Đó cũng là khát vọng ngàn đời thoát khỏi “cấu trúc một dòng” để vươn tới diện mạo “đa âm” [32] của tiểu thuyết hiện đại, trùng khít với tính đa âm của huyền thoại.

Vừa lạc bước trong không gian tâm tưởng nối liền hai thế giới thực và ảo. Bà cụ Thầm (Đội gạo lên chùa) cũng đóng vai trò như là “sứ giả của cả hai cõi, đã nối liền cõi dương và cõi âm” [37, tr.155], luôn “nhắc toàn những chuyện đời xưa mà cả làng chẳng còn mấy người nhớ, nhất là chuyện những người cõi âm, những người đã chết” [37, tr.21], bà kể những câu chuyện cổ tích buồn về người âm, câu chuyện về số phận của những người con gái có số phận hẩm hiu phải trẫm mình nơi sông nước:“Đấy, cô Thắm đấy! Cô đang bay vào nhà. Cô ấy vẫn nhởn nhơ như như thời con gái. Cái yếm đào này.

Chiếc khăn vấn nâu non này. Chiếc hầu bao hoa lý này. Ái chà! Cả chiếc váy sồi lướt thướt”. Đêm đêm bà vẫn “nhìn những con đom đóm mới bay vào

nhà” và tiếp tục những câu chuyện đối thoại với cõi âm của bà: “Thắm ơi!

Thắm đấy à? Có phải lúc nãy mày vừa khóc thút thít đấy không? Sao đến tận bây giờ mà mày vẫn khóc?” [37, tr.22]. Bà đóng vai trò như sứ giả của cõi âm, trao đổi thông điệp của thế giới thần linh, quỷ dữ cho con người hiện tại, bà dặn dò Nguyệt: “Này… ta bảo cho mà biết… Đến cả lũ ma quỷ trong làng cũng phải lòng mày hết rồi… Ta đã bảo đừng có ra sông Đào mà giặt váy sống. Ở đấy có lão đánh dậm chết trôi. Nó là đứa háo sắc. Xưa kia, tay đánh dậm lợi dụng mưa gió hiếp một cô gái làng. Nó bị người ta đánh chết rồi vứt xác xuống sông”. [37, tr.154], “Ta nói cho mà biết. Hôm xưa cô đi làm đồng về. Ta thấy con ma nam theo cô về tới cổng chùa...” [37, tr.155]. Bà dự cảm trước được số phận cay đắng của Nguyệt [37, tr.158] qua giấc mộng, và khi mất đi, cũng quay trở về báo mộng cho con cháu mình.

Có những không gian ma mị, hư ảo hòa quyện đến mức không thể tách bạch như không gian Nhụ lạc vào khi lâm vào hoàn cảnh khốn cùng: “Rõ ràng là một người đàn bà với mớ tóc dài để xõa và chiếc áo trắng thùng thình, tay áo thụng che kín bàn tay. Cả cái váy cũng màu trắng và che kín bàn chân. Cái bóng trắng ấy đứng lơ lửng chân không chạm đất” [36, tr.794].

“cái bóng trắng đang giơ cao tay áo thụng như vẫy gọi…Người đàn bà áo tơi như bị mê ngủ. Người đàn bà áo tơi như bị thôi miên. Cái bóng trắng như ẩn như hiện. Nó dẫn chị ta lội bì bõm trong những đám ruộng nước. Nó dẫn chị ta leo lên những ngọn đồi, rồi xuống bãi cát bên bờ con sông Son. Người đàn bà áo tơi sở dĩ bị thôi miên, vì trong đầu chị đang thủ thỉ một tiếng nói: “Ta biết con đang vô cùng thất vọng. Lúc nãy, con khóc như mưa như gió, sao lúc này con chẳng khóc nữa đi. Khóc cho vơi nhẹ. Con đang nghĩ gì vậy?...Ồ không,…Một chiếc thuyền nan không người đang bập bềnh bên mé sông. Cái bóng trắng dẫn dụ chị ta đến đó. Rồi cái bóng trắng đi lơ lửng trên mặt nước, dắt con thuyền qua sông. Người đàn bà áo tơi vẫn như mê ngủ. Cũng chẳng

hiểu sao chị còn biết cầm chiếc mái chèo mà bơi đi sang bờ bên kia. Cũng chẳng biết chị đã lần mò thế nào mà cuối cùng cũng tới được núi Mẫu” [36, tr. 795].

Cũng có những không gian của tâm trạng, không gian để nhân vật đối diện với chính bản thể của mình. Không gian mật thất của Hồ Quý Ly khi đối diện và đồng hành với nỗi cô đơn. Tác giả đã dành hai chương để nói về "Một ngày của thái sư” (Chương IX và Chương X). Suốt cả tác phẩm, cũng như trong hai chương ấy, Hồ Quý Ly luôn hiện lên như một thân phận cô đơn. Với Hồ Quý Ly - nhân vật trung tâm của tiểu thuyết Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, nỗi cô đơn là bạn đồng hành.

Cùng với không gian hiện thực, việc mở ra chiều không gian tâm linh với ý thức “xếp đặt một cách thản nhiên” thực và ảo vốn là cách thức huyền thoại của văn học hiện đại, tất cả những không gian đó đều khơi gợi ám ảnh, qua ngòi bút tưởng tượng của nhà văn, đều thấm đẫm huyền thoại, và cộng hưởng với thời gian để mở rộng chiều kích không - thời gian đưa yếu tố huyền thoại xâm nhập vào tác phẩm.

Một phần của tài liệu Yếu tố huyền thoại trong tiểu thuyết nguyễn xuân khánh (Trang 87 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)