Chương 2. CÁC DẠNG THỨC YẾU TỐ HUYỀN THOẠI
2.3. Yếu tố huyền thoại bắt nguồn từ tôn giáo
2.3.2. Huyền thoại và giải huyền thoại qua sự biến hóa linh hoạt giữa Đạo và Đời
Chủ ý sắp xếp các sự kiện lịch sử nổi bật của thế kỉ XX, “phủ ập liên tiếp những biến động xã hội, biến động lịch sử đặt trong tương quan đối sánh với sự tồn tại của Phật giáo làng quê”. Trong đó, ngôi chùa làng Sọ tuy nhỏ bé, nhưng lại hiện diện với tư cách chứng nhân, có mặt và dùng đời sống tâm linh, dùng những giáo lý nhà Phật để can dự, để hóa giải tất cả mọi diễn biến bằng những quy luật riêng của mình. Không phải như một tôn giáo đứng ngoài đời sống, dùng lý thuyết để răn dạy cuộc đời, mà đạo Phật cũng như sinh thể sống, bị tác động bởi biến thiên lịch sử, biến hóa nhuần nhụy, linh hoạt “dĩ bất biến ứng vạn biến” trong từng trường hợp cụ thể.
Nếu Thiên chúa giáo nói đến Thiên đàng, thì Phật giáo lại nói đến Niết bàn như khái niệm dùng để chỉ cõi hư vô diệt tịch, là mục đích tu hành cứu cánh của mọi trường phái Phật giáo. Bản thân tính hư vô, mơ hồ, không xác định của nó đã mang tính huyền thoại, bởi không ai biết như thế nào để mà mô tả một cách minh xác, nhưng hòa thượng Vô Úy, trước câu hỏi phản biện của thầy giáo Hải đã không trả lời bằng thuyết lý mà bằng một câu chuyện ngày xưa, tức là đưa người đọc về với huyền thoại bằng không gian cổ tích với một câu chuyện mang sắc màu huyền thoại:
“Ngày xưa, ở nước Nhật, có một chàng võ sĩ samurai ...
Hóa ra Niết bàn và Địa ngục nằm ngay trong cuộc đời này. Một hành động từ bi, một giây chánh niệm, lập tức Niết bàn mở ra với ta. Còn trái lại, một giây sau, ta lại sa vào hỏa ngục” [37, tr.326]
Không hề cứng nhắc, mà tư tưởng đạo Phật trong Đội gạo lên chùa biến hóa nhuần nhuyễn giữa Đạo và Đời, mở đầu tác phẩm, Nguyễn Xuân Khánh đã trích bài Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông làm đề từ :
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên, Cơ tắc thực, hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo, hưu tầm mịch, Đối cảnh vô tâm, mạc vẫn Thiền.
(Ở cõi trần vui với Đạo cũng tùy duyên, Đói thì ăn, hề mệt thì ngủ liền.
Trong nhà sẵn báu, tìm đâu nữa, Đối cảnh vô tâm, hỏi chi Thiền.)
Hai chữ “tùy duyên” này sư Vô Trụ trước khi thị tịch đã từng gửi lại như một lời nhắc nhở với Nguyên Trừng (tiểu thuyết Hồ Quý Ly), thì trong Đội gạo lên chùa, chính lời đề từ đó được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong
suốt tác phẩm, đã tạo không khí Thiền cho cuốn tiểu thuyết này. Đồng thời lựa chọn tên Đội gạo lên chùa, người đọc không khỏi liên tưởng đến câu đầu của một bài ca dao quen thuộc:
Ba cô đội gạo lên chùa...
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
“Mỗi thời mỗi khác, phải biết tùy duyên. Đạo Phật đang sống ở thời mới, nên người tu hành cũng phải hiểu cái thời mới như thế nào”
Phải chăng, từ sự đánh thức những liên tưởng ấy, tác giả - nhà văn còn muốn nói đến sự hòa quyện gần gũi giữa đạo và đời. Bởi vì, từ trong đời sống văn hóa Việt Nam, “đạo Phật thân thiết với người Việt Nam đến nỗi dường như một người Việt nếu không theo một tôn giáo nào khác thì ắt là theo Phật hoặc chí ít là cảm tình với đạo Phật.” [64, tr.326]. Và cũng chính vì thế, mà ngôi chùa với người Việt vừa là nơi thờ cúng thiêng liêng nhưng cũng rất gần gũi. Hướng đạo để giữ tâm trong chứ không phải để xa lánh cuộc đời mà quên đi những nghĩa vụ của mình trong cuộc sống. Cũng phải chăng vì thế, mà Nguyễn Xuân Khánh nhiều lần để cho nhân vật của mình hoàn tục, như đạo không đứt lìa sợi dây liên hệ với cuộc đời. Thiên nhiên tăng Phạm Sư Ôn (tiểu thuyết Hồ Quý Ly) hoàn tục vì mối tình với cô Sáo, cũng vì vậy mà có một người anh hùng vẫy vùng thiên hạ “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”; sư Vô Trần (tiểu thuyết Đội gạo lên chùa) hoàn tục, vì vậy mà có nhà sư cách mạng tài giỏi, An (Đội gạo lên chùa) hoàn tục để trọn nghĩa tình với Huệ...Cũng đã gửi gắm ý nghĩa nhân bản mà nhà văn để cho nhân vật sư Vô Úy răn dạy học trò của mình: “Phật giáo là một lối sống. Ta có thể tu ở mọi lúc và mọi nơi” [37, tr.858]. Và ý nghĩa giải huyền thoại ngay trong huyền thoại của nhà văn cũng chính ở mối quan hệ biến hóa linh hoạt này.
Xuyên suốt cả ba cuốn tiểu thuyết, một trong những đặc điểm nổi bật của thế giới nghệ thuật Nguyễn Xuân Khánh là sự hòa quyện giữa nét đẹp
truyền thống và hiện đại qua yếu tố huyền thoại và giải huyền thoại, từ đó tạo nên sức hấp dẫn cả tình cảm và trí tuệ đối với người đọc.
Có thể nói, qua Đội gạo lên chùa, chủ ý miêu tả đan xen gắn bó giữa số phận ngôi chùa với người dân làng Sọ qua suốt những năm dài chiến tranh và bao nhiêu biến động của đời sống, Nguyễn Xuân Khánh đã tôn vinh những phẩm chất cao cả của triết lý đạo Phật, tác giả ngầm khẳng định Phật giáo như là một trong những thành tố của văn hóa Việt Nam; vừa gợi lên màu sắc huyền thoại của đạo, nhưng đồng thời cũng nói lên sự gắn bó hòa quyện cùng chung số phận giữa đạo và đời.
Đúng như nhà văn đã từng chia sẻ: “Có người coi Đội gạo lên chùa là tiểu thuyết lịch sử, theo lối viết truyền thống. Thực tế, tôi đưa vào khá nhiều yếu tố hiện đại của phân tâm học, của ý thức, nhục cảm, huyền thoại...”. Với Đội gạo lên chùa, cảm hứng về tôn giáo hòa quyện cùng với những biến động của cuộc đời con người và lịch sử dân tộc. Cũng vì thế, đời sống được miêu tả vừa mang yếu tố huyền thoại vừa gần gũi hơn với bạn đọc hôm nay. Tưởng như nhà văn khó đưa trí tưởng tượng bay bổng như hai tác phẩm trước, thế nhưng, ngọn bút vẫn tìm được những sáng tạo riêng của mình bằng phương thức huyền thoại hóa, khiến người đọc rung cảm thẩm mỹ về những biểu tượng cũng nhiều ý nghĩa nhân bản mà tác giả muốn gửi gắm về mối quan hệ giữa đạo và đời, về huyền thoại và giải huyền thoại.
Chương 3
NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN YẾU TỐ HUYỀN THOẠI TRONG TIỂU THUYẾT NGUYỄN XUÂN KHÁNH