CHƯƠNG 1. KHÁI LƯỢC VỀ LÍ THUYẾT LIÊN VĂN BẢN VÀ VĂN CHƯƠNG HỒ ANH THÁI
1.2. LIÊN VĂN BẢN VÀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC Ở VIỆT
Tiến trình đổi mới văn học diễn ra mạnh mẽ và sâu sắc từ sau 1986, kể từ đó quá trình giao lưu văn hóa, văn học được mở rộng để đón nhận nhiều luồng gió thi pháp mới mẻ. Từ đó, các nhà nghiên cứu, dịch thuật có điều kiện tiếp cận đầy đủ, sâu sắc hệ thống lí thuyết khoa học văn học và học thuật trên thế giới, đặc biệt là các trường phái nghiên cứu lý luận văn học phương Tây, trong đó có quan niệm học thuật về liên văn bản. Qúa trình tiếp nhận và nghiên cứu về liên văn bản cứ thế phát triển liên tục trong những năm qua, từ
27
văn học mở rộng sang các lĩnh vực khoa học xã hội khác như văn hóa, lịch sử, triết học, âm nhạc, điện ảnh…
1.2.1. Tiếp nhận
Qúa trình tiếp nhận và nghiên cứu về liên văn bản ở Việt Nam bắt đầu manh nha từ những năm cuối thế kỉ XX và đầu thế kỉ XXI. Đầu tiên, là những công trình nghiên cứu dịch thuật sơ khai về liên văn bản như Bản mệnh của lí thuyết - Văn chương và sự cảm nghĩ thông thường của Antoine Compagnon (do Lê Hồng Sâm và Đặng Anh Đào dịch, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, 2006). Trong công trình này, tác giả dành dung lượng đáng kể để nói về liên văn bản và nguồn gốc của khái niệm.
Bên cạnh đó, bài viết Liên văn bản - sự xuất hiện của khái niệm về lịch sử và lý thuyết của vấn đề của L.P.Rjanskaya do Ngân Xuyên dịch (Tạp chí Nghiên cứu Văn học, 2007) là công trình dịch thuật có ý nghĩa khơi gợi trong việc lí thuyết liên văn bản. Đứng trên quan điểm của chủ nghĩa cấu trúc, tác giả đã chỉ ra rằng liên văn bản chính “là một thủ pháp văn học xác định”, “là sự tương tác của các văn bản”, “là sự xóa nhòa ranh giới của các văn bản”… Trong công trình Lý thuyết văn chương đương đại của John Lye đăng trên tạp chí The Brock Review, số 1 năm 1993, trang 90 - 106 do Hải Ngọc dịch, đã ít nhiều đề cập đến lí thuyết liên văn bản. Trên tinh thần của hậu cấu trúc luận và nối tiếp những quan niệm về liên văn bản của Roland Barthes hay J.Derrida, tác giả bài viết chỉ ra rằng liên văn bản là “cách sử dụng ngôn ngữ, biểu tượng và diễn ngôn liên kết với nhau” [89]. Bên cạnh đó, công trình Thi pháp chủ nghĩa hậu hiện đại của Liviu Petrescu (Lê Nguyên Cẩn dịch và giới thiệu, NXB Đại học Sư Phạm, 2013) đã đề cập đến vấn đề liên văn bản trong diễn ngôn văn học. Nhìn chung, việc tiếp nhận về lí thuyết liên văn bản đã được chú ý, hầu hết các công trình đều nghiên cứu trên những bình diện khác nhau. Đối với chủ nghĩa hình thức, có thể kể đến những công trình tập hợp
28
trong Nghệ thuật như là thủ pháp (do Đỗ Lai Thúy biên soạn, NXB Hội Nhà văn 2001) như Hệ chủ đề của B.Tomachevski, Chủ âm của R.Jakobson, Lí thuyết về phương pháp hình thức của B.Eikhenbaum, Nghệ thuật như là thủ pháp của V.Shklovski… các nhà nghiên cứu đã dành một dung lượng nhất định để bàn về vấn đề thể loại. Đối với chủ nghĩa cấu trúc có thể kể đến Cấu trúc văn bản nghệ thuật của IU. M. Lotman (Trần Ngọc Vương - Trịnh Bá Đĩnh - Nguyễn Thu Thủy dịch), đã chỉ ra những mối quan hệ trong cấu trúc văn bản văn học.
Tình hình nghiên cứu về liên văn bản được nhiều học giả của trường phái hình thức luận lẫn cấu trúc luận quan tâm nghiên cứu chuyên sâu, chính vì thế mà cả chủ nghĩa hình thức và chủ nghĩa cấu trúc đều có nhiều đóng góp trong việc lập thuyết liên văn bản. Các nhà nghiên cứu lí luận xuất sắc đã đặt ra nhiều quan điểm xác đáng để hình thành hệ thống lí thuyết về liên văn bản.
Đồng thời, cũng từ những quan niệm đó đã mở ra hướng tiếp cận mới mẻ trong việc nghiên cứu về liên văn bản ở Việt Nam.
Bên cạnh dịch thuật thì việc tiếp nhận, nghiên cứu về lí thuyết liên văn bản bắt đầu được quan tâm hơn, thu hút nhiều người tham gia nghiên cứu như Nguyễn Hưng Quốc với công trình Văn bản và liên văn bản (www.tienve.org, tháng 4-2005), Nguyễn Nam với công trình Điểm qua mấy hướng tiếp cận liên văn bản ở nước ngoài (Báo Văn nghệ Trẻ, số 25-2011), Nguyễn Minh Quân với Liên văn bản - sự triển hạn vô cùng của tác phẩm văn học (www.tienve.org, 2001)…
Bên cạnh đó, Trần Đình Sử cũng quan tâm nghiên cứu về liên văn bản.
Trong bài viết Giải cấu trúc và nghiên cứu, phê bình văn học hiện nay (Báo Văn Nghệ, số 34-2010), tác giả cho rằng “với lí thuyết liên văn bản thì mọi sáng tác đều có sự lặp lại, lấy lại, mượn lại ý tưởng, ngôn từ, kết cấu, cốt truyện... của các nhà văn có trước rồi biến đổi đi, cấu tạo lại để làm ra cái
29
mới. Như thế muốn hiểu nghĩa của tác phẩm còn cần phải so sánh đối chiếu, phân tích nhiều mối quan hệ với vô vàn văn bản khác mới có thể xác định”
[48]. Mặt khác, trong công trình Chủ nghĩa cấu trúc và văn học do Trịnh Bá Đĩnh biên soạn (NXB Văn học - Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2002), tác giả đã tóm lược những quan niệm của Sklovski, M.Bakhtin hay H.Bloom…
về cấu trúc văn bản văn học và mối quan hệ giữa các tác phẩm nghệ thuật.
Tác giả Lê Huy Bắc với công trình Văn học hậu hiện đại - Lí thuyết và tiếp nhận (2012) đã có những giới thuyết cơ bản về chủ nghĩa hậu hiện đại cũng như lí thuyết về liên văn bản. Ngoài ra, Nguyễn Văn Thuấn cũng là người khá dày công để nghiên cứu chuyên sâu về liên văn bản, đã có nhiều công trình về vấn đề này như Liên văn bản trong quan niệm của các nhà hình thức luận Nga (Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 7-2012), Tiếp cận thể loại từ góc độ liên văn bản: chủ nghĩa hình thức Nga - M.Bakhtin - G.Genette (Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Những lằn ranh văn học, 2012), hay Liên văn bản từ M.Bakhtin đến J. Kresteva (Kỷ yếu Hội thảo khoa học Văn học hậu hiện đại, lý luận và tiếp nhận, tháng 3-2011), Tính đối thoại/ Tính liên văn bản trong tư tưởng Mikhail Bakhtin (Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 2-20113)… Nhiều công trình nghiên cứu của Nguyễn Văn Thuấn đều có cái nhìn chuyên sâu, mở ra nhiều hướng tiếp cận về liên văn bản dưới nhiều góc độ khác nhau.
Nhìn chung, trên bình diện lí thuyết, việc tiếp nhận liên văn bản chỉ qua một vài công trình dịch thuật đơn lẻ, chưa nhiều, vì thế nghiên cứu về liên văn bản còn khá mới mẽ, chưa nhiều, mỗi công trình nghiên cứu ở mỗi góc độ khác nhau, hầu hết các công trình ở dạng sơ khai, chưa xây dựng được hệ thống phương pháp luận.
1.2.2. Thể nghiệm
Mặc dù còn khá mới mẻ nhưng việc ứng dụng lý thuyết liên văn bản vào trong nghiên cứu khoa học văn học đang thu hút sự quan tâm của nhiều
30
người. Có thể điểm qua một vài công trình ứng dụng lý thuyết liên văn bản để nghiên cứu như Motip Kyto giáo trong tiểu thuyết Nghệ nhân và Margarita của M. Bulgakov (Thử nghiệm tiếp cận liên văn bản) của Phạm Gia Lâm (Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 2-2007), Liên văn bản trong Cây đàn ghita của Lorca của Lê Huy Bắc (Lí thuyết văn học hậu hiện đại, NXB Đại học Sư phạm), Hiện tượng liên văn bản trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp của Liễu Trương (www.tienve.org.vn, tháng 4-2004), Yếu tố liên văn bản trong tiểu thuyết lịch sử Giàn thiêu của Võ Thị Hảo của tác giả Nguyễn Văn Hùng (Văn học hậu hiện đại - Tiếp nhận và diễn giải, NXB Văn học, 2013), Liên văn bản trong tiểu thuyết Chân dung cát của Inrasara của tác giả Nguyễn Thị Quỳnh Hương (Văn học hậu hiện đại - Tiếp nhận và diễn giải, NXB Văn học, 2013), Liên văn bản thể loại và tính đối thoại trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1986 của Nguyễn Văn Hùng (2012)…
Ngoài ra, có thể kể đến một vài công trình đã ứng dụng lí thuyết liên văn bản để nghiên cứu trực tiếp về các sáng tác của Hồ Anh Thái như các bài viết như Truyện ngắn Hồ Anh Thái từ góc nhìn liên văn bản của Nguyễn Thị Huế (Tạp chí Nhà văn, số 7-2012), Dấu ấn hậu hiện đại trong bút pháp Hồ Anh Thái của Hỏa Diệu Thúy (Văn học hậu hiện đại, Lí thuyết và tiếp nhận, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, 2012), Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI từ góc nhìn hậu hiện đại của Thái Phan Vàng Anh (Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 712-2010)…
Ngoài việc ứng dụng nghiên cứu những trường hợp văn học cụ thể còn có một số công trình mang tính chất khảo sát như Liên văn bản và vấn đề đối thoại tư tưởng trong văn xuôi đương đại (Báo Văn nghệ Trẻ, số 741- 751/2011) của Nguyễn Nam - Phùng Phương Nga hay Vấn đề thể loại và ranh giới thể loại trong một số tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI của Hoàng Cẩm Giang (Những vấn đề đổi mới trong nghiên cứu và giảng dạy văn học,
31
NXB Đại học Quốc gia, 2006)… Bên cạnh đó, có nhiều bài viết nghiên cứu về liên văn bản dưới dạng thức giữa lằn ranh văn học và điện ảnh như Từ Chùa Đàn đến Mê Thảo - Liên văn bản trong văn chương và điện ảnh (Tạp chí Văn học, 12-2006) của Nguyễn Nam, Vấn đề chuyển thể văn học - điện ảnh từ góc độ liên văn bản (Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 1-2012) của Lê Thị Dương…
Văn học và nghệ thuật luôn vận động phát triển không ngừng theo dòng chảy của lịch sử. Ở mỗi thời đại, người đọc lại có những con đường riêng để khám phá giá trị của tác phẩm văn học. Trong những năm gần đây, việc nghiên cứu lý thuyết văn học phương Tây ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Các vấn đề lý luận mà trước thời kì Đổi mới bị lãng quên nay được các nhà nghiên cứu xem xét lại một cách khách quan và khoa học.
Nghiên cứu về liên văn bản rất đa dạng với nhiều công trình nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực khác nhau như liên văn bản trong văn học, văn học với điện ảnh, văn học với văn hóa… hầu hết chỉ ở mức độ tiếp nhận và ứng dụng lý thuyết để khảo sát, nghiên cứu sơ lược trong một vài trường hợp cụ thể.