Liên văn bản với các tác phẩm văn học khác

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết hồ anh thái từ góc nhìn liên văn bản (Trang 53 - 59)

CHƯƠNG 2. LIÊN VĂN BẢN TRONG TIỂU THUYẾT HỒ ANH THÁI TỪ PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG

2.1. TIỂU THUYẾT HỒ ANH THÁI - LIÊN VĂN BẢN TỪ GÓC NHÌN VĂN HỌC

2.1.2. Liên văn bản với các tác phẩm văn học khác

Hiện tượng liên văn bản không phải là một sự thêm vào lộn xộn và bí ẩn những ảnh hưởng của những văn bản trước, mà là một công trình biến hóa, đồng hóa nhiều văn bản bởi một văn bản ở trung tâm có vai trò chủ đạo trong việc phát biểu ý nghĩa của văn bản. Qúa trình sáng tạo văn bản văn học của nhà văn luôn song hành sự ý thức và vô thức, hai yếu tố đó dù ngẫu nhiên hay hiển nhiên đã hấp thu, biến đổi, đồng hóa vô số văn bản khác ở cùng thời, trước hoặc sau nhà văn đang sáng tạo. Liên văn bản không chỉ là sự kết nối của văn bản văn học này với văn bản văn học khác, mà còn có sự “trùng lặp”

về từ ngữ, chi tiết nghệ thuật, chủ đề, mô típ. Có thể thấy rõ sự giao thoa những yếu tố này trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái với các văn bản (tác phẩm) của các tác giả khác.

Một trong những kiểu liên văn bản đặc trưng ở dạng này là những ám gợi, liên tưởng về các kiểu xây dựng nhân vật. Đó là những con người tự vấn, con người tự thức tỉnh, từ bỏ cái ác, cái xấu để hướng thiện, luôn dằng vặc nội tâm, đối thoại với chính mình. Có thể thấy nhân vật Từ Đạo Hạnh trong tiểu thuyết lịch sử Giàn thiêu (Võ Thị Hảo) luôn trăn trở, day dứt với kiếp luân hồi, nhân quả. Còn Nguyễn Minh Châu xây dựng nhân vật sống trong cảnh đấu tranh nội tâm, tự nhìn nhận lại chính mình qua hàng loạt nhân vật trong các tác phẩm Phiên chợ Giát, Chiếc thuyền ngoài xa, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành… Với Hồ Anh Thái, theo mô típ về kiểu con người này, nhà văn đặt nhân vật Đông trong Cõi người rung chuông tận thế ở vai trò người kể chuyện xưng “tôi”, đồng lõa với cái ác, có thời cùng tuyến với các nhân vật Cốc, Phũ, Bóp. Tuy nhiên, nhân vật Đông - người kể chuyện xưng

50

“tôi” trong tiểu thuyết đã tự thức tỉnh, đứng chênh vênh giữa hai bờ thiện ác, để sám hối, để tự vấn, để tìm cho mình một con đường, đó là con đường quay về nẻo thiện. Tất cả điều đó nói lên cái tâm của nhà văn chân chính, luôn kiếm tìm những mầm thiện đang le lói trong những tâm hồn đang méo mó, dị dạng, tha hóa, để kéo họ về với nẻo người. Khi tiến hành khảo sát một số tác phẩm của Hồ Anh Thái với văn bản của các tác giả khác sẽ thấy một mối liên kết ngầm trong các dạng mô típ văn học như kiểu con người nằm giữa đường biên thực và ảo như nhân vật đứa trẻ 2 tuổi hay Mai Trừng, giống với sự ra đi của bé Hon trong Thiên sứ của Phạm Thị Hoài, cái bào thai trong Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh…

Dưới dạng liên văn bản ngầm, Hồ Anh Thái rất sâu sắc nhưng cũng rất thẳng tay miêu tả những con người với bề ngoài có vẻ trí thức nhưng bản chất lại lưu manh, giả dối. Có thể thấy, ông Luật sư thột, Giáo sư, Đại gia trong tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột là kiểu nhân vật gợi nhớ đến câu châm ngôn ta gặp từ Vũ Trọng Phụng “lưu manh giả danh trí thức”… Trong SBC là săn bắt chuột, một thế giới rất chân thực về xã hội thị dân với những con người phận vị như ông Cốp, Đại gia, Luật sư, Giáo sư, Thư ký, cô Báo, chú Thơ…

đang trong guồng quay mưu toan tranh giành quyền lực, tiền bạc, danh dục huyễn hoặc. Một xã hội thị dân mà cái xấu xa, giả dối, rởm đời nhân danh cái đẹp, cái thiện, cái tử tế đang nhan nhản lộng hành. Một thế giới ghê gớm đến mức làm người ta có cảm giác bất an thường trực. Một thế giới mafia ngồn ngộn những thủ đoạn quỷ quyệt, từ chuyện buôn đất, làm sân golf, phá biệt thự, ma túy, đến chuyện xã hội đại gia, chân dài và rất nhiều chuyện bi hài, hợm hỉnh của xã hội hiện đại. Hoặc các kiểu nhân vật vô nghĩa lí với những dị dạng khác nhau trong kiệt tác Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng đều nằm trên trường liên tưởng, biến thái thành những tên tuổi khác với những tính cách

51

lưu manh, du thủ du thực của Xuân tóc đỏ giờ đây hiện hình qua những phiên bản như Phũ, Cốc, Bóp trong Cõi người rung chuông tận thế.

Tiểu thuyết Hồ Anh Thái mở ra một không gian liên văn bản rộng lớn, vượt thời gian. Nhiều vấn đề đặt ra trong tiểu thuyết của nhà văn đã ám gợi người đọc nghĩ đến Quan trường hủ bại - tiểu thuyết nóng bỏng tính thời sự của một nhà văn Trung Quốc Chu Kim Thái. Cũng kịch tính và sắc nét như bao tác phẩm khác của Hồ Anh Thái, tiểu thuyết Quan trường hủ bại của Chu Kim Thái (NXB Hội Nhà văn) đem đến cái nhìn cận cảnh về một hiện thực đầy nhức nhối cùng vô số những khía cạnh tinh vi trong các mối quan hệ phức tạp, chồng chéo trong một xã hội hiện đại. Nội dung tác phẩm là bức tranh phơi bày những mưu mô, thủ đoạn và lối sống tha hóa. Đó là chuyện cấu kết làm ăn phi pháp, ngoại tình và nhiều vụ việc mờ ám, mưu mô, cơ hội của những người có địa vị trong xã hội. Kiểu nhân vật quyền lực vốn xuất hiện dày đặc trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái. Hình ảnh các “ông cốp” - quan chức trong các tác phẩm trước, đến lượt tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột lại bổ sung thêm vào “bộ sưu tập” một hình ảnh ông Cốp khác. Gã leo lên bậc thang danh vọng, khéo léo gạt bỏ đối thủ bằng thủ đoạn khôn ngoan “chiến thắng bao giờ cũng thuộc về người biết giữ mồm giữ miệng, không để lộ mình bằng câu nói bằng văn bản” [53, tr.196]. Thấp thoáng đằng sau cuộc đấu đá ấy là những thế lực có thể nhân danh “bảo vệ uy tín cán bộ”, bảo vệ “đoàn kết nội bộ” [53, tr.195] để giấu nhẹm đi các đơn thư tố cáo. Có một ông Cốp liên minh với Đại gia làm dự án, một ông Cốp nhập nhằng công tư. Một ông thư ký lạnh lùng vô cảm trước những người dân quê đội đơn quỳ xin công lý. Một đại gia đất chơi với một ông Cốp cũng lên đẳng cấp thất quyền. Một luật sư chân thọt, không cần biết đến việc bảo vệ nguyên tắc mà chỉ biết bảo vệ thân chủ, bất chấp đúng sai thế nào.

52

Chân dung hiện thực trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái có nhiều góc khuất, nhiều trạng thái, nhiều giá trị xấu tốt đan cài chứ không đơn điệu, một chiều.

Đó không phải là thế giới phẳng lặng, mà là một hiện thực đầy góc cạnh, nhiều chiều, là hiện thực gồm nhiều mảnh vỡ. Trong SBC là săn bắt chuột, Hồ Anh Thái tái hiện thành công một xã hội người với nhiều loại người, nhiều lớp người, nhiều quan hệ chằng chịt. Trong xã hội ấy, bên cạnh những cái đổi mới, cái hiện đại, cái tân thời thì bộc lộ không ít vấn đề bất cập, nhiều cái đáng khóc, đáng cười, nhiều thói hư tật xấu của con người mọc lên “như nấm sau mưa”. Cái bộ mặt xấu xa, giả dối, cái buồn cười trong đời sống thị dân được Hồ Anh Thái miêu tả hết sức cặn kẽ, tỉ mỉ. Một ông Cốp thì mưu mô về quyền lực và tham vọng, một đại gia tồn ten với bồ nhí và gái gú, một tên luật sư thì thui chột, đạo đức giả, vô nhân tính… Bên cạnh một xã hội người mà nhiều giá trị đạo đức, nhân văn bị đảo lộn là một thế giới chuột đầy kỳ bí được Hồ Anh Thái tái hiện một cách sinh động, sống có trật tự, sống có nề nếp, mọi mối quan hệ phân minh rõ ràng. Từ đó, có thể thấy bản thể xã hội Việt Nam hôm nay được nhà văn mô tả một cách khách quan và trung thực.

Sử dụng lối viết hoạt kê, nhưng tiểu thuyết của Hồ Anh Thái không chỉ dừng lại ở mức độ gây cười mà khiến phải nghĩ, phải thay đổi. Nhà văn soi rọi từng ngóc ngách, những hang ổ để bóc tách từng lớp vỏ màu mè, chân dung trần trụi con người trong xã hội ấy. Không gian liên văn bản trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái rất đa dạng, ở SBC là săn bắt chuột, đó là cuộc đấu tranh giữa người và chuột, mặc dù con người chiến thắng nhưng vẫn mắc những di chứng mất trọng lượng. Cuộc chiến giữa người và vật (chuột) trong SBC là săn bắt chuột gợi lên dấu ấn liên văn bản trong truyện ngắn Ba con cáo của nhà văn Bình Nguyên Lộc. Đó là cuộc tranh giành sự sống giữa người và vật, vật vã đói khát giữa một bãi tha ma, cuối cùng con người cũng chiến thắng về vật chất, nhưng lại trĩu nặng những di chứng tinh thần: “Hồ ly rùng mình một

53

cái, không phải vì lạnh, cũng không phải vì sợ ma, mà vì chị bỗng sợ hãi chính mình, sợ hãi con người đã vơi cạn hết chất người” [77].

Trong tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi, trò chơi đám cưới qua lời kể của nàng Savitri: “Lúc ấy ta đang chơi trò chơi đám cưới. Chỉ có một mình ta giữa đám con trai mới lớn, ta đóng cô dâu để cho chú rể dẫn đi quanh đống lửa” [52, tr.51], mang âm hưởng liên văn bản ngầm, gợi lên tình huống rất giống với truyện ngắn Gỉa đò yêu của Trang Thế Hy:

Thơ ngẫm nghĩ một lúc rồi bàn:

- Tụi mình giả đò như làm đám cưới lâu rồi. Bây giờ vợ chồng mới ra riêng như anh hai chị Hai tao hồi năm ngoái vậy.

Hiệp vỗ tay mừng rỡ:

- Ờ phải rồi. Hồi năm ngoái, anh Hai chị Hai về nhà mới, vách phên cũng còn trống lỏng như chòi mình vầy nè.

- Nhà chớ chòi gì mậy nhỏ.

- Ờ, quên chớ. Nhà, phải rồi, nhà. Mà mầy kêu tao bằng anh chớ kêu mậy nhỏ sao được. Rồi tao kêu mầy bằng chị Hai con Thơ.

- Kêu bằng em đi.

- Anh Hai đâu có kêu chị Hai bằng em.

- Có chớ, nhưng có mặt ai, ảnh mắc cỡ ảnh ít kêu nên mầy không hổng nghe?

- Ừ, thì kêu bằng em, rồi bắt đầu nghe, từ giờ đứa nào kêu mầy tao, vả miệng nó. Nghe chưa?

- Dạ nghe.

Giọng nói dịu dàng làm ra vẻ người vợ ngoan của Thơ làm Hiệp mỉm cười, hào hứng. Nó nói lầm thầm: Để nhớ coi, bữa về nhà mới, …. ờ … ờ, nhớ rồi. Nó hô lớn:

54

- Em ơi, em à ! Em đâu rồi? Vừa nói nó vừa ra dấu biểu con Thơ chạy ra phía sau chòi. Thơ cũng nhớ lại chuyện cũ, liền bỏ ra sau, làm thinh, Hiệp kêu nữa:

- Em ơi, em à !” [74].

Việc nối kết các văn bản hay “giải mã” các “tiền văn bản” sẽ là cách nhà văn tái lập nghĩa trong văn bản hiện tồn, đồng thời truy tìm sự vận động của cuộc sống, kinh nghiệm thẩm mĩ, của những giá trị văn hóa và tinh thần thời đại trong tính liên tục của dân tộc và nhân loại. Một vài sáng tác của Hồ Anh Thái mang đậm chất lịch sử, huyền thoại. Ngoài một số truyện ngắn, tiêu biểu phải kể đến là tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi. Trong tiểu thuyết này, xoay quanh câu chuyện hành trình đi tìm chân lí của thái tử Siddhartha cho đến khi giác ngộ và cảm hóa nhân sinh, câu chuyện thứ hai nói về nàng Savitri - trước đây là Nữ thần Đồng Trinh, trong vai người hướng dẫn viên du lịch và câu chuyện của nhân vật tôi. Trong đó, chương Đức Phật nói về cuộc đời đã lìa bỏ chốn ngai vàng để đi tìm chân lí với bao thăng trầm, khổ hạnh.

Trên nền văn bản của tiểu thuyết có những khảm chạm, ám chỉ về sự tích cuộc đời Đức Phật, không những thế trên nền văn bản này khiến chúng ta có nhiều liên tưởng đến tiểu thuyết Câu chuyện dòng sông của nhà văn Đức từng đạt giải Nobel Văn chương năm 1946, Hermann Hesse (Phùng Khánh - Phùng Thăng dịch). Câu chuyện dòng sông [17] là cuốn tiểu thuyết mang tính cách ngôn kể về hành trình tâm linh của một người Ấn Độ tên là Siddhartha trong thời đại của Tất đạt đa Cồ đàm. Tiểu thuyết kể lại chuyện xảy ra ở Ấn Độ, bắt đầu khi Siddhartha, con của một vị vua, bỏ nhà ra đi để tu khổ hạnh. Sau khi giác ngộ chân lí, Đức Phật đã đi truyền bá giáo lí, cảm hóa chúng sanh. Tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi hay Câu Chuyện Dòng Sông trước hết là một tác phẩm văn học nghệ thuật, cho nên bất cứ một phân tích nào về phương diện tư tưởng đều mang ít nhiều tính chủ quan do người đọc tự gán

55

cho nó. Chính vì thế, khi tiếp nhận các tác phẩm này, mỗi người “sẽ có một văn bản của riêng mình, khác với văn bản của chính tác giả, khác văn bản của những độc giả khác. Đó là một đặc điểm của việc tiếp nhận văn chương nghệ thuật” [65, tr.440]. Về phương diện kết cấu văn bản, hai tác giả có những thủ pháp tương đồng, khước từ những nguyên tắc tổ chức tác phẩm quen thuộc để tạo ra những kiểu kết cấu mới, gắn kết những chất liệu, sự kiện rời rạc, hỗn độn thành một chỉnh thể. Bên cạnh đó, các kinh điển tôn giáo, các điển tích, điển cố được rất nhiều nhà văn sử dụng trong diễn ngôn của người kể chuyện và nhân vật. Nhờ sự cổ kính, trang nghiêm cũng như cái ảo diệu, thâm trầm của các diễn ngôn ấy, không khí văn hóa, xã hội được tái hiện một cách chân thực, sắc nét. Đặt tác phẩm trong mối tương tác liên văn bản thể loại, thông qua “trò chơi” xuyên văn bản, cho thấy nỗ lực rất lớn trong việc làm mới hoặc làm mềm thể loại của các nhà văn viết về đề tài lịch sử, huyền thoại. Chính điều đó khiến đường biên, ranh giới của thể loại như được xóa nhòa, quan niệm về tiểu thuyết lịch sử được mở rộng. Tiểu thuyết có thể dung chứa trong nó những khả năng lớn lao trong việc nhận thức và diễn đạt bản chất hiện thực và con người. Sự xếp chồng các văn bản cũng chính là cách thức để nhà văn “đối thoại”, luận giải nhiều vấn đề từ quá khứ - hiện tại đến tương lai. Những “đối thoại lớn” được mở ra, cũng là lúc nhà văn và người đọc, có thể ở nhiều không gian và thời gian khác nhau cùng truy tìm hằng số có khả năng kiến tạo lịch sử, văn hóa.

2.2. TIỂU THUYẾT HỒ ANH THÁI - LIÊN VĂN BẢN TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết hồ anh thái từ góc nhìn liên văn bản (Trang 53 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)