Dấu ấn của Hồ Anh Thái trong văn học Việt Nam sau 1986

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết hồ anh thái từ góc nhìn liên văn bản (Trang 39 - 42)

CHƯƠNG 1. KHÁI LƯỢC VỀ LÍ THUYẾT LIÊN VĂN BẢN VÀ VĂN CHƯƠNG HỒ ANH THÁI

1.3. HỒ ANH THÁI TRONG DÕNG CHẢY VĂN HỌC HIỆN ĐẠI

1.3.2. Dấu ấn của Hồ Anh Thái trong văn học Việt Nam sau 1986

Hồ Anh Thái là lớp nhà văn thuộc thế hệ thứ tư rất thành công trong kĩ thuật viết, cùng với nhiều tên tuổi khác đã tạo ra một làn gió mới mẻ trong văn học. Hồ Anh Thái là người có phong cách rất độc đáo, sức cuốn hút của nhà văn này không phải là tạo ra những chấn động dư luận trên văn đàn như

36

Nguyễn Huy Thiệp hay Phạm Thị Hoài, mà anh nổi lên bằng tài năng, sự thể nghiệm mới mẻ, sự độc đáo, sự khác lạ của các thủ pháp nghệ thuật. Trong khuynh hướng chung, “đề tài trong các tác phẩm đương đại thường ghi đậm dấu ấn về sự khủng hoảng niềm tin của con người trong bối cảnh đổ vỡ các thang bậc giá trị, sự hỗn loạn của trật tự thường hằng. Những tình huống bi hài, nghịch dị trở nên phổ biến. Cái đẹp, cái thiện dần vắng bóng, thay vào đó là cái xấu, cái ác, cái thô kệch…” [67, tr.322]. Đề tài sáng tác của Hồ Anh Thái không ngoài quỹ đạo ấy, tuy nhiên nhà văn có những hướng đi riêng, có những cách khám phá riêng, có ý thức trong việc đổi mới, do đó, đề tài trong sáng tác Hồ Anh Thái rất đa dạng, phong phú, tươi rói hiện thực và đậm chất hiện đại. Đó là những nguy cơ làm biến dạng và tha hóa con người, những xác tín bị nghi ngờ, những chuẩn mực bị mất giá; những góc khuất của đời sống công chức, trí thức bị chao đảo; những mảng tối của văn hoá, khoa học giáo dục, văn chương nghệ thuật luôn phân hóa và đa chiều. Không những thế, Hồ Anh Thái còn hướng đến miêu tả những khiếm khuyết về tính cách của con người trong xã hội hiện đại như tâm lý sùng ngoại, háo danh, thực dụng, phi nhân tính, con người tự nhiên bản năng như để góp thêm tiếng nói, cái nhìn về con người trong cuộc đời đa sự. Bên cạnh đó, đề tài về văn hóa, con người Ấn cũng được Hồ Anh Thái quan tâm với những tác phẩm đặc sắc, góp phần hoàn thiện mảng đề tài này trong sáng tác của nhà văn.

Hồ Anh Thái là nhà văn luôn có ý thức đổi mới, sáng tạo trên từng trang viết. Thủ pháp nghệ thuật trong văn xuôi Hồ Anh Thái rất đa dạng, nhưng đặc sắc nhất vẫn là thủ pháp giễu nhại. Hồ Anh Thái mạnh dạn phơi bày sự thật trần trụi của đời sống đất nước bằng cảm hứng giễu nhại nhất quán. Nội dung giễu nhại chủ yếu là các vấn đề nóng bỏng của xã hội đương đại. Cùng với đề tài và thủ pháp nghệ thuật đã làm nổi bật những sáng tác, thì việc đổi mới về nghệ thuật ngôn từ cũng mang phong cách rất Hồ Anh Thái. Nếu cho rằng,

37

văn học là trò chơi ngôn từ, chúng tôi quả quyết rằng diễn ngôn ấy hoàn toàn chính xác với trường hợp Hồ Anh Thái. Trên từng trang viết, các kiểu ngôn từ được “sắp đặt và diễn” một cách tự nhiên nhưng cũng lắm công phu và chọn lọc. Thành quả sáng tạo ấy đã tạo nên những điểm sáng trên hành trình phát triển văn học Việt Nam, như một nhà phê bình đánh giá: “động hình ngôn ngữ mới và giọng điệu văn xuôi khác hẳn so với văn xuôi 1945 - 1975… Anh đã lao động cật lực trên từng con chữ và luôn tìm cách bứt phá trên cơ sở kiến tạo những kiến trúc mới mẻ, táo bạo” [2]. Với Hồ Anh Thái, văn xuôi có sự đổi mới mạnh mẽ từ nội dung tư tưởng đến kết cấu, giọng điệu và đặc biệt là các thủ pháp nghệ thuật đã tạo ra điểm khác biệt trong dòng chảy văn học Việt Nam sau 1986.

* *

*

Lý thuyết liên văn bản đã gợi lên những hướng mở trong việc nghiên cứu, tiếp nhận đa dạng về văn chương Hồ Anh Thái, từ nội dung đến hình thức nghệ thuật, từ nền tảng văn học trong nước đến sự giao thoa với văn hóa, văn học thế giới, từ tri thức văn học đến các hình thái triết học, mĩ học… Từ đó, có thể hiểu rằng liên văn bản là hệ thống lí thuyết đa ngành, không chỉ ở nội tại lĩnh vực văn học mà còn liên quan, ảnh hưởng đến nhiều phạm trù của khoa học xã hội nhân văn và các loại hình nghệ thuật khác trong dòng chảy hậu hiện đại. Với lý thuyết liên văn bản, văn chương Hồ Anh Thái đã định vị trong một không gian rộng lớn, trong những mối quan hệ chằng chịt giữa các loại hình nghệ thuật, giữa các phạm trù triết - mĩ… Hồ Anh Thái là nhà văn của tinh thần tự đổi mới liên tục, không lặp lại người khác và cũng không bao giờ lặp lại chính mình. Từ góc nhìn liên văn bản, người đọc sẽ cảm nhận được sự đa dạng, sâu sắc, góc cạnh, đa chiều và tìm ra được những chân giá trị đích thực trong văn chương Hồ Anh Thái trong dòng chảy hậu hiện đại.

38

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết hồ anh thái từ góc nhìn liên văn bản (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)