CHƯƠNG 2. LIÊN VĂN BẢN TRONG TIỂU THUYẾT HỒ ANH THÁI TỪ PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG
2.1. TIỂU THUYẾT HỒ ANH THÁI - LIÊN VĂN BẢN TỪ GÓC NHÌN VĂN HỌC
2.2.1. Tiểu thuyết Hồ Anh Thái và sự đối thoại với Phật sử
Nhìn vào bức tranh tổng thể của tiểu thuyết Việt Nam sau 1986, hầu như các nhà văn đều gặp nhau ở điểm chung, là khơi gợi, tìm tòi trong lịch sử, văn hóa nguồn chất liệu và cảm hứng cho sự tự do sáng tạo văn chương, đã đem
56
đến một sắc thái mới trong hành trình tiếp cận liên văn bản. Liên văn bản được sử dụng một cách có ý thức và mang tính tự giác, đem lại diện mạo mới mẻ cho văn chương nghệ thuật. Từ đó, văn học Việt Nam trở nên gần gũi hơn với văn học thế giới trong cảm quan hậu hiện đại, trong trường nhìn liên văn bản. Với Hồ Anh Thái, nhà văn đã xử lí liên văn bản không chỉ ở cấp độ thủ pháp, kĩ thuật mà còn ở cấp độ nội dung tư tưởng. Ở đó, người ta thấy rõ có sự xuất hiện của các tư tưởng triết học, tư tưởng tôn giáo, tư tưởng văn học, tư tưởng xã hội, văn hóa... Và hơn thế, là sự đối thoại của tác giả với các tư tưởng và sự đối thoại giữa chính những tư tưởng này với nhau. Chưa bao giờ trong văn học Việt Nam, các vấn đề về tôn giáo, triết học, xã hội học, văn học lại được các nhà văn quan tâm nhiều đến thế. Quan tâm không chỉ ở việc tả lại, kể lại mà còn đối thoại lại. Trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái luôn chứa đựng trong nó những phông triết học, lịch sử, văn hóa và cả ngôn ngữ của thời đại. Nhà văn đã xây dựng nên văn bản bằng cách khai thác các mảnh vỡ của những tiền văn bản. Các tiền văn bản này có thể là những trước tác lịch sử, các giá trị văn hóa hoặc có thể là những câu chuyện được lưu giữ trong kí ức dân gian. Nhà văn trước khi bắt tay vào công việc, ắt hẳn đã phải đầu tư tìm tòi, nghiên cứu, nghiền ngẫm, thậm chí cả nghe ngóng rất kĩ lưỡng những tư liệu về thời đại, sự kiện hay nhân vật mà mình quan tâm. Người viết tìm thấy ở đó những điểm níu giữ, những chất liệu chân thực, từ đó dùng trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo và hư cấu để phục dựng. Soi rọi tiểu thuyết của Hồ Anh Thái từ góc nhìn liên văn bản, người đọc sẽ gọi dậy những kí ức về văn hóa, lịch sử nhằm kiến tạo và thụ hưởng quá khứ theo cách riêng của mình.
Đến với miền đất Phật, trước hết là một nhân duyên đối với Hồ Anh Thái, trong thời gian sinh sống tại đây, nhà văn không bỏ lỡ cơ hội khám phá các vùng đất nổi danh cũng như tiếp xúc với nhiều tầng lớp người Ấn, vì thế mà Hồ Anh Thái khá am tường về lịch sử, con người, văn hóa và tư tưởng
57
triết học Ấn Độ. Những kiến thức đó là nguồn tư liệu quý giá để nhà văn tái hiện cuộc đời Đức Phật trên trang viết theo cách riêng của mình. Từ truyện tích Phật, Hồ Anh Thái viết nên những câu chuyện về cuộc đời Đức Phật với trí tuệ thâm sâu, uyên bác, lòng từ bi bao la như biển cả trong Chuyện cuộc đời đức Phật, Đến muộn, Kiếp người đi qua... và người đọc gặp lại những câu chuyện này trong tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi. Mỗi câu chuyện có nguồn gốc từ một huyền thoại và nhà văn dựa trên trí tưởng tượng làm sống lại những huyền thoại. Với việc vay mượn những truyền tích Phật giáo, sáng tạo và hư cấu trên tinh thần tôn trọng lõi chân sử, kết hợp khéo léo giữa huyền thoại và lịch sử, sử dụng bảng phối giọng đa âm, Hồ Anh Thái đã thành công trong việc dựng lên chân dung một đấng giác ngộ vừa thiêng liêng vừa gần gũi cũng như chuyển tải khá nhuần nhuyễn những tư tưởng của đạo Phật vào tác phẩm mà không hề khiên cưỡng. Phật giáo được coi là tín ngưỡng có nhiều yếu tố tích cực, là thành tố đan dệt nên bức tranh văn hóa, vì vậy, nó trở thành yếu tố liên văn bản trong các sáng tác văn chương. Đặc biệt với nhà văn có tầm hiểu biết rộng về văn hóa phương Đông như Hồ Anh Thái thì dấu ấn Phật giáo không chỉ ăn sâu trong tâm trí của nhà văn mà còn được bộc bạch một cách đặc sắc, tập trung chủ yếu về lịch sử và những câu chuyện xoay quanh cuộc đời Đức Phật qua các tập truyện ngắn, tiểu thuyết.
Trong tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi, Hồ Anh Thái lấy bối cảnh về cuộc đời của Đức Phật ở Ấn Độ, đó là hình mẫu, là nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tạo nghệ thuật. Khi khảo sát tiểu thuyết này, chúng tôi thấy rằng tính liên văn bản chủ yếu biểu hiện ở dạng trích dẫn, hấp thu và biến hóa các giá trị văn hóa, lịch sử Ấn Độ. Nhân loại biết đến Đức Phật Thích Ca với những phẩm chất cao đẹp, lòng từ bi thì bao la, trí tuệ thì thông sâu, uyên bác.
Nhân vật Đức Phật trong sáng tác Hồ Anh Thái vừa giống và vừa khác với hình ảnh Đức Phật của những người khác, “giống vì chúng ta đều có một mẫu
58
số chung khi tiếp nhận kiến thức về Người” [52, tr.439], tuy nhiên, có khác về trí tưởng tượng, tư tưởng và quan niệm thẩm mĩ nhưng vẫn nằm chung những khuôn mẫu nhất định. Chẳng hạn, câu chuyện về lòng từ bi của thái tử Siddhattha, trong văn bản Sự tích Đức Phật Thích Ca (tác giả Trần Hữu Danh, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh) hay trong tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi vẫn nằm trong những ám gợi, trích dẫn chung. Khi Devadatta, một người em cô cậu có tranh chấp với Siddhattha về việc cứu con chim thiên nga. Cả hai mang ra triều đình phân xử:
Devadatta nói: - “Lúc con chim thiên nga đang bay trên trời thì nó không thuộc về của ai cả. Nhưng chính tôi đã bắn trúng con thiên nga rơi xuống đất thì nó trở thành của tôi” [8, tr.33].
Siddhattha biện luận rằng: - “Sự sống là quý nhất trên đời, kế đó là sự tự do. Con chim thiên nga đang bay trên trời là biểu tượng của sự sống và sự tự do. Nó không trở thành vật sở hữu của người bắn trúng nó. Vì vậy chim thiên nga phải được giao cho người bênh vực sự sống và sự tự do của nó chứ không nên giao cho người chủ tâm giết hại nó… Sau khi thảo luận một hồi lâu, triều thần cho rằng Siddhattha có lý” [8, tr.33].
Cũng về câu chuyện tranh chấp và cứu chim thiên nga, trong tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi, Hồ Anh Thái viết rằng: “Tất thảy mọi người đều coi mạng sống của mình quý hơn bất cứ thứ gì trên đời. Vậy con thiên nga thuộc về người cứu mạng nó, chứ không thuộc về người cướp mất mạng sống của nó.
Nhà hiền triết bảo.
Mọi người ngồi im. Trong triều thời ấy, im lặng là tán đồng” [52, tr.37- 38].
Có lẽ trong giới nhà văn Việt Nam hiện đại, người có được môi trường làm việc như Hồ Anh Thái không nhiều, và người biết chuyển hóa những gì
59
thu nhận được từ môi trường đó vào các sáng tác của mình để tạo nên một dòng chảy giao lưu, tiếp biến đậm chất văn xuôi cá tính như Hồ Anh Thái quả là không nhiều. Trong những nhân tố tạo lập nên tư tưởng văn chương Hồ Anh Thái, có lẽ nhân sinh quan Phật giáo đóng vai trò quan trọng. Dấu ấn của Phật giáo in đậm trong văn xuôi Hồ Anh Thái, tạo thành một nguồn cảm hứng sáng tác dồi dào và chi phối khá nhiều tới văn phong. Trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái, tinh thần giải thiêng không có nghĩa là báng bổ thánh thần mà
“theo nghĩa quét sạch mây mù huyền thoại bao quanh cuộc đời Đức Phật để làm hiển lộ chân dung một nhà hiền triết, một nhà tư tưởng đã tìm ra con đường giải thoát” [36] cho chúng sinh khỏi những nỗi khổ trần gian. Đây là cách tiếp cận rất đặc biệt của Hồ Anh Thái. Xuyên suốt các chương Đức Phật (trong Đức Phật, nàng Savitri và tôi), người đọc nhận thấy thường xuyên có sự đối thoại, phản biện ngầm của tác giả trước những chi tiết mang màu sắc huyền thoại về Đức Phật mà kinh điển Phật giáo đã ghi lại. Tinh thần giải thiêng còn được thể hiện qua việc phát triển đạo pháp và xây dựng giáo hội của Đức Phật. Và sự tồn tại của nàng công chúa Savitri cùng tình yêu dữ dội dành cho hoàng tử Siddhartha đã hoàn tất quá trình giải thiêng hình ảnh Đức Phật. Cuộc đời Đức Phật là đề tài không phải xa lạ trong văn học nhưng còn khá mới mẻ qua từng cách khai thác, chuyển tải của mỗi nhà văn….