CHƯƠNG 3. LIÊN VĂN BẢN TRONG TIỂU THUYẾT HỒ ANH THÁI NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN HÌNH THỨC
3.3. NGHỆ THUẬT TÍCH HỢP NGÔN NGỮ VÀ THỂ LOẠI
3.3.2. Tích hợp thể loại
Trong tiểu thuyết, tính liên văn bản tác động và liên hệ chặt chẽ với bản chất thể loại, mỗi văn bản tiểu thuyết là sự gợi nhắc, đối thoại hay giễu nhại một văn bản tiểu thuyết đã tồn tại trước đó. Trong giao tiếp văn học, khi người đọc “gặp một tác phẩm nào đó có sự “trục trặc”, “hỗn hợp” hay “pha tạp” về thể loại (trong thế so sánh với một tác phẩm tưởng tượng có sự
“thuần khiết thể loại”) thì ký ức về thể loại kia càng được bật mở và gợi nhắc mạnh mẽ hơn bao giờ hết” [75]. Chính vì thế, một tác phẩm văn học có dung lượng lớn như tiểu thuyết thường có điều kiện mở rộng phạm vi giao tiếp, đối thoại, đồng thời từ đó xác lập hệ thống nghệ thuật tích hợp. Văn xuôi Việt Nam đầu thế kỉ XXI với những cách tân mạnh mẽ trong thể loại tiểu thuyết, nhất là sự xóa nhòa ranh giới thể loại như là một “biến tấu” làm cho hiện tượng liên văn bản xuất hiện một cách thường xuyên, ở nhiều cấp độ và dạng thức khác nhau tạo nên kiểu kết cấu truyện lồng truyện. Hình thức văn bản trong văn bản góp phần tạo nên những tiếng nói khác nhau, mở rộng trường nhìn, đa dạng hóa cấu trúc của tiểu thuyết. Trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái, hiện tượng liên văn bản trong các tác phẩm xuất hiện một cách thường xuyên, ở nhiều cấp độ, nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt trong sự liên phối với kiểu kết cấu truyện lồng truyện. Trong Đức Phật, nàng Savitri và tôi, Hồ Anh Thái xây dựng một mô hình tiêu biểu cho nghệ thuật liên văn bản theo kiểu truyện lồng truyện. Tiểu thuyết triết luận này được cấu thành bởi ba phần rõ rệt, nhưng ba phần ấy không tách lìa nhau mà lẫn vào nhau để tạo thành một kết cấu chặt chẽ, dẫn tới một kết thúc chung nhất, ở đó có ba câu chuyện xoay quanh ba nhân vật Đức Phật, nhân vật nàng Savitri và nhân vật tôi. Theo lí thuyết về các tầng, tiểu thuyết này được kết cấu gồm những vòng tròn đồng
100
tâm lồng vào nhau tạo nên những tấm thảm diễn ngôn được trang trí bởi lớp ngôn từ giàu chất triết thuyết. Ở lớp diễn ngôn thứ nhất, tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi là câu chuyện về chuyến hành hương của nàng Savitri và nhân vật tôi. Ở lớp diễn ngôn thứ hai, đó là câu chuyện về hành trình trốn chạy của cô công chúa ở Ấn Độ cổ đại cũng có tên là Savitri cùng một tình yêu dành cho thái tử Siddhattha. Và ở lớp diễn ngôn cuối cùng, là câu chuyện về hành trình đi tìm chân lí của thái tử Siddhattha, sau này là Đức Phật. Nghệ thuật tích hợp trong tiểu thuyết này của Hồ Anh Thái còn thể hiện ở sự xâm nhập của tiểu luận triết học (Phật giáo), khiến tác phẩm mang một giọng điệu trầm tư, giàu suy ngẫm, kích thích cảm hứng liên tưởng, sáng tạo của chủ thể tiếp nhận. Chính vì thế, khi đọc mỗi người sẽ có một cách tiếp nhận riêng, sẽ có một văn bản riêng theo cách cảm của từng người. Ở góc nhìn tương tác thể loại, có thể thấy tiểu thuyết giai đoạn này vận động và đổi mới mạnh mẽ. Bên cạnh chiều tương tác đồng đại, tiểu thuyết còn tích cực cộng tác thể loại theo chiều lịch đại; bên cạnh sự tương tác thể/thể là sự tương tác thể/loại, thể/yếu tố. Mỗi sự tương tác tạo cho tiểu thuyết một tiểu loại mới, sự tổng hợp của nhiều chiều tương tác làm cho gương mặt tiểu thuyết giai đoạn này trở nên phong phú, đa sắc. Ở phương diện tương tác thể loại, chúng tôi nhận thấy nhiều truyện ngắn như Chuyện cuộc đời Đức Phật, Kiếp người đi qua như là những văn bản tiền thân của Đức Phật, nàng Savitri và tôi. Phương diện thể loại đã xâm nhập vào từng truyện ngắn, trong từng tiểu thuyết của Hồ Anh Thái. Cùng với sự xóa nhòa ranh giới thể loại, hiện tượng liên văn bản xuất hiện một cách thường xuyên ở nhiều cấp độ và dạng thức khác nhau, tạo nên kiểu kết cấu truyện lồng truyện. Xét ở cấp độ kiến trúc liên văn bản, tiểu thuyết trong tiểu thuyết là một dạng thức đặc biệt. Các nhà nghiên cứu xếp dạng thức này vào loại siêu tiểu thuyết (metafiction). Ở dạng này, nhà văn trình bày về kỹ thuật viết và tiến trình xây dựng tác phẩm ngay trong tác
101
phẩm của mình. Với dạng siêu tiểu thuyết, vai trò của người kể chuyện toàn tri gần như bị mờ hóa, ngôi trần thuật thứ nhất tỏ ra có ưu thế vừa chuyện vừa kể, vừa viết văn, vừa bàn về công việc viết văn và nhân vật của mình.
Tiểu thuyết là một trò chơi kết cấu, trò chơi ấy có hấp dân không tùy thuộc vào sức sáng tạo của nhà văn. SBC là săn bắt chuột là một trong những tiểu thuyết tiêu biểu cho hình thức liên văn bản theo kiểu truyện lồng truyện, hay nói cách khác là chuyện trong tiểu thuyết. Mỗi chương trong tiểu thuyết là một câu chuyện thu nhỏ về tất cả những vấn đề của đời sống đương đại qua những lát cắt về một ông Cốp thì mưu mô về quyền lực và tham vọng, một đại gia tòn ten với bồ nhí và gái gú, một tên luật sư thì thui chột, đạo đức giả, vô nhân tính, một giáo sư, một nhà thơ mất nhân cách… Tất cả đều hiện lên trong tiểu thuyết như một thế giới dị thường, thế giới của những cuộc đấu tranh giữa người và chuột, một thế giới kỳ ảo mà rất chân thực về một xã hội thị dân với những con người phận vị như ông Cốp, Đại gia, Luật sư, Giáo sư, Thư ký, cô Báo, chú Thơ… đang trong guồng quay của những mưu toan tranh giành quyền lực, tiền bạc, những danh dục huyễn hoặc. Một xã hội thị dân mà cái xấu xa, giả dối, rởm đời nhân danh cái đẹp, cái thiện, cái tử tế đang nhan nhản lộng hành. Trong SBC là săn bắt chuột cái nghiêm túc bị nhại, trở thành chính cái cười cợt. Mặt khác, ở nhà văn này, tiểu thuyết cũng có một dạng kết cấu khác mà rất thông dụng trong văn học Trung Quốc, đó là kiểu kết cấu chương hồi. Cách đặt tiêu đề mỗi chương trong tiểu thuyết này đều có sự nhại lại theo kiểu chương hồi: “Ai sợ chuột đừng đọc chương này”, “Ai giàu xổi đừng đọc chương này”, “Ai giáo sư đừng đọc chương này”… Chính vì thế, cách đặt tên từng chương độc đáo theo kiểu kết cấu chương hồi đã dụ dỗ sự tò mò của người đọc và tạo ra một hiệu quả nghệ thuật rất cao trong tiểu thuyết.
Trong tiểu thuyết, Hồ Anh Thái sử dụng một lượng tri thức tổng hợp trong các sáng tác của mình, đặc biệt trong nhiều tiểu thuyết đã tích hợp nhiều
102
hình thức diễn xướng, không chỉ hát ru, ca dao, dân ca. Trong Đức Phật, nàng Savitri và tôi còn có cả kinh kệ, truyền thuyết, ngụ ngôn, mô típ truyện cổ...
góp phần làm cho thể loại trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái trở nên phong phú, đa dạng và cũng không kém phần hấp dẫn người đọc. Cũng trong tiểu thuyết của nhà văn này, ngoài sự nổi bật của chất văn xuôi còn thấm đẫm chất lịch sử, huyền thoại. Cũng trong tiểu thuyết này, những câu chuyện xung quanh về cuộc đời Đức Phật, những câu chuyện về Nữ thần Đồng trinh…
khiến người đọc không khỏi liên tưởng đến lịch sử đất nước Ấn Độ cổ đại.
Đồng thời với tiểu thuyết sau 1986 nói chung và tiểu thuyết Hồ Anh Thái nói riêng, những tiểu loại bi kịch, hài kịch tham gia mạnh mẽ Cõi người rung chuông tận thế, Đức Phật, Nàng Savitri và tôi, SBC là săn bắt chuột đã tạo nên những sắc thái khác nhau của một thời kỳ tiểu thuyết mới.
Ở phương diện khác, nghệ thuật tích hợp thể loại trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái còn biểu hiện đa dạng trong việc sử dụng các thể loại văn học dân gian, âm nhạc… Sự đổi mới trong sáng tác của Hồ Anh Thái biểu hiện ở việc sử dụng khá nhiều thành ngữ, tục ngữ (nguyên dạng và cải biến); chế tác các ngữ tự do theo kết cấu của thành ngữ, tục ngữ; cấu tạo lối nói mới theo kết cấu thành ngữ, nhại lời bài hát với hàm nghĩa giễu nhại. Có thể xâu chuỗi nhiều tác phẩm của Hồ Anh Thái để khẳng định anh là một nhà văn biệt tài trong việc tiếp biến, sử dụng thành công hệ thống lời ăn tiếng nói đời thường để tạo nét riêng và sức ám gợi cho trang viết: từ ca dao, tục ngữ, thành ngữ, âm nhạc... được nhà văn sử dụng một cách nhuần nhuyễn. Có thể thấy trong tiểu thuyết đầy ắp nhạc chế, thơ chế, ca dao, tục ngữ chế.
Với xu hướng làm ngắn tiểu thuyết, nhiều tác phẩm của Hồ Anh Thái có sự cách tân mạnh mẽ về hình thức thể loại, nhà văn đã để lại những dấu ấn rõ rệt cho cuộc đổi mới cấu trúc thể loại bằng những cái tên SBC là săn bắt chuột, Đức Phật, nàng Savitri và tôi… “mỗi tiểu thuyết trở thành một “tiểu tự
103
sự” về nội tâm và khát vọng cá nhân của con người, với những vang âm của một tinh thần nhân bản sâu xa và mạnh mẽ” [41]. Chính vì thế, với sự xâm nhập mạnh mẽ của chủ nghĩa hậu hiện đại phương Tây vào trong văn học Việt Nam, mà nhất là thể loại tiểu thuyết, mở ra thời kỳ sáng tạo mạnh mẽ, không bó buộc nhà văn theo một quy cách nào. Trong dòng chảy sôi động ấy, đòi hỏi nhà văn không ngừng đổi mới, sáng tạo để tồn tại, khẳng định vị trí của mình.
* *
*
Với sự kết hợp linh hoạt các thủ pháp nghệ thuật trong tác phẩm của mình, Hồ Anh Thái đã đem đến cho tiểu thuyết những nét đặc sắc, mới lạ và hấp dẫn, làm cho người đọc khó cưỡng lại. Mỗi thủ pháp nghệ thuật được sử dụng đã đem lại những hiệu quả thẩm mỹ riêng, bản sắc riêng trong văn chương Hồ Anh Thái. Nhìn chung, dấu ấn liên văn bản trong tiểu thuyết của nhà văn này qua các thủ pháp nghệ thuật đã tạo ra một mạng lưới ngôn từ đa dạng, hấp thu tất cả đặc điểm ngôn từ của các loại hình khác để trở thành một thứ ngôn từ nghệ thuật đặc sắc trong tác phẩm. Các thủ pháp đó lồng ghép vào nhau, tạo nên nhiều tầng bậc ngữ nghĩa trong tiểu thuyết và trong tiếp nhận.
104