Nhại các hình thức diễn xướng

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết hồ anh thái từ góc nhìn liên văn bản (Trang 88 - 91)

CHƯƠNG 3. LIÊN VĂN BẢN TRONG TIỂU THUYẾT HỒ ANH THÁI NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN HÌNH THỨC

3.1. NGHỆ THUẬT GIỄU NHẠI

3.1.2. Nhại các hình thức diễn xướng

Trong văn học nghệ thuật, một văn bản không thể tồn tại độc lập, mà phải nằm trong một hệ thống liên văn bản, nó được hình dung như một mạng lưới gồm hằng hà sa số điểm nút có quan hệ chằng chịt với nhau. Với chủ nghĩa hậu hiện đại, văn chương nghệ thuật có đặc trưng là sử dụng cách thức kể chuyện liên văn bản. Tiểu thuyết Hồ Anh Thái dung nạp khá nhiều hình thức diễn xướng từ âm nhạc, ca dao, hò vè đến những lối nói dân gian có vần có điệu được nhà văn sử dụng nhuần nhuyễn, làm cho lời văn giễu nhại đặc sắc, hấp dẫn. Chính điều này, làm cho dấu ấn liên văn bản trở nên đậm nét hơn. Trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái, âm nhạc được nhại rất nhiều, chủ yếu là nhại lời văn, nhại tiết tấu, nhại giai điệu các ca khúc trữ tình, tiền chiến, nhạc đỏ, thậm chí trích dẫn cả những lời hát cổ. Không chỉ tích hợp đặc tính của âm nhạc vào bản thân mình, văn chương còn có khả năng chuyển dịch tác phẩm âm nhạc thành hình tượng nghệ thuật. Trong SBC là săn bắt chuột, khi giễu nhại sự bất hiếu của Luật sư thọt đối với mẹ già, nhà văn nhại lời ca khúc Mừng tuổi mẹ (Trần Long Ẩn) bằng giọng điệu đùa cợt, hài hước: “Mẹ già như chuối chín cây/ Gió lay mẹ rụng lăn quay ra vườn” [53, tr.260]. Bên cạnh việc trích dẫn nguyên xi âm nhạc, Hồ Anh Thái còn biến tấu theo cách riêng của mình. Một loạt các chất liệu âm nhạc đương đại được nhà văn sử dụng như một thứ “điển cố mới” trong thế giới văn xuôi Hồ Anh Thái. Nói về Luật sư thọt với những tính cách nghịch dị, thích đám ma khi đọc điếu văn, Hồ Anh Thái khéo léo biến tấu giai điệu của ca khúc Những bông hoa trong vườn Bác (nhạc sĩ Văn Dung) đầy bi thương và giễu nhại: “Em ơi nghe chăng nhạc réo rắt/ Trong muôn xe tang/ Trong muôn cánh hoa/ Trong muôn điếu văn ngọt ngào yêu thương/ Nghe xong điếu văn/ Nhìn người thân nát xương” [53, tr.240]. Đối tượng giễu nhại trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái rất đa dạng, chính vì thế nhà văn cũng sử dụng phong phú, linh hoạt các ca từ để giễu nhại. Khi

85

nhại về chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, Hồ Anh Thái đã thay đổi ca từ mê đắm lòng người bằng một lời cải biên rất vần vè, không còn sự trang trọng như bản chất của một ca khúc nổi tiếng Để gió cuốn đi của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì, em biết không?/ Để tránh có thai/ Để tránh có con/ Tránh có thai nên ai ai đều vui/ Nhiều người vui và chào đón nơi nơi/ Tránh có thai nên ai ai đều mong/ Làm sung sướng cho muôn người biết không?” [53, tr.201]. Không có giới hạn cho những ý tưởng sáng tạo nghệ thuật, với sự táo bạo của nhà văn đã không ngần ngại nhại giai điệu của ca khúc một thời - Tiểu đoàn 307 (nhạc sỹ Nguyễn Hữu Trí): “Ai đã từng đi qua muôn bãi tha ma, bãi tha ma có nhiều ma lắm/ Ai đã từng nghe tiếng ma cười, tiếng ma cười vang trong đêm tối” [53, tr.319]. Dấu ấn liên văn bản trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái với âm nhạc không chỉ ở mức độ trích dẫn những câu, đoạn mà còn trích dẫn nguyên cả bài hát. Việc sử dụng nhạc chế để “hát chơi” trong tiểu thuyết của nhà văn này được diễn xướng một cách tự do, tùy hứng nhưng lại phát đi những thông điệp xã hội rất sâu sắc.

Giễu nhại cảnh hạn hán ở Hà Nội trong SBC là săn bắt chuột, nhà văn mượn giai điệu của ca khúc Hà Nội mùa vắng những cơn mưa (thơ Bùi Thanh Tuấn, nhạc Trương Qúy Hải) để diễn tả, nhà văn không còn giữ nguyên lời ca khúc mà thay vào đó là những từ ngữ mộc mạc, gẫn gũi nhưng rất sống động:

Hà Nội mùa này phố cũng như sông/ Cái rét đầu đông, chân em thâm vì ngâm nước lạnh/ Hoa sữa thôi rơi, em tôi bơi cả chiều trên phố/ Đường Cổ Ngư xưa tràn ngập nước sông Hồng… Hà Nội mùa này lòng bao đau đớn/ Ta nhớ đêm nao lạnh đôi tay/ Cho đến hôm qua lạnh đôi chân/ Giờ đây, lạnh luôn toàn thân” [53, tr.5-7]. Cũng giai điệu của ca khúc này, Hồ Anh Thái đã biến tấu theo cách khác để giễu nhại cảnh hạn hán của thủ đô: “Hà Nội mùa này người đưa nhau đến/ Bến cũ như sa mạc Sahara/ Lữ khách thêm yêu miền

86

hoang sơ/ Nhìn nhau càng thêm mộng mơ” [53, tr.342]. Rõ ràng, bước chuyển tiếp từ nhạc truyền thống sang tân nhạc đã trải qua một quá trình “cựa quậy”

mà ngày nay ta gọi là “nhạc chế”. Trong sự “hát chơi” đó trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái, bên cạnh yếu tố giải trí, thì nhại những bản nhạc cải biên đó đã thể hiện tính trào lộng, phê phán sâu sắc. Qua quá trình “nghịch ngợm”,

“xuyên tạc” những văn bản âm nhạc gốc, những ca khúc nhạc chế này làm cho tiểu thuyết Hồ Anh Thái có sức hấp dẫn kỳ lạ.

Trong tác phẩm Hồ Anh Thái, ngoài việc nhại âm nhạc đương đại, nhà văn còn nhại các hình thức diễn xướng dân gian như thơ, dân ca, những lối nói vần vè dân gian, đó là những chất liệu đặc sắc để nhà văn tung hứng trên từng trang sách. Trong chương Ai quá lứa lỡ thì đừng đọc chương này của tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột, nhà văn đã dùng ca dao để nhại một cô quá lứa lỡ thì: “lấy chồng từ tuổi mười ba, đến khi mười tám em đà năm con” [53, tr.14].

Việc giễu nhại các hình thức diễn xướng không chỉ biểu hiện qua việc trích dẫn đơn lẻ, mà còn biểu hiện đặc sắc qua việc tích hợp nhiều hình thức diễn xướng vào trong một đoạn văn ngắn: “cô chủ trương thân này ví xẻ làm trăm được, sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu (nhại Thơ đề đền Sầm Nghi Đống của Hồ Xuân Hương). Thà rằng ở vậy nuôi thân béo mầm. Ở vậy và chơi xuân kẻo hết xuân đi. Bướm lượn rồi bướm ối à nó bay” (nhại dân ca) [53, tr.21]. Việc vận dụng các hình thức diễn xướng một cách sáng tạo trong những tình huống đời thường trong lời đưa đẩy, tung hứng đầy cảm xúc của các nhân vật cũng trở nên phổ quát. Trong tiểu thuyết của nhà văn này, người đọc thấy rằng tác giả không ngần ngại giễu nhại bất cứ hình thức diễn xướng nào, ngay cả những hình thức diễn xướng thần bí, tôn nghiêm nhất cũng trở thành đầu mối giao tiếp liên văn bản. Với cách trích dẫn nguyên xi trong Đức Phật, nàng Savitri và tôi, Hồ Anh Thái nhại lời giáo sĩ: “Om shanti, Om shanti, Om shanti (Ôi bình yên, ôi bình yên, ôi bình yên)” [52, tr.72]. Thậm chí, Hồ Anh Thái còn nhại cả

87

giọng của những người tu hành, khi nhân vật Mai Trừng trong Cõi người rung chuông tận thế bị một vết chém ở cánh tay được đưa vào chùa cứu chữa, thì miệng sư cụ luôn kêu: “Nam mô A Di Đà Phật” [49, tr.249]. Dưới góc nhìn liên văn bản thì nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái biểu hiện rất đặc sắc, đa dạng, tạo cái nhìn đa chiều cho tiểu thuyết. Nghệ thuật giễu nhại với những kiểu giọng điệu, thế giới lời văn nhại, nghệ thuật xây dựng nhân vật… không chỉ làm cho nền văn bản tiểu thuyết trở nên sinh động mà góp phần tạo nên dấu ấn, phong cách riêng, khó lẫn vào đâu được của Hồ Anh Thái trong dòng chảy văn học hậu hiện đại.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết hồ anh thái từ góc nhìn liên văn bản (Trang 88 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)