CHƯƠNG 2. LIÊN VĂN BẢN TRONG TIỂU THUYẾT HỒ ANH THÁI TỪ PHƯƠNG DIỆN NỘI DUNG
2.1. TIỂU THUYẾT HỒ ANH THÁI - LIÊN VĂN BẢN TỪ GÓC NHÌN VĂN HỌC
2.2.2. Tiểu thuyết Hồ Anh Thái - liên văn bản từ dấu ấn văn hóa dân
Văn hóa dân gian có vai trò to lớn trong cách tư duy của con người, trong cách con người cảm nhận thế giới và xã hội. Sáng tác của Hồ Anh Thái là sự dung hợp các vỉa tầng văn hóa, trong đó, có những cách suy tư quen thuộc vẫn không hề mất đi, luôn mang đậm chất dân gian. Chính vì thế, liên văn bản trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái không chỉ hấp thu, biến hóa các tác phẩm văn học hiện đại, văn chương bác học mà còn kết nối với những văn
60
bản - tác phẩm dân gian. Có thể thấy, tình tiết người con gái đẹp có năng lực siêu phàm, thoắt ẩn thoắt hiện trong tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế phảng phất hình tượng nhân vật liêu trai, chí quái trong văn học truyền thống mẫu mực, một thời qua Thánh Tông di cảo của Lê Thánh Tông hoặc trong tác phẩm dân gian Lĩnh nam chích quái. Tuy nhiên, Hồ Anh Thái đã hấp thu, biến hóa để văn bản của mình không hình hài sự bắt chước hay vay mượn mà được tái biên để tạo nên sự sinh sôi của tiếp biến văn hóa, văn học.
Đất nước Ấn Độ như một bảo tàng sống, rất nhiều phong tục tập quán có từ mấy nghìn năm được lưu giữ trọn vẹn đến tận bây giờ. Nhưng trong và sau thời gian Ấn Độ, sáng tác của Hồ Anh Thái có mảng viết về xứ sở Đức Phật mang đậm chất tôn giáo và lịch sử với một cách nhìn cuộc sống và con người đầy nhân văn, nhân ái. Có thể nói, Ấn Độ trở thành một miền cảm hứng của nhà văn, là niềm đam mê lớn, những con người xứ lạ “đã sống với tôi, đã trở thành nhân vật của tôi” như nhà văn từng khẳng định. Văn học viết về từng nơi chốn cụ thể, từng thân phận cụ thể, nhưng là để từ những cái cụ thể ấy nối kết mọi con người ở mọi nơi chốn lại với nhau, gần bên nhau, giúp họ tìm được một sự đồng cảm, yêu thương, trân trọng. Mảng viết về Ấn Độ của Hồ Anh Thái gây kinh ngạc vì sự hiểu biết cặn kẽ, thấu đáo cuộc sống, tâm tính người dân một đất nước có nhiều sắc tộc, tôn giáo, nhiều huyền thoại huyền tích, nhưng sâu xa hơn nhà văn biết nhìn ra những vấn đề chung của cõi người và con người trong những sự khác biệt, độc đáo.
Tiểu thuyết Hồ Anh Thái mở ra một không gian văn hóa khá rộng, vượt ra khỏi biên giới bờ cõi, kết nối cả hàng ngàn thế kỉ, có khả năng liên văn bản với những diễn ngôn về văn hóa một cách rõ ràng. Chẳng hạn, văn bản nền, tiền giả định của Đức Phật, nàng Savitri và tôi là bối cảnh Ấn Độ của những huyền thoại, của những xung đột giữa quá khứ và hiện tại, giữa lạc hậu và văn minh là những tầng trầm tích ý nghĩa của ngôn từ. Viết về sự tích Đức Phật,
61
Hồ Anh Thái không chỉ viết tiểu sử Phật bằng những huyền thoại mà dựng hình ảnh Đức Phật lịch sử. Nhà văn khai thác triệt để nguồn văn minh sông Hằng, văn hóa Ấn Độ, bóc dỡ những lớp sương mù huyền thoại tôn giáo để tìm ra vấn đề thuộc vào cốt lõi của con người Đức Phật, và cõi tâm linh sâu thẳm. Thiếu những “tiền văn bản” này, khó đọc vỡ, đọc nổi các tác phẩm của nhà văn hoặc nói khác đi, có ai không đọc ra tiếng vọng của những văn bản đó trong tiểu thuyết này của Hồ Anh Thái. Vậy văn bản là nơi mà “tác phẩm của một cá nhân luôn là loại kết nút đánh dấu được tạo nên bên trong tấm dệt văn hóa và ngầm trong các văn bản là cả một quần thể những giả định của các văn bản khác” [18].
Nàng Savitri hiện tại đã đưa Đức Phật đến với nhân vật Tôi, đến với người đọc qua những câu chuyện về Ấn Độ cổ đại, văn hóa - con người và cả những giai thoại về sự ra đời của Đức Phật giàu tính minh triết và có giá trị văn hóa lịch sử. Tiểu thuyết Đức Phật, nàng Savitri và tôi thực sự là một bữa tiệc hoành tráng của lịch sử và văn hóa Ấn Độ, nhà văn sử dụng nguyên bản những danh từ riêng, tên nhân vật và địa danh đều không được phiên âm từ tiếng Phạn sang Việt ngữ, chẳng hạn Tất Đạt Đa thì viết là Siddhattha, vườn Lâm Tỳ Ni thì viết là Lumbini… Tác giả thỏa sức vẫy vùng với những kiến thức về Bà La Môn giáo, về kinh Veda, Upanishad, Ramayana, Mahabrata, Kamasutra và cả những cuộc chiến, những tham vọng, đố kị, khổ đau, tang thương... Tuy là bữa tiệc hoành tráng, nhưng nhà tiểu thuyết khéo léo “dọn cỗ” rất vừa phải, cũng là để tạo dấu ấn tay nghề riêng bằng những trường liên tưởng vô tận. Những câu chuyện về cuộc đời Đức Phật (trong Đức Phật, nàng Savitri và tôi) cũng mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian của xứ Ấn như lễ tẩy uế, lễ tịch điền, cả những tục lệ dị biệt, tục đẻ đứng nhuốm màu sắc dị đoan, tục thiêu xác người, lệ cưới hỏi mang ý nghĩa tôn giáo, tục tế ngựa nhằm thôn tính đất đai trắng trợn và độc ác của thời cổ đại. Đọc nhiều trường đoạn ngỡ
62
như anh đang đưa người đọc tới tiểu thuyết phong tục, rồi liền sau đó, anh lại trở về với hiện tại. Chính sự đan xen giữa các mảng huyền thoại và hiện thực ấy đã làm cho cuốn sách có chiều sâu, với những lớp lang rộng hơn bề dày của nó.
Một trong những yếu tố liên văn bản trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái là dấu ấn văn hóa dân gian. SBC là săn bắt chuột là một tiểu thuyết đặc sắc dung hợp hợp nhiều thể loại, mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian biểu hiện hệ thống điển tích qua hệ thống tục ngữ, thành ngữ về xã hội Việt Nam. Trong thời bao cấp, phân phối hàng hóa theo chế độ tem phiếu, dấu ấn lạc hậu của xã hội một thời: “Tôn Đản là chợ vua quan/ Vân Hồ là chợ trung gian nịnh thần/ Bắc Qua là chợ thương nhân/ Vỉa hè là chợ nhân dân anh hùng!” [53, tr.226].
Càng về sau, văn chương của Hồ Anh Thái thấm đẫm chất phương Đông, hồn văn hóa dân tộc. Lời ăn tiếng nói dân gian đi vào văn chương một cách tự nhiên: “đi đời nhà ma” [53, tr.276], hay “đẹp giai đi bộ không bằng mặt rỗ đi lơ/ không bằng đù đờ đi cúp/ không bằng anh cụt ngồi xe hơi” [53, tr.321].
Trong tiểu thuyết, có khi Hồ Anh Thái sử dụng “chất liệu” dân gian (mèo - chuột, ngựa - dây cương…) để diễn đạt một cách khéo léo: “Khoảng thời gian kéo dài vờn nghịch khi con mèo đã chộp được một con chuột nhưng chưa vội hóa kiếp cho nó” (53, tr.149), hay “Hắn phải gồng mình lên, hắn phải vận hết lý trí để ghìm cái con ngựa chỉ chực tuột dây cương trong người hắn” [53, tr.156]. Chất dân gian trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái còn thể hiện ở những trang miêu tả về lễ xóa tội vong nhân tuyệt hay (trong Cõi người rung chuông tận thế), hay lễ tẩy uế (trong Đức Phật, nàng Savitri và tôi)…
Có thể nói, sự mở rộng giao lưu văn hóa đa chiều đem tới nhiều kinh nghiệm nghệ thuật mới lạ trong bút pháp mỗi nhà văn. Đặc biệt, với tiến sĩ ngành Văn hóa phương Đông thì sự trải nghiệm ấy trong sáng tác của anh trở nên độc đáo hơn, sự liên kết giữa các vỉa tầng văn hóa đặc sắc, đa dạng đã tạo
63
ra cho văn bản của Hồ Anh Thái sự đa diện, đa thanh, đa giọng ở cả cách thể hiện và tiếp nhận. Tiếp nhận tiểu thuyết Hồ Anh Thái, người đọc không chỉ được tham gia vào một “trò chơi”, được tự khám phá tiềm lực văn hóa, để giải mã những tín hiệu trò chơi ấy và người đọc phải được trang bị những tri thức văn hóa. Tính liên văn bản luôn mang tinh thần đối thoại, nó phá vỡ tính chất trung tâm của cấu trúc, văn bản (tác phẩm), không còn là một thế giới khép kín, mà trở thành một tác phẩm mở (như quan niệm của nhà kí hiệu học Umberto Eco), nó cần được bổ sung và tạo khả năng bổ sung, vì thế giữa các văn bản văn học tự do tương tác lẫn nhau qua trò chơi ngôn từ.