Chương 2 THỰC TRẠNG CÔNG TÁC THỐNG KÊ NÔNG NGHIỆP TẠI CỤC THỐNG KÊ QUẢNG NINH
2.2. Thực trạng công tác thống kê nông nghiệp tại Cục Thống kê Quảng Ninh
2.2.2. Thực trạng về Hệ thống chỉ tiêu thống kê nông nghiệp
Hệ thống Chỉ tiêu Thống kê kinh tế xã hội nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng là cơ sở cho việc xây dựng các chế độ báo cáo thống kê tổng hợp, chương trình điều tra thống kê quốc gia, chế độ báo cáo thống kê cơ sở và sự phân công, phân nhiệm trong thu thập, tổng hợp và công bố số liệu thống kê.
Hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế xã hội cấp tỉnh, huyện do Tổng cục Thống kê xây dựng căn cứ theo Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (ban hành kèm theo Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 02/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ) và căn cứ theo yêu cầu đặc thù của các địa phương.
Nhìn chung, Hệ thống chỉ tiêu thống kê trong lĩnh vực nông nghiệp cấp tỉnh, huyện, xã đã đáp ứng được yêu cầu thông tin của lãnh đạo các cấp, các tổ chức cá nhân; đảm bảo tính hợp lý, tính toàn diện và phù hợp thông lệ quốc tế.
Các chỉ tiêu trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung được chia làm 3 lĩnh vực nhỏ (nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản)
+ Nhóm các chỉ tiêu về nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi): phản ảnh được tình hình và kết quả sản xuất của ngành này như: diện tích, năng suất sản lượng các loại cây trồng; số lượng và sản phẩm gia súc gia cầm; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp…
+ Nhóm các chỉ tiêu về lâm nghiệp: phản ánh tình hình về trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; tình hình khai thác gỗ lâm sản; tình hình thiệt hại rừng, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp…
+ Nhóm các tiêu về thủy sản: phản ánh tình hình về diện tích mặt nước nuôi trồng, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, phương tiện phục vụ đánh bắt; giá trị sản xuất ngành thủy sản…
+ Nhóm các chỉ tiêu còn lại: chỉ tiêu về trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản…
Tuy nhiên, Hệ thống chỉ tiêu này vẫn chưa có các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sản xuất của từng phân ngành; một số loại sản phẩm chính như cây lúa, lợn thịt…
có phản ánh nhưng chưa được đưa vào hệ thống chỉ tiêu thống kê hàng năm, mà chỉ được thu thập thông qua tổng điều tra NTNN (5 năm/ lần).
2.2.2.1. Chế độ báo cáo thống kê nông nghiệp
- Chế độ báo cáo thống kê cơ sở bao gồm các quy định về đối tượng thực hiện, nội dung báo cáo, kỳ hạn, thời hạn thực hiện, nơi nhận báo cáo do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để thu thập thông tin thống kê từ các chứng từ, sổ ghi chép số liệu ban đầu.
Hiện nay, trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thực hiện chế độ báo cáo thống kê cơ sở áp dụng cho các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ban hành theo quyết định số 77/2010/QĐ –TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30 tháng 11 năm 2010. Đây là chế độ báo cáo doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo hướng đa ngành đầu tiên ở nước ta được áp dụng theo nguyên tắc doanh nghiệp có ngành nghề, hoạt động sản xuất kinh doanh loại nào thì báo cáo các loại hình đó. Trong chế độ báo cáo này bên cạnh những báo cáo đặc điểm chung của doanh nghiệp (như lao động, thu nhập,..), còn có những báo cáo về một số chỉ tiêu chủ yếu trong nông, lâm nghiệp và thủy sản như: báo cáo kết quả diện tích, năng suất, sản lượng cây nông nghiệp, số lượng và sản phẩm chăn nuôi, trồng rừng chăm sóc rừng và khai thác lâm sản, báo cáo nuôi trồng thủy sản, báo cáo khai thác thủy sản.
- Chế độ báo cáo thống kê Tổng hợp chuyên ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản ban hành theo Thông tư 08/2012/TT-BKHĐT áp dụng đối với Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thay thế cho chế độ báo cáo thống kê tổng hợp ban hành theo quyết định số 111/2008/QĐ – TTg ngày 15 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã thực hiện được hơn 2 năm gồm 30 biểu đảm bảo tổng hợp, công bố đầy đủ các chỉ tiêu thống kê thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mà Tổng cục Thống kê có trách nhiệm thu thập, tổng hợp và công bố. Chế độ báo cáo thống kê Tổng hợp chuyên ngành Nông, lâm nghiệp và
thủy sản hiện nay đã bỏ được nhiều chỉ tiêu không hiệu quả, đồng thời bổ sung được nhiều chỉ tiêu cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin về nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong nền kinh tế thị trường như: bổ sung các chỉ tiêu về kinh tế trang trại, thêm báo cáo về hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chuyển đổi, thành lập mới theo Luật HTX, bổ sung các chỉ tiêu trồng rừng theo dự án trồng mới 5 triệu ha trong ngành lâm nghiệp, bổ sung báo cáo theo dõi tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp liên doanh, liên kết với nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, ngoài ra, còn tăng thêm kỳ báo cáo 6 tháng, báo cáo ước tính, báo cáo sơ bộ...
Đảm bảo thông tin phục vụ yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; đồng thời loại bỏ những chỉ tiêu báo cáo trùng lắp không cần thiết giữa các kênh thông tin trong nội bộ ngành Thống kê cũng như giữa Tổng cục Thống kê với các Bộ, ngành liên quan.
So với trước đây chế độ báo cáo mới đã được cải tiến rất nhiều về nội dung và giảm thiểu đáng kể về số lượng chỉ tiêu theo hướng tinh giản, thiết thực và có hiệu lực; đã bổ sung các chỉ tiêu mới trong hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) của Liên Hợp Quốc: giá trị sản xuất; chi phí trung gian và giá trị tăng thêm trong ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản thay thế chỉ tiêu giá trị sản lượng, thu nhập quốc dân nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tính theo hệ thống bảng cân đối kinh tế quốc dân (MPS), bổ sung các chỉ tiêu về trồng rừng theo dự án 327, khai thác đánh bắt hải sản theo bảng phân ngành kinh tế quốc dân mới,...
Tính chặt chẽ và lôgíc của số liệu nông, lâm nghiệp và thuỷ sản còn được thể hiện ở sự thống nhất về khái niệm, nội dung giữa các chỉ tiêu đầu vào và các thông tin đầu ra. Các thông tin đầu vào về cơ bản được khai thác hết để tổng hợp kết quả đầu ra. Ngoài ra, sự trồng chéo trong thu thập thông tin giữa các hình thức khác nhau (giữa thu thập thông tin qua điều tra và thu thập thông tin qua chế độ báo cáo cơ sở) đã được hạn chế tối đa, đảm bảo tránh được sự mâu thuẫn giữa các nguồn số liệu và tiết kiệm kinh phí cho công tác thu thập thông tin.
2.2.2.2. Phương thức điều tra thu thập thông tin
- Điều tra thống kê là phương thức thu thập được sử dụng rộng rãi trong cả
nước cũng như quốc tế. Hiện nay, thu thập thông tin qua điều tra thống kê là hình thức thu thập chủ yếu. Với những ưu điểm là thu thập thông tin nhanh chóng, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao và luôn thay đổi của người sử dụng, hình thức này đang dần thay thế cho hình thức thu thập thông tin qua chế độ báo cáo.
- Hiện nay hình thức thu thập thông tin nông, lâm nghiệp và thủy sản chủ yếu là điều tra, nhưng do hạn chế về kinh phí và lực lượng nên chất lượng số liệu chưa cao. Đối với điều tra toàn bộ như: Điều tra diện tích đất đai, diện tích gieo trồng, số lượng đàn gia súc, số lượng máy móc và các công trình thủy lợi, số lượng HTX, số lượng trang trại, tàu thuyền đánh cá, v.v... hiện nay chưa thực hiện đầy đủ cho tất cả các loại đối tượng điều tra, mà chỉ dừng lại ở một số đối tượng chủ yếu như diện tích gieo trồng lúa, ngô còn hầu hết các đối tượng khác chỉ điều tra theo chu kỳ 3-5 năm một lần, các năm không điều tra toàn bộ buộc phải khai thác các nguồn số liệu khác để bổ sung hoặc điều tra mẫu để điều chỉnh. Một số cuộc điều tra lẽ ra phải tiến hành toàn bộ nhưng do thiếu kinh phí nên phải điều tra mẫu (số lượng gia súc; máy nông nghiệp, v.v...).
- Đối với điều tra mẫu, như điều tra năng suất cây trồng, cơ cấu và chất lượng đàn gia súc, chi phí sản xuất, chi phí trung gian trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, v.v... đều phải hạn chế số lượng mẫu, đơn giản cách chọn mẫu, cách tính toán sao cho vừa đáp ứng được yêu cầu cơ bản về độ tin cậy của số liệu, nhưng lại vừa với kinh phí ít và lực lượng mỏng của thống kê cơ sở. Số lượng mẫu ít, sai số phi chọn mẫu có khả năng thấp, nhưng sai số chọn mẫu lại cao, ảnh hưởng đến chất lượng kết quả suy rộng. Đối với một số cuộc điều tra quan trọng như năng suất lúa, ngô, yêu cầu thông tin theo cấp hành chính là rất lớn, trong khi khả năng kinh phí có hạn nên số lượng mẫu được chọn chỉ đại diện cho cấp huyện và cấp tỉnh, không thể đại diện cho cấp xã hoặc cho từng giống lúa, trà lúa (điều tra năng suất lúa). Ví dụ: điều tra năng suất lúa hiện nay chỉ tiến hành ở 1/3 số xã, với 200 hộ mẫu mỗi huyện (đồng bằng), 100 hộ (miền núi) là rất ít.
- Cũng chính vì lý do trên mà nhiều huyện, thậm chí cả xã, HTX lại đầu tư kinh phí có mẫu riêng của từng xã để họ điều tra, tính toán năng suất lúa cho xã
theo chỉ đạo của huyện. Như vậy, cùng một cuộc điều tra năng suất lúa trên cùng một huyện có 2 dàn mẫu khác nhau, thậm chí 2 lực lượng, 2 nguồn kinh phí khác nhau, dẫn đến 2 kết quả khác nhau. Điều đó đã xẩy ra ở nhiều địa phương, dẫn đến sự đánh giá khác nhau về cùng một hiện tượng trên cùng một địa phương mà nguyên nhân chủ yếu do nội dung, phương pháp thu thập thông tin không thống nhất từ cơ sở. Đối với các cuộc điều tra mẫu khác, do kinh phí ít lực lượng mỏng, nên sai số chọn mẫu và phi chọn mẫu đều là những vấn đề nan giải, ngành Thống kê biết nhưng chưa xử lý hết.
- Hiện tượng chênh lệch quá lớn về năng suất các loại cây trồng giữa vùng này với vùng khác, huyện này với huyện khác là phổ biến, có khi rất lớn, rất vô lý nhưng rất khó điều chỉnh. Tình trạng năng suất lúa của một số huyện miền núi lại cao hơn huyện đồng bằng, huyện trọng điểm thấp hơn huyện khó khăn, không trọng điểm... không phải là cá biệt. Nếu so sánh năng suất cây trồng của cùng một địa phương theo thời gian, thì xu hướng biến động của nó cũng rất khác nhau giữa các thời kỳ và suy cho cùng là do chất lượng điều tra mẫu của thống kê nông nghiệp chưa tốt.
Một điều hiển nhiên là tăng thêm số lượng mẫu điều tra sẽ nâng cao được chất lượng điều tra xong do thiếu về lực lượng và kinh phí nên việc tăng số lượng mẫu là rất khó thực hiện. Với điều kiện như hiện nay ngành thống kê thì đây là việc không khả thi hoặc nếu có thay đổi được được phương án điều tra cũng phải mất một thời gian khá dài.
Ngược lại với việc tăng số lượng mẫu thì việc tập trung giải thích rõ hơn các chỉ tiêu điều tra lại là việc rất dễ thực hiện và hiệu quả lại cao hơn. Thực tế các cuộc điều tra cho thấy, việc tổ chức tốt công tác tập huấn, giải thích rõ cho điều tra viên về phương pháp và các chỉ tiêu cần điều tra sẽ làm tăng chất lượng các cuộc điều tra.
Qua thăm dò ý kiến của các trưởng Chi cục thống kê huyện, thị về tính hợp lý của phương án điều tra thì Trong 14 người được hỏi có 4 người (chiếm 28,57%) số người được hỏi đồng ý với việc tăng số lượng mẫu điều tra; có 8 người (chiếm
57,14%) được hỏi đồng ý với việc cần phải giải thích rõ các chỉ tiêu điều tra
- Hệ thống thống kê Nhà nước do cục Thống kê chịu trách nhiệm thu thập, công bố số liệu nông, lâm nghiệp, thủy sản cả nước từ số liệu về điều kiện sản xuất (đất đai, lao động, máy móc, v.v...) đến kết quả sản xuất và là số liệu chính thống của Nhà nước. Thống kê ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngành Thủy sản thu thập các thông tin tác nghiệp phản ánh quá trình sản xuất, thị trường nông sản, kỹ thuật của các ngành này. Sự phân công như trên tuy có mặt tích cực là chuyên môn hoá cao hơn, nhưng có nhược điểm là nguồn thông tin nông nghiệp ở cấp huyện thường bị chia cắt giữa các giai đoạn của một quá trình sản xuất, dẫn đến sự hạn chế tính thống nhất và liên tục trong theo dõi và đánh giá kết quả sản xuất.
Trong nông nghiệp, ngành thống kê theo dõi đánh giá kết quả sản xuất nhưng Thống kê tiến độ sản xuất, biện pháp kỹ thuật, thị trường lại do Thống kê ngành nông nghiệp thực hiện nên rất khó khăn trong việc đánh giá, thống nhất nguồn số liệu năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi.
- Số lượng đơn vị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là rất lớn, trong đó chủ yếu là hộ gia đình nông dân. Quy mô mỗi đơn vị sản xuất lại rất nhỏ, phân tán, hoạt động đa dạng theo tính tự phát của từng hộ nông dân, các đơn vị doanh nghiệp nông nghiệp của các thành phần kinh tế luôn thay đổi tổ chức và cách thức hoạt động. Doanh nghiệp tư nhân đang tồn tại trong thực tế nhưng lại chưa đăng ký kinh doanh theo luật doanh nghiệp, nên rất khó phân loại để thu thập thông tin. Cho đến nay, nhiều doanh nghiệp tư nhân nông nghiệp nhưng về pháp lý vẫn là hộ gia đình nông dân. Khi điều tra mẫu, các hộ này vẫn được xếp vào danh sách các hộ nông nghiệp bình thường như các hộ khác, kể cả các hộ nghèo, quy mô sản xuất rất bé, thậm chí không có ruộng đất. Do vậy, việc phân loại để tiến hành điều tra, thu thập thông tin của các doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn huyện hiện nay là rất khó. Tiêu chí để phân biệt hộ gia đình với các loại hình doanh nghiệp không có, dẫn đến sự nhận diện và áp dụng phương pháp điều tra khác nhau, kết quả khác nhau. Chất lượng thông tin thống kê thu thập được cũng còn những vấn đề cần bàn. Đối với doanh nghiệp nông nghiệp Nhà nước, mô hình tổ chức và quản
lý hiện nay cũng rất đa dạng và diễn biến phức tạp, rất khó khăn cho việc thu thập thông tin theo chế độ báo cáo. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước (nông trường, lâm trường quốc doanh, trạm trại nông nghiệp) tuy đăng ký ngành nghề là nông nghiệp hoặc lâm nghiệp, nhưng thực tế hoạt động lại là thương mại dịch vụ hoặc kinh doanh tổng hợp. Vì vậy, áp dụng chế độ báo cáo đối với nông, lâm trường quốc doanh cho các đơn vị này thì đúng với lý thuyết song lại sai so với thực tế, gây khó khăn cho hoạt động thống kê nông nghiệp. Kết quả là hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước không thực hiện được chế độ báo cáo thống kê theo quy định và Luật Thống kê hiện nay. Sự thiếu vắng số liệu khu vực quốc doanh nông, lâm, thủy sản cấp huyện là một nhược điểm lớn, cần nhận diện để tìm giải pháp cho những năm tới. Vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh trong nông, lâm, thủy sản chưa được thể hiện qua số liệu thống kê cấp huyện.
Thông tin về nông thôn là một yêu cầu cấp bách của Nhà nước, nhưng với mô hình tổ chức và chế độ báo cáo, điều tra hiện hành thì ngành Thống kê nói chung và thống kê nông nghiệp nói riêng không đáp ứng được. Toàn bộ thông tin về nông thôn không nằm trong hệ thống thông tin thống kê nông nghiệp nên không có số liệu có căn cứ thực tế. Hiện nay Thống kê nông nghiệp chỉ khai thác số liệu Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản các năm 1994, 2001, 2006, 2011 để sử dụng trong báo cáo hàng năm.